Tài liệu cũ của Saigon Echo
từ 2008 - 2012
Play
 
Giám Đốc: Tiến Sĩ Trần An Bài
  • Font size:
  • Decrease
  • Reset
  • Increase

Trung Quốc kiểm duyệt thông tin về Bắc Triều Tiên

KOREA-NORTH

Lính Bắc Triều Tiên trên một con tàu thả neo trên sông Áp Lục, biên giới giữa Bắc Triều Tiên và Trung Quốc, gần thành phố Sinuiju. (Ảnh chụp ngày 10/06/2013)
Reuters

Sau khi Bình Nhưỡng tiến hành các vụ thử hạt nhân và tên lửa tầm xa trong tháng Giêng va tháng Hai 2016, trước sức ép của quốc tế, Trung Quốc đã đồng ý với Hoa Kỳ là phải « nghiêm trị » Bắc Triều Tiên.

Trong khi đó, Bắc Kinh vẫn kiểm duyệt thông tin về Bắc Triều Tiên và theo báo Hồng Kông South China Morning Post, ngày 28/02/2016, thì có một « Lằn ranh đỏ đậm đối với báo chí Trung Quốc về những gì các nhà báo có thể viết về đồng minh cộng sản Bắc Triều Tiên ».

RFI giới thiệu bài viết này.

Vụ phóng tên lửa và thử hạt nhân của Bắc Triều Tiên gây ồn ào trên toàn thế giới và làm dấy lên một làn sóng thông tin, phân tích về quốc gia khép kín này, nhưng tại Trung Quốc, các vụ thử nghiệm này chỉ làm gợn lên một chút các tranh luận và các nhà báo tỏ ra thận trọng hơn bao giờ hết khi đưa tin về quốc gia láng giềng ngỗ ngược này.

Từ lâu nay, một lằn ranh đỏ đã tồn tại đối với những gì mà các nhà báo tại Trung Hoa lục địa có thể viết về Bắc Triều Tiên, đồng minh cộng sản của Trung Quốc.
Theo các nhà báo và giới nghiên cứu thì lằn ranh này do các nhà kiểm duyệt của chính quyền và bản thân báo chí vạch ra và lằn ranh này theo sát mối quan hệ song phương phức tạp.

Một phóng viên thuộc tờ báo nổi tiếng Quảng Đông cho biết : « Các hạn chế viết về Bắc Triều Tiên đã có từ lâu. Chúng tôi chỉ được viết theo Tân Hoa Xã, do vậy, về cơ bản, người ta chẳng thấy có gì đặc biệt trong những thông tin về Bắc Triều Tiên trên tờ báo của chúng tôi ».

Vẫn theo nhà báo này, các hạn chế nói trên do cơ quan tuyên huấn địa phương áp đặt nhưng cũng phần nào do chính sách tự kiểm duyệt.

Báo chí cũng như các phương tiện thông tin truyền thống đã đưa tin về vụ Bắc Triều Tiên thử hạt nhân hồi tháng Giêng và phóng tên lửa trong tháng Hai bằng cách sử dụng các thông tin của Tân Hoa Xã và Trung Hoa Tân Văn Xã.

Theo một phóng viên khác thì cũng có thể đưa một vài thông tin độc đáo, nhưng các nhà báo có xu hướng không đi quá mức.
Phóng viên này nói : « Chúng tôi có thể phỏng vấn các nhà nghiên cứu phân tích các vấn đề cũng như các ý đồ chiến lược của Bắc Triều Tiên, nhưng không có chuyện công khai phê phán Bắc Triều Tiên ».

Các nhà báo và giới phân tích nói rằng lần này, việc xử lý thận trọng hồ sơ Bắc Triều Tiên cho thấy mối quan hệ song phương đã trở nên nhậy cảm đến nhường nào.
Hai nhà báo cho biết, một tờ báo ở Trung Quốc đã từng đăng các bình luận chỉ trích Bắc Triều Tiên, thì chỉ có Bình Nhưỡng phàn nàn với Bắc Kinh về tờ báo này.
Không rõ liệu tờ báo có bị trừng phạt hay không nhưng một nhà báo nói là sự cố này càng làm cho một số phóng viên nghĩ rằng đưa tin về Bắc Triều Tiên là một chủ đề rất nhậy cảm.

Theo ông Kiều Mộc (Qiao Mu), lãnh đạo Trung Tâm Nghiên Cứu Truyền Thông Quốc Tế, thuộc đại học Quan Hệ Quốc Tế Bắc Kinh thì việc chỉ trích chế độ chính trị Bắc Triều Tiên bị cấm bởi vì điều này có thể làm dấy lên những câu hỏi về chính sách độc tài Trung Quốc.
 Tuy nhiên, chuyên gia này cho rằng các hạn chế đưa tin chủ yếu là do chính sách tự kiểm duyệt.

Nhưng một số người khác lại coi các hạn chế này là một nỗ lực của Bắc Kinh nhằm duy trì quan hệ với Bình Nhưỡng.

Truyền thông Hàn Quốc đưa tin một chiếc xe hơi do một nhà ngoại giao Bắc Triều Tiên uống rượu lái đã gây tai nạn đâm chết 3 công dân Trung Quốc ở Đan Đông (Dandong), tỉnh Liêu Ninh (Liaoning).
Theo báo chí, nhà ngoại giao này dường như đã uống rượu trong bữa tiệc mừng Bình Nhưỡng phóng tên lửa.

Câu chuyện này không được truyền thông tại Trung Quốc đăng tải, nhưng lưu truyền trên nhiều diễn đàn trên mạng.
 Nhiều nhà báo nói rằng sự cố này, cho dù có được kiểm chứng, dưòng như sẽ không được đăng tải vì nhạy cảm.

Nhà nghiên cứu Lee Seong-hyon ở Học Viện Sejong, tại Hàn Quốc, nói rằng việc ngăn cấm truyền thông đưa tin là một dấu hiệu về mong muốn của Bắc Kinh muốn cải thiện quan hệ với Bình Nhưỡng cho dù tại Trung Quốc ngày càng có nhiều nghi ngờ về sự dung thứ đối với đồng minh thất thường này.

Theo chuyên gia Lee, « Trung Quốc không muốn một sự cố cụ thể nào đó gây trục trặc hoặc phá hoại quan hệ Bắc Kinh-Bình Nhưỡng.
Đối với Trung Quốc, Bắc Triều Tiên chỉ là một đối tác gây phiền nhiễu chứ không phải là mối đe dọa chính.

Trung Quốc cho rằng Hoa Kỳ là mối đe dọa hàng đầu đối với sự tồn tại của nước này ».

Cho dù các phương tiện đưa tin truyền thống bị kiểm duyệt, nhưng công chúng vẫn có thông tin – không được kiểm chứng – qua các mạng truyền thông xã hội ít bị Nhà nước kiểm soát hơn.

Trong một bài xã luận sau khi Bình Nhưỡng phóng tên lửa tầm xa, tờ Hoàn Cầu Thời Báo nói rằng người dân Trung Quốc đang thay đổi quan điểm về Bắc Triều Tiên.
Bài xã luận viết : « Có một xu hướng rất lớn tại Trung Quốc là ngày càng có nhiều người không còn coi Bắc Triều Tiên như một nước anh em nữa và nhiều người trong số này coi Bắc Triều Tiên là một gánh nặng đối với Trung Quốc, thậm chí một vài người còn nói đó là một láng giềng xấu ».

Switch mode views: