Tài liệu cũ của Saigon Echo
từ 2008 - 2012
Play
 
Giám Đốc: Tiến Sĩ Trần An Bài
  • Font size:
  • Decrease
  • Reset
  • Increase

Phương thức đại diện của nền dân chủ Pháp đã lỗi thời?

AoVang-xahoi

Những người Áo Vàng biểu tình tại Paris ngày 15/12/2018.REUTERS/Christian Hartmann

 « 42 » là con số các yêu sách phong trào Áo Vàng đưa ra trong các đợt biểu tình kéo dài từ gần hai tháng nay tại Pháp.
Trong số này, đòi hỏi phải có « trưng cầu dân ý theo sáng kiến của công dân - RIC » đang làm dấy lên nhiều tranh luận.

Câu hỏi đặt ra : Phải chăng đòi hỏi này cho thấy phương thức đại diện của nền dân chủ Pháp đã lỗi thời ?

Sự hụt hơi của phương thức đại diện

Xuất phát từ việc phản đối tăng thuế nhiên liệu, phong trào Áo Vàng – áo an toàn giao thông – trong gần hai tháng qua tại Pháp đã đưa ra nhiều yêu sách, như đòi cải thiện sức mua, tăng lương, rồi thậm chí đòi cả tổng thống Emmanuel Macron phải từ chức.
Việc có nhiều có yêu sách khác nhau phản ánh sự đa dạng của phong trào xã hội này.

Tuy nhiên, dường như có một yêu sách được nhiều nhóm Áo Vàng ủng hộ : đó là thiết lập cơ chế trưng cầu dân ý theo sáng kiến của công dân (RIC – Référendum d’Initiative citoyenne).
Đây được coi là một giải pháp giúp cho công dân có tiếng nói trong các vấn đề quan trọng và thiết thực đến cuộc sống hàng ngày.

Thủ tướng Pháp Edouard Philippe ngày 16/12/2018 cho biết sẵn sàng thảo luận về chủ đề này.
Nước Pháp hiện nay duy trì một nền dân chủ đại diện, người dân bầu ra các đại diện của mình ở cấp trung ương và địa phương.

Trả lời phỏng vấn đài phát thanh RTL, ngày 17/12/2018, ông Dominique Rousseau, giáo sư luật Hiến Pháp, thuộc đại học Paris I – Sorbonne, cho rằng đòi hỏi này của phe Áo Vàng cho thấy dường như có một sự hụt hơi về phương thức đại diện trong nền dân chủ Pháp.

« Đòi hỏi của phong trào Áo Vàng cho thấy sự hụt hơi của phương thức đại diện của nền dân chủ.

Tôi nhấn mạnh là sự hụt hơi của phương thức đại diện, chứ không phải của nền dân chủ. Tức là sự độc quyền của các dân biểu trong việc xây dựng luật.
Những người Áo Vàng giờ đây muốn tham gia, ở cấp độ của họ, vào việc làm ra các đạo luật và trưng cầu dân ý theo sáng kiến công dân có thể là một trong những công cụ để làm việc này».

Các hình thức hỏi ý kiến dân

Đối với nhiều nhóm Áo Vàng, bên cạnh các đòi hỏi liên quan đến cuộc sống hàng ngày, về lâu dài, cần phải sửa đổi Hiến Pháp nhằm thiết lập cơ chế trưng cầu dân ý theo sáng kiến công dân trên tất cả các lĩnh vực.

Mục tiêu là trao cho công dân quyền được soạn thảo, hủy bỏ một đạo luật về chủ đề mà người dân lựa chọn, quyền được bãi miễn các dân biểu, kể cả tổng thống.
Theo giáo sư Dominique Rousseau, Hiến Pháp của Pháp sửa đổi năm 2008 có đề cập đến việc tổ chức hỏi ý kiến người dân – được gọi là trưng cầu dân ý theo phương cách chia sẻ sáng kiến (Référendum d’Initiative partagée).

« Đó là chia sẻ sáng kiến, trách nhiệm, chứ không thuần túy xuất phát từ công dân.
Cụ thể việc chia sẻ sáng kiến, trách nhiệm này là như sau : Các nghị sĩ đưa ra sáng kiến nếu có được 5% tổng số dân biểu ủng hộ, khoảng 185 người.
Và sáng kiến này còn phải có được sự ủng hộ của 1/10 tổng số cử tri, khoảng 4,5 triệu người.

 Cải cách này được ghi trong Hiến Pháp năm 2008, nhưng từ đó đến nay, tức là 10 năm qua, trưng cầu dân ý theo phương thức chia sẻ sáng kiến chưa bao giờ được sử dụng ».

Trước khi có cải cách năm 2008, Hiến Pháp của Đệ ngũ cộng hòa Pháp năm 1958 quy định là chỉ có tổng thống mới được quyền cho tổ chức hỏi ý kiến người dân.
 Báo Le Monde số ra ngày 07/12/2018, trích dẫn website Đời sống chính trị của Nhà nước Pháp (Vie-publique.fr), giải thích Hiến Pháp của Pháp đã có nhiều hình thức hỏi ý kiến người dân.

Trước tiên là trưng cầu dân ý theo sáng kiến của chính phủ hoặc các nghị sĩ. Điều khoản 11 của Hiến Pháp năm 1958 đề cập đến khả năng tổ chức trưng cầu dân ý về « mọi dự luật liên quan đến việc tổ chức các cơ quan công quyền, về việc cho phép phê chuẩn một hiệp ước ».
Nhưng sáng kiến này phải do chính phủ hoặc Hạ Viện hoặc Thượng Viện đưa ra.

Đạo luật cơ bản của Pháp, trong điều khoảng 89 cũng đề cập đến việc trưng cầu dân ý về sửa đổi Hiến Pháp, người dân có thể đồng ý hoặc bác bỏ dự thảo sửa đổi Hiến Pháp.
 Tuy nhiên, đây không phải là cách thức duy nhất, bắt buộc. Thay vì hỏi ý kiến người dân, tổng thống Pháp có thể đưa ra bỏ phiếu tại Quốc Hội lưỡng viện (Hạ Viện và Thượng Viện họp tại lâu đài Versailles).

Năm 1969, tổng thống Charles de Gaulle đã cho tổ chức trưng cầu dân ý về việc thành lập các vùng và cải tổ Thượng Viện.
 Kết quả là hơn 52% dân Pháp bỏ phiếu chống.

Từ năm 2003, chính quyền các cấp địa phương có thể tổ chức trưng cầu dân ý về những chủ đề trực thuộc thẩm quyền của mình, ví dụ việc lắp đặt hệ thống camera theo dõi…
Một đạo luật năm 2016 cho phép chính quyền địa phương tổ chức hỏi ý kiến người dân về một dự án có tác động đến môi trường.
 Nhưng khác với trưng dầu dân ý, việc hỏi ý kiến này chỉ có tính chất tham khảo.

Trường hợp Ý và Thụy Sĩ

Nhưng phải đợi đến cuối tháng 11 vừa qua, một số nhóm Áo Vàng mới đưa ra kiến nghị là nếu một dự luật thu thập được 700 ngàn chữ ký – trên một website đặt dưới sự kiểm soát của một tổ chức độc lập – thì trong vòng một năm, cần phải tổ chức trưng cầu dân ý.

Dự luật có thể được trình nghị viện để có những sửa đổi bổ sung cần thiết nhưng nghị viện không có vai trò trong việc đề xuất văn bản.
Về điểm này, giáo sư Dominique Rousseau đưa ra ba câu hỏi cần có giải đáp thỏa đáng.

« Câu hỏi thứ nhất là cần phải có bao nhiêu chữ ký ủng hộ để khởi động trưng câu dân ý ?

Rõ ràng là số chữ ký càng thấp thì việc khởi động trưng dân ý càng dễ dàng.
 Ví dụ tại Ý, chỉ cần 500 ngàn ; Thụy Sĩ là 100 ngàn. Còn ở Pháp, người ta nói đến 700 ngàn.

Cũng được. Nhưng tại sao lại không hạ xuống còn 500 ngàn hay nâng lên 1 triệu ?
Vấn đề chính ở đây là nếu muốn thường xuyên dùng đến phương thức trưng cầu dân ý thì nên giảm số chữ ký ủng hộ cần thiết. »

Trong cuộc tranh luận này, phe Áo Vàng thường nêu ra trường hợp của Thụy Sĩ và Ý.
 Theo giải thích của đài truyền hình France 24, liên quan đến Thụy Sĩ, có hai loại trưng cầu dân ý, tham khảo và bắt buộc phải hỏi ý kiến người dân.

Trong trường hợp thứ nhất, người dân đưa ra sáng kiến.
 Trong vòng 100 ngày kể từ khi một quy định được chính thức ban hành, nếu ý kiến phản đối của người dân thu thập được 50 ngàn chữ ký hoặc có tới 8 chính quyền hàng tổng (canton) chống lại, thì có thể tổ chức trưng cầu dân ý và kết quả chỉ mang tính tham khảo.

Trong trường hợp thứ hai liên quan đến các dự luật do Nghị viện bỏ phiếu, đặc biệt là dự luật sửa đổi Hiến Pháp.
 Các văn bản này bắt buộc phải có ý kiến của người dân và chỉ có hiệu lực nếu được đa số công dân tán đồng.

Quay trở lại yêu sách thiết lập trưng cầu dân ý theo sáng kiến công dân của phong trào Áo Vàng tại Pháp, giáo sư Rousseau cho rằng, lĩnh vực hỏi ý kiến người dân là câu hỏi thứ hai cần phải xác định.
« Câu hỏi thứ hai là lĩnh vực đem ra trưng cầu dân ý. Liệu người dân có quyền đem ra trưng cầu dân ý bất kỳ chủ đề nào hay không ?
Ví dụ trưng cầu về việc hủy bỏ luật kết hôn của người đồng giới, về xóa bỏ nợ, về việc tái lập thuế đánh vào tài sản lớn, hay việc rút nước Pháp ra khỏi Liên Hiệp Châu Âu…

Hay là nên giới hạn lĩnh vực, chủ đề ?

 Tại Ý, một số chủ đề không được phép đem ra trưng cầu dân ý, như thuế khóa, ngân sách, việc phê chuẩn các công ước quốc tế…
Tóm lại điều quan trọng là phải xác định rõ những lĩnh vực nào được quyền đem ra trưng cầu dân ý ».

Luật pháp của Ý cho phép tổ chức 5 loại trưng cầu dân ý về các vấn đề liên quan đến vùng, lãnh thổ, về quy chế, về Hiến Pháp và về khả năng hủy bỏ các đạo luật.
Công dân chỉ có quyền đưa ra sáng kiến trưng cầu dân ý về việc hủy bỏ toàn bộ hay một phần một đạo luật nào đó.
Từ năm 1946 đến nay, nước Ý đã tổ chức 71 cuộc trưng cầu dân ý trong đó có tới 66 cuộc trưng cầu về việc hủy bỏ các văn bản pháp quy.

RIC : Ai kiểm soát, bài toán hóc búa

Cuối cùng, theo giáo sư Rousseau, vấn đề quan trọng nhất là ai có quyền kiểm tra xem các đạo luật mà người dân soạn thảo, tán đồng, có phù hợp với Hiến Pháp hay không, có tôn trọng nhân quyền hay không. Ông giải thích :
« Câu hỏi thứ ba và cũng là câu hỏi khó có trả lời nhất vì nó liên quan đến tính chất mỵ dân, dân túy hay dân chủ của việc tổ chức trưng cầu dân ý theo sáng kiến công dân. Đó là giá trị, ý nghĩa của việc trưng cầu dân ý này là gì ?

Đối với các đạo luật mà người dân đề xuất và ủng hộ thông qua trưng cầu dân ý, liệu các thẩm phán của Hội Đồng Bảo Hiến có thể thẩm định, xem xét tính hợp hiến và tôn trọng nhân quyền hay không ?
Hay là nhân danh các đạo luật do người dân trực tiếp xây dựng và thông qua, không một định chế nào được quyền xem xét, sửa đổi nữa ?

Vấn đề này gây rất nhiều tranh luận, bởi vì người ta có thể gặp trường hợp như sau : các đạo luật được thông qua sau cuộc trưng cầu dân ý theo sáng kiến công dân có thể vi phạm các quyền cơ bản của con người, ví dụ trưng dân ý về di dân, về tái lập án tử hình…

Như vậy, nếu chấp nhận phương thức trưng cầu dân ý theo sáng kiến công dân, các đạo luật được thông qua theo cách thức này nhất thiết phải chịu sự kiểm tra và đánh giá xem các văn bản này có tôn trọng các quyền cơ bản của con người hay không, có tôn trọng các giá trị trong Tuyên ngôn nhân quyền và dân quyền năm 1789 hay không ?

 Nói tóm lại, trong một nền dân chủ, không thể có Jupiter, vua của các vị thần có quyền quyết định tất cả, không chỉ có phủ tổng thống Điện Elysée, không chỉ có Quốc Hội hay các cuộc biểu tình ở các nút giao thông. Điều quan trọng là trong một nền dân chủ, cần phải có sự kiểm soát để xác định xem các đạo luật có tôn trọng nhân quyền hay không vì nhân quyền là chìa khóa mở cửa của nền dân chủ, cũng giống như mã số điện thoại di động, phải bấm đúng mã số thì điện thoại mới hoạt động ».

Nếu như tổng thống Pháp và chính phủ thủ tướng Edouard Philippe thận trọng đồng ý mở một cuộc tranh luận quốc gia, thì chủ đề này cũng đang gây chia rẽ giới trí thức.
Trả lời câu hỏi « Có nên thành lập trưng cầu dân ý theo sáng kiến công dân hay không ? » của báo Le Figaro (18/12/2018)

 Bà Anne-Marie Le Pourhiet, giáo sư về luật công trường đại học Rennes I, và là phó chủ tịch Hiệp hội Luật Hiến Pháp của Pháp khẳng định nên để cho người dân tự quyết định về mình.
Quan điểm này không được ông Olivier Duhamel, chủ tịch Quỹ Khoa học Chính trị Quốc gia tán đồng và đánh giá là « nguy hiểm » : Đó sẽ là một cánh cổng mở ra cho mọi sự giả dối.

Switch mode views: