Cuộc khủng hoảng Áo Vàng làm suy yếu vị thế nước Pháp tại châu Âu
- Thứ Năm, 06 tháng Mười Hai năm 2018 16:42
- Tác Giả: Trọng Nghĩa
Khẩu hiệu "Macron - Từ chức" vẽ trên tường Khải Hoàn Môn ngày 01/12/2018 nhân cuộc biểu tình của phong trào Áo Vàng tại Paris.
REUTERS/Stephane Mahe
Cách nay gần hai năm, chiến thắng của ông Emmanuel Macron trước bà Marine Le Pen trong cuộc bầu cử tổng thống tại Pháp đã biến ông thành "cứu tinh" của châu Âu, góp phần nâng cao vai trò nước Pháp trên trường quốc tế.
Thế nhưng, cuộc khủng hoảng Áo Vàng bùng lên đã làm cho uy tín của tổng thống Pháp bị sứt mẻ đáng kể, với hệ quả rõ nét là làm suy yếu vị thế quốc tế của Pháp, đồng thời ảnh hưởng đến Liên Hiệp Châu Âu trong bối cảnh trào lưu co cụm đang vươn lên tại nhiều nước.
Trong hai bài phân tích khác nhau được công bố đồng thời ngày 05/12/2018, nhà bình luận Pháp Pierre Haski trên đài phát thanh Pháp France Inter, và nhà nghiên cứu Mỹ Desmond Lachman trên tờ báo Mỹ The Hill, đều lo ngại trước nguy cơ uy tín bị suy giảm của tổng thống Pháp sẽ ảnh hưởng xấu đến Liên Hiệp Châu Âu vào lúc sắp diễn ra cuộc bầu cử Nghị Viện Liên Âu.
Cực hữu châu Âu hoan hỉ trước khủng hoảng Áo Vàng tại Pháp
Bài nhận định của Pierre Haski trên đài France Inter trước hết nêu bật nhận xét độc địa về tình thế hiện tại của tổng thống Pháp mà tác giả là ông Matteo Salvini, bộ trưởng Nội Vụ Ý, lãnh đạo Liên Đoàn, đảng cực hữu trong liên minh cầm quyền lực tại Ý, một nhân vật hoài nghi châu Âu và rất ghét quan điểm bảo vệ Liên Hiệp Châu Âu của ông Macron.
Tuyên bố vào hôm qua, 05/12, người được coi là đối thủ chủ chốt của tổng thống Pháp trên chính trường châu Âu đã cho rằng : « Macron không còn là vấn đề đối với tôi nữa… Ông ta đã trở thành vấn đề của người Pháp ».
Đối với Pierre Haski, trong số các thành phần đang vui mừng trước việc phong trào Áo Vàng đang đẩy nước Pháp vào một cuộc khủng hoảng nghiêm trọng, các đảng dân túy và cực hữu ở châu Âu hiện đang đứng hàng đầu.
Cuộc đối chọi quan điểm « Châu Âu tiến bộ » và « Dân tộc chủ nghĩa » sẽ không diễn ra
Trong những tháng gần đây, Emmanuel Macron một bên, và Matteo Salvini cùng thủ tướng Hungary Viktor Orban ở bên kia, đã vươn lên tuyến đầu trong cuộc đọ sức chính trị ở cấp độ châu Âu, từng được tổng thống Pháp gọi là cuộc đấu tranh của phe « tiến bộ » chống lại các thành phần « dân tộc chủ nghĩa ».
Cuộc đấu Macron chống Salvini và Orban lẽ ra sẽ là điểm nhấn của cuộc bầu cử Nghị Viện Châu Âu vào tháng Năm năm tới, bất chấp việc nhiều lực lượng chính trị khác không nhất thiết là đã công nhận rằng mình thuộc bên này hay bên kia.
Thế nhưng, theo Pierre Haski, triển vọng diễn ra trận thư hùng đó đã tan biến trên các chiến lũy mà phong trào Áo Vàng dựng lên tại Pháp.
Lý do là vị tổng thống Pháp, cho đến gần đây, vẫn được xem là anh hùng và thậm chí là cứu tinh của phe ủng hộ châu Âu, hiện đã bị suy yếu đáng kể, cùng với chương trình hành động mà ông dự trù cho toàn Liên Hiệp Châu Âu.
Theo Pierre Haski, sự kiện ông đánh bại ứng cử viên cực hữu, chống châu Âu Marine Le Pen để lên làm tổng thống Pháp vào năm ngoái đã biến ông thành bức tường thành chống lại sự nổi lên của chủ nghĩa dân túy, ngay sau khi nước Anh quyết định rời bỏ Liên Hiệp Châu Âu và biểu tương của « Nước Mỹ Trên Hết » là Donald Trump lên làm tổng thống Hoa Kỳ.
Các đề xuất của ông Macron về sự phục hưng của châu Âu đã tìm thấy sự cộng hưởng rộng rãi nơi những người không can tâm nhìn thấy 70 năm xây dựng châu Âu bị hủy hoại qua những cuộc khủng hoảng liên tiếp.
Chương trình nghị sự của ông Macron tuy nhiên đã không thể được thúc đẩy, một phần vì những khó khăn nội bộ của thủ tướng Đức Angela Merkel, nhưng một phần khác vì thiếu đồng thuận trong toàn thể Liên Hiệp Châu Âu.
Uy tín trong nước là tiền đề cho việc thúc đẩy chương trình phục hưng châu Âu
Vấn đề là bản thân Emmanuel Macron đã gắn liền ảnh hưởng của Pháp ở châu Âu với thành công của chương trình cải cách mà ông tiến hành tại Pháp.
Hình ảnh bạo động tại Paris và bước lùi của chính phủ ngày hôm qua trước sức ép của đường phố, đã làm suy yếu uy tín của tổng thống Pháp.
Đối với Pierre Haski, ngoài số phận của đương kim tổng thống, hình ảnh và ảnh hưởng của Pháp ở châu Âu và trên thế giới đang bị lu mờ, và sẽ phải mất rất nhiều thời gian để hồi phục.
Dẫu sao thì cuộc khủng hoảng tại Pháp đã ngăn chặn một vài bước tiến hiếm hoi trong việc cải thiện Liên Hiệp Châu Âu mà người ta từng cho là có thể được thực hiện trước cuộc bầu cử Nghị Viện Strasbourg vào năm tới.
Khó khăn trong việc vận động ủng hộ Liên Hiệp Châu Âu
Cuộc khủng hoảng này cũng thay đổi đáng kể các chiến dịch vận động tranh cử vào Nghị Viện Châu Âu.
Cho dù hiện chưa thể dự đoán được chính xác những gì sẽ xảy ra trong vòng sáu tháng tới đây, nhưng điều chắc chắn là quan điểm tiến bộ về châu Âu mà tổng thống Macron từng hùng hồn bảo vệ sẽ khó có thể được duy trì nguyên vẹn sau cuộc khủng hoảng Áo Vàng.
Mặt khác, cuộc nổi dậy của những người khoác áo gi lê màu vàng ở Pháp, tương tự như sự bùng nổ của phong trào dân túy ở nơi khác, rõ ràng đang đặt ra câu hỏi về bản sắc của châu Âu mà các công dân châu Âu mong muốn hoặc không muốn.
Và nhất là, cần phải mang đến cho những người còn hoài nghi bằng chứng là châu Âu quả thực là phục vụ lợi ích của họ, chứ không chỉ là lợi ích của riêng một tầng lớp bên trên ở các đô thị.
Thất bại của giới làm chính trị là đã thấy trong những năm gần đây là tâm lý bất mãn, phẫn nộ gia tăng nhưng lại không thể ngăn chặn những vụ bùng nổ như hiện nay - ở Pháp cũng như ở châu Âu.
Chuyên gia Mỹ: Ngôi sao Macron bị lu mờ là cũng là tin xấu cho châu Âu
Cùng một nhận định như Pierre Haski, kinh tế gia Mỹ Desmond Lachman, thuộc Viện Nghiên Cứu Mỹ American Enterprise Institute cũng cho rằng « Ngôi sao Macron đang lu mờ là tin xấu cho nước Pháp và cho Liên Hiệp Châu Âu ».
Trong bài ý kiến đăng trên trang mạng tờ báo Mỹ The Hill ngày 05/12/2018, chuyên gia từng là quan chức cao cấp của Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế đã cho rằng không thiếu các lý do để chỉ trích cung cách làm việc của tổng thống Pháp Emmanuel Macron trong 18 tháng qua, nhưng không nên quên rằng ông chính là hy vọng cuối cùng để giúp nước Pháp tiến hành những cải cách cần thiết.
Giờ đây, việc uy tín ông bị giảm sụt không chỉ tác hại đến triển vọng kinh tế của nước Pháp, mà còn tạo thành một cản lực lớn cho một tiến trình rất cần thiết tại Châu Âu là hội nhập kinh tế khu vực đồng euro, nhất là vào lúc thủ tướng Đức Merkel cũng đang trong thế yếu, không thể lãnh đạo châu Âu.
Tin mới
- Tư pháp Nhật Bản khởi tố Nissan và cựu chủ tịch tập đoàn - 07/12/2018 19:18
- Không quân Mỹ tuần tra trên bầu trời Ukraina - 07/12/2018 17:53
- Đức : Đảng CDU họp đại hội và quyết định người kế nhiệm bà Merkel - 07/12/2018 17:09
- Liên Hiệp Quốc bác bỏ nghị quyết của Mỹ lên án tổ chức Hamas - 07/12/2018 17:01
- Hoa Kỳ và Trung Quốc kiểm soát 2 tỷ người kết nối internet - 07/12/2018 16:50
- Noël hóa thân trong đèn lồng động vật ở Vườn Bách Thảo Paris - 07/12/2018 16:35
- Paris triển khai xe thiết giáp, đóng cửa tháp Eiffel đề phòng bạo động - 07/12/2018 15:59
- Pháp: Phong trào phản kháng lan rộng sang giáo dục, nông nghiệp - 06/12/2018 21:20
- Chính quyền Pháp lại nhượng bộ, Áo Vàng không lùi bước - 06/12/2018 21:04
- Phát hiện căn cứ hỏa tiễn mới của Bắc Triều Tiên - 06/12/2018 16:48
Các tin khác
- Khu trục hạm Mỹ thách thức đòi hỏi chủ quyền của Nga ở Biển Nhật Bản - 06/12/2018 16:26
- TT Nga dọa phát triển tên lửa tầm trung mới nếu Mỹ hủy hiệp định INF - 06/12/2018 16:19
- Cuba đổi ý, nới lỏng cho kinh tế tư nhân - 06/12/2018 14:47
- Singapore phản đối Malaysia về kế hoạch phát triển cảng - 06/12/2018 01:38
- Phong trào Áo Vàng : ''Cuộc nổi dậy sinh thái'' đầu tiên ở Pháp - 06/12/2018 01:31
- Hưu chiến thương mại Mỹ-Trung ảnh hưởng đến Việt Nam và nhiều nước - 06/12/2018 01:17
- Hồng Kông: Hồng y Trần Nhật Quân bảo vệ phong trào dân chủ - 05/12/2018 18:08
- Mỹ: Chưởng lý Mueller muốn cựu cố vấn Michael Flynn thoát án tù - 05/12/2018 17:28
- Chiến tranh thương mại : Trung Quốc tin sẽ đạt thỏa thuận với Mỹ - 05/12/2018 17:22
- Thỏa thuận hưu chiến thuế : Mỹ ép Bắc Kinh sớm có biện pháp cụ thể - 05/12/2018 02:58