Tài liệu cũ của Saigon Echo
từ 2008 - 2012
Play
 
Giám Đốc: Tiến Sĩ Trần An Bài
  • Font size:
  • Decrease
  • Reset
  • Increase

Thiếu canxi, hụt vitamin D: Rủi ro gây loãng xương ở phụ nữ Việt Nam

female motorcyclist
Phụ nữ Việt Nam thường che kín người để tránh nắng khi ra đường. Hệ quả là tình trạng thiếu Vitamin D. Ảnh minh họa chụp tại Dương Đông, Phú Quốc

Loãng xương là một bệnh lý liên quan đến hiện tượng suy giảm mật độ xương, dẫn đến hệ quả là xương dễ bị vỡ và làm tăng nguy cơ gãy xương.

Chứng bệnh phát triển cùng với tuổi tác và chủ yếu ở phụ nữ, nhất là sau thời kỳ mãn kinh. Căn bệnh cũng đôi khi xuất hiện ở nam giới sau 65 tuổi.
Tại Việt Nam, nhiều nghiên cứu trong những năm gần đây, cho thấy tỷ lệ phụ nữ mắc chứng loãng xương khá cao.

Nguyên nhân là do nồng độ canxi và vitamin D trong máu khá thấp, theo như giải thích của giáo sư Nguyễn Văn Tuấn, đại học Garvan, tại Úc.

« Khi thực hiện một số nghiên cứu trong nước, chúng tôi phát hiện một điều thú vị : lượng canxi mà người Việt hấp thu được qua thức ăn chỉ có khoảng 300-400mg.
 Ở nước ngoài như Úc, Mỹ, Pháp… , người ta khuyến cáo mỗi ngày phải chừng 1000mg canxi qua thức ăn. Đây là một mức thiếu rất trầm trọng.

Điều thứ hai, rất nhiều phụ nữ Việt Nam bị thiếu vitamin D. Theo một nghiên cứu được thực hiện tại Hà Nội, có đến 70% phụ nữ trong độ tuổi từ 20-50, bị thiếu vitamin D.
 Còn tại thành phố Hồ Chí Minh, trên tổng số 1000 người được khảo sát, khoảng 50% phụ nữ trên 20 tuổi thiếu vitamin D.
Một điểm ngạc nhiên nữa, phụ nữ càng trẻ càng ít vitamin D chừng ấy.

Đó chính là những lý do giải thích tại sao tỷ lệ người mắc chứng loãng xương ở Việt Nam cao, phụ nữ chiếm 30% và 12 hay 13% là ở nam giới. »

Vitamin D được cơ thể chúng ta tạo ra một cách tự nhiên nhờ vào ánh nắng mặt trời. Việt Nam nằm trong vùng khí hậu nhiệt đới, quanh năm có nắng.
 Thế nhưng, điều nghịch lý là tỷ lệ thiếu vitamin D ở phụ nữ lại khá cao.

Giáo sư Nguyễn Văn Tuấn cho biết tiếp.
« Kết quả này làm cho nhiều người rất ngạc nhiên. Bởi vì, theo tôi nghĩ, nắng Việt Nam hơi khắc nghiệt, nhất là sau 10 giờ sáng, thì nắng rất là gắt. Do đó, mọi người không thích ra ngoài nắng. Theo quan điểm của tôi đó là do yếu tố tâm lý và văn hóa.

Người Việt thích có làn da trắng, do đó họ làm mọi cách kể cả che mặt che mũi, dùng kem để giữ cho làn da trắng. Thế nhưng chính những biện pháp đó, lại làm giảm khả năng thấp thu vitamine D từ mặt trời. Đó là một trong những nguyên nhân gây ra tình trạng thiếu vitamine D rất nghiêm trọng ở phụ nữ Việt Nam. »

Làm việc văn phòng tăng nguy cơ thiếu vitamin D ?

Ngoài hai yếu tố trên ra, theo giáo sư Tuấn, còn có các yếu tố xã hội như vùng miền, nghề nghiệp.

« Theo như trình bày ở trên, trong các cuộc nghiên cứu được thực hiện ở các tỉnh miền Bắc, chúng tôi cũng có so sánh tỷ lệ thiếu vitamin D giữa cư dân thành thị và nông thôn. Nông thôn ở đây là những người làm ruộng ở ven thành Hà Nội.

Kết quả cho thấy rất rõ ràng, những người ở nông thôn có tỉ lệ thiếu vitamin D thấp hơn so với thành thị. Nói cách khác, nồng độ vitamin D ở trong máu, ở những người ở nông thôn cao hơn ở thành thị.

Tôi nghĩ có một sự khác biệt rất rõ ràng, ở nông thôn, phần lớn người ta làm nghề nông, mà Việt Nam thường có câu là « bán mặt cho đất, bán lưng cho trời », suôt ngày giang nắng ở ngoài đồng ngoài ruộng. Do đó, nồng độ vitamin D ở trong máu ở người dân nông thôn cao hơn của cư dân thành thị cũng không có gì ngạc nhiên.

Ngay cả ở vùng thành thị cũng vậy, những người buôn gánh bán bưng, tức những người lao động chân tay, cũng có nồng độ vitamin D cao hơn những người làm việc ở văn phòng hay là các viên chức. Do đó, tình trạng thiếu vitamin D ở Việt Nam, ngoài yếu tố văn hóa (thích làn da trắng) còn có yếu tố nghề nghiệp nữa. »

Thế còn tại thành phố Hồ Chí Minh thì sao ?
Nắng nhiều, gió nhiều, nhưng có đến 50% phụ nữ bị thiếu vitamin D.
 Về điểm này, giáo sư cho biết cần phải đợi kết quả một nghiên cứu sâu rộng đang được tiến hành.

« Ở Sài Gòn hiện vẫn chưa có những so sánh giữa nông thôn với thành thị. Hy vọng là một năm nữa mới có kết quả.
Hiện chúng tôi đang tiến hành một nghiên cứu rất là quy mô ở Sài Gòn để mà tìm hiểu rất nhiều vấn đề liên quan đến bệnh béo phì, loãng xương, tim mạch, thoái hóa khớp.. Trong nghiên cứu này, chúng tôi cũng sẽ đo nồng độ vitamin D ».

Nên hay không nên bổ sung canxi?

Câu hỏi đặt ra, trong tình hình phụ nữ Việt Nam bị thiếu hụt canxi và vitamin D trầm trọng, liệu có nên bổ sung canxi hay không.
Theo giáo sư Tuấn, đây hiện là vấn đề gây tranh cãi nhiều nhất trong giới nghiên cứu về loãng xương.

« Hiện nay đang có một cuộc tranh cãi trong thế giới y khoa trong vai trò và hiệu quả của bổ sung canxi.
Theo quan điểm của các chuyên gia tại New Zealand, bổ sung canxi không có giúp giảm nguy cơ gãy xương. Tuy nhiên, tôi không đồng tình với quan điểm này.
Theo nhiều nghiên cứu chúng tôi thực hiện, bổ sung canxi ở những người cao tuổi và những người có nguy cơ gãy xương cao thì vẫn có hiệu quả, tức là giảm rủi ro gãy xương chừng 15%.

Tranh cãi xung quanh vai trò bổ sung canxi gồm hai trường phái. Một bên cho là không cần bổ sung canxi. Bên khác cho là phải bổ sung canxi nhưng ở những người cần thiết đến nó.
Ví dụ như ở người Việt Nam chẳng hạn, có rất nhiều người bị thiếu canxi, do đó, việc bổ sung canxi không phải là chuyện gì nghiêm trọng lắm.

Theo quan điểm của tôi, bổ sung canxi vẫn cần thiết. Và trên thực tế, những người làm trong hội loãng xương thế giới đều khuyến cáo như vậy. ».

Bổ sung canxi và vitamin D bằng cách nào ?

Phòng bệnh hơn chữa bệnh. « Một khi biết được các yếu tố nguy cơ rồi, như thiếu canxi, hụt vitamin D, thiếu vận động thể lực… những yếu tố nằm trong tầm tay thì chúng ta vẫn có thể tự phòng ngừa bệnh » như những gì giáo sư Nguyễn Văn Tuấn có khuyến nghị trong bài Bệnh loãng xương : Nguyên nhân và cách phòng ngừa.

Thực phẩm sẽ là nguồn bổ sung canxi tự nhiên và ít tốn kém nhất. Chúng ta có thể tìm thấy canxi trong các loại trái cây, rau củ, trái cây khô và nước khoáng.
 Các loại sản phẩm làm từ sữa, tuy cũng có chứa chất canxi, nhưng chưa đủ đáp ứng được nhiều yêu cầu.

Theo giải thích của bác sĩ Rodolphe Picquet trên đài truyền hình kênh 3, các loại sản phẩm sữa chưa cho phép chống lại bệnh loãng xương một cách hiệu quả như nhiều quảng cáo nói đến.
 Theo ông, tất cả các nghiên cứu độc lập (không do các hãng sữa tài trợ) chỉ ra là sữa chưa đủ tăng cường mật độ xương trong dài hạn.

Về phần vitamin D, ngoài việc phải phơi nắng mỗi ngày từ 15-20 phút, vitamin D còn có thể tìm thấy trong nguồn thực phẩm như cá hay nhiều loại thực phẩm chức năng.

Ông Rodolphe Picquet lưu ý là chế độ dinh dưỡng có quá nhiều chất axit cũng không tốt cho xương.
Chế độ dinh dưỡng tốt cho xương lý tưởng nhất phải có rau củ, trái cây, cá, thịt, trái cây khô, ngũ cốc và dầu thực vật.
Khi thực phẩm có quá nhiều axit, cơ thể chúng ta buộc phải bù đắp tính chua đó cách hút chất canxi bicacbonat trong xương và làm mất chất canxi.

Cuối cùng, luyện tập thể dục thường xuyên cũng giúp cho xương cốt dẻo dai. Vận động thể lực mỗi ngày – dù ở mức độ khiêm tốn, cũng làm cho xương phát triển và rắn chắc hơn. Chỉ cần 30 phút đi bộ là đủ lắm rồi !

Switch mode views: