Kinh tế Pháp : Những thách thức cao như núi đang chờ đợi Macron
- Thứ Ba, 09 tháng Năm năm 2017 23:08
- Tác Giả: Thanh Hà
Emmanuel Macron ngày 08/05/2017 trước Khải Hoàn Môn, nhân lễ chấm dứt Thế Chiến Thứ Hai
Reuters
Liệu Emmanuel Macron có chiếc đũa thần đem công việc làm lại cho 3,7 triệu người thất nghiệp trên nước Pháp trong nhiệm kỳ tổng thống sắp mở ra ?
Làm thế nào để Pháp trở thành một địa điểm lý tưởng trong mắt các nhà đầu tư, để đem lại tăng trưởng vững chắc cho nước Pháp, để tái tạo niềm tin của một dân tộc với Liên Hiệp Châu Âu, để đương đầu với xu hướng phi toàn cầu hóa đang đe dọa thế giới ?
Đó là những thách thức lớn đặt ra cho tổng thống tân cử Emmanuel Macron ngay những ngày đầu nhiệm kỳ.
Chưa đầy 24 tiếng sau Emmanuel Macron khi đắc cử tổng thống, Tòa Bảo Hiến còn chưa công nhận kết quả bầu cử chính thức, hàng ngàn người chiều ngày 08/05/2017 đã xuống đường biểu tình theo kêu gọi của giới công đoàn lấy tên gọi là phong trào « Mặt Trận Xã hội » để cảnh cáo tổng thống tân cử chớ nên đụng chạm đến những quyền lợi xã hội của người lao động.
Chi tiết đó cho thấy sứ mệnh của tổng thống Macron sẽ rất phức tạp và mọi người chờ đợi rất nhiều ở ứng cử viên phong trào Tiến Bước !.
Ý thức được tình huống tế nhị này, hai ngày trước bầu cử tổng thống, Emmanuel Macron đã khép lại mùa vận động tranh cử bằng buổi nói chuyện với ban biên tập của tờ báo mạng thiên tả Mediapart và ghi nhận là công luận mong đợi ông phải đem lại những kết quả trong các lĩnh vực kinh tế và xã hội ngay lập tức :
"Trên phương diện kinh tế và xã hội, trên vấn đề thất nghiệp cũng như bất bình đẳng trong xã hội - hiện có 9 triệu rưỡi người Pháp sống dưới ngưỡng nghèo khó, nếu thất bại hay không đem lại những thành quả cụ thể, trong 5 năm nữa, tình hình sẽ còn tồi tệ hơn, cánh cực hữu sẽ còn vươn lên mạnh hơn nữa.
Chính vì thế mà tôi bắt buộc phải nhanh chóng bắt tay vào việc, phải nhanh chóng có những biện pháp cụ thể và những biện pháp đó phải mang lại những kết quả mà tất cả mọi người cùng trông thấy.
Về điểm này tôi hoàn toàn bất đồng với bên cánh tả và cực tả : họ muốn duy trì một mô hình mà từ 35 năm qua không cho phép chúng ta giải quyết thất nghiệp.
Pháp là nước duy nhất trong Liên Hiệp Châu Âu thất bại trên vế này.
Nhưng nói như vậy không có nghĩa là tôi nhắm mắt đi theo mô hình kinh tế tự do, mà ở đó người lao động phải chấp nhận những công việc lặt vặt.
Chìa khóa của thành công nằm ở chỗ chúng ta vừa phải hoạt động có hiệu quả, vừa duy trì được sự hài hòa trong xã hội. Chúng ta sống trong thế giới ngày nay, mà mỗi cá nhân đều có nguy cơ bị mất việc ở vào một thời điểm nào đó.
Nạn thất nghiệp sẽ không chừa một ai. Do vậy tôi tập trung vào nỗ lực để đào tạo lại cho những người bị sa thải, để họ có cơ hội tìm lại được một việc làm khác .
Lấy thí dụ cụ thể : ngành ngân hàng đang trên đà thu hẹp lại lực lượng nhân viên. Trong số này có những người sắp đến tuổi nghỉ hưu, nhưng cũng có rất nhiều người cần phải tìm một việc khác, tiếp tục có chỗ đứng trên thị trường lao động.
Giải pháp duy nhất là phải đào tạo lại để cho họ thích nghi với tình hình, tìm lại được một việc làm. Đôi khi công việc mới đó không thuộc về chuyên môn của họ
Nguyệt san kinh tế Alternatives Economiques cũng có khuynh hướng thiên tả, trong số tháng 5/2017, nêu lên 12 hồ sơ khẩn cấp cần được tân tổng thống Macron giải quyết một khi chính thức lên cầm quyền.
Tờ báo ví von : 12 hồ sơ đó tựa như 12 kỳ công mà chàng anh hùng Hercules trong văn hóa thần thoại của Hy Lạp đã phải vượt qua. Tạp chí của RFI Việt Ngữ hôm nay xin điểm qua một số những thách thức đó.
Niềm tin và hy vọng
Ưu tiên thứ nhất là tân tổng thống Pháp sẽ phải xua tan tâm trạng bi quan trong một phần công luận. Theo thống kê của châu Âu Eurostat, trong nhiều năm liền, dân Pháp tỏ ra bi quan hơn cả về tương lai cho dù trên thực tế, tình hình kinh tế, xã hội Pháp không đến nỗi tồi tệ như những quốc gia trong khu vực đồng euro bị khủng hoảng kinh tế kéo dài.
Thăm dò dư luận của viện Ipsos tháng 2/2017 đặt câu hỏi : « Đất nước của bạn đang đi theo hướng tốt hay hướng xấu ? ».
Chỉ có 15 % những người được tham khảo cho rằng Pháp « đi đúng hướng ». Tỷ lệ này ngang bằng với của Nam Phi và Hàn Quốc.
Tỷ lệ đó tại Anh Quốc là 38 %. Tại Ba Lan là 26 %. Ngược lại có tới 91 % người Trung Quốc và 75 % dân Ấn Độ đầy tự tin vào tương lai, vào đất nước.
Vấn đề đặt ra là sự thiếu tự tin đó của Pháp giới hạn tiêu thụ và đầu tư : hai động lực chính cho tăng trưởng.
Kinh tế đình đốn
Tâm trạng bi quan của người Pháp xuất phát từ những khó khăn kinh tế : tăng trưởng của Pháp trong gần một thập niên gần như dậm chân tại chỗ.
Theo báo cáo của Ủy Ban Châu Âu, so với thời điểm 2008, GDP/đầu người trên đất Pháp chỉ tăng có 2 % trong vòng 9 năm. Đây là mức thấp nhất từ sau Thế Chiến Thứ Hai.
Trong cùng thời kỳ, chỉ số này tại Mỹ tăng hơn 7 %, tại Đức là 6,8 %, và mức trung bình trong khu vực đồng euro là + 1,8 %.
Tiêu thụ, chìa khóa cho tăng trưởng và công ăn việc làm
Thách thức thứ ba mà tân tổng thống Macron phải đối mặt là bảo vệ sức mua cho các hộ gia đình trong lúc giá xăng dầu có khuynh hướng tăng lên trở lại, vật giá leo thang.
Mức lương trung bình tăng chậm hơn thời giá. Không có tăng trưởng, doanh nghiệp không hăng hái đầu tư. Ngay cả biện pháp giảm các khoản đóng góp xã hội từ phía các doanh nghiệp, cũng không khuyến khích giới này đầu tư, cho tới khi nào mà tiêu thụ thực sự khởi sắc trở lại.
Không có tiêu thụ và đầu tư, không thể hy vọng đẩy lui thất nghiệp.
Đó là điều mà cựu bộ trưởng Kinh Tế Emmanuel Macron biết rõ hơn ai hết.
Nợ công và lãi suất ngân hàng
Nhìn tới nợ công, Nhà nước Pháp hiện nay đang nợ hơn 2.000 tỷ euro - tương đương với 96 % GDP của nền kinh tế lớn thứ hai trong eurone.
Tỷ lệ này vượt quá cao so với mức quy định của châu Âu là 60 % tổng sản phẩm nổi địa, và cao gấp ba lần so với thời điểm năm 1990.
Không thể phủ nhận khủng hoảng tài chính 2008 là nguyên nhân dẫn tới tình trạng nợ công của Pháp và nhiều thành viên trong đại gia đình châu Âu đã « nẩy nở » đến mức báo động.
Nhưng trong cái rủi, cũng có được cái may.
Từ 2008 tới nay, lãi suất ngân hàng trên thế giới không ngừng sụt giảm. Chi phí mà chính phủ phải xuất quỹ để trả nợ cho ngân hàng ngày nay tương đương với 1,9 % tổng sản phẩm nội địa.
Để so sánh, đầu thập niên 1990, khi nợ của Nhà nước Pháp chỉ bằng 35 % GDP, Paris đã phải chi ra đến gần 2 % tổng sản phẩm nội địa để trả tiền lãi cho các chủ nợ.
Câu hỏi đặt ra với tổng thống Macron trong nhiệm kỳ sắp tới : Lãi suất ngân hàng trên thế giới còn được giữ ở số âm cho tới khi nào ?
Mỹ đã bắt đầu tăng lãi suất chỉ đạo trở lại. Nhật Bản và châu Âu vẫn án binh bất động.
Lãi suất ngân hàng mà tăng, chi phí tài chính của Pháp qua đó sẽ tăng theo.
Khả năng cạnh tranh của nền công nghiệp
Giữa hai vòng bầu cử tổng thống Pháp, vụ đóng cửa nhà máy sản xuất đồ điện Whirlpool ở Amiens, ngay nơi ông Emmanuel Macron sinh ra, hơn 300 công nhân bị sa thải, đã trở thành « đấu trường » giữa hai ứng cử viên tổng thống Emmanuel Macron là Marine Le Pen.
Nhà máy Whirlpool ở Amiens di dời cơ sở sản xuất sang Ba Lan. Giữ được công việc làm trên đất Pháp, trong một thế giới mở rộng sẽ là một bài toán đau đầu với tân chủ nhân điện Elysée.
Nhìn đến năng suất lao động của công nghiệp Pháp, thống kê Eurostat 2016 chỉ ra rằng từ 2008 tới nay, hiệu quả sản xuất của nền công nghiệp Pháp giảm 13,7 %.
Năng suất công nghiệp của Pháp thấp hơn so với mức trung bình trong eurozone, thua Anh và nhất là Đức. Hậu quả kèm theo là cán cân thương mại vẫn bị nhập siêu.
Thất nghiệp, "di sản cồng kềnh" nhiều đời tổng thống để lại
Nhưng có lẽ thách thức lớn nhất đối với tổng thống thứ 8 của nền Đệ Ngũ Cộng Hòa là phải tìm ra ngõ thoát cho gần 10 % dân Pháp trong tuổi lao động không có công việc làm.
Người tiền nhiệm của ông là tổng thống François Hollande đã không thể ra tranh cử thêm một nhiệm kỳ thứ hai với lý do sau 5 năm, số người thất nghiệp trong độ tuổi từ 25 đến 54 đã tăng lên gấp đôi so với thời điểm tiền khủng hoảng 2008.
Cách nay 9, năm hơn 83 % nam giới trong độ tuổi này có việc làm. Tỷ lệ đó đã rơi xuống còn 79,5 % theo thống kê của bộ Lao Động Pháp.
Cho đến những tháng cuối của nhiệm kỳ tổng thống Hollande, thị trường lao động Pháp mới khởi sắc trở lại một cách rất rụt rè.
Vào giờ chuyển giao quyền lực cho người kế nhiệm Emmanuel Macron, hồ sơ thất nghiệp sẽ là một di sản cồng kềnh mà François Hollande để lại cho vị cựu bộ trưởng Kinh Tế của ông.
Tin mới
- Hồ sơ hạt nhân Bắc Triều Tiên : Mục tiêu chung của Tập Cận Bình và Moon Jae In - 11/05/2017 13:24
- Mỹ sẽ đem hỏa tiễn Patriot đến các nước vùng Baltic - 10/05/2017 23:18
- Mỹ quyết định vũ trang cho lực lượng Kurdistan tại Syria - 10/05/2017 21:26
- Pháp : Đảng Xã Hội tranh cử lập pháp trong khủng hoảng nội bộ - 10/05/2017 20:06
- Tổng thống tân cử Pháp Macron muốn có một Châu Âu năng động hơn - 10/05/2017 17:28
- Moon Jae In, vận hội mới trong quan hệ liên Triều ? - 10/05/2017 17:05
- Ngoại trưởng Nga tìm kiếm sự hỗ trợ của Donald Trump về Syria - 10/05/2017 16:37
- Cuộc thi bánh mì ngon nhất Paris - 10/05/2017 02:32
- Hoa mướp, món ăn thời thượng ở Pháp - 10/05/2017 01:52
- Pháp : Chính sách đối ngoại của Emmanuel Macron - 09/05/2017 23:18
Các tin khác
- IS tung video chặt đầu điệp viên Nga - 09/05/2017 18:33
- Liên Minh chống Daech bàn kế hoạch hành động - 09/05/2017 15:09
- Bầu Quốc Hội Pháp : Cựu thủ tướng Valls "Tiến Bước" theo Macron - 09/05/2017 15:02
- « MacronLeaks » : Tin tặc có phải từ Nga như bầu cử Mỹ ? - 09/05/2017 14:53
- Mỹ và Bắc Triều Tiên gặp nhau tại Na Uy - 09/05/2017 14:07
- Senkaku/Điếu Ngư : tàu Hải Cảnh Trung Quốc tiến vào lãnh hải Nhật - 09/05/2017 13:59
- Mỹ : Cả tả lẫn hữu hoan nghênh Macron đắc cử tổng thống Pháp - 09/05/2017 13:52
- LHQ ngờ vực dự án của Nga lập các vùng giảm căng thẳng tại Syria - 09/05/2017 13:42
- Pháp : Macron kêu gọi bầu ‘‘một đa số’’ tại Quốc Hội để thực hiện cải cách - 08/05/2017 19:00
- Bầu cử Pháp : Báo Anh : "Chiến thắng không trọn vẹn của Emmanuel Macron" - 08/05/2017 18:52