Tài liệu cũ của Saigon Echo
từ 2008 - 2012
Play
 
Giám Đốc: Tiến Sĩ Trần An Bài
  • Font size:
  • Decrease
  • Reset
  • Increase

Báo Trung Quốc đe dọa Việt Nam, xuyên tạc người biểu tình

Bị nhiều độc giả người Việt vạch rõ mưu đồ đen tối

BẮC KINH 10-12 (NV) - Những người đi biểu tình ở Hà Nội chống Trung Quốc bá quyền bành trướng ở Hà Nội ngày Chủ Nhật 9 tháng 12, 2012 bị tờ Hoàn Cầu Thời Báo vu cho là chống nhà cầm quyền Hà Nội chứ không phải chống Trung Quốc.

PhuLam-XeTangTQ-TapTran

 

Xe tăng Trung Quốc tập trận tại thành phố “Tam Sa”, nhiều phần là đảo Phú Lâm của Việt Nam. (Hình: Nhân Dân Nhật Báo, Bắc Kinh)

 

Bài bình luận này đi tiếp theo một bài bình luận khác đe dọa Việt Nam là “đừng coi nhẹ quyết tâm bảo vệ chủ quyền lãnh thổ của Trung Quốc”.

“Các lực lượng tổ chức các cuộc biểu tình chống Trung Quốc đã kích động một số sinh viên tuy nhiên phần lớn xã hội thì đang có một sự bí mật ai cũng biết là những lời hô ‘đả đảo Trung Quốc’ thật ra là chống chính quyền.” Hoàn Cầu Thời Báo ngày Thứ Hai 10 tháng 12, 2012 viết.

Bài bình luận <http://www.globaltimes.cn/content/749130.shtml > này nói “trong các bản tin báo chí Tây phương, các người biểu tình được phỏng vấn bày tỏ sự bất mãn đối với nhà cầm quyền chống phát biểu ý kiến công khai, hơn là tức giận Trung Quốc”.

Nếu bài báo bóp méo sự thật này đăng kèm theo một tấm hình nào của các cuộc biểu tình được các hãng thông tấn quốc tế ghi lại hoặc những đoạn video clip phổ biến trên nhiều trang mạng hoặc trên youtube thì độc giả sẽ thấy ngay sự tuyên truyền bịp bợm của Bắc Kinh.

Khi diễn ra các cuộc biểu tình ở Hà Nội và Sài Gòn, tờ Hoàn Cầu Thời Báo (con đẻ của Nhân Dân Nhật Báo, cùng ở địa chỉ số 2 đường Kim Thai Tây Lộ, quận Triều Dương, Bắc Kinh) đưa ra bài bình luận nói “Hơn bao giờ hết Trung Quốc nhất quyết bảo vệ chủ quyền lãnh thổ. Việt Nam cần phải kềm chế hành vi... Chắc chắn Trung Quốc không đứng nhìn khi đối diện với những động thái của Việt Nam và Philippines”.

Bài viết đưa lời bình luận <http://www.globaltimes.cn/content/749031.shtml > về vụ tàu Trung Quốc giả dạng tàu đánh cá cắt cáp thăm dò dầu khí của Petro Vietnam ngày 30 tháng 11, 2012 vừa qua với giọng điệu thách đố khi viết “Chúng tôi không biết các tàu Trung Quốc có cố ý cắt cáp thăm dò dầu khí kéo phía sau tàu của Việt Nam hay không. Cho dù họ có cố ý thì người Trung Quốc cũng vẫn ủng hộ.”

Bài báo này đả kích Việt Nam thường xuyên tìm cách mở rộng kinh doanh dầu khí “trong phạm vi đường 9 đoạn” rồi vu cáo là Việt Nam “ăn cắp” tài nguyên của Trung Quốc. Thái độ ỷ thế quân sự hùng mạnh này của Bắc Kinh được thấy rõ trong việc đưa ra cái bản đồ 9 đoạn hình “Lưỡi Bò” chiếm gần hết biển Ðông, nói là của mình, bất chấp Công Ước Quốc Tế về Luật Biển (UNCLOS) mà họ cũng là một thành viên ký cam kết tuân thủ.

Cùng trong ngày Thứ Hai 10 tháng 12 năm 2012, tờ Nhân Dân Nhật Báo đưa ra một phóng sự 5 tấm hình về cuộc tập trận ở thành phố “Tam Sa”, nhiều phần là trên đảo Phú Lâm trong quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam bị họ cướp năm 1974.

Những tấm hình đó biểu diễn cuộc tập luyện bắn đạn thật của lính thiết giáp trú phòng trên đảo. Ðảo Phú Lâm đã và đang được Trung Quốc gấp rút biến thành một cơ sở quân sự lớn để khống chế một vùng rộng lớn trên biển Ðông.

Phi trường với phi đạo dài 2,700m cho chiến đấu cơ hiện đại lên xuống đã hoàn tất từ năm 1990 cùng với các cơ sở, bến tàu cho hải quân và thiết giáp cùng với trạm radar và khí tượng.

Mới đây là các nhà máy lọc nước biển, nhà máy tiêu hủy rác, nhà máy điện và nhiều cơ sở khác đã được tiến hành xây dựng. Quy mô của những công trình trên đảo Phú Lâm cho thấy Bắc Kinh có kế hoạch lớn dùng sức mạnh quân sự để độc chiếm biển Ðông.

Hai bài bình luận của Hoàn Cầu Thời Báo bị rất nhiều độc giả gửi lời góp ý kiến đả kích thậm tệ là trò tuyên truyền rẻ tiền và thái độ đe dọa của chế độ Bắc Kinh.

Khác với những báo chính thống khác, tờ Hoàn Cầu Thời Báo đăng tải ngay ý kiến độc giả về các bài bình luận của họ, kể cả những ý kiến của người Việt Nam vạch rõ mưu đồ đen tối của Trung Quốc muốn cướp trọn biển Ðông, đả kích đảng Cộng Sản Trung Quốc với những từ ngữ không nhã nhặn.

Switch mode views: