Tài liệu cũ của Saigon Echo
từ 2008 - 2012
Play
 
Giám Đốc: Tiến Sĩ Trần An Bài
  • Font size:
  • Decrease
  • Reset
  • Increase

Thái Lan : Chiến dịch « làm trong sạch Phật Giáo » quy mô lớn chưa từng có

Thailan Phatgiao

Hàng chục nhà sư mới bị bắt vì tham nhũng, trong đó có 3 nhà sư thành viên của Hội đồng tối cao Tăng Già Thái Lan.(Photo by David Longstreath/LightRocket via Getty Images)

Trong hai tuần qua, tại Thái Lan, hàng loạt vụ bê bối tham nhũng của các nhà sư chức sắc cao đã bị phanh phui. Nhiều nhà sư chức sắc cao đã bị bắt giữ.

 Số tiền tham nhũng rất lớn, tương đương với nhiều triệu euro. Chưa bao giờ chiến dịch « làm trong sạch Phật Giáo » lại có quy mô lớn như vậy. Nhưng các sư sãi Thái Lan tham nhũng bằng cách nào ?

Từ Bangkok, thông tín viên RFI Arnaud Dubus giải thích :

« Mỗi năm, nhà nước Thái Lan cấp số tiền tương đương khoảng 110 triệu euro cho các ngôi chùa trong cả nước để tu bổ và xây dựng các cơ sở chùa chiền và phát triển giáo dục Phật Giáo.
Các vụ biển thủ công quỹ bắt nguồn từ đây. Cả một hệ thống tham nhũng bắt đầu. Nhân viên của Văn Phòng Phật Giáo quốc gia - tổ chức hành chính được đặt dưới sự bảo trợ của chính phủ, chuyển khoản tiền cho các ngôi chùa có đề xuất dự án tu bổ.

Khi tiền được chuyển vào tài khoản của sư trụ trì các ngôi chùa, các vị này lại chuyển một phần tiền đó vào tài khoản cá nhân của mình.
Biển thủ, lạm tiêu công quỹ đã diễn ra từ nhiều năm nay, nhưng mới chỉ được đưa ra ánh sáng từ vài tháng trở lại đây. »

Tập đoàn quân sự cầm quyền đã quyết định trừng phạt các nhà sư tham nhũng.
Thông tín viên Arnaud Dubus cho biết tiếp :
« Việc xử lý các sai phạm có quy mô lớn chưa từng có. Hàng chục nhà sư bị bắt, trong đó có 3 nhà sư thành viên của Hội đồng tối cao Tăng Già Thái Lan.

Hội đồng tối cao Tăng Già, với 20 thành viên, là tổ chức lãnh đạo cộng đồng sư sãi Thái Lan. Đây là một cơn chấn động trong cả nước, bởi vì các nhà sư chức sắc cao thường rất được trọng vọng và không ai có thể động đến họ.
Vụ việc này đã khiến uy tín của cộng đồng sư sãi trong dân chúng bị ảnh hưởng mạnh mẽ. »

Liệu những bê bối tài chính này có phản ánh thái độ khó chịu của chính quyền và dân chúng về cách quản lý tài chính của các nhà sư ?

Thông tín viên RFI giải thích :

« Vâng, hoàn toàn đúng vậy. Vấn đề là không hề có thông tin rõ ràng minh bạch về việc các nhà sư chức sắc cao sử dụng tiền hỗ trợ của chính phủ và tiền công đức của phật tử như thế nào.

 Trong khi đó, số tiền công đức của phật tử lên tới 3 tỉ euro/năm.
Nhiều khi các sư trụ trì làm như thể họ là chủ sở hữu các ngôi chùa và tiền công đức thuộc về cá nhân họ.

Nhiều ý kiến cho rằng cần kiểm toán tất cả các cơ sở chùa chiền trong cả nước, nhưng cộng đồng sư sãi phản đối mạnh mẽ.
 Rất nhiều nhà sư cho rằng yêu cầu họ minh bạch về tài chính là thiếu tôn trọng họ. »

Môi trường : Ấn Độ « ngập » trong rác thải nhựa

Ngày 05/06 là ngày Môi Trường Quốc Tế, năm nay chủ đề chính là « Ô nhiễm rác thải nhựa ».

Ấn Độ là nước tổ chức ngày Môi Trường Quốc Tế 2018. Nhưng chính Ấn Độ đang phải đối mặt với vấn nạn rác thải nhựa.
Mỗi năm, nước này thải tới 6 triệu tấn rác nhựa loại không thể tái chế. Cùng với sự bùng nổ của phương thức mua sắm trên mạng, lượng rác thải nhựa không ngừng « tăng chóng mặt ».

Từ New Delhi, thông tín viên RFI Sébastien Farcis giải thích :

« Từ khoảng 1 năm nay, cô Isha, 29 tuổi, sống tại New Delhi, đặt mua hoa quả và rau củ trên một trang internet.
Các sản phẩm cô đặt mua được giao về tận nhà. Điều này rất tiện lợi và giá cả thì rẻ hơn so với mua ở các cửa hàng trong khu phố.
Nhưng vấn đề nằm ở chỗ cách mua hàng này làm bùng nổ lượng rác thải nhựa.

Cô Isha than phiền : « Nếu tôi đặt mua 20 sản phẩm, mỗi quả hay mỗi bó rau đều được gói riêng trong từng cái túi ni lông to. Tôi phải bỏ rau và hoa quả ra khỏi túi ni lông ngay lập tức, vì nếu không, chúng sẽ rất chóng hỏng. Thành ra tôi có hàng đống túi ni lông phải vứt đi. (…) Đúng là có quá nhiều.
Có thể người ta nghĩ rằng các mặt hàng giao cho khách phải được đóng gói kỹ, và gói bằng túi ni lông là cách rẻ nhất …

Với sự bùng nổ của phương thức mua sắm trên mạng, túi nhựa tràn ngập các hộ gia đình sinh sống tại các đô thị Ấn Độ.
 Đây là một nguồn mới gây ô nhiễm tại một đất nước vốn đã ngập tràn rác thải.

Lượng túi ni lông sử dụng có lẽ sẽ tăng gấp đôi trong vòng 4 năm tới, trong khi ngành tái chế ni lông lại kém phát triển.
Hậu quả là khoảng 600.000 tấn rác thải nhựa được người Ấn Độ đổ thẳng ra đại dương mỗi năm. »
Mỗi năm, trên toàn thế giới, 8 triệu tấn rác nhựa bị thải ra đại dương, gây ra cái chết của 100.000 thú biển và một triệu con chim biển.

Loài người thải 5.000 tỉ túi ni lông/năm và 1 triệu chai nhựa/phút.
Trong thập kỷ qua, chúng ta đã sản xuất ra nhiều nhựa hơn cả thế kỷ trước và 50% lượng nhựa mà con người dùng chỉ được sử dụng một lần duy nhất rồi bị vứt đi.

Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Antonio Guterres đã kêu gọi loại bỏ các loại túi ni lông chỉ dùng một lần, nhưng điều tưởng chừng như đơn giản đó có lẽ sẽ rất khó thực hiện.

Indonésia : Khỉ mào đen - « ngôi sao selfie » - có nguy cơ tuyệt chủng

Theo những nghiên cứu mới đây, 60% loài khỉ trên Trái Đất hiện có nguy cơ tuyệt chủng do ảnh hưởng từ các hoạt động của con người.

 Tại Indonésia, rừng nhiệt đới là nơi trú ngụ của loài khỉ mào đen macaque, vốn đã trở nên nổi tiếng nhờ ảnh « tự sướng » selfie.
Để cứu loài khỉ này, một dự án nghiên cứu và dân chúng đang được triển khai ở Indonésia.

Từ khu bảo tồn Tangkoko trên đảo Célèbes, đặc phái viên RFI Joël Bronner gửi về bài phóng sự :

« Ngay trước mắt chúng ta là những chú khỉ mào đen. Đàn khỉ này có khoảng 80 con. Tổng cộng, có gần 2.000 con trong khu bảo tồn. »

Đó là lời giới thiệu của anh Irwan, hướng dẫn viên của khu bảo tồn Tangkoko, phía đông bắc đảo Célèbes. Anh giải thích tại sao ngày nay, loài khỉ này lại bị đe dọa : « Những người dân ở đây vẫn săn bắt những chú khỉ này, thậm chí để làm vật nuôi. Thêm vào đó, số cá thể khỉ đen có mào cũng giảm do các hoạt động của con người để khai thác khu rừng phía bên kia khu bảo tồn.

Thực ra, trong 30 năm, số khỉ mào đen, loài động vật đặc hữu ở Indonésia, đã giảm mạnh. Yandi là nhà nghiên cứu của dự án « Macaga Nigra ».

Cô cho biết : « Vào năm 1980, một nghiên cứu cho biết có khoảng 300 cá thể/km2. Chúng tôi đã làm một nghiên cứu tương tự vào năm 2009 và chúng tôi chỉ đếm được có 45 con/km2. Chính vì thế, hàng tuần chúng tôi tổ chức chiến dịch vận động trong các trường học và giải thích cho các em học sinh hiểu là không nên giết động vật trong rừng và không đặt bẫy săn chúng nữa. »

Nhà nghiên cứu hy vọng rằng các em nhỏ sẽ truyền tải hiệu quả thông điệp tới gia đình các em, trước khi các chú khỉ đen có mào … không còn tồn tại để có cơ hội chụp ảnh selfie ».

Vào năm 2011, khi tới Indonésia làm phóng sự, nhiếp ảnh gia người Anh David Slater đã để một chú khỉ mào đen cầm máy ảnh của ông. Chú khỉ đó đã bấm máy chụp vài trăm kiểu ảnh. Một số bức ảnh đã trở nên nổi tiếng vì trông giống những bức ảnh selfie. Nhiếp ảnh gia David Slater đã tìm cách đòi tác quyền, nhưng văn phòng bản quyền của Mỹ cho rằng những bức ảnh khỉ đen có mào selfie không phải do con người chụp, vì thế chúng thuộc về công chúng.

Brazil : Số người thiệt mạng vì tranh chấp ruộng đất tăng nhanh.

Năm 2017, xung đột về mâu thuẫn ruộng đất khiến 71 người ở nông thôn thiệt mạng, con số cao nhất trong vòng 14 năm qua. Đa phần nạn nhân là nông dân có mâu thuẫn với các chủ đất đầy quyền thế. Từ Rio de Jeinero, thông tín viên RFI François Cardona giải thích :

« Đất đai tại các vùng sâu, vùng xa ở Brazil, hiện vẫn nằm trong tay các chủ sở hữu lớn, họ thường hưởng quyền được « miễn trừ » nếu phạm tội. Nếu các vụ giết người xảy ra, cuộc điều tra của cảnh sát thường mang lại rất ít kết quả. Nhiều nông dân hoặc các nhà tranh đấu đòi cải cách ruộng đất đôi khi phải trả giá bằng mạng sống của mình trong các chiến dịch tấn công của những kẻ « đâm thuê, chém mướn » làm việc dưới quyền các chủ đất có thế lực.

Tại Brazil, nông dân trồng trọt trên những thửa ruộng nhỏ. Họ trở thành cái gai, vật cản cho sự phát triển của ngành sản xuất lương thực. Brazil phụ thuộc rất nhiều vào ngành này để xuất khẩu nguyên liệu nông nghiệp. Nhưng ngành sản xuất lương thực lại đẩy các vùng nông thôn và nông dân địa phương vào cảnh tạm bợ và để lại những hậu quả nặng nề cho môi trường.

Trong báo cáo, Ủy ban ruộng đất nông thôn chỉ trích chính sách của chính phủ của tổng thống Temer, vốn rất ủng hộ các tập đoàn sản xuất lương thực, thực phẩm. Các tập đoàn này cũng được hơn 200 dân biểu Quốc Hội « chống lưng ».

Trong số các biện pháp gây nhiều tranh cãi nhất ở thủ đô Brasilia, có biện pháp nói lỏng các quy định về việc hạn chế cưỡng ép nông dân làm việc cho các tập đoàn này. Cưỡng ép nông dân như vậy rất phổ biến ở các vùng nông thôn.

Phong trào của những người không có ruộng đất tập hợp khoảng 500.000 hộ nông dân và yêu cầu Nhà nước tiến hành cải cách : phân chia lại ruộng đất để tạo điều kiện cho nông nghiệp gia đình phát triển.

Nhưng ảnh hưởng chính trị của Phong trào này rất hạn chế. Và các nhà tranh đấu thường bị đe dọa. Ủy ban ruộng đất nông thôn tố cáo tình trạng bạo lực liên tục xảy ra ở nông thôn, các vụ giết người hàng loạt xảy ra thường xuyên và chính quyền không làm gì để chấm dứt tình trạng này. »

Switch mode views: