Đổi quốc hiệu không bằng lo thực chất'
- Thứ Tư, 24 tháng Tư năm 2013 04:55
- Tác Giả: BBC
Xã hội Việt Nam
Chính quyền và đảng đang huy động 'toàn dân' đóng góp cho sửa đổi hiến pháp
Chuyên gia về luật hiến pháp trong nước nói với BBC rằng việc đổi tên hiệu quốc gia không quan trọng bằng việc làm sao đảm bảo thực chất cho đất nước được hưởng tự do, dân chủ và các quyền con người thực sự.
Trao đổi với BBC hôm 23/4 từ Hà Nội, Giáo sư Nguyễn Đăng Dung, thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội, cho rằng việc để tính từ đi kèm tên nước như hiện nay là 'xã hội chủ nghĩa' có thể không phù hợp vì nó chỉ thể hiện một ước muốn còn ở xa trong tương lai.
Ông nói: "Việc chuyển sang 'Việt Nam Dân chủ Cộng hòa' theo đề nghị của một số nơi như Ủy ban Mặt trận Tổ Quốc Việt Nam, hay thậm chí của một số học giả, tôi thấy rằng có thể là tốt hơn bởi vì chính thể phải phù hợp với điều kiện thực tiễn, ở thực tại.
"Chứ chế độ chính trị để như trước vì tương lai quá. Hiến pháp đặt ra vấn đề là phải kéo nó về thực tại, giải quyết những gì đang diễn ra ở cuộc sống chứ không phải giải quyết cái gì ở tương lai, ở thời tương lai.
GS Nguyễn Đăng Dung
Ông nói ở một số quốc gia, chế độ chính trị vẫn để là 'Vương quốc' hay 'Quốc vương', một thể chế chính trị rất cũ nhưng ở bên trong, tất cả những gì thể hiện trong đời sống của họ lại đều mang danh một chế độ 'dân chủ, cộng hòa' và ông cho rằng đây là một điều tốt.
Chuyên gia luật nhận xét trên thế giới hiện có rất ít quốc gia đề tên hiệu 'Xã hội chủ nghĩa' và cho rằng tên hiệu của Việt Nam như hiện này 'có một cái gì đó hơi xa' với thực tế của đất nước.
Giáo sư Dung cho rằng đổi tính từ trong quốc hiệu trở lại 'Dân chủ, Cộng hòa' có thể là một phương án có nhiều tiềm năng, phù hợp, đồng thời theo ông sẽ không có vấn đề gì sau khi đổi quốc hiệu về cơ bản nói chung cũng như về mặt thừa kế, tiếp tục, xử lý các hệ lụy về pháp lý hay giao dịch quốc tế nói riêng.
Ông nói: "Hiện nay cũng có một số quan điểm khác, việc đổi tên nước có thay đổi về mặt nội dung hay không.
"Hình thức thay đổi thì nội dung có thay đổi hay không thì người ta cũng lo lắng. Anh thay đổi về mặt hình thức nhưng nội dung không thay đổi thì cũng chẳng có nghĩa lý gì cả".
'Cũng bằng không'
Ông nhấn mạnh: "Ăn nhau vẫn là phải đổi nội dung thể hiện bên trong cuộc sống của xã hội Việt Nam như thế nào, đấy là vấn đề."
"Thế còn... cuộc sống ở bên trong không thể hiện được hình thức ở bên ngoài, nếu không có tự do, không có dân chủ thì cũng bằng không."
Gần đây ý kiến của dư luận và một số học giả trong nước còn cho rằng quốc hiệu cũng thể hiện kỳ vọng về mục tiêu quốc gia hay thể chế hướng tới.
Về hướng đi đổi mới thể chế trong dài hạn của Việt Nam, một nhà nghiên cứu xã hội học trong nước cho rằng nhà nước cần lưu ý các mục tiêu thực chất hơn về công bằng và dân chủ, với trọng tâm ưu tiên đặt vào công bằng xã hội.
Trao đổi với BBC từ Hà Nội, Giáo sư Nguyễn Đình Tấn, từ Học viện Chính trị - Hành chính Quốc gia, nói:
"Công bằng nên đặt trước dân chủ. Dân chủ rất quan trọng, nhưng nếu dân chủ mà không công bằng thì cái dân chủ đó chỉ là lời kêu gọi thôi. Khi có công bằng xã hội, thì khi đó mới có dân chủ, và hai cái đó tương tác với nhau."
'Quỹ đạo văn minh'
Giáo sư Tấn cho rằng về lâu về dài Việt Nam sẽ hòa nhập với 'quỹ đạo văn minh' quốc tế nhưng từ nay tới đó, quốc gia này sẽ vẫn giữ nguyên thể chế có duy nhất một đảng lãnh đạo là đảng cộng sản Việt Nam.
Ông nói: "Có lẽ trong tương lai xa, rồi thì Việt Nam cũng sẽ đi vào quỹ đạo chung, quỹ đạo bình thường của nền văn minh
"Việt Nam đang đi, nhưng phải đi từ từ, dần dần, Việt Nam là phương Đông, không thể thực hiện những cú sốc được theo kiểu phương Tây.
"Trong tương lai xa, Việt Nam cũng sẽ đi vào quỹ đạo chung, quỹ đạo bình thường của nền văn minh... VN đang đi, nhưng phải đi từ từ, dần dần, VN là phương Đông, không thể thực hiện những cú sốc "
GS Nguyễn Đình Tấn (giữa)
Về 'mục tiêu phấn đấu' của Việt Nam do Đảng cộng sản đặt ra, trong một trao đổi với BBC gần đây, Đại biểu Quốc hội, sử gia Dương Trung Quốc nêu quan điểm:
"Mục tiêu xây dựng chủ nghĩa xã hội tôi nghĩ vẫn là mục tiêu có thể đặt ra, nhưng nó phải hết sức thực tiễn vì đó là mô hình chưa hề có. Vì thế tôi đề nghị, tôi mong muốn là ta trở lại với chế độ dân chủ, cộng hòa."
Gần đây, truyền thông trong nước phản ánh các ý kiến đặt vấn đề về việc Việt Nam cần sửa đổi tên hiệu của quốc gia ra sao cho phù hợp với tình hình mới nhân dịp nhà nước tổ chức việc lấy ý kiến đóng góp của người dân cho sửa đổi Hiến pháp hiện hành.
Có ý kiến gợi ý rằng đổi lại tên nước là trở lại đúng với bản chất chế độ, nhưng cũng có ý kiến tin rằng chưa nên đổi tên trong thời điểm hiện nay và cần cân nhắc toàn cục.
Một blogger là sỹ quan và phóng viên của báo Quân đội Nhân dân còn đặt nghi vấn cho rằng đổi tên nước có thể là ' một chiêu' mà một số nhà lập pháp tung ra có ý đồ.
Được biết, trong dự thảo Hiến pháp sửa đổi chính thức mà chính quyền và Ủy ban Dự thảo Sửa đổi Hiến pháp của Quốc hội Việt Nam đưa ra vấn ý người dân hôm 12/4, ở điều 1, phương án 2, nội dung quốc hiệu, có đoạn viết:
“Nước Việt Nam là một nước dân chủ cộng hòa, độc lập, có chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ, bao gồm đất liền, hải đảo, vùng biển và vùng trời. Tên nước là Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.”
Tin mới
- Ếch, cá Trung Quốc tràn sang Việt Nam - 25/04/2013 20:58
- Hơn 27% dân sô Tây Ban Nha thất nghiệp - 25/04/2013 20:30
- Cảnh sát Miến Điện lại đàn áp dân cư khu mỏ đồng Monywa - 25/04/2013 19:55
- Venezuela muốn đối thoại với Hoa Kỳ - 24/04/2013 23:49
- Nam Phi gia tăng bảo vệ tê giác - 24/04/2013 23:36
- Tin tặc dùng TWITTER của AP tung tin tòa Bạch Ốc bị tấn công - 24/04/2013 23:30
- Nga : Mở lại phiên tòa xét xử nhà đối lập Alexei Navalny - 24/04/2013 20:02
- Pháp thông qua luật hôn nhân đồng tính - 24/04/2013 19:40
- Trung Quốc sẽ trang bị thêm tàu sân bay lớn hơn - 24/04/2013 19:33
- Tổng thống Hollande thăm Trung Quốc để quảng bá hàng Pháp - 24/04/2013 16:59
Các tin khác
- Nghề lạ ở Mỹ: Nhập vai Tổng thống Obama - 24/04/2013 04:35
- Thêm hàng chục tù chính trị Miến Điện được trả tự do - 23/04/2013 16:32
- Thân nhân blogger Điếu Cày bị cản trở thăm nuôi - 23/04/2013 16:24
- Nông dân Văn Giang ra tuyên bố một năm sau vụ cưỡng chế - 23/04/2013 16:16
- Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ hứa yểm trợ quân sự cho Israel - 23/04/2013 02:07
- Học bổng của Mỹ ở Bắc Kinh để tăng cường hiểu biết về TQ - 23/04/2013 02:00
- Chưa hiểu động lực của vụ khủng bố ở Boston - 22/04/2013 22:08
- Xung đột tại Miến Điện : Uy tín của bà Aung San Suu Kyi bị thử thách - 22/04/2013 21:27
- Seoul và Bắc Kinh chỉ trích việc hai bộ trưởng Nhật thăm đền tử sĩ - 22/04/2013 19:18
- Một bộ trưởng Nhật thăm đền Yasukuni - 21/04/2013 19:55