Điểm Báo Pháp Quốc Ngày 31-01-2013
- Thứ Sáu, 01 tháng Hai năm 2013 00:12
- Tác Giả: Trọng Thành
Tân ngoại trưởng Mỹ dưới bóng của Hillary Clinton
Tân ngoại trưởng Hoa Kỳ John Kerry (trái) và ngoại trưởng mãn nhiệm Hillary Clinton
Reuters
Libération hôm nay 31/01/2013, trong bài viết « Tân ngoại trưởng Mỹ dưới bóng của Hillary », đã phác họa chân dung tân ngoại trưởng Hoa Kỳ John Kerry và các thách thức đang chờ đón người kế nhiệm bà Hillary Clinton.
Ông John Kerry nổi tiếng là một người thân Pháp. Thông thạo tiếng Pháp, nhưng sau các kinh nghiệm chính trị, đặc biệt với cuộc tranh cử tổng thống năm 2004 – mà ông là ứng cử viên đảng Dân chủ - John Kerry đã nhận ra một điều là, tại Hoa Kỳ, phẩm chất này có thể bị coi như là một nhược điểm.
Năm 2004, nước Pháp từng bị coi là kẻ phản bội, khi không ủng hộ chiến dịch của Bush tại Irak. Lúc đó, ông John Kerry đã bị chế nhạo với các biệt danh « Monsieur Kerry » hay « Jean Chéri ».
Don Evans, bộ trưởng Thương mại Mỹ, bạn của Georg Bush, thậm chí còn châm chích : « Ông ta có vẻ giống người Pháp ».
Libération cho biết, trong những tuần gần đây, sự thân Pháp của John Kerry đã thể hiện qua việc kêu gọi Washington ủng hộ chiến dịch « Serval » của quân đội Pháp tại Mali từ hậu trường – vì ông chưa chính thức nhậm chức.
Theo người viết xã luận cho tờ Washington Post Jim Hoagland, thì “Nhà Trắng sẽ dành cho John Kerry nhiều không gian hành động hơn là đối với người tiền nhiệm. Obama thoải mái với Kerry hơn là với ngoai trưởng Clinton, và chắc chắn người đứng đầu Nhà Trắng sẽ giao hồ sơ Cận Đông, đang rất hỗn loạn, cho tân ngoại trưởng. »
Libétation điểm lại lý do khiến tân ngoại trưởng Mỹ trở thành một người có phong cách Pháp.
Kerry đã trải qua một phần tuổi thơ tại Châu Âu, nơi cha ông phục vụ trong ngành ngoại giao.
Kerry từng học nội trú tại Thụy Sĩ, trước khi theo học tại một trường tư thục lừng danh ở Massachusetts (Anh Quốc).
Phong cách khá quý phái của ngoại trưởng Mỹ tương lai nhắc đến việc ông là hậu duệ của hai gia tộc Mỹ nổi tiếng, dòng họ Forbes và dòng họ Winthrop. Ngược lại, gia tài rất lớn của ông lại đến từ hai cuộc hôn nhân, nhất là cuộc hôn nhân thứ hai với bà Teresa Heinz, người thừa kế tập đoàn ketchup.
Xuất thân khá giả, John Kerry có tham vọng trở thành lãnh đạo nước Mỹ ngay từ khi còn nhỏ. Mẫu mực của tân ngoại trưởng Mỹ là cố tổng thống John Fitzgerald Kennedy (còn gọi là JFK).
Theo tấm gương của JFK, John Kerry nhập ngũ, phục vụ trong hải quân và đi Việt Nam chiến đấu, với cương vị thuyền trưởng tầu tuần tra trên sông Mêkông. Chỉ ở Việt Nam trong bốn tháng, Kerry trở về Mỹ mang theo suốt đời một lý tưởng. Đó là thái độ chống lại mọi cuộc chiến « vô nghĩa » đe dọa mạng sống của thanh niên Mỹ.
Kinh nghiệm Việt Nam của Kerry, cũng giống như Chuk Hagel – bộ trưởng Quốc phòng tương lai – là tương hợp với mối bận tâm hiện nay của Obama : Đưa quân Mỹ rút khỏi các cuộc chiến tại Afghanistan và Cận Đông.
Tuy nhiên, theo nhận định của Libération, quan điểm của nhà chính trị John Kerry không phải hoàn toàn là nhất quán trong chính vấn đề này. Nếu như năm 1991, ông bỏ phiếu chống cuộc can thiệp của Mỹ giải phóng Koweit khỏi Irak, thì năm 2002, ông lại ủng hộ cuộc chiến tại Irak, để rồi phê phán nó một cách quyết liệt sau đó.
Simon Serfaty - một chuyên gia về chính trị quốc tế tại Center for Strategic and International Studies ở Washington - đưa ra nhận xét : « Kerry giống một diễn viên xiếc hơn là một lãnh đạo bộ Ngoại giao ».
Bốn năm hoạt động trên cương vị ngoại trưởng với các chuyến đi như thoi dệt, bà Hillary Clinton đã « để lại » cho người kế nhiệm một cục diện ngoại giao rối ren và nhiều nguy cơ bùng nổ hơn là vào năm 2009. Đơn cử : nội chiến ở Syria, Ai Cập bên bờ hỗn loạn, Iran chỉ còn vài tháng nữa là có bom hạt nhân, chiến tranh tại Mali, quan hệ với Nga xuống cấp và các căng thẳng mới giữa Trung Quốc và các nước láng giềng…
Còn theo một chuyên gia chính trị quốc tế khác, Kerry sẽ chú ý đến khu vực Cận Đông, tương đối bị bỏ rơi dưới thời Clinton, cụ thể là thử tái khởi động lại tiến trình hòa bình Israel – Palestine và tìm cách mang lại một sự nhất quán nhiều hơn trong chính sách của Mỹ đối với các phong trào Mùa Xuân Ả Rập.
Pháp : Thông tri về mang thai hộ gây tranh luận
Một chủ đề chính trên trang nhất nhiều nhật báo Pháp là thông tri về việc mang thai hộ.
Le Figaro chạy tựa « Mẹ mang thai hộ : Thông tri Taubira gây bão tố ». « Mang thai hộ thành chủ đề tranh luận » là tựa trang nhất La Croix.
Le Figaro cho biết, thông tri của bộ trưởng Tư pháp Christiane Taubira về việc công nhận quốc tịch Pháp đối với các em nhỏ do mẹ mang thai hộ sinh ra ở nước ngoài, đã gây ra một phản ứng dữ dội từ phía đảng đối lập UMP.
Phe phản đối dự luật về hôn nhân đồng tính và quyền nhận con nuôi của các cặp đồng giới tính, phản đối quyết liệt thông tri này, vì cho rằng : Đây là một văn bản pháp lý dọn đường trước cho việc hợp pháp hóa quyền của các cặp nữ đồng tính có con với sự hỗ trợ của y học và các cặp nam đồng tính có khả năng có con thông qua mẹ mang thai hộ. Nhiều lãnh đạo đảng UMP lên tiếng đòi hủy bỏ thông tri này.
Để hiểu hơn về thông tri Taubira, liên quan đến việc mang thai hộ, Libération có bài « Mang thai hộ : hãy đi đi, (gần như) không có gì để xem cả ! ».
Trả lời cho câu hỏi : « Liệu thông tri Taubira có phải là một trái bom không ? », Libération giải thích thông tri này chỉ nhắc lại một luật đã có. Đó là một đứa trẻ sinh là người Pháp, nếu như có bố hoặc mẹ là người Pháp.
Nội dung của thông tri không phải là công nhận việc mang thai hộ, mà là nhắc lại yêu cầu thực tế của một số trẻ em sinh ra ở nước ngoài, có hoặc cha, hoặc mẹ là người Pháp, nhưng không được công nhận quốc tịch.
Theo ông Alexandre Urwicz, đồng chủ tịch Hội các gia đình đồng tính (AFDH), có khoảng 500 đến 800 trẻ em con cái người Pháp ở vào tình trạng này. Đây là các em nhỏ do mẹ mang thai hộ sinh ra ở nước ngoài, vì người mẹ « thật » mắc các bệnh ở bộ phận tử cung, nên không có khả năng thụ thai.
Bộ Tư pháp Pháp nhắc lại, việc mang thai hộ bị cấm ở Pháp, thông tri không thay đổi quy định này, nên đây không phải là chủ đề tranh luận.
Trong khi đó, ông Alexandre Urwicz, đồng chủ tịch Hội các gia đình đồng tính thì nhấn mạnh đến sự ngạc nhiên của ông trước thái độ thụ động của Pháp trong vấn đề công nhận quốc tịch đối với các trẻ em này, khi mà nhiều nước Châu Âu khác, cũng không thừa nhận mang thai hộ, như Đức, Tây Ban Nha, vẫn dễ dàng cấp cho các em bé trong trường hợp tương tự một chứng nhận quốc tịch.
Thảm họa nhân đạo chưa từng thấy tại Syria có thể xảy ra
Về thời sự quốc tế, Le Monde cảnh báo tình trạng khủng hoảng nhân đạo tại các vùng nổi dậy tại Syria qua bài viết « Syria : Thảm họa nhân đạo nhãn tiền với quy mô lớn chưa từng thấy », với nhận định sự hỗn loạn tại miền Bắc khiến đời sống của người tỵ nạn trở nên hết sức khó khăn và cản trở hoạt động của các tổ chức phi chính phủ.
Phóng sự của Le Monde nhan đề « Người tỵ nạn Syria trốn chạy khỏi các trận đánh, bị bỏ mặc », đưa độc giả đến với một trong các vùng tỵ nạn được coi là lý tưởng ở Syria : làng Atmé, với khoảng 6.000 dân trước khi xảy ra nội chiến. Nằm lọt giữa hai đường biên giới với Thổ Nhĩ Kỹ, ngôi làng nhỏ cực bắc Syria này gần như không hề bị không quân Syria tấn công, ngoại trừ một lần duy nhất vào cuối năm ngoái. Đây cũng là cánh cửa mở ra cho người tỵ nạn chạy sang nước Thổ. Chính vì vậy, Atmé đã thu hút rất nhiều luồng người tỵ nạn.
Tuy nhiên, Ankara đã quyết định đóng cửa biên giới tại khu vực này vào tháng 8/2012, khiến dòng người tỵ nạn tắc lại.
Hiện tại có đến 17.000 người tỵ nạn khắp nơi đổ về đây. Cứ tốc độ thế này, đến hè tới, dự kiến sẽ có khoảng 50.000 người tỵ nạn tại Atmé.
Điều kiện sống và vệ sinh trở nên ngày càng xấu. Bệnh xá ghi nhận, riêng trong tháng trước đã có 1.100 ca bệnh viêm gan B. 31/12, hỏa hoạn khiến 7 người chết. Khi trời mưa, các lều ngập nước và có thể bị sập bất cứ lúc nào.
Một tổ chức nhân đạo lớn làm việc tại đây cho biết, họ rất ngạc nhiên, khi không hề thấy ai làm nhiệm vụ ghi nhận thông tin về những người tỵ nạn.
Đồ cứu trợ thì có nhiều, nhưng việc phân phối tiến hành không có tổ chức. Nguyên nhân của thực trạng vô tổ chức này là : các cơ quan Liên Hiệp Quốc đều nằm ở bên kia bên giới và không cử người sang, vì chính quyền Damas không chấp nhận cho Liên Hiệp Quốc tham gia các hoạt động nhân đạo các vùng thuộc kiểm soát của quân nổi dậy.
Giám đốc trại ty nạn Atmé tuyên bố, nếu tình hình này kéo dài, thì chắc chắn sẽ có nhiều bệnh tật và các rối loạn.
Tình trạng tại các trại tỵ nạn khác cũng ngày càng trở nên tồi tệ. Các trại tỵ nạn thường trở thành hậu cứ của lực lượng Quân đội Syria Tự do. Đây là nơi các binh sĩ quân nổi dậy gửi gắm người thân, tới nghỉ ngơi hoặc tìm đồ tiếp viện.
Cũng trong hồ sơ Syria trên Le Monde, có bài « Đặc phái viên Liên Hiệp Quốc về Syria Lakhdar Brahimi hối thúc Hội đồng Bảo an hành động khẩn cấp ». « Syria : các nước vùng Vịnh rút tiền ra » là hàng tựa một cụm tranh cho đề tài Syria trên Libération.
Liên hoan tranh hoạt hình Angoulême – Pháp
Về văn hóa, liên hoan tranh hoạt hình – BD - Angoulême lần thứ 40, miền nam nước Pháp, là chủ đề được nhiều báo Pháp quan tâm. Le Figaro nhận xét : « với khoảng 220.000 du khách hàng năm, bảo tàng BD tuyệt vời, bảy trường học cống hiến cho môn nghệ thuật thứ 9, cũng như nhiều trò chơi video, Angoulême đã biến cuộc hội ngộ của những người hâm mộ thành một cơ hội cho một cuộc cách mạng văn hóa ».
Libération thì dành cho chúng ta một số ra đặc biệt, được minh họa hoàn toàn bằng các tranh BD.
Triển lãm rô bốt tại Paris
Còn tại Paris, qua bài « Rô bốt tốt, rô bốt hung bạo và rô bốt bất lương », Le Monde giới thiệu về cuộc triển lãm « Và con người… đã tạo ra rô bốt » tại Bảo tàng nghệ thuật và nghề nghiệp (Musée des arts et métiers), từ tháng 11/2012 cho đến 03/03/2013, đặc biệt hướng đến các công chúng nhỏ tuổi.
Cho đến nay, triển lãm đã tiếp đón gần 50.000 khách thăm.
Theo giám đốc bảo tảng, đây là một triển lãm thành công nhất, kể từ sau triển lãm « Muséogames », dành cho các trò chơi video cách đây hai năm.
Nhiều loại rô bốt được trưng bày ở đây, từ các người máy trong lĩnh vực quân sự, đến rô bốt phục vụ y học… Cuộc trưng bày còn cho người xem nhìn lại lịch sử phát triển của rô bốt, với những nhiệm vụ nguy hiểm và phức tạp mà chúng có thể làm thay cho người.
Tuy nhiên ngày càng xuất hiện nhiều hơn các rô bốt trong cuộc sống hàng ngày, như : rô bốt đọc sách, rô bốt diễn viên, rô bốt giúp trẻ học bài…
Một trong các chủ đề chính của cuộc triển lãm gợi nhiều suy nghĩ, đó là tương lai nào cho các rô bốt.
Làm việc thay con người trong các công việc khó khăn và nặng nhọc, liệu rô bốt có thể thay thế con người trong các hoạt động xã hội thông thường khác hay không ?
Rời khỏi bảo tàng, một trong những điều mà các du khách nhí có thể nhận ra là, có rất nhiều rô bốt tài giỏi, nhưng sức mạnh của chúng không phải là không có vấn đề.
Hiểu được các sức mạnh và những giới hạn của rô bốt là « một sự nhập môn vào triết học » đầy ý nghĩa với một du khách nhỏ.
Tin mới
- Hàng triệu người khắp thế giới theo dõi Super Bowl vào Chủ nhật - 03/02/2013 22:42
- Lực lượng cưỡng chế đất bị ném bom thối, hỏa công - 03/02/2013 03:54
- Điểm Báo Pháp Quốc Ngày 02-02-2013 - 03/02/2013 02:22
- Trung Quốc tăng cường hợp tác quân sự với Cam Bốt : Điềm xấu cho ASEAN - 03/02/2013 01:54
- Đức TGM Giuse Ngô Quang Kiệt ký tên vào bản Kiến nghị sửa đổi Hiến pháp 1992 - 02/02/2013 06:47
- Nga: Tàu sân bay Ấn Độ trục trặc do dùng thiết bị Trung Quốc - 02/02/2013 00:45
- Điểm Báo Pháp Quốc Ngày 01-02-2013 - 01/02/2013 21:15
- Hơn 50 giám mục, linh mục đòi bỏ điều 4 Hiến Pháp CSVN - 01/02/2013 17:51
- Tổng Thống Mali bác bỏ đàm phán với phe Hồi giáo - 01/02/2013 01:01
- VN 'đàn áp có hệ thống' - 01/02/2013 00:42
Các tin khác
- Hàn Quốc cảnh báo hậu quả nghiêm trọng nếu Bắc Triều thử hạt nhân - 31/01/2013 23:44
- Điểm Báo Pháp Quốc Ngày 30-01-2013 - 30/01/2013 20:47
- Hải quân Thái đẩy ngược ra biển 200 thuyền nhân Rohingya từ Miến Điện - 30/01/2013 17:50
- Syria tìm thấy nhiều thi thể ở Aleppo - 30/01/2013 01:59
- Điểm Báo Pháp Quốc Ngày 29-01-2013 - 29/01/2013 17:17
- Điểm Báo Pháp Quốc Ngày 28-01-2013 - 28/01/2013 21:23
- Việt Nam : Xử 22 người bị buộc tội « hoạt động nhằm lật đổ chính quyền » - 28/01/2013 21:11
- TQ tăng trợ giúp quân sự cho Campuchia - 27/01/2013 23:30
- Thủ tướng VN thị sát máy bay Su-30MK2 - 27/01/2013 23:25
- Điểm Báo Pháp Quốc Ngày 27-01-2013 - 27/01/2013 20:56