Tài liệu cũ của Saigon Echo
từ 2008 - 2012
Play
 
Giám Đốc: Tiến Sĩ Trần An Bài
  • Font size:
  • Decrease
  • Reset
  • Increase

Venezuela: Biểu tình đòi trưng cầu dân ý phế truất tổng thống

venezuela-politics

Người ủng hộ đối lập Venezuela ký tên lên quốc kỳ và đòi tổ chức trưng cầu dân ý về phế truất tổng thống Nicolas Maduro, tại Caracas, ngày 06/06/2016.
REUTERS/Carlos Garcia Rawlins

Phe đối lập Venezuela hôm 06/06/2016 lại biểu tình để đòi tổng thống Nicolas Maduro phải ra đi, thông qua việc tổ chức trưng cầu dân ý.
 Chính quyền huy động lực lượng an ninh đến để uy hiếp tinh thần.

Khoảng vài trăm người ủng hộ liên minh MUD thuộc cánh trung hữu đã xuống đường tại phía đông Caracas, ký tên và viết các yêu sách vào một lá cờ Venezuela khổng lồ.
Đối lập kêu gọi tiếp tục biểu tình trước trụ sở Hội đồng bầu cử quốc gia, cho dù lực lượng an ninh được điều đến đông đảo để làm người biểu tình nản chí.

Venezuela đang trong khủng hoảng chính trị - Quốc hội do đối lập chiếm đa số đối đầu với chính quyền xã hội - trong lúc dân chúng bất mãn cao độ trước nền kinh tế của quốc gia dầu lửa đang suy sụp.

Người dân tin rằng chính quyền ông Maduro đang tìm cách kéo dài thời gian để ngăn trở cuộc trưng cầu dân ý.
Vấn đề thời điểm là rất quan trọng, vì nếu cuộc trưng cầu được tổ chức từ nay đến ngày 10/01/2017, thì sẽ phải tiến hành những cuộc bầu cử mới, nếu không ông Maduro sẽ được phó tổng thống thay thế.

Hội đồng bầu cử quốc gia sẽ phải công nhận các chữ ký do đối lập trình lên, hiện là 1,8 triệu chữ ký so với yêu cầu là tối thiểu 200.000.

Trong trường hợp được bật đèn xanh, 200.000 người ký tên phải xác nhận chọn lựa của mình, và sau đó phải tập hợp được bốn triệu chữ ký để có thể tổ chức trưng cầu dân ý.
Và cuối cùng, phải vượt lên được số phiếu của ông Nicolas Maduro năm 2013 là 7,5 triệu phiếu để có thể buộc ông rời ghế.

Để gây áp lực lên chính quyền, phe đối lập trông cậy người dân sẽ xuống đường đông đảo.
Quá chán nản trước việc xếp hàng trước các siêu thị và nạn cúp điện diễn ra hàng ngày, cứ 10 người dân Venezuela thì có đến 7 người muốn ông Maduro ra đi, tuy nhiệm kỳ của ông còn kéo dài đến năm 2019.

Chính quyền lại không khoan nhượng trước sự bất mãn của dân chúng, gây lo ngại sẽ xảy ra bạo động, hai năm sau các vụ biểu tình đã làm cho 43 người thiệt mạng.
Nhưng số người tham gia xuống đường không được như mong đợi, do lực lượng an ninh hùng hậu ngăn trở, nỗi lo mưu sinh thường nhật và sự chia rẽ của phe đối lập.

Một người dân Caracas nói : « Tôi đã phải xếp hàng hai lần trong ngày để mua gạo và đường. Thay vì tranh đấu, cần phải cung ứng cho các siêu thị ».
Amnesty International hôm qua báo động về nạn thiếu thực phẩm và thuốc men, tố cáo Caracas đã « vi phạm nhân quyền nghiêm trọng » trong vấn đề này.

Do đói khát hay tức giận, một số người đôi khi dùng đến bạo lực: đã xảy ra 94 vụ cướp trong bốn tháng đầu năm, và 72 âm mưu cướp giựt.
Mới hôm qua, một phụ nữ đã thiệt mạng trong vụ cướp ở San Cristobal, vào bạo động xảy ra tại một siêu thị ở hòn đảo du lịch Margarita.

Dù vậy, chính phủ và đối lập cũng chấp nhận đề nghị đối thoại của quốc tế, mỗi bên tiếp xúc riêng với các nhà trung gian hòa giải, do cựu thủ tướng Tây Ban Nha Luis Rodriguez Zapatero điều phối.

Tuy nhiên trong phe đối lập có không ít ý kiến cho rằng đây chỉ là âm mưu của chính phủ nhằm « kéo dài thời gian và tô vẽ hình ảnh » ; và bên nội bộ chính quyền cũng chia rẽ, nhận định là tình trạng mất lòng dân của ông Nicolas Maduro đe dọa chiếc ghế tổng thống của ông.

Switch mode views: