Điểm Báo Pháp Quốc Ngày 14-6-2019
- Thứ Sáu, 14 tháng Sáu năm 2019 23:34
- Tác Giả: Trọng Thành
Dịch tả lợn lan rộng: Hậu quả lối quản lý bất minh ở Trung Quốc
Nước Pháp lo ngại dịch tả lợn tràn từ Bỉ sang.
Reuters
Hai tầu chở dầu tại eo biển Ormutz bị tấn công, vùng Vịnh căng thẳng trở lại ; chương trình hành động mới của chính phủ Pháp dấy lên nhiều tranh luận là một số chủ đề lớn của báo chí Pháp.
Cuộc nổi dậy của Hồng Kông trước nguy cơ đặc khu mất quyền tự trị tiếp tục được theo dõi.
Trước hết xin giới thiệu về dịch tả lợn châu Phi lan rộng : Lối quản lý bất minh tại Trung Quốc bị điểm mặt là thủ phạm chính.
Trong lúc dịch tả lợn châu Phi, bùng phát từ Trung Quốc, tiếp tục lan rộng ra các nước láng giềng châu Á, đến lượt Pháp phải đối đầu với dịch bệnh này.
« Phòng tuyến Maginot » chặn tả lợn
Theo Les Echos, chính phủ Pháp đã phải lập một « phòng tuyến Maginot » dọc biên giới với Bỉ, để ngăn chặn heo rừng từ nước láng giềng tràn sang, với 120 cây số hàng rào cao từ 1,5 đến 2 mét.
Paris hy vọng biện pháp phòng vệ quy mô này, với cái giá là 5 triệu euro, sẽ giúp cho nước Pháp bảo vệ được ngành chăn nuôi heo, duy trì được đà xuất khẩu heo sang Trung Quốc đang gia tăng.
Trong khi đó, tại Trung Quốc, cái nôi của dịch tả lợn - cũng là thị trường thịt heo số một thế giới - dịch bệnh tiếp tục hoành hành, có xu hướng « vượt tầm kiểm soát ».
Kể từ khi xuất hiện cách nay 10 tháng đến nay, dịch tả lợn đã buộc nước này phải tiêu hủy từ 150 đến 200 triệu con (trên tổng số khoảng 700 triệu), tức tương đương với số heo xuất chuồng hàng năm của toàn châu Âu.
Từ Tây Tạng đến ngoại ô Bắc Kinh hay Hồng Kông, không một khu vực nào của Trung Quốc thoát khỏi virus tả lợn.
Virus hiện đã lan rộng tại Việt Nam, Mông Cổ, Cam Bốt, Bắc Triều Tiên và, theo các chuyên gia, không sớm thì muộn sẽ tàn phá Thái Lan, Miến Điện, Lào…
Các trang trại bất tuân
Hiện rất khó biết được chính xác mức độ lây lan của đại dịch, do chính quyền Trung Quốc không minh bạch thông tin.
Theo ghi nhận của ông Vincent Martin, đại diện Quỹ Nông Lương Liên Hiệp Quốc tại Trung Quốc, thì Bắc Kinh chỉ tiến hành các biện pháp ngăn chặn dịch bệnh theo thể thức thông thường, như tiêu hủy hàng loạt, hay giới hạn việc vận chuyển lợn sống giữa các tỉnh…
Trong lúc thách thức thực sự là rất lớn bởi đây là một dịch bệnh cho đến nay chưa có vắc-xin phòng ngừa, và bên cạnh đó, ngành chăn nuôi heo Trung Quốc dựa chủ yếu vào khoảng 26 triệu trang trại rải rác trên khắp cả nước, thường do các gia đình quản lý (chiếm khoảng ba phần tư).
Ông Ernan Cui, chuyên gia thuộc Gavekal Dragonomics, ở Bắc Kinh, nhận định : việc thiếu chuyên gia và ngân sách khiến rất khó áp dụng các biện pháp vệ sinh dịch tễ.
Nhiều chỉ thị của Bắc Kinh không được phía dưới thực thi. Cụ thể như, chính quyền nhiều địa phương và nhà chăn nuôi không muốn thông báo ổ dịch, do tiền đền bù chỉ ở mức 20 đến 30% so với giá thị trường.
Các nhà chăn nuôi cũng sẵn sàng bất chấp lệnh cấm, giết heo làm thịt, ngay khi có dấu hiệu dịch bệnh, và đưa ra thị trường khi có cơ hội.
Ngành chăn nuôi toàn cầu chao đảo
Đại diện FAO tại Trung Quốc cảnh báo, với tình trạng hiện nay, sẽ phải nhiều năm nữa mới có thể khống chế được dịch tả heo Châu Phi tại Trung Quốc.
Theo Les Echos, dịch tả heo tại Trung Quốc đang làm đảo lộn ngành chăn nuôi heo toàn cầu, bởi chỉ riêng Trung Quốc đã chiếm một nửa thị trường tiêu thụ thế giới, cũng như một nửa sản lượng thịt heo toàn cầu.
Việc hàng trăm triệu con heo bị tiêu hủy khiến giá thịt tăng vọt. Thiếu thịt, Trung Quốc tăng nhập khẩu từ Châu Âu.
Giá thịt heo tại Pháp vì vậy tăng 24% từ tháng 3 đến nay, đe dọa làm phá sản nhiều doanh nghiệp trong ngành chế biến thịt.
Bị Bắc Kinh đẩy vào chân tường, giới trẻ Hồng Kông nổi giận
Hồng Kông tiếp tục là một chủ đề chính của báo chí Pháp. Le Monde có bài phóng sự mô tả nỗi giận dữ của giới trẻ Hồng Kông, biểu tình rầm rộ đòi chính quyền đặc khu rút lại dự luật cho phép dẫn độ nghi can sang Hoa lục.
Le Monde mô tả khu vực trung tâm của thành phố, nổi tiếng với những hàng cọ cao và kiến trúc thời thuộc địa, đã biến thành bãi chiến trường trong ngày 12/06, tức hôm sau ngày chính quyền đặc khu quyết định đình hoãn vô thời hạn việc thảo luận về dự luật bị lên án.
Theo một sơ kết ngày hôm qua, 13/06, có ít nhất 70 người bị thương trong các đụng độ, một thiếu nữ bị hỏng một mắt.
Theo Kelvin, một thanh niên 21 tuổi, tham gia biểu tình, thì đây là cuộc chiến nhắm « cứu » Hồng Kông, khác hẳn với phong trào Dù Vàng cách nay 5 năm, đòi hỏi quyền bầu cử dân chủ người lãnh đạo đặc khu.
Giờ đây, tình hình hoàn toàn khác, người dân Hồng Kông không còn đường lùi.
Khi tình hình tạm lắng trở lại, người ta thấy nhiều thanh niên Hồng Kông trở lại đường phố để dọn dẹp, nhưng cũng để thâu lượm một số phương tiện cho phép họ tiếp tục sử dụng trong những lần xuống đường tới.
Vẫn Le Monde có bài : « Hồng Kông : Thách thức sống còn dưới sự kìm kẹp của Bắc Kinh » tìm cách giải thích lý do vì sao một phần bảy người dân Hồng Kông xuống đường vào ngày Chủ Nhật tuần trước, và hai ngày sau thành phố gần như sống trong không khí « nổi dậy ».
Theo nhà nghiên cứu Eric Sautedé, sống tại chỗ, phong trào phản kháng nói trên cho thấy sự « phá sản hoàn toàn » của chính sách đàn áp của Bắc Kinh và chính quyền Hồng Kông.
Việc các lãnh đạo chủ chốt của phong trào Dù Vàng 2014 bị bỏ tù đã không ngăn cản phong trào tiếp tục.
Hồng Kông 2019 đã rất khác
Le Monde cũng nhấn mạnh là Hồng Kông giờ đây không còn là Hồng Kông năm 1997.
Trong lúc kinh tế Hồng Kông hiện chỉ còn chiếm 3% GDP của Trung Quốc (ít hơn gần 10 lần so với năm 1997), thì một phần bảy dân cư đặc khu hiện nay lại không phải là người sinh ra tại đặc khu.
Việc ngày càng có nhiều người từ Trung Quốc sang Hồng Kông định cư khiến tương lai tự trị của đặc khu trở nên ngày một mong manh, trong lúc đời sống của nhóm trung lưu Hồng Kông ngày càng xuống cấp.
La Croix có bài xã luận mang tựa đề « Thách thức Hồng Kông », ghi nhận là phong trào phản kháng không lùi bước, bất chấp việc Bắc Kinh gia tăng áp lực. Theo La Croix, đúng vào dịp 30 năm sau vụ thảm sát Thiên An Môn, chính quyền Trung Quốc một mặt không thể tỏ ra « yếu đuối trước áp lực của đường phố », mặt khác khó lòng cứng rắn hơn.
Hai lý do mà nhật báo Công Giáo đưa ra, thứ nhất là Bắc Kinh cũng như chính quyền Hồng Kông không muốn Hồng Kông mất đi vị thế của một trung tâm tài chính tầm cỡ toàn cầu.
Và thứ hai là Bắc Kinh vẫn cảm thấy có lợi khi duy trì vẻ ngoài của một Hồng Kông bán tự trị, theo nguyên tắc « Một quốc gia, hai chế độ », nhằm hy vọng quyến rũ Đài Loan trở về với « Đất Mẹ » Hoa lục.
Hoa Vi : Phụ thuộc Mỹ về bản quyền, không phải về linh kiện
Về cuộc khủng hoảng Hoa Vi (Huawei), báo kinh tế Les Echos có bài phân tích vén lộ một « Dự án bí mật của tập đoàn Trung Quốc nhằm vượt mặt Google tại châu Âu ».
Nhật báo kinh tế Pháp cũng có bài « Tập đoàn Trung Quốc phụ thuộc vào Mỹ về bản quyền sở hữu trí tuệ, chứ không phải vào các linh kiện ».
Dựa trên các dữ liệu của công ty tin học Mỹ IHS Markit, nhật báo Pháp đã « giải phẫu » một điện thoại di động đời mới của Hoa Vi để đánh giá mức độ tác động của các trừng phạt Mỹ đối với dây chuyền sản xuất Trung Quốc.
Theo Les Echos, điện thoại thông minh Mate 20 Pro của Hoa Vi, với giá thành sản xuất là 375 đô la, có gần một phần ba nhà cung ứng có trụ sở tại Mỹ.
Tuy nhiên, tổng giá trị các linh kiện mà các công ty Mỹ cung cấp cho điện thoại Mate 20 Pro chỉ chiếm chưa đầy 4% giá thành sản phẩm, và không có bất cứ một linh kiện chiến lược nào của điện thoại này được sản xuất tại Mỹ.
Công ty tin học IHS Markit nhấn mạnh là « nhiều linh kiện Mỹ có thể được thay thế bởi các linh kiện tương tự » do các công ty khác sản xuất.
Vấn đề chủ yếu đe dọa Hoa Vi, với các trừng phạt của Mỹ, không phải là linh kiện, mà là các phần mềm.
Hoa Vi hiện không có phương tiện thay thế, nếu không mua các phần mềm thuộc bản quyền của Mỹ. Và điều này không chỉ liên quan đến tập đoàn Trung Quốc.
Nhà cung cấp Qualcomm, có trụ sở tại California, sở hữu đến 90.000 bằng sáng chế liên quan đến điện thoại thông minh và máy tính bảng.
Ngay cả khi tập đoàn Trung Quốc chuyển sang đặt hàng một nhà cung cấp châu Âu, thì vấn đề bản quyền đối với các công nghệ đăng ký tại Hoa Kỳ vẫn còn nguyên.
Vùng Vịnh : Thêm hai tàu dầu bị tấn công, giá dầu tăng vọt
Hôm qua, lần thứ hai trong vòng chưa đầy một tháng, lại xảy ra một cuộc tấn công vào các tàu chở dầu tại vùng Vịnh.
Hai tàu của Na Uy và Nhật Bản - là đích ngắm – đã kêu cứu Hạm đội V của Mỹ đang hoạt động tại vùng biển này.
Ba vụ nổ được ghi nhận tại tàu Na Uy, nhưng con tàu không chìm, thủy thủ đoàn không ai bị thương.
Tàu Nhật bị bắn, nhưng con tàu và thủy thủ đoàn được giải cứu.
Thủ phạm tấn công chưa được xác định. Trong lúc một quan chức quân sự Mỹ cho rằng Iran đứng đằng sau vụ tấn công, Paris và Berlin kêu gọi bình tĩnh và yêu cầu Hội Đồng Bảo An triệu tập họp khẩn.
Le Figaro cảnh báo sự cố vừa xẩy ra đe dọa làm căng thẳng vùng Vịnh tăng thêm.
Ngay từ sáng hôm qua, giá một thùng dầu biển Bắc, được dùng làm hệ quy chiếu cho giá dầu quốc tế, đã tăng hơn 4%, lên mức 62,50 đô la.
Về phần mình, Les Echos tỏ ra không mấy lo ngại về phương diện kinh tế trước mắt, bởi giá tăng 4% rõ ràng là dấu hiệu « bốc lửa », nhưng chưa phải là « hỏa hoạn ».
Ngược lại, với tình trạng Hoa Kỳ gia tăng sản xuất khí đá phiến, ít phụ thuộc vào dầu khí vùng Vịnh, thì đây mới là một mối nguy cơ thực sự.
Bởi chỉ cần một khi không khí bầu cử tổng thống Mỹ 2020 qua đi, rất có khả năngWashington sẽ lơ là với Trung Đông.
Pháp : Chương trình hành động mới gây tranh cãi của thủ tướng
Trở lại nước Pháp, thủ tướng Edouard Philippe hôm thứ Tư 10/06 công bố chương trình hành động mới trước Quốc Hội, được coi là điểm khởi đầu cho « Hồi 2 » nhiệm kỳ của tổng thống Macron.
Báo chí hôm nay bình luận nhiều về chương trình của thủ tướng Philippe.
Le Figaro dẫn kết quả thăm dò dư luận của Odoxa-Dentsu Consulting, cho hay 52% người trả lời tán thưởng các biện pháp của người đứng đầu chính phủ. Tuy nhiên, nhật báo thiên hữu cũng nhấn mạnh đến là chỉ có 37% thật sự an tâm sau các phát biểu của thủ tướng, đồng thời lưu ý là có đến 46% cử tri thậm chí hoàn toàn không nghe nói về thông điệp này.
Báo Le Figaro tỏ ra nghi ngờ về khả năng của chính phủ tìm ra đủ nguồn tiền để chi cho các biện pháp tốn kém hàng tỉ đô la mà tổng thống đã hứa hẹn để dập tắt nỗi phẫn nộ của phong trào Áo Vàng.
Trong khi đó Le Monde dành nhiều giấy mực để phân tích về chiến lược « đi dây » của thủ tướng Philippe, quyến rũ giới cử tri ủng hộ môi trường và tầng lớp người có thu nhập thấp, với việc đặt sinh thái và công bằng xã hội lên thành các mục tiêu hàng đầu của phần còn lại nhiệm kỳ tổng thống.
Theo Le Monde, Matthieu Orphelin, một trong những nghị sĩ đi đầu về môi trường, tuy hài lòng với chương trình hành động của thủ tướng, nhưng quyết định không bỏ phiếu tín nhiệm.
Nghị sĩ vốn thuộc đảng cầm quyền này tuyên bố : điều quan trọng cần theo dõi hiện nay là các biện pháp nhằm biến các mục tiêu, đã được xác định từ đầu nhiệm kỳ, thành các hành động cụ thể.
Tin mới
- Điểm Báo Pháp Quốc Ngày 18-6-2019 - 18/06/2019 16:04
- Những nghi vấn quanh vụ tấn công hai tàu dầu trên biển Oman - 17/06/2019 23:25
- Tổng thống Mỹ Donald Trump lên án báo New York Times « bội phản » - 17/06/2019 20:50
- Hồng Kông : Hai triệu dân xuống đường biểu tình, trưởng đặc khu xin lỗi - 17/06/2019 16:16
- Hạn hán nghiêm trọng, Ấn Độ cấp nước theo « khẩu phần » - 15/06/2019 18:51
- Hồng Kông : Giấu mình trên mạng để tránh cặp mắt cú vọ của Bắc Kinh - 15/06/2019 18:28
- Điểm Báo Pháp Quốc Ngày 15-6-2019 - 15/06/2019 14:48
- Hồng Kông: Lãnh đạo đặc khu tuyên bố đình chỉ dự luật dẫn độ - 15/06/2019 14:14
- Tàu dầu bị tấn công ở biển Oman: Mỹ tố cáo Iran, Teheran phủ nhận - 15/06/2019 03:07
- Hải Quân Nhật tập phối hợp tác chiến với Mỹ ở Biển Đông - 15/06/2019 02:54
Các tin khác
- Nhìn Hồng Kông, Đài Loan càng lo ngại tham vọng thôn tính của Bắc Kinh - 13/06/2019 23:52
- Washington muốn ngăn Trung Quốc tuyển dụng nhà khoa học Mỹ - 13/06/2019 23:27
- Điểm Báo Pháp Quốc Ngày 13-6-2019 - 13/06/2019 21:47
- Bác sĩ Cuba làm « nhiệm vụ quốc tế » hay nô lệ ? - 13/06/2019 21:27
- An ninh Ấn Độ-Thái Bình Dương: Pháp đã dấn thân, Anh đang mày mò - 12/06/2019 22:19
- Điểm Báo Pháp Quốc Ngày 12-6-2019 - 12/06/2019 22:02
- Hồng Kông tê liệt vì biểu tình, dự luật dẫn độ bị hoãn lại - 12/06/2019 16:45
- Sức thu hút đầu tư nước ngoài, bước nhảy vọt của Pháp - 11/06/2019 21:29
- Điểm Báo Pháp Quốc Ngày 11-6-2019 - 11/06/2019 19:29
- Thế nào là một « cường quốc hàng hải » ? - 11/06/2019 13:58