Tài liệu cũ của Saigon Echo
từ 2008 - 2012
Play
 
Giám Đốc: Tiến Sĩ Trần An Bài
  • Font size:
  • Decrease
  • Reset
  • Increase

Cam Bốt : Kế hoạch gởi trả người Thượng về Việt Nam bị tố cáo

cambodge montagnard

Nhiều người Thượng cho biết họ phải chạy khỏi Việt Nam do bị đàn áp.
Ảnh chụp màn hình : Reuters, theo vietnamrightnow.com.

Theo nhật báo Anh Ngữ The Cambodia Daily, số ra hôm nay, 04/09/2017, gần như toàn bộ số 36 người Thượng ở Phnom Penh sẽ bị đưa trở về Việt Nam, bất chấp việc Liên Hiệp Quốc đang cố gắng tìm cách chuyển số người xin tỵ nạn này đến một nước thứ ba.

Thông tin này đã được một viên chức Phủ Cao Ủy Tị Nạn Liên Hiệp Quốc xin giấu tên, tiết lộ trong một e mail gởi đến các nhà báo vào tuần qua.

Theo The Cambodia Daily, nội dung bức e-mail cho biết là cơ quan Liên Hiệp Quốc đã nhận được một bức thư từ thứ trưởng bộ Nội Vụ Cam Bốt, Ouk Kim Lek, thông báo việc 29 người trên số 36 người Thượng ở thủ đô Phnom Penh sẽ bị trục xuất.

Viên chức Liên Hiệp Quốc khẳng định là theo chuẩn mực quốc tế, thì 29 người đó "phải được công nhận là người tị nạn".
Theo viên chức này, "Khi bác bỏ đơn xin tị nạn của họ, Cam Bốt sẽ có thể trả họ về (Việt Nam) với lý do là họ không phải người tị nạn, và đó là một đánh giá sai lầm cho mọi trường hợp."

Phil Robertson, phó giám đốc châu Á của tổ chức bảo vệ nhân quyền Human Rights Watch, hôm thứ Sáu, 01/09, đã tố cáo chính quyền Phnom Penh tuân theo yêu cầu của Việt Nam.
Đối với ông: "Quyết định này làm cho tiếng tăm của Cam Bốt như một nước tôn trọng quyền người tị nạn bị phá hủy."

Ông Robertson thúc giục cộng đồng quốc tế lên tiếng buộc Phnom Penh phải xét lại quyết định trục xuất, vì người Thượng có thể bị nguy hiểm, bị đàn áp về chính trị, tôn giáo, một khi bị đưa trở về Việt Nam.

Theo viên chức Liên Hiệp Quốc nói trên, Phủ Cao Ủy Tị Nạn đã đề nghị "một giải pháp khác'', là đưa những người có lý do xác thực để xin tị nạn, sang một nước thứ 3, nhưng chính quyền Cam Bốt trả lời là vấn đề đã được giải quyết.
Theo viên chức này thì Phủ Cao Ủy Tị Nạn đang tìm cách đưa 7 người còn lại sang một nước thứ ba “càng sớm càng tốt.”

Nhật báo Cam Bốt nhắc lại rằng đây không phải lần đầu tiên mà chính quyền Cam Bốt trục xuất người Thượng về Việt Nam một cách thẳng tay, hay với giải thích là họ tự nguyện trở về.

Đợt cuối cùng người Thượng chạy sang Cam Bốt là vào năm 2014.
Hơn 200 người hoặc là đã bị cưỡng bức hồi hương về Việt Nam, hoặc là “tự nguyện hồi hương” với sự giúp đỡ của Phủ Cao Ủy Tị Nạn Liên Hiệp Quốc, hoặc vẫn đang chờ đợi tại Phnom Penh.

Switch mode views: