Tài liệu cũ của Saigon Echo
từ 2008 - 2012
Play
 
Giám Đốc: Tiến Sĩ Trần An Bài
  • Font size:
  • Decrease
  • Reset
  • Increase

Điểm Báo Pháp Quốc Ngày 23-11-2016

Trump hủy TPP, Bắc Kinh hưởng lợi lớn

chong TPP



Biểu tình chống TPP tại Washington, DC, ngày 14/11/2016.
Ảnh : NICHOLAS KAMM / AFP

Sau khi ông Donald Trump thắng cử khiến cả thế giới sửng sốt, giờ đây dư luận đang hồi hộp chờ đợi xem bộ máy chính quyền của Trump sẽ ra sao và những lời hứa vận động tranh cử của Donald Trump có thành hiện thực hay không ?

Điều rõ nhất lúc này là chính quyền Trump sẽ hủy Hiệp Định Đối Tác xuyên Thái Bình Dương, TPP, một quyết định sẽ gây nhiều hệ quả.

Tổng thống tân cử Mỹ, cách đây hai hôm (21/11/2016) đã có tuyên bố việc đầu tiên ông làm khi bước chân vào Nhà trắng (ngày 20/01/2017) sẽ là hủy hiệp định thương mại mà Mỹ đã ký với 12 nước trong khu vực châu Á -Thái Bình Dương – TPP, một công trình mà chính quyền Obama đã tốn không ít công sức xây dựng nhằm phục vụ chiến lược của Mỹ ở châu Á, trong đó có mục tiêu ngăn chặn đà ảnh hưởng của Trung Quốc trong vùng này.

Thông báo của Trump khiến nhiều nước châu Á sững sờ, nhưng đồng thời lại là tin mừng cho Bắc Kinh, như nhận xét của nhật báo kinh tế les Echos qua hàng tựa : « Thương mại : Nước Mỹ của Trump quay lưng với châu Á, Bắc Kinh hưởng lợi lớn».

Theo Les Echos, hủy TPP, đã được ký nhưng chưa được phê chuẩn, như vậy Donald Trump muốn cho thấy ông ta « thà phản bội các đồng minh của mình còn hơn phản bội cử tri ».

Nhật báo kinh tế phân tích, việc từ bỏ hiệp định tự do mậu dịch xuyên Thái Bình Dương đánh dấu một bước đi đầu tiên của một nước Mỹ được bảo hộ dưới thời Trump.
Điều này sẽ báo trước một cách chắc chắn hiện tượng khu vực hóa gia tăng trong buôn bán giữa Mỹ và châu Á.

Sự rũ bỏ đó cũng có thể coi như là một sự sỉ nhục đối với các « bạn hữu » châu Á của Washington, những nước đã mất nhiều năm trời để thương lượng và thuyết phục dân chúng nước họ về hiệp định này.

Người thất vọng đầu tiên là thủ tướng Nhật. Ông Shinzo Abe tuyên bố : « Không có Hoa Kỳ thì thỏa thuận mất hết ý nghĩa ».
 Còn thủ tướng Singapore trong chuyến thăm Washington hồi tháng 8 đã từng khẳng định TPP chính là uy tín của nước Mỹ.

Mỹ bỏ cuộc thì Trung Quốc nhảy vào ngay

Theo Les Echos thì quả là nghịch lý, « quyết định quay lưng lại với châu Á của Donald Trump sẽ là một món quà vô cùng lớn cho Trung Quốc, trong khi nước này là kẻ thù không đội trời chung của Trump ! »

Les Echos phân tích : Hiệp định thương mại xuyên Thái Bình Dương đã được xây dựng nhằm hạn chế ảnh hưởng của Bắc Kinh trong khu vực và thiết lập các nguyên tắc thương mại theo kiểu phương Tây. Vì thế, tuần qua, tại Lima tổng thống sắp mãn nhiệm Barack Obama đã cảnh báo rằng : « Không áp dụng hiệp định (TPP) tức là làm suy yếu vị thế của chúng ta (Mỹ) trong vùng ».

Một ngày sau thông báo của ông Trump, hôm 22/11, chính phủ Trung Quốc thông báo ý định khởi động các cuộc đàm phán về « một đối tác kinh tế toàn bộ khu vực », với 9 nước châu Á và châu Đại Dương trong đó đặc biệt có Nhật, Ấn Độ, Hàn Quốc, Úc.

Bắc Kinh cũng ngỏ ý sẽ ký được hiệp định trong thời gian sớm nhất. Nhiều nước như Singapore, Việt Nam và Malaysia dường như đã sẵn sàng tham gia vào dự án mới này của Trung Quốc.

Hậu quả của việc TPP tiêu tan và được thay thế bằng một hiệp định mới với Bắc Kinh sẽ ra sao ?
Les Echos trích dẫn ông Fréderic Neumann, phụ trách nghiên cứu kinh tế của ngân hàng HSBC tại Hồng Kông nhận định : « Hoa Kỳ sẽ mất ảnh hưởng ở châu Á, trên phương diện kinh tế cũng như chính trị » và « Trung Quốc sẽ đưa những nước mới vào quỹ đạo của họ ».

Mỹ : Chính quyền mới sẽ bảo thủ cực đoan như Trump

Tiếp tục với nước Mỹ, chuyển qua nhật báo Libération. Tờ báo dành nhiều trang bài tập trung vào bộ máy lãnh đạo của chính quyền Trump đang được hình thành.
Với hàng tựa lớn trên trang nhất : « Những gã trai của tổng thống », tờ báo cho biết : « Donald Trump đang hình thành một ê-kíp có tư tưởng cực đoan và kỳ thị giới tính không kém gì ông… ».
Bên trang trong, Libération không ngần ngại rút tít : « Chính quyền Trump, sân chơi của những kẻ phản động ».

Libération đã giới thiệu sơ bộ vài gương mặt đã được Donald Trump chọn cho các vị trí chủ chốt của chính quyền lúc này như chính văn phòng Nhà trắng Reince Priebus, bộ trưởng Tư pháp, Jeff Sessions, cố vấn An ninh quốc gia Mike Flynt, hay giám đốc tình báo CIA Mike Pompeo và đặc biệt là nhân vật Steve Banon, cánh tay phải của Donald Trump, đồng thời là một nhân vật được cho là cực hữu.

Theo tờ báo, đó là những nhân vật « cực kỳ bảo thủ hoặc là những người có tư tưởng kỳ thị chủng tộc, kỳ thị giới tính ».

Điều quan trọng nữa là ê kíp của chính quyền Trump có thể dễ dính vào các xung đột lợi ích. Trong nhiều trang báo dành cho sự kiện này, Libération có bài ghi nhận sự chuyển tiếp chính quyền sang tay Donald Trump đầy những lợi ích.

Theo Libération, Donald Trump đã hứa trong tranh cử sẽ đấu tranh chống hệ thống chính trị tha hóa của Washington để chấm dứt « tham nhũng của chính phủ, kéo nước Mỹ thoát khỏi áp lực của những nhóm lợi ích… »
Thế nhưng danh sách những thành viên chuẩn bị cho việc thành lập bộ máy của chính quyền Trump cho thấy không có gì phù hợp quyết tâm của Donald Trump.

Libération nhìn thấy trong « đội » của Trump có khoảng hai chục nhân vật chuyên vận động hậu trường, các nhà tư vấn của những công ty lớn,những người có thế lực ở Wall Street và ít nhất có 5 tỷ phú.
Thí dụ như Michael Torrey, cố vấn về nông nghiệp cho Trump, Steve Banon vẫn lãnh đạo tập đoàn chế biến nông phẩm đầy thế lực của Mỹ American Beverage Association từ 11 năm nay.
Một nhân vật điển hình nữa là Catanzaro, một nhà vận động hành lang nổi tiếng cho các tập đoàn dầu lửa khí đốt, nay được chỉ định phụ trách vấn đề « độc lập năng lượng ».

Chưa hết, các con ông Trump cũng có mặt trong nhóm chuyển giao quyền lực. Rồi còn việc quản lý khối tài sản khổng lồ của ông rải khắp trong nước và thế giới sẽ ra sao để tránh không bị xung đột lợi ích và thậm chí ảnh hưởng từ nước ngoài, nơi có cơ sở làm ăn của đế chế Trump Organization?

Theo bà Kathleen Clark, giáo sư Đại học Washington, được Libération trích dẫn, nguy cơ xung đột lợi ích trong lịch sử Mỹ « chưa có tiền lệ nào ở quy mô lớn như vậy ».

Pháp : Hai đối thủ cùng đảng quyết đấu

Trở lại với cuộc bầu cử sơ bộ trong cánh hữu và trung ở Pháp. Cuộc chạy đua cuối cùng giữa hai ứng viên Alain Jupé và François Fillon đang đến hồi quyết liệt.

Các báo đều có chung ghi nhận hai đối thủ, dù cùng một đảng, đang khai thác tối đa những điểm yếu trong chương trình hành động cũng như tính cách cá nhân để tấn công nhau.

Le Monde chạy tựa trang nhất : « Đối mặt giữa hai cánh tả », giữa một bên là ông Alain Jupé và bên kia là ông François Fillon, vừa gây bất ngờ lớn dẫn đầu vòng 1 để bước vào vòng chung kết Chủ nhật tới đây.
Le Figaro chạy tựa « Những người theo Jupé và cánh tả nổi xung chống lại Fillon ».
Les Echos chạy tựa : Bầu cử sơ bộ : Chiến dịch tranh cử trở nên tồi tệ.

Cũng trong bối cảnh này, báo Le Monde đề cập đến quan hệ giữa François Fillon, người đang có nhiều khả năng thắng trong cuộc bầu cử sơ bộ, và tổng thống Nga, bởi nó có liên quan đến quan điểm đối ngoại được cho là thân Nga của ứng viên Fillon.

Le Monde nhận xét, « Vladimir và François, một tình bạn địa chính trị ».
Quan hệ giữa hai chính trị gia này chỉ được bắt đầu từ khi hai ông còn là thủ tướng. Vladimir Putin khi đó tạm thời làm thủ tướng dưới trướng tổng thống Dmitri Medvedev và ông Fillon là thủ tướng của chính quyền Nicolas Sarkozy.

 Khi đó mối quan hệ Nga - Pháp đang còn nồng ấm. Nhưng dưới thời François Hollande và cũng là khi ông Putin lên nắm lại quyền tổng thống, quan hệ hai nước trở nên xấu đi nhiều bởi liên tiếp các sự kiện như : Nga sáp nhập Crimée của Ukraina, Nga một mình đứng ra bảo vệ chế độ của Bachar al Assad.
Quan điểm lập trường đối với nước Nga của ông Putin sẽ rất quan trọng và cũng khá tế nhị đối với người nào đang nhắm tới chiếc ghế tổng thống Pháp trong năm tới.

Theo bài báo của Le Monde thì rõ ràng ông François Fillon là người không chỉ có thiện cảm riêng với Putin, mà còn có lập trường khá riêng biệt là muốn bắt tay chặt chẽ với Nga để giải quyết các vấn đề quốc tế như khủng hoảng Ukraina và Syria.
Nhưng đó lại không phải là lập trường của Pháp cũng như của Liên Hiệp Châu Âu hiện nay.

Pháp chính thức xin đăng cai Expo 2025

Nhật báo La Croix thông tin : Pháp chính thức xin đăng cai Triển lãm Hoàn cầu Expo2025.
 Hôm qua, tổng thống François Hollande đã chính thức ký đơn của Pháp xin đăng cai Triển lãm Hoàn cầu 2025.

Chủ đề của cuộc triển lãm sẽ là « Kiến thức để chia sẻ, hành tinh để bảo vệ ».
Từng câu chữ cho chủ đề của Expo 2025 đều đã được các chuyên gia chọn lựa, cân nhắc kỹ càng sao cho có hàm ý nhiều nhất với đòi hỏi thực tế của thế giới vào thời điểm tổ chức.
 Kết quả cuộc đua sẽ được công bố vào tháng 11 /2018.

Switch mode views: