Điểm Báo Pháp Quốc Ngày 04-02-2013
- Thứ Hai, 04 tháng Hai năm 2013 17:55
- Tác Giả: Mai Vân
Cam Bốt : Tiền đồn của Trung Quốc tại Đông Nam Á
Lãnh đạo Tập Cận Bình chia buồn với hoàng hậu Monineath, vợ của quốc vương Norodom Sihanouk (REUTERS)
Nhân tang lễ của cố quốc vương Sihanouk, hai tờ La Croix và Le Figaro quan tâm đến tình hình Cam Bốt. Đáng chú ý nhất là nhận định của Le Figaro về sự kiện : "Cam Bốt, đầu cầu của Trung Quốc tại châu Á », tựa bài báo của đặc phái viên Arnaud de la Grange tại Phnom Penh.
Nhận xét đầu tiên của Le Figaro là Cam Bốt ngày nay, cũng như cố quốc vương Sihanouk của đất nước này, đã trở nên người bạn tốt nhất của Trung Quốc ở vùng Đông Nam Á. Việc xích lại gần nhau này đã thúc đẩy kinh tế Cam Bốt, nhưng không mấy được các nước láng giềng ưa thích.
Tác giả bài viết trở lại thời điểm lúc tin quốc vương Sihanouk qua đời vào tháng 10 năm ngoái. Khi ấy, Bắc Kinh đã treo cờ rũ ở quãng trường Thiên An Môn, đài truyền hình nhà nước Trung Quốc CCTV đã thay đổi chương trình, phát trực tiếp cảnh đoàn xe tang đi qua các đuờng phố với ghi nhận : « Một người bạn lớn » của Trung Quốc đã ra đi.
Ông Đới Bỉnh Quốc, người thiết kế chủ chốt chính sách ngoại giao của Bắc Kinh đã tiễn đưa thi hài vị "vua cha" đến tận Phnom Penh. Sau đó không lâu, Thủ tướng Trung Quốc Ôn Gia Bảo đã thông báo tặng 500.000 đô la cho việc tổ chức tang lễ.
Theo Le Figaro, Bắc Kinh muốn cho thấy rằng Cam Bốt và Trung Quốc là hai người bạn chí cốt, vương quốc bé nhỏ này là người bạn thân thiết nhất của Trung Quốc ở Đông Nam Á, một khu vực nơi mà Bắc Kinh không còn bao nhiêu bạn bè.
Về phiá Cam Bốt, tình bạn này được thấy rõ từ thành thị cho đến nông thôn, tại những xưởng vải sợi với hàng ngàn công nhân ở ngoại ô Phnom Penh, với các hàng chữ tiếng Hoa đập mắt trên các tấm vách bằng tôn, hay là qua những con đường tráng nhựa mà Trung Quốc xây dựng, đi vào tận các vùng xa xôi, hẻo lánh.
Bài báo nhắc lại khối lượng đầu tư to lớn chưa từng thấy mà cường quốc phương Bắc đổ vào Cam Bốt - 11 tỷ đô la - để xây dựng một tuyến đường sắt, một bến cảng và một nhà máy luyện thép. Theo giới chuyên gia, Trung Quốc có một chiến lược rất rõ ràng.
Cam Bốt : « Sân sau » của Trung Quốc
Theo ông Chheang Vannarith, giám đốc viện Cam Bốt vì Hợp tác và Hoà bình (Cambodian Institute for Cooperation and Peace), đây là một quan hệ song phương độc nhất vô nhị, nhắm vào một đất nước được Trung Quốc xem là sân sau của họ : « Ảnh hưởng Trung Quốc tại đây lớn lên một cách đáng kể, đối với Trung Quốc đây là vấn đề chiến lược, vì ở đằng sau là các vấn đề Biển Đông và cả Ấn Độ Dương.
Le Figaro ghi nhận : Ảnh hưởng của Trung Quốc ở Cam Bốt không chỉ được thấy trên mặt kinh tế, mà cả trên mặt văn hóa. Tiếng Hoa hiện là ngoại ngữ chiếm vị trí thứ hai ở Cam Bốt sau tiếng Anh, còn các chương trình truyền hình, trên 70 kênh mà người Cam Bốt có thể xem, có đến 50 kênh nói tiếng Hoa.
Theo bài báo, tại Cam Bốt Trung Quốc có lợi thế là cộng đồng người Hoa rất quan trọng - khoảng 700.000 người Cam Bốt gốc Hoa, tức là khoảng 5% dân số - và họ nắm giữ 80% hoạt động kinh tế xứ chùa Tháp.
Tác giả bài báo nhìn thấy là Bắc Kinh – dựa vào Cam Bốt - đã giành được những thắng lợi ngoại giao rất quan trọng mà người ta không ngờ nếu chỉ căn cứ vào trọng lượng của Cam Bốt. Đó là đã phá vỡ được sự đồng thuận của ASEAN trên vấn đề Biển Đông. Đây là một thắng lợi lớn của Trung Quốc vốn có lôgíc có thể gọi là « chia để chiếm ». Nhiều nhà quan sát, theo bài báo, đã lo ngại là sự chia rẽ trong nội bộ ASEAN tác hại đến an ninh khu vực.
Nhưng không phải chỉ mới bây giờ, Le Figaro nhắc lại quan hệ Cam Bốt -Trung Quốc thiết lập vào năm 1958. Ngay từ lúc ấy, Bắc Kinh đã luôn luôn bảo vệ được ảnh hưởng của mình tại Cam Bốt bằng cách ủng hộ các tác nhân trên chính trường Cam Bốt : ông Sihanouk vào thập niên 1960, Khờ Me Đỏ trong thập niên 1970, rồi đến Hun Sen sau đó, nhất là vào năm 1997, khi tình bạn Bắc Kinh -Hun Sen chuyển qua một khúc quanh mới.
Vào năm đó, theo bài báo, Bắc Kinh không một chút do dự, đã ủng hộ Hun Sen lên nắm toàn quyền tại Cam Bốt sau một cuộc ‘đảo chính’ nhỏ.
Các năm tháng trăng mật giữa Bắc Kinh và Phnom Penh sẽ còn tiếp diễn. Le Figaro ghi nhận : Để đánh dấu 55 năm bang giao, chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào đã quyết định chọn năm 2013 này là năm hữu nghị Cam Bốt-Trung Quốc.
Ngoài Le Figaro, tình hình Cam Bốt cũng được nhật báo Công giáo La Croix chú ý với bài phân tích về thể chế chính trị mà theo tờ báo, chỉ là một chế độ « quân chủ bề ngoài », tựa bài báo trang quốc tế. La Croix giải thích : Quốc vương Cam Bốt hoàn toàn không có bất kỳ quyền hạn gì.
François Hollande trong tư thế vị tướng cầm quân tại Mali
Về chuyến ghé thăm Mali cuối tuần qua của Tổng thống Pháp François Hollande, chủ đề chính các tờ báo Pháp hôm nay, Le Monde đã đăng trên trang nhất ảnh màu cho thấy cảnh người dân thành phố Tombouctou vừa được giải phóng, nhảy múa để « đón mừng sự tự do vừa được giành lại ».
Libération thì đã thốt lên : « Hãy tiến bước ». Theo tờ báo, mọi người không nên phá hỏng niềm vui của ông Hollande vào lúc này... Đối với Libération, « Papa François Hollande có quyền tận hưởng chiến thắng của Pháp giữa các đám đông đầy nhiệt tình (ở Mali) ; tại Pháp, ít khi ông được đám đông thể hiện lòng ái mộ như vậy. »
Trong lúc đó, Le Figaro đăng ảnh tổng thống Pháp, với hàng tít « Hollande tận hưởng chiến thắng của Pháp ở Bamako ». Ngay bên cạnh bức ảnh, Le Figaro đã trích lời phó tổng thống Mỹ Joe Biden trong dòng tít lớn : « Hoa Kỳ hỗ trợ Pháp ở Mali, không một chút ngần ngại », và cho biết là Phó Tổng thống Mỹ sẽ được nghênh tiếp tại điện Elysée vào hôm nay.
Trong bài phỏng vấn được Le Figaro trích đăng, đương kim Phó tổng thống Mỹ xác định : « Lịch sử của hai nước chúng ta luôn gắn bó chặt chẽ với nhau.
Pháp quốc là đồng minh lâu đời nhất của chúng tôi, và tôi đến thăm Pháp ngày hôm nay bởi vì số phận và lợi ích của chúng ta hòa quyện sâu sắc với nhau. Từ Afghanistan cho tới Libya, từ Iran qua Mali, từ vấn đề kinh tế toàn cầu đến biến đổi khí hậu, Hoa Kỳ luôn luôn cùng với Pháp đối phó với những thách thức của thời đại chúng ta (...)
Riêng về Mali, ông Joe Biden khẳng định : « Chúng tôi không hề do dự. Chúng tôi chia sẻ các mục tiêu của cộng đồng quốc tế, quyết tâm không để cho những kẻ khủng bố thánh lập bất kỳ một thánh địa nào, và khôi phục lại chính quyền dân chủ ở Mali. »
Trong bài báo về tình hình Mali, Le Figaro tuy nhiên đã có một đánh giá chung tương tự như điều đã được tờ Le Monde nêu bật trong tựa đề bài xã luận trang nhất : « Hollande ở Mali : Cái khó khăn nhất đang chờ trước mắt ». Báo La Croix cũng gợi lên vấn đề này qua hàng tựa lớn : « Những mặt trận mới trong cuộc chiến ở Mali ».
Nhật Bản : Tân thủ tướng Abe bớt "dân tộc chủ nghĩa"
Trở lại tình hình châu Á, Le Monde chú ý đến Nhật Bản với ý muốn sửa đổi Hiến Pháp của Thủ tướng Shinzo Abe.
Trong bài báo tựa đề : « Nhật Bản : Hướng tới một cuộc sửa đổi Hiến Pháp chủ hòa », Le Monde nhìn thấy sự thận trọng của thủ tướng Abe, được xem là diều hâu, và thuộc dòng dõi những người nặng tâm lý dân tộc chủ nghiã.
Ông Abe đã nêu lên tình hình nguy hiểm trong khu vực - tranh chấp biển đảo, sự tăng cường quân sự của Trung Quốc và Bắc Triều Tiên, bên cạnh nguy cơ khủng bố - để giải thích sự cần thiết phải sửa đổi Hiến Pháp mà theo điều 9, nhân dân Nhật từ bỏ chiến tranh, và không có quân đội thực thụ.
Tuy nhiên Le Monde nhận thấy qua một loạt sự kiện, là thủ tướng Abe đã uyển chuyển hơn, khác xa với lập luận dân tộc chủ nghiã mà ông đã đưa ra trong cuộc vận động tranh cử.
Le Monde nêu lên một số ví dụ như về vai trò của Nhật trong chiến tranh.
Hôm thứ Sáu tuần trước, ông Abe cho biết sẽ có thông cáo mới vào năm 2015, kỷ niệm lần thứ 70 chiến tranh kết thúc. Ông cũng không quên nhắc lại là chính phủ ông chia sẻ quan điểm của nhũng chính phủ tiền nhiệm, trên việc « Nhật đã gây đau khổ cho dân chúng nhiều quốc gia, nhất là ở Châu Á ».
Theo Le Monde khi được hỏi về Hiến pháp Nhật, Thủ tướng Abe đã tỏ ra dè dặt. Tuy vẫn muốn sửa đổi Hiến Pháp năm 1947, nhưng tờ báo nhận thấy ông Abe đã ý thức về tác động mà việc sửa đổi này có thế gây ra ở Nhật Bản cũng như ở các nước láng giềng.
Bài báo nhắc lại một sự kiện khác chứng minh cho nhận định trên : Trong bài diễn văn về chính sách của ông cuối tháng giêng (28/01), cho dù đã quyết định tăng nhẹ ngân sách Quốc phòng, và cho thành lập một lực lượng đặc trách bảo vệ các đảo Senkaku/Điếu ngư, ông Abe chủ yếu tập trung trên vấn đề kinh tế, mối quan tâm hàng đầu của người Nhật.
Vả lại theo Le Monde trong tháng giêng, thủ tướng Nhật cũng đã phái người sang Bắc Kinh và Seoul để tìm cách sưởi ấm quan hệ với hai láng giềng này.
Chính quyền Anh cũng muốn giành phiếu của dân nhập cư
Trên bình diện chính trị, báo kinh tế Les Echos, hôm nay liếc mắt sang Anh Quốc, nơi cánh hữu đang chiêu dụ phiếu bầu từ các cộng đồng thiểu số.
Theo tờ báo, đảng Bảo thủ Anh đã nhận ra một điều là họ đã không thu hút những người cộng đồng nước ngoài, da màu. Đảng này đã thấy đây là vấn đề then chốt cho cuộc bầu cử sắp tới vào năm 2015, do đó ngay từ bây giờ phải tìm cách giải quyết.
Đối với tác giả bài báo, cánh hữu ở Anh đang lo ngại sẽ bị tình cảnh như cánh hữu tại Mỹ : nếu không chinh phục được cộng đồng thiểu số, giành được phiếu của các tầng lớp này, thì sự sống còn của cánh bảo thủ sẽ bị đe doạ.
Les Echos cho là nếu đúng như tờ Times đã nêu, thì chính Andrew Cooper, cố vấn về chiến lược của thủ tướng Anh David Cameron, vừa qua đã chứng minh cho các bộ trưởng là tình hinh rất cấp bách : 37% người da trắng đã bỏ phiếu cho cánh hữu vào năm 2010, còn tỷ lệ người da màu chỉ là 16%. Đây là vấn đề cần giải quyết trước cuộc bỏ phiếu dự kiến năm 2015.
Nhìn vào thành phần xã hội Anh, Les Echos thấy là người da trắng chiếm 86%. Còn lại là cộng đồng thiểu số, đứng đầu là người châu Á chiếm 7,5%, người da đen châu phi và Caribê, 3,3%, các cộng đồng khác 3,2%. Cho nên lá phiếu cộng đồng có thể làm nghiêng cán cân tại hơn một nửa trong số 80 đơn vị bầu cử được coi là chưa nghiêng hẳn về bên nào.
Nhưng theo Les Echos, vấn đề không phải chỉ là trước mắt, mà còn về lâu về dài nữa vì tỷ lệ người da trắng đang tuột giảm dần. Tại Luân Đôn chẳng hạn, những người Anh da trắng, theo số liệu năm 2011, không còn là đa số nữa. Còn nhìn chung toàn nước Anh, nếu năm 1991, họ là 94%, thì năm 2011, họ đã giảm xuống còn 86%.
Theo một nhà chính trị học, Anthony Wells, đảng bảo thủ Anh không được người da đen, người châu Á theo đạo Hồi ưa thích. Đối với người Ấn và người Sikhs thì đỡ hơn. Trong khi đó Công Đảng Anh (tức đảng Lao Động) từng bị ghét bỏ sau cuộc chiến Irak, nhất là trong cộng đồng người Hồi giáo, nay đã bắt đầu vươn lên. Trong kỳ bầu cử vừa qua thì họ giành được 2/3 phiếu từ các cộng đồng thiểu số.
Cho nên Thủ tướng Cameron đã giải thích với nội các của ông rằng đây là vấn đề tối quan trọng.
Theo Les Echos khó khăn đối với đảng cánh hữu là vấn đề hình ảnh như một bản nghiên cứu cho thấy : Họ bị xem là đảng người da trắng, phục vụ quyền lợi của người da trắng. Những phát biểu kỳ thị của một dân biểu Enoch Powell năm 1968 vẫn còn in đậm trong trí nhớ.
Nhưng les Echos nhận thấy có một nghịch lý như giải thích của ông Anthony Wells : Không phải là chính sách của đảng Bảo thủ khiến họ bị ghét bỏ - thậm chí nhiều người trong cộng đồng còn tán đồng chính sách khắt khe về nhập cư của chính phủ - mà chính các lập luận của đảng này bị cảm nhận như là kỳ thị chủng tộc.
Tin mới
- VN trao nộp cựu cán bộ TQ bị truy nã - 06/02/2013 22:38
- Tỷ phú Murdoch: 'tin tặc TQ vẫn phá' - 06/02/2013 22:29
- Điểm Báo Pháp Quốc Ngày 06-02-2013 - 06/02/2013 22:16
- Chính phủ Mỹ kiện công ty thẩm định tài chính Standard and Poor's - 06/02/2013 21:56
- Trung Quốc lại dọa đoạn giao với Bắc Triều Tiên - 06/02/2013 17:21
- Lần đầu tiên, phái đoàn Trung Quốc đến dự Triễn lãm hàng không Ấn Độ - 06/02/2013 17:07
- Syria: Lãnh tụ phe nổi dậy hứa cho Assad ra đi an toàn - 05/02/2013 23:06
- Điểm Báo Pháp Quốc Ngày 05-02-2013 - 05/02/2013 17:40
- Dubai đầu tư vào Việt Nam $30 tỉ - 04/02/2013 20:41
- Chính phủ Miến Điện và phe nổi dậy Kachin mở đàm phán - 04/02/2013 18:00
Các tin khác
- Ông Assad cáo buộc Israel gây bất ổn - 04/02/2013 01:40
- Lãnh đạo Bắc Triều Tiên chỉ đạo chiến lược quân sự mới - 04/02/2013 00:04
- Điểm Báo Pháp Quốc Ngày 03-02-2013 - 03/02/2013 23:57
- Hàng triệu người khắp thế giới theo dõi Super Bowl vào Chủ nhật - 03/02/2013 22:42
- Lực lượng cưỡng chế đất bị ném bom thối, hỏa công - 03/02/2013 03:54
- Điểm Báo Pháp Quốc Ngày 02-02-2013 - 03/02/2013 02:22
- Trung Quốc tăng cường hợp tác quân sự với Cam Bốt : Điềm xấu cho ASEAN - 03/02/2013 01:54
- Đức TGM Giuse Ngô Quang Kiệt ký tên vào bản Kiến nghị sửa đổi Hiến pháp 1992 - 02/02/2013 06:47
- Nga: Tàu sân bay Ấn Độ trục trặc do dùng thiết bị Trung Quốc - 02/02/2013 00:45
- Điểm Báo Pháp Quốc Ngày 01-02-2013 - 01/02/2013 21:15