Tài liệu cũ của Saigon Echo
từ 2008 - 2012
Play
 
Giám Đốc: Tiến Sĩ Trần An Bài
  • Font size:
  • Decrease
  • Reset
  • Increase

Thổ Nhĩ Kỳ kiên quyết đóng cửa “xa lộ thánh chiến”

SYRIA-biengioi- TURKEY

Biên giới Thổ Nhĩ Kỳ - Syria.
REUTERS/Murad Sezer

Từ lâu nay, Thổ Nhĩ Kỳ được xem như là “xa lộ của quân thánh chiến”. Nhưng những tháng gần đây, chính quyền Ankara đã giảm bớt được số quân thánh chiến đi lại giữa nước này với Syria.
Kể từ sau loạt khủng bố tại Paris, Thổ Nhĩ Kỳ quyết tâm cắt đứt “xa lộ” này.

Chiến dịch đang được khởi động. Trong tuần này, Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ, ông Feridun Sinirlioglu có tuyên bố: “Chúng tôi sẽ không cho phép Daech tiếp tục có mặt ngay tại biên giới của chúng tôi nữa. Quý vị hãy đợi xem trong những ngày tới”.

Ngoại trưởng Hoa Kỳ John Kerry cũng đã thông báo ý định ngăn chận dòng chiến binh của tổ chức Nhà nước Hồi giáo IS giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Syria.
Ông nói: “75% biên giới đã bị đóng cửa. Cùng với Thổ Nhĩ Kỳ, chúng tôi sẽ tiến hành chiến dịch để đóng 98 km đường biên giới còn lại”.

Theo AFP, Thổ Nhĩ Kỳ gần như là cánh cửa để đi vào Châu Âu.
Hàng ngàn người theo thánh chiến cũng như phần đông thủ phạm các vụ tấn công khủng bố, như Abdelhamid Abaaoud, được cho đầu não các vụ khủng bố tại Paris, đều phải đi qua ngả Thổ Nhĩ Kỳ để gia nhập tổ chức Nhà nước Hồi giáo IS và cũng từ ngả này để về lại Châu Âu mà không bị chú ý.

Chính việc chính quyền Damas mất dần quyền kiểm soát biên giới giữa hai nước kể từ khi nội chiến bùng bổ đã tạo thuận lợi cho quân thánh chiến tuyển mộ người, trang bị vũ khí hay thiết bị.

AFP cho biết từ sân bay Istanbul, phần đông những tân binh thánh chiến đến từ Châu Âu hay từ những nơi khác được đưa về vùng Gaziantep và Sanliurfa, nam Thổ Nhĩ Kỳ. Rồi từ đây, các chiến binh mới được đưa về tổng hành dinh của IS tại Raqqa, bắc Syria.

Một nhà ngoại giao phương Tây thổ lộ: “Chính quyền Thổ Nhĩ Kỳ hoàn toàn biết rõ việc này. Họ đã để yên như thế vì nghĩ rằng việc này có thể sẽ làm cho kẻ thù số một của họ, ông Bachar Al-Assad, sụp đổ nhanh hơn nữa”.

Chỉ đến khi xảy ra vụ tấn công khủng bố vào khu du lịch Suruc hồi tháng 7/2015, gần với biên giới Syria, chính quyền Ankara mới bắt đầu ý thức được “Daech là một mối đe dọa thật sự cho an ninh Thổ Nhĩ Kỳ”, theo như nhận định của Naz Masraff, chuyên gia về Thổ Nhĩ Kỳ, thuộc Trung tâm nghiên cứu Á-Âu tại New York.

Và kể từ khi vụ tấn công nhà ga Ankara vào tháng 10/2015, làm thiệt mạng hơn 100 người, chính quyền Thổ Nhĩ Kỳ mới gia tăng các vụ bắt giữ trong giới thánh chiến Thổ Nhĩ Kỳ.

Cách nay vài ngày, lực lượng an ninh nước này đã phá vỡ một âm mưu tổ chức tấn công khủng bố tại Istanbul cùng ngày với vụ tấn công tại Paris.
Theo các nguồn tin chính phủ, nước này đã bắt giữ và trục xuất hơn 2.300 quân thánh chiến nước ngoài, riêng trong 6 tháng đầu năm nay là 700 người.

Vấn đề là mỗi ngày vẫn có hàng trăm người Syria vượt qua biên giới. Do đó, “việc đóng cửa biên giới đương nhiên sẽ khiến quân thánh chiến khó đi qua hơn, nhưng chắc chắn IS cũng sẽ có những phương cách khác, như là trà trộn vào dòng người tị nạn ”, theo như nhận định của một thành viên một tổ chức phi chính phủ Syria.


Switch mode views: