Tài liệu cũ của Saigon Echo
từ 2008 - 2012
Play
 
Giám Đốc: Tiến Sĩ Trần An Bài
  • Font size:
  • Decrease
  • Reset
  • Increase

Việt Nam : Kinh tế tăng mạnh nhưng vẫn còn nhiều nhược điểm

VN economy-pmi

Một xưởng may ở Hải Dương. Năng suất lao động của Việt Nam còn thấp so với nhiều nước trong khu vực.Reuters

Kinh tế Việt Nam trong năm 2017 đã tăng mạnh trở lại nhưng vẫn còn rất nhiều nhược điểm : tăng trưởng chủ yếu dựa vào đầu tư nước ngoài, năng suất lao động còn rất thấp, kinh tế tư nhân còn yếu...

Theo số liệu của Tổng Cục Thống Kê, trong năm 2017, kinh tế Việt Nam đã tăng 6,8%, mức cao nhất từ một thập kỷ qua, nhờ mức tăng mạnh của các khu vực công nghiệp, dịch vụ, nông ngư nghiệp và du lịch.
Đây là mức tăng GDP cao nhất kể từ mức tăng 8,5% của năm 2007.

Riêng về du lịch, trong năm 2017, Việt Nam đã phá kỷ lục về số du khách, đón tiếp tổng cộng gần 13 triệu người.
Tuy vậy, nếu tính về tỷ lệ trên dân số thì Việt Nam vẫn còn thua xa Thái Lan.

Việt Nam hiện có dân số gần 93 triệu người, trong khi Thái Lan chưa tới 70 triệu dân, thế mà trong năm 2017, nước này đã đón tiếp tổng cộng 35 triệu du khách, một con số kỷ lục.

Còn theo bộ Kế Hoạch và Đầu Tư, trong năm 2017, đầu tư ngoại quốc trực tiếp FDI cũng đã tăng 10,8% so với năm 2016, đạt đến 17,5 tỷ đôla.
Tính về tổng số vốn đầu tư, con số này vượt hơn 35 tỷ euro, tăng đến hơn 44% so với năm 2016. Ba nước đầu tư nhiều nhất vào Việt Nam là Nhật Bản, Hàn Quốc và Singapore.

Đầu tư ngoại quốc trực tiếp vẫn là một động lực chủ yếu cho tăng trưởng kinh tế Việt Nam, một nền kinh tế chủ yếu dựa vào xuất khẩu.
Trong năm qua, xuất khẩu của Việt Nam vẫn tăng mạnh, mặc dù tổng thống Donald Trump đã rút Hoa Kỳ khỏi hiệp định tự do mậu dịch Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) và dọa sẽ thi hành những biện pháp trừng phạt thương mại đối với những nước có thâm thủng mậu dịch nhiều đối với Mỹ như Trung Quốc và Việt Nam.

Thế nhưng, ngay cả trước khi Tổng Cục Thống Kê công bố các số liệu có vẻ khả quan nói trên, một trong những chuyên gia kinh tế hàng đầu trong nước là tiến sĩ Trần Đình Thiên, viện trưởng Viện Kinh Tế Việt Nam, đã chỉ ra những bất thường trong nền kinh tế Việt Nam, nhân một cuộc hội thảo vào đầu tháng 12/2017.

Theo ông Trần Đình Thiên, tăng trưởng của năm 2017 đã vượt chỉ tiêu, nhưng “trong bốn động cơ tăng trưởng của Việt Nam (kinh tế Nhà nước, kinh tế tư nhân, nông nghiệp và đầu tư ngoại quốc trực tiếp FDI), chỉ có khu vực FDI ăn nên làm ra nhờ tận dụng được những lợi thế của nền kinh tế Việt Nam, ít bị trói buộc bởi các thể chế, chính sách trong nước”.

Trong cuộc hội thảo nói trên, tiến sĩ Trần Đình Thiên cũng chỉ ra rằng, ở Việt Nam hiện nay, khu vực tư nhân rất yếu, trong đó doanh nghiệp tư nhân hầu như không thay đổi gì về cơ cấu, tỷ trọng đóng góp khá yếu (dưới 10%).
Mấy năm qua, động lực, động cơ tăng trưởng tập trung chủ yếu ở khu vực FDI.
Tỷ trọng xuất khẩu khu vực FDI tăng nhanh, sau 2017 sẽ càng tăng mạnh mẽ hơn, còn khu vực nội địa tăng trưởng rất chậm.

Trả lời RFI Việt ngữ ngày 03/01/2018, tiến sĩ Lê Đăng Doanh, chuyên gia kinh tế ở Hà Nội, nêu lên nguy cơ của việc tăng trưởng dựa quá nhiều vào đầu tư nước ngoài:

"Trong mức tăng trưởng ấy, các nhà đầu tư nước ngoài đóng góp một phần lớn, đến hơn 70% giá trị xuất khẩu và hơn 50% giá trị công nghiệp. Đó là một đóng góp tích cực, tạo thêm công ăn việc làm, đóng góp cho ngoại tệ và xuất khẩu của Việt Nam.
Nhưng về lâu dài, Việt Nam, với 100 triệu dân, không thể nào công nghiệp hóa mà chỉ dựa vào đầu tư nước ngoài.

Việt Nam rất cần những doanh nghiệp dân tộc, những doanh nghiệp có thương hiệu Việt Nam, bởi vì những doanh nghiệp nước ngoài sẽ chuyển vốn về nước họ, cho nên khoảng cách giữa GDP và GNI, Gross National Income, tức là thu nhập ròng của Việt Nam, rất lớn.
GNI có lẽ chỉ bằng 70% của GDP mà thôi.

Đến một lúc nào đó, khi mà lợi thế của Việt Nam về lao động trẻ, giá nhân công rẻ không còn cạnh tranh được với người máy, trí thông minh nhân tạo, thì lúc đó rất có thể là các nhà đầu tư sẽ rút đi nơi khác, mà Việt Nam lại chưa có những doanh nghiệp với thương hiệu cho bản thân mình và như vậy sẽ không thể tiếp tục duy trì tỷ lệ xuất khẩu cao như hiện nay.
Đấy là điều mà chúng ta phải xem xét một cách nghiêm túc, kịp thời, đừng để cho nó quá chậm".

Mặt khác, một trong những thách đố đối với nền kinh tế Việt Nam đó là phải thu ngắn khoảng cách về năng suất lao động giữa Việt Nam với các nước.

Tại Diễn Đàn Phát Triển Việt Nam năm 2017, diễn ra ngày 13/12 tại Hà Nội, giám đốc quốc gia Ngân Hàng Thế Giới tại Việt Nam Ousmane Dione cũng đã cảnh báo rằng mặc dù trong 5 năm qua, Việt Nam đã có sự phục hồi "đáng khích lệ" về tăng trưởng, nhưng điều đáng quan ngại là năng suất lao động của Việt Nam vẫn còn tăng với tốc độ quá thấp và như vậy là Việt Nam khó có thể duy trì được đà tăng trưởng nhanh để theo kịp quỹ đạo phát triển của những nước như Hàn Quốc và Singapore.

Tuy nhiên, về điểm này, tiến sĩ Lê Đăng Doanh có ý kiến hơi khác. Theo ông, chính khu vực nông nghiệp kéo năng suất lao động của Việt Nam xuống thấp.

"Công bố vừa rồi của Tổng Cục Thống Kê gây tranh cãi, bởi vì tỷ lệ lao động nông nghiệp của Việt Nam chiếm đến 50%, mà lao động nông nghiệp của Việt Nam thì mỗi hộ gia đình bình quân có đến 9 thửa ruộng và các thửa ruộng thì rất là manh mún và trang thiết bị thì rất thấp, vì vậy nó kéo toàn thể năng suất lao động của người Việt Nam xuống.
Còn không thể so sánh với những nước khác như Singapore, quốc gia chẳng có tí nông nghiệp nào !

Tổng giám đốc Samsung đã nói rằng năng suất lao động của người Việt Nam làm việc cho Samsung không hề kém người Hàn Quốc và nếu tính trên chi phí tiền lương thì còn cao hơn.

Cho nên, tôi nghĩ về con số đó nên có một sự phân tích kỹ càng, có một nhận thức đầy đủ, thỏa đáng và có các biện pháp để nâng cao năng suất lao động.

Rõ ràng là với những hộ gia đình như vậy, không có trang thiết bị gì, không vận dụng khoa học, công nghệ gì, thì khó mà có năng suất lao động cao hơn".

Tại Diễn Đàn Phát Triển Việt Nam năm 2017, giám đốc quốc gia Ngân Hàng Thế Giới tại Việt Nam Ousmane Dione đã đề nghị là để nền kinh tế phát triển một cách vững chắc, Việt Nam cần đẩy mạnh đáng kể cải cách để xây dựng, củng cố thể chế thị trường "hiệu quả" nhằm nâng cao tốc độ tăng năng suất.

Cụ thể, theo giám đốc quốc gia Ngân Hàng Thế Giới, phải "tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh thuận lợi, đơn giản hóa thủ tục hành chính, giảm gánh nặng chi phí, bảo đảm sân chơi minh bạch, bình đẳng cho mọi thành phần kinh tế".

Theo tiến sĩ Lê Đăng Doanh, tuy Đảng Cộng Sản Việt Nam và chính phủ Việt Nam trong năm 2017 đã đề ra những chính sách mới để thúc đẩy kinh tế tư nhân phát triển, nhưng hiện vẫn còn nhiều rào cản đối với khu vực kinh tế này.

"Qua từng ấy năm đổi mới, khu vực kinh tế tư nhân mà có đăng ký theo đúng luật doanh nghiệp của Việt Nam chỉ chiếm khoảng hơn 9% GDP, còn khu vực kinh tế hộ gia đình, kinh tế phi chính thức thì chiếm đến 31,5% và chiếm phần lớn lực lượng lao động.

Với doanh nghiệp hộ gia đình, cá thể, không có đăng ký thương hiệu, không có đăng ký sở hữu trí tuệ, quy mô quá nhỏ, họ có thể tạo công ăn việc làm cho một số người lao động, nhưng không thể nào có năng lực để cạnh tranh với những doanh nghiệp lớn của Thái Lan, Indonesia, Malaysia, đang tràn vào thị trường Việt Nam.

 Đấy là một nhược điểm rất lớn. Những doanh nghiệp này sẽ không sẵn sàng cho cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, không sẵn sàng vận dụng khoa học công nghệ, không sẵn sàng để có một thương hiệu dân tộc, một thương hiệu quốc gia trên thế giới.
Chính sách hiện nay lại khuyến khích hộ kinh tế gia đình. Họ chỉ nộp thuế có 2% và lại nộp thuế khoán trên cơ sở thương lượng giữa người thu thuế và người nộp thuế.

Theo kinh nghiệm của Việt Nam và của quốc tế thì trong cuộc thương lượng đó hai bên đều có lợi, chỉ có ngân sách Nhà nước là chịu thiệt.
Trong khi đó, khu vực doanh nghiệp tư nhân đăng ký hợp pháp thì phải nộp thuế đến 20% và phải theo đúng các thủ tục về kế toán, về thống kê, về tài chính, và phải chịu sự giám sát rất chặt chẽ.

Theo Luật Doanh Nghiệp của Việt Nam, hộ kinh tế gia đình nào có trên 10 người lao động thì phải đăng ký thành doanh nghiệp.
Nhưng có những hộ kinh tế gia đình sử dụng đến cả trăm người, mà vẫn nói rằng họ là hộ kinh tế gia đình rất nhỏ bé và không đăng ký thành doanh nghiệp, vì họ muốn tiếp tục kinh doanh theo cách đó. Điều ấy về lâu về dài sẽ là một yếu tố rất bất lợi cho nền kinh tế Việt Nam".



Switch mode views: