Tài liệu cũ của Saigon Echo
từ 2008 - 2012
Play
 
Giám Đốc: Tiến Sĩ Trần An Bài
  • Font size:
  • Decrease
  • Reset
  • Increase

Trump muốn đạt đồng thuận với Nga, dù quan hệ song phương ở mức thấp nhất

usa-nato 3

Tổng thống Mỹ Donald Trump (P) họp báo với tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg, Nhà Trắng, ngày 12/04/2017.
REUTERS/Jonathan Ernst

Trong suốt chiến dịch tranh cử tổng thống Mỹ 2016 và thậm chí trong thời gian đầu khi mới đặt chân vào Nhà Trắng, ông Donald Trump luôn thể hiện muốn xích lại gần hơn với tổng thống Nga Vladimir Putin.

Thế nhưng, quan hệ Mỹ-Nga đã trở nên căng thẳng, sau vụ Syria bị cáo buộc tấn công bằng vũ khí hóa học nhắm vào thường dân Syria và Hoa Kỳ bắn tên lửa vào một căn cứ không quân Syria.

Trong bối cảnh đó, ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson đã đến Matxcơva và cuộc gặp gỡ giữa hai ngoại trưởng Hoa Kỳ và Nga đã diễn ra trong không khí lạnh nhạt.

Từ Washington, thông tín viên RFI Anne-Marie Capomaccio cho biết thêm chi tiết:

« Sau những đe dọa và tối hậu thư giữa Washington và Matxcơva, giới ngoại giao đã làm việc mà họ cần làm. Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson cuối cùng đã được tổng thống Nga tiếp đón… và trong buổi họp báo chung với ngoại trưởng Nga, Rex Tillerson đã dịu giọng hơn.

 Dịu đi nhưng vẫn rất lạnh nhạt. Mỹ và Nga không đồng thuận về bất cứ điều gì. Ngoại trưởng Mỹ đã thừa nhận điều đó.

Rex Tillerson phát biểu : « Quan hệ giữa Mỹ và Nga hiện đang ở mức thấp nhất … Có rất nhiều điều hai nước ngờ vực lẫn nhau. Quan hệ giữa hai cường quốc hạt nhân quan trọng nhất không thể tiếp tục theo hướng như thế. »

Hai quốc gia không thống nhất được quan điểm trong nhiều hồ sơ, đặc biệt là hồ sơ về Syria. Washington khẳng định nắm được nhiều bằng chứng cho thấy Nga đồng lõa với chế độ Syria trong vụ tấn công bằng vũ khí hóa học. Còn Nga thì hoài nghi.

Người Mỹ cho rằng Bachar al-Assad không thể tiếp tục nắm quyền.
 Người Nga đáp lại là việc Bachar al-Assad ra đi sẽ khiến mọi chuyện trở nên hỗn loạn.

Và cuối cùng, về cuộc điều tra mà Hạ Viện Mỹ đang tiến hành liên quan đến sự can thiệp của Nga trong chiến dịch tranh cử tổng thống và khả năng những nhân vật thân cận với Donald Trump cũng có liên hệ với Matxcơva, ngoại trưởng Nga đã có « màn độc thoại tràng giang đại hải » để tránh không trả lời câu hỏi. Ngoại trưởng Mỹ kết luận ngắn ngọn bằng một câu : Điều này là rất tồi tệ ».

Điểm duy nhất mà Washington và Matxcơva nhất trí, đó là duy trì một kênh giao tiếp, và tiếp tục đối thoại, trước tiên là về các hồ sơ ít quan trọng nhất… »

Trước khi đón tiếp ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson tại điện Kremlin, tổng thống Nga Vladimir Putin đã nói lấy làm tiếc rằng quan hệ Nga-Mỹ lại xuống cấp từ khi Donald Trump chính thức bước vào Nhà Trắng, thậm chí mối quan hệ này còn bị tổng thống Nga đánh giá là tồi tệ hơn thời Obama làm tổng thống Mỹ.

Sau những cáo buộc, phản đối, dường như cả Nga và Mỹ vẫn cố tìm cách đưa ra những tín hiệu bày tỏ mong muốn cải thiện quan hệ song phương.

Trong cuộc họp báo ngày hôm qua ở Nhà Trắng với ông Jens Stoltenberg - tổng thư ký Liên Minh Quân Sự Bắc đại Tây Dương NATO, tổng thống Donald Trump phát biểu :
« Sẽ rất tuyệt vời, nếu NATO và Mỹ có thể hòa hợp với Nga » mặc dù ông cũng thừa nhận « vào thời điểm hiện tại, chúng tôi không hòa hợp chút nào với Nga » và thậm chí ông còn nói quan hệ giữa hai nước « đang ở mức thấp nhất từ trước tới nay ».

Về phần mình, Nga đã có một cử chỉ xoa dịu hiếm hoi trong hồ sơ Syria : Ngoại trưởng Sergei Lavrov cho biết « tổng thống Putin sẵn sàng » cho áp dụng lại thỏa thuận tránh đụng độ trên không, mà Matxcơva đã tạm ngừng sau khi Mỹ phóng 59 hỏa tiễn hành trình vào một căn cứ không quân của Syria sau vụ tấn công bằng vũ khí hoá học ở Khan Cheikhoun khiến 87 người thiệt mạng, trong có 31 trẻ em.


Switch mode views: