Tài liệu cũ của Saigon Echo
từ 2008 - 2012
Play
 
Giám Đốc: Tiến Sĩ Trần An Bài
  • Font size:
  • Decrease
  • Reset
  • Increase

Giới đầu tư chú ý đến Miến Điện khiến các nhà hoạt động tranh đấu lo ngại

Những cải cách chính trị của Miến Điện dưới thời Tổng thống Thein Sein đã chấm dứt phần lớn tình trạng bị cô lập...

 

Tổng thống Miến Điện Thein Sein

 

Miến Điện đang bị áp lực phải thực hiện những cải cách kinh tế rộng lớn trong lúc quốc gia này vẫn còn đang phải bắt kịp thay đổi chính trị đưa ra mới đây.

Thông tín viên Ron Corben từ Bangkok tường trình về niềm hân hoan và nỗi lo ngại đối với việc hồi sinh của một nền kinh tế từng có thời là một trung tâm thương mại cho khu vực đông nam Á.

Những cải cách chính trị của Miến Điện dưới thời Tổng thống Thein Sein đã chấm dứt phần lớn tình trạng bị cô lập từng khiến nước này trở thành một trong những quốc gia nghèo nhất tại đông nam Á.

Nhưng trong lúc các nhà đầu tư và giới doanh nghiệp tìm kiếm cơ hội, vẫn còn những trở ngại cho công cuộc cải cách kinh tế, chính trị, luật pháp cần thiết để tăng trưởng kinh tế.

Chuyên gia Sean Turnell, một kinh tế gia tại đại học Macquarie ở Australia mới đây vừa đến thăm Miến Điện, cho biết nhiều hạn chế trong kinh doanh, một số có từ thời kỳ Miến Điện còn là thuộc địa Anh, vẫn còn áp dụng.

 Ông nói: "Rất nhiều những hạn chế kinh tế chưa được gỡ bỏ, mà theo tôi, chúng đi ngược lại với xu hướng nhất là tại Á châu, xu hướng đó là kinh tế đi trước, chính trị theo sau đứng hàng thứ nhì."

Các bộ trưởng chính phủ đã đưa ra một chương trình cải tổ đầy cao vọng gồm một luật đầu tư mới, tính minh bạch hơn trong chính phủ, những kế hoạch phát triển cơ sở hạ tầng, và thành lập những khu công nghiệp.

Cũng có những luật lao động mới, luật thuế khóa mới và cải tổ tiền tệ.

Nhưng chuyên gia Turnell cho hay những thay đổi có thể không được thực hiện đủ nhanh cho tổng thống Thein Sein.

Ông nói: "Theo tôi, đặc biệt là Tổng thống Thein Sein, khá bực bội vì cải tổ chưa đủ nhanh như mức trông đợi. Nói cách khác, về điểm đó, tôi nghĩ có phần chắc chúng ta sẽ thấy sớm có thêm nhiều cải tổ nữa."

Nhà lãnh đạo đối lập Aung San Suu Kyi đã lưu ý các nhà đầu tư hãy thận trọng rằng cần phải có thay đổi đáng kể nữa trong nội tình Miến Điện. Bà nói với giới đầu tư ở thủ đô Bangkok tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới rằng công ăn việc làm là nhu cầu lớn nhất của Miến Điện; bà gọi mức thất nghiệp là một “quả bom nổ chậm.”

Các nhóm hoạt động tranh đấu cũng đưa ra cùng một cảnh báo. Bà Debbie Stothard, phát ngôn viên của tổ chức Alternative ASEAN Network ủng hộ dân chủ và nhân quyền cho Miến Điện, nói: “Có một thôi thúc như vậy cho đầu tư và doanh nghiệp tại Miến Điện, mà theo tôi, những nhận định của bà Aung San Suu Kyi là điều giúp chúng ta xét lại thực trạng và là một lời cảnh tỉnh, cũng như cả thế giới phải nghĩ đến tình hình của Miến Điện và ảnh hưởng của đầu tư đối với dân chúng địa phương.”

Một số những doanh nghiệp nước ngoài làm ăn tại các quốc gia đang phát triển đã bác bỏ lời cảnh báo đó, cho rằng nó mang tính phóng đại.

 Chuyên gia Joseph Stiglitz, một giáo sư kinh tế tại đại học Columbia từng được trao giải Nobel kinh tế năm 2001, cho rằng bà Suu Kyi bi quan quá đáng về triển vọng kinh tế Miến Điện và rằng các nhà đầu tư sẽ vẫn tiến hành công việc của họ.

Sự hăng say từ những nhà đầu tư nước ngoài đã gây nên những quan ngại cho một số các nhà phân tích cho rằng kinh tế phát triển nhanh chóng sẽ gây trở ngại cho công cuộc cải tổ chính trị thêm nữa.

 Cựu thượng nghị sỹ Thái Lan Kraisak Choonhavan đang dẫn đầu công cuộc cổ võ cho nhân quyền Miến Điện. Ông nói: "Sự sống còn của cuộc tranh đấu cho tự do và dân chủ hóa Miến Điện đang tiến dần tới chỗ chết, một cái chết chậm chạp. Toàn bộ nỗ lực hiện nay của các quốc gia Tây phương và các quốc gia khác là nhắm tới các tài nguyên của Miến Điện và những địa điểm đầu tư, như thời Tây tiến đổ xô đi tìm vàng tại Hoa Kỳ thế kỷ thứ 19 vậy."

Nhưng những người khác tại Miến Điện như danh hài Zarganar, từng là tù nhân chính trị trong 11 năm, tin rằng nước ông đã tiến vào một kỷ nguyên mới:

 “Đây là một thời điểm hết sức quan trọng cho quốc gia chúng tôi, buổi bình minh của Miến Điện. Chúng tôi phải đi đến một ngày tươi sáng, không muốn trở lại đêm đen. Giờ đây chúng tôi đang trong ánh bình minh để tiến vào một ngày tươi sáng. Chúng ta không muốn trở lại đêm đen nữa.”

Công cuộc cải tổ chính trị và sự chú ý của giới đầu tư vào các nguồn tài nguyên thiên nhiên của Miến Điện, lực lượng lao động trẻ tuổi và vị trí kề cận của Miện Điện với Trung Quốc và Ấn Độ chưa gì đã khiến Quĩ Tiền Tệ Quốc Tế IMF nâng dự báo tăng trưởng kinh tế của Miến Điện lên tới 6% trong năm 2012.

Trung Quốc dùng vũ khí kinh tế đối với Philippines

Đây không phải là lần đầu tiên Bắc Kinh dùng vũ khí kinh tế đối với những nước có tranh chấp

 

Chuối là một trong những mặt hàng xuất khẩu quan trọng của Philippines (ảnh: philippinebanana.com)

 

Cuộc đối đầu giữa Trung Quốc và Philippines trên Biển Đông nay đã chuyển sang lĩnh vực kinh tế, với những hậu quả không chỉ giới hạn trong cuộc “chìến tranh” chuối giữa hai nước.

 Cuộc “chiến tranh” này đã bắt đầu từ tháng 3, khi các nhà nhập khẩu Trung Quốc than phiền là chuối nhập từ Philippines không bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm, cho nên không thể bán trên thị trường Trung Quốc.

Kể từ nay, Bắc Kinh yêu cầu phải thanh tra lại toàn bộ chuối từ Philippines, không còn chỉ dựa vào giấy chứng nhận kiểm tra của phía Manila.

Sau chuối, Trung Quốc cũng đã bắt đầu kiểm tra gắt gao hơn các loại trái cây khác của Philippines, như đu đủ, xoài, dừa và thơm, khiến các nhà xuất khẩu Philippines phải vội tìm các thị trường khác ở Trung Đông và những vùng khác để bán kịp lượng hàng ứ đọng.

Trong bối cảnh khủng hoảng tài chính toàn cầu, có thể nói là cho tới nay, thị trường Trung Quốc đã cứu nguy cho các nhà xuất khẩu Phillipines, đang gặp nhiều khó khăn tại các thị trường truyền thống.

 Thế nhưng, kể từ khi Bắc Kinh thi hành những hạn chế đối với chuối của Philippines, các doanh nghiệp Philippines cho biết là họ đã bị mất hơn 23 triệu đôla. Nên nhớ rằng chuối hiện chiếm hơn 30% tổng kim ngạch xuất khẩu của nước này.

Tuy vậy, hiện giờ chính phủ Manila chưa dám đổ hết lỗi cho Bắc Kinh trong tranh chấp này, nhìn nhận là bản thân các nhà xuất khuẩu Philippines cũng phải nỗ lực bảo đảm mặt hàng của họ đạt tiêu chuẩn vệ sinh thực phẩm.

Họ cũng nhấn mạnh là Trung Quốc đã thi hành các biện pháp gắt gao về chuối ngay từ trước khi xảy ra đụng độ giữa hai nước ở khu vực bãi cạn Scarborough vào đầu tháng 4.

 Nhà chức trách Philìippines đã tăng cường thanh tra trái cây của nước này trước khi xuất sang Trung Quốc.

Thế nhưng, cuộc “chiến tranh” chuối này làm nổi rõ sự phụ thuộc về kinh tế ngày càng nhiều của Philippines đối với Trung Quốc.

 Hiện nay, Trung Quốc đã trở thành đối tác thương mại đứng hàng thứ ba của Philippines, chỉ sau Nhật Bản và Hoa Kỳ.

Theo dự đoán, đến năm 2013, Trung Quốc sẽ là bạn hàng lớn nhất của Philippines. Nhưng nếu Bắc Kinh tiếp tục kiểm tra gắt gao như vậy, có thể sẽ đến lượt hàng điện tử xuất khẩu của Philipines bị ảnh hưởng, trong khi đây là mặt hàng chiếm hơn 50% tổng kim ngạch xuất khẩu của nước này.

Đây không phải là lần đầu tiên Bắc Kinh dùng vũ khí kinh tế đối với những nước có tranh chấp chủ quyền lãnh hải với Trung Quốc.

Vào năm 2010, Bắc Kinh đã đình chỉ xuất khẩu đất hiếm sang Nhật Bản, có lẽ là nhằm trả đũa vụ Tokyo bắt giữ thuyền trưởng một tàu cá Trung Quốc ở khu vực quần đảo Điếu Ngư/Senkaku.

Nếu thật sự Bắc Kinh cũng sử dụng vũ khí kinh tế đối với Manila thì chắc chắn Philippines sẽ là nước bị thua thiệt. Ngoài chuối, Trung Quốc còn nhập nhiều loại trái cây khác cũng như rất nhiều khoáng sản từ Philippines.

Với tranh chấp chủ quyền trên Biển Đông ngày càng gay gắt, bên cạnh việc huy động các tàu chiến, Bắc Kinh có vẻ sẵn sàng dùng lá bài kinh tế để áp đảo đối phương.

Switch mode views: