Tài liệu cũ của Saigon Echo
từ 2008 - 2012
Play
 
Giám Đốc: Tiến Sĩ Trần An Bài
  • Font size:
  • Decrease
  • Reset
  • Increase

Ý bầu Quốc hội, cử tri lưỡng lự

Italia vote

 



Thủ tướng sắp mãn nhiệm Mario Monti bỏ phiếu tại Milan ngày 24/02/2013.
REUTERS/Stefano Rellandini


Các phòng bỏ phiếu tại Ý mở cửa sáng nay, 24/02/2013.
Gần 50 triệu cử tri nước này được kêu gọi tham gia bầu cử lập pháp. Cuộc bỏ phiếu kéo dài trong hai ngày.

Theo các cuộc thăm dò được công bố cách nay hai tuần, đảng Dân chủ của ông Pier Luigi Bersani sẽ về đầu, tiếp theo là liên minh cách hữu của cựu Thủ tướng Silvio Berlusconi.
Đảng của Thủ tướng mãn nhiệm, ông Mario Monti, có thể đứng thứ tư.

Tương quan lực lượng trên chính trường Ý chưa rõ ràng và còn rất nhiều cử tri lưỡng lự.

Từ Roma, thông tín viên Anne Lenir tường trình :

« Theo các thăm dò do Viện Demopolis thực hiện và được công bố hôm nay, 24/2, một phần sáu cử tri Ý sẽ quyết định vào giờ phút chót, khi họ đến phòng bỏ phiếu.

Tại sao lại có nhiều người lưỡng lự đến như vậy ?
 Bởi vì, khác với các cuộc bầu cử lập pháp trước đây, lần này không chỉ có hai phe lớn là trung tả và trung hữu, mà còn có nhiều chính đảng khác tranh cử, ví dụ như đảng tập hợp cánh trung của Thủ tướng mãn nhiệm Mario Monti, một đảng cấp tiến cánh tả, đảng Cách mạng Dân sự của thẩm phán chống mafia, ông Antonio Ingroia.
 Thế rồi còn có một tổ chức nữa, không tự tuyên bố là cánh tả hay cánh hữu, đó là Phong trào Năm sao.
Như vậy, chính trường Ý không ở còn ở trong tình trạng lưỡng cực, mà là đa cực.

Ẩn số lớn nhất trong cuộc bầu cử lần này là Phong trào Năm sao, tập hợp những người bất bình với các chính đảng truyền thống và các định chế.
Ông Beppe Grillo, người đứng đầu phong trào này, không ra ứng cử, nhưng ông đã gặt hái được thành công lớn khi thực hiện chiến dịch vận động công luận, mang tên « Sóng thần - Tsunami Tour », ở khoảng một trăm thành phố.
 

Tuy vậy, người dân Ý biết rất rõ rằng khi bỏ phiếu cho phong trào này, họ sẽ lao vào một cuộc phiêu lưu rủi ro, nhất là vì tất cả các ứng cử viên Hạ viện và Thượng viện đều là tín đồ.

Thế nhưng, có thể nước Ý cần một sự đoạn tuyệt thật sự và hiện tượng Grillo rất thú vị, nhất là về mặt xã hội học ».

Switch mode views: