Tài liệu cũ của Saigon Echo
từ 2008 - 2012
Play
 
Giám Đốc: Tiến Sĩ Trần An Bài

               Suy Tư Dòng Đời:

  • Font size:
  • Decrease
  • Reset
  • Increase

Điểm Báo Pháp Quốc Ngày 13-10-2014

Kim Jong-un « bốc hơi » một cách lạ thường

KimjungUn 2


Lãnh tụ Bắc Triều Tiên Kim Jong Un tại một kỳ họp Quốc hội năm 2012.Reuters

Liên quan tới tình hình thời sự châu Á, việc người đứng đầu nhà nước Triều Tiên « bặt vô âm tín » từ ngày 03/09 tới nay tiếp tục nhận được sự quan tâm của báo Le Monde.

Dưới tựa đề «Kim Jong-un « bốc hơi » một cách lạ thường », bài xã luận phân tích nhiều lý do khác nhau.

Theo bài xã luận, thông tin cuối cùng được phát ngày 26/09 trên đài truyền hình trung ương Triều Tiên khẳng định :« Dù mệt mỏi, nhưng như ngọn đuốc, nguyên soái vẫn tiếp tục dẫn đường chỉ lối ».

Lời bình luận này nhằm cố gắng trấn an dư luận không hay về tình trạng sức khỏe của Kim Jong-un.

Mọi đồn thổi không ngừng gia tăng tại thủ đô Séoul, trong khi đó Bình Nhưỡng vẫn không đưa gia lời giải thích nào.

Câu trả lời ngắn gọn : « Sức khỏe của nhà lãnh đạo không hề có vấn đề gì » của một thành viên của phái đoàn Triều Tiên tới nối lại đàm phán với Hàn Quốc tuần vừa qua cũng không giúp làm sáng tỏ tình hình.

Với chế độ khép kín như Triều Tiên, dư luận quốc tế đặt ra nhiều câu hỏi. Vì trước đó, năm 2008, khi Kim Jong-il, bố của nhà lãnh đạo Triều Tiên hiện nay, bị tai biến mạch máu não, Bình Nhưỡng đã phủ nhận mọi tin đồn liên quan tới tình hình sức khỏe và chỉ trích rằng đó là tin bịa đặt.

Trên thực tế, tại thời điểm đó, Kim Jong-il đã rơi vào tình trạng hôn mê.

Kim Jong-un, năm nay 33 tuổi, đã không tham dự kỳ họp quốc hội, và nghiêm trọng hơn, ông cũng vắng mặt tại buổi lễ kỷ niệm 69 năm thành lập Đảng Lao động Triều Tiên.

Thường nhân dịp này, hai năm gần đây, ông tới viếng lăng Kumsusan, nơi quàng thi thể của bố và ông nội Kim Nhật Thành. Lần này, nhà lãnh đạo chỉ gửi hoa tới viếng.
Bài xã luận cho biết đây không phải là lần đầu tiên ông bặt tin như vậy. Hồi tháng 6/2012, ông đã từng « biến mất » khỏi đàn chính trị trong vòng ba tuần.

Nhưng lần « bặt vô âm tín » lâu nhất là hồi tháng 12/2011. Dư luận đưa ra nhiều lý giải : vấn đề sức khỏe do thừa cân (như bệnh gút, tiểu đường hay phẫu thuật) hoặc đảo chính… Tuy nhiên, lý do cuối có vẻ khó xảy ra.

Theo quan sát của một người nước ngoài sống tại Bình Nhưỡng, không một dấu hiệu nào chứng tỏ chế độ đang lung lay.

Còn Bộ Thống nhất của Hàn Quốc thì đánh giá : « Bộ máy quyền lực của Kim Jong-un vẫn hoạt động bình thường ». Bệnh tật hay phẫu thuật có lẽ là nguyên nhân khả quan hơn.

Theo nhật báo Chosun Ilbo của Hàn Quốc, Kim Jong-un có thể bị phẫu thuật đầu gối do tại nạn trong lúc thao diễn quân sự. Đây cũng là nhận định của một nguồn tin Trung Quốc thân cận với Bình Nhưỡng được hãng tin Reuters đăng tải. Quá trình hồi phục của nhà lãnh đạo có thể kéo dài ba tháng.

Dự định cải cách của Bắc Kinh bị dập tắt

Việc tăng trưởng kinh tế giảm đang gây khó khăn cho kế hoạch của Bắc Kinh về tái cân bằng và chính sách mở cửa.

Đối mặt với những khó khăn trên, ngày 09/10 vừa qua, Trung Quốc đã công bố nhiều loại thuế quan mới về nhập khẩu than. Vấn đề này được phụ trương « Kinh tế » của báo Le Monde phân tích dưới tiêu đề : « Dự định cải cách của Bắc Kinh bị dập tắt ».

Tăng thuế nhập khẩu than là một biện pháp để bảo vệ ngành công nghiệp khai thác mỏ của Trung Quốc, trong khi nguồn tài nguyên này chiếm tới 2/3 nhu cầu năng lượng của quốc gia tiêu thụ lớn nhất thế giới.

Từ năm 2005, Trung Quốc đã xóa bỏ phần lớn các thuế nhập khẩu than. Thế nhưng, ưu đãi này sẽ thay đổi từ ngày 15/10.

Theo đó, mức thuế sẽ tăng thêm từ 3% đến 6% tùy từng loại than. Biện pháp này sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới các nhà cung cấp than lớn cho Trung Quốc như Úc và Mông Cổ.

Sở dĩ Bắc Kinh phải đưa ra biện pháp trên là do tăng trưởng của nước này đang chững lại. Mùa hè vừa qua, hiệp hội các nhà sản xuất than Trung Quốc, trong đó các thành viên chính là các doanh nghiệp quốc doanh, đã buộc phải giảm 10% sản lượng của quý hai. 70% mỏ than Trung Quốc bị thua lỗ và một nửa nợ lương công nhân.

Từ khi lên nắm quyền hồi tháng 3/2013, chủ tịch Tập Cận Bình và thủ tướng Lý Khắc Cường nhắc đi nhắc lại rằng, muốn theo đuổi biện pháp lâu dài là giảm bớt tình trạng sản xuất dư thừa và để luật cung-cầu quy định thị trường.

Nhưng từ khi việc khôi phục kinh tế không có dấu hiệu khả quan, chính phủ phải từ bỏ ý tưởng cải cách sang chủ trương bảo hộ để cứu việc làm.

Những biện pháp được đưa ra từ sau cuộc khủng hoảng năm 2008, một mặt, cho phép duy trì việc làm, song mặt khác, gây những hệ quả xấu, như đầu tư công được thực hiện vội vã, tham nhũng trong lĩnh vực xây dựng hệ thống đường sắt cao tốc và nợ xấu của các địa phương.

Hiện nay, ngân hàng trung ương đưa ra những biện pháp khiêm tốn và trọng tâm hơn. Trung tuần tháng 9 vừa qua, ngân hàng trung ương Trung Quốc đã bơm 500 tỉ nhân dân tệ (khoảng 63 tỉ euro) vào năm ngân hàng lớn nhất để cho vay với lãi suất thấp nhằm kích thích hoạt động kinh tế.

Nguồn vốn này sẽ được ưu tiên cho lĩnh vực tư nhân cạnh tranh, trái ngược với chính sách trước đây là tập trung cho các tập đoàn nhà nước nhờ những mối quan hệ chính trị và sự bảo đảm của nhà nước.

Thế nhưng, ngân hàng trung ương Trung Quốc cũng chịu áp lực để cho vay vốn nhiều hơn nữa tại thời điểm nhạy cảm khi mục tiêu tăng trưởng cả năm ở mức 7,5% khó có thể đạt được. Để thực hiện mục tiêu đề ra, chủ tịch Tập Cận Bình đang tìm cách thay thống đốc ngân hàng trung ương Trung Quốc.

Bài báo đánh giá, dù vẫn đương nhiệm, việc ông Chu Tiếu Xuyên sẽ thôi chức thống đốc khi mãn nhiệm là dấu hiệu chiến thắng của phe bảo thủ trước khuynh hướng cải cách.

Làn sóng nhập cư bất hợp pháp tại Pháp

Từ đầu năm nay, Bộ Nội vụ Pháp phải đối mặt với vấn đề hơn 100 nghìn người nhập cư bất hợp pháp qua đường biên giới Pháp-Ý.

Vấn đề trở nên đặc biệt nhạy cảm do thiếu trang thiết bị cũng như nhân lực cần thiết để quản lý sự bùng nổ làn sóng. Báo Le Figaro dành bài xã luận và toàn bộ mục « Sự kiện » phản ánh tình trạng nhập cư bất hợp pháp tại thành phố Menton miền Nam nước Pháp.

Phóng viên cho biết không chỉ đảo Lampedusa (Ý) là điểm trung chuyển của những người tị nạn. Từ đầu năm nay, thành phố Menton, nằm bên biên giới với Ý, trở thành điểm đến của những người Syria, Libya, Eritrea chạy trốn chiến tranh, hay của người châu Phi đến từ miền nam sa mạc Sahara.

Cảnh sát dự kiến đón được khoảng 4 000 người mỗi tháng, song con số này lên tới hơn 10 000 người khiến thành phố trở nên quá tải.

Trong số hơn 100 nghìn người nhập cư bất hợp pháp, phần lớn tìm cách sang Đức hoặc Thụy Điển. Số lượng người xin tị nạn tại Pháp cũng sẽ tăng lên đáng kể trong năm nay, 80 000 đơn so với 67 000 năm ngoái.

Tác giả bài báo cũng cho biết từ ngày 15/04 vừa qua, nhiều biện pháp kiểm tra đã được triển khai để quản lý làn sóng người nhập cư bất hợp pháp, như tăng cường lực lượng cảnh sát trên đường bộ và đường sắt, tăng cường các đơn vị điều tra mạng lưới đưa người vượt biên trái phép… Thế nhưng, các công đoàn cảnh sát cho rằng những biện pháp tăng cường trên vẫn chưa đủ và họ cần thêm nhân sự để có thể quản lý các loại thủ tục dài vô tận.

Đây cũng có thể là một trong những nguyên nhân giải thích những thiếu sót trong việc quản lý nhập cư giữa hai thành phố Vintimille của Ý và Menton của Pháp. Bảy lý do chính trích từ bản báo cáo của một nhân viên cảnh sát biên phòng được tác giả trích đăng dưới tựa đề : « Báo cáo sốc của một cảnh sát ».

Đó là bùng nổ làn sóng nhập cư, nhân viên cảnh sát không được đảm bảo an toàn, rào cản ngôn ngữ, cách hành xử không đúng đắn giữa các quốc gia Liên hiệp, thái độ chán nản của nhân viên cảnh sát, nguyên tắc 4 tiếng tạm giữ và nước Pháp nằm trong thế kẹt giữa.

Ít có nguy cơ dịch Ebola tại Pháp

Vẫn liên quan tới thời sự Pháp, báo La Croix phân tích khả năng lây nhiễm Ebola ngoài lục địa châu Phi. Từ vài ngày nay, dư luận quan tâm một ca tử vong vì Ebola tại Mỹ và một ca nhiễm tại Madrid.

Nước Pháp phòng ngừa dịch này như thế nào ? Báo La Croix cho rằng : « Ít có nguy cơ dịch Ebola tại Pháp ».
Trước những ca nhiễm virus Ebola ngoài lục địa châu Phi, bộ trưởng Bộ Y tế, Marisol Touraine đã công bố một số điện thoại thông tin về loại virus này.

Hiện nay, Pháp không có một bệnh nhân nào. Nữ y tá của tổ chức « Thầy thuốc không biên giới » được điều trị hồi tháng 9 vừa qua đã khỏi bệnh.

Trong trường hợp một ca nhiễm loại virus này được phát hiện trong thời gian tới đây trên lãnh thổ Pháp, 12 trung tâm bệnh viện (CHU) tại cách thành phố lớn như Paris, Lille, Lyon, Strasbourg, Marseille, Bordeaux, Rennes, La Réunion, Rouen, Nancy đã được trang bị để có thể tiếp đón điều trị bệnh nhân, đồng thời tránh nguy cơ lây nhiễm sang người thứ hai.

Nguy cơ người mắc Ebola tại Pháp là có thể tăng nếu như dịch này lan tràn tới các nước châu Phi có quan hệ chặt chẽ với Pháp. Nhưng hiện nay, tại Bờ Biển Ngà, chưa có trường hợp nào được phát hiện.

Nước Senegal thì đã hoàn toànkiểm soát được tình hình từ khi một bệnh nhân người Guinea tới đây vào tháng 8 vừa qua. Từ đó, chưa một ca nào được phát hiện thêm.

Sau khi thống kê được 20 bệnh nhân, Nigeria cũng đã biết cách hành động và tháng 9 vừa qua cũng không có thêm ca nhiễm nào. Những ví dụ trên đã trấn an chính quyền Pháp rằng củng cố hệ thống y tế có thể tránh được nạn dịch.

Tuy nhiên, những ví dụ nhiễm virus gần đây tại Tây Ban Nha và Hoa Kỳ chứng minh rằng tình trạng « không rủi ro » không hề tồn tại.

Sống khác hay cùng một mái nhà, khái niệm « gia đình » thêm đa dạng

Một hiện tượng xã hội phổ biến tại Pháp : các cặp đôi không sống dưới cùng một mái nhà, được Viện Nghiên cứu dân số quốc gia Pháp đề cập trong một hội thảo về « gia đình từ xa, gia đình bán thời gian ».

Chuyên mục « Cách sống » trên tờ Libération đề cập đến vấn đề này với bài báo tựa đề : « Sống khác hay cùng một mái nhà, khái niệm « gia đình » thêm đa dạng ».

Một câu hỏi được đặt ra là nếu một cặp không còn được hiểu như hai người sống cùng dưới một mái nhà, liệu có nên định nghĩa lại theo hình thức hợp đồng hôn nhân, hay theo mối quan hệ yêu đương, con cái chung hay thời gian quan hệ… ?

Bài báo nêu lên một số nguyên nhân chính của hiện tượng này. Thứ nhất, những người có thu nhập thấp, như sinh viên, lao động trẻ, buộc phải tiếp tục sống tại nhà của bố mẹ vì không đủ tiền thuê nhà.

Ngoài ra, khoảng 35% các cặp không sống cùng nhau thường từ 40 tuổi trở lên. Thường họ là những người góa bụa và là chủ sở hữu nhà cửa, nên thường không muốn rời nơi mình ở.

Tiếp theo, một bộ phận khác là những người ly hôn, có mối quan hệ tình cảm mới, song không muốn tái lập gia đình, vì lý do diện tích nhà ở hay phức tạp trong quan hệ « con anh con tôi ».

Một bộ phận khác trong hình thức gia đình mới này là những đôi sống cách xa nhau vì lý do công việc. Một trong hai người phải đi công tác vài ngày trong tuần hoặc vài tháng trong năm.

Cuối cùng là những người cho là già để thích nghi với cuộc sống hai người. Nhiều người trong số họ có con, vẫn làm tròn bổn phận của cha mẹ, song không sống cùng nhau.

Ngoài các chủ đề trên, báo chí Pháp ra ngày hôm nay đề cập hai chủ đề chính liên quan tới tình hình thời sự Pháp là dự toán ngân sách của Pháp cho năm 2015 sẽ được Liên hiệp châu Âu thảo luận ngày hôm nay và đề xuất về bảo hiểm-thất nghiệp của bộ trưởng bộ Kinh tế Pháp đang gây tranh cãi ngay trong nội bộ Đảng Xã hội.

Liên quan tới thời sự quốc tế, các báo vẫn tiếp tục quan tâm tới sự lây nhiễm virus Ebola và chiến sự tại Kobané.

 

Switch mode views: