Tài liệu cũ của Saigon Echo
từ 2008 - 2012
Play
 
Giám Đốc: Tiến Sĩ Trần An Bài
  • Font size:
  • Decrease
  • Reset
  • Increase

Xung đột Ukraina : Châu Âu mở rộng trừng phạt Nga

DONALD TUSK



Donald Tusk, Chủ tịch Hội đồng Châu Âu tại Bruxelles (21/01/2015).REUTERS/Francois Lenoir

 

Hôm qua 29/01/2015, 28 Ngoại trưởng Liên Hiệp Châu Âu, trong phiên họp đặc biệt tại Bruxelles, đã thông qua một số biện pháp trừng phạt mới nhắm vào Matxcơva.

Mục đích của Châu Âu là tỏ ra cứng rắn với Nga, nhưng đồng thời thúc đẩy các bên tìm kiếm một kế hoạch hòa bình, trở lại với thỏa thuận đạt được tại Minsk, tháng 09/2014.

Theo các nhà quan sát, nhóm 28 nước đã quyết định loạt trừng phạt mang tính tối thiểu.
Loạt trừng phạt này nằm trong hệ thống các biện pháp truyền thống của Châu Âu, cụ thể là phong tỏa các tài khoản và không cấp visa vào lãnh thổ Châu Âu.

Như vậy, nhiều nhân vật mới trong số giới lãnh đạo Nga, và thành phần nổi dậy miền Đông, cũng sẽ được đưa vào danh sách 312 người hiện có và danh sách này cũng được triển hạn đến tháng 09/2015.

Trong phiên họp ngày 09/02 tới, các bộ trưởng sẽ quyết định danh sách trừng phạt bổ sung.

Trên thực tế, đề xuất áp đặt một loạt trừng phạt kinh tế mới, có quy mô tương đương với loạt trừng phạt được đưa ra hồi tháng 8/2014, chỉ nhận được sự ủng hộ của một số quốc gia chủ trương cứng rắn với Nga, như Chủ tịch Hội đồng Châu Âu Donald Tusk (cựu Thủ tướng Ba Lan), các chính phủ Ba Lan, Litva hay

Latvia – quốc gia hiện đang đảm nhiệm chức chủ tịch luân phiên Châu Âu.
Latvia chính là nước đề xuất tổ chức cuộc họp này.

Ngược lại, các nước như Áo, Cộng hòa Séc và Slovakia tỏ ra nghi ngờ về hiệu quả của các trừng phạt.
 Trong khi đó, tân chính phủ Hy Lạp còn gần như lên án việc Châu Âu trừng phạt Nga trước cuộc họp.

Athens thiên về hướng « nỗ lực để ngăn cản những rạn nứt giữa Châu Âu và Nga ».

Về phần mình, Hoa Kỳ hoan nghênh việc Liên Hiệp Châu Âu mở rộng trừng phạt Nga, đồng thời đe dọa có các biện pháp riêng với Nga, nếu Matxcơva tiếp tục ủng hộ phe nổi dậy tại Ukraina.

Hôm nay, phản ứng trước quyết định này, Bộ Ngoại giao Nga ra thông cáo kêu gọi Liên Hiệp Châu Âu « suy nghĩ kỹ » về chính sách « đối đầu » « không có tương lai ».

Theo AFP, có một số thông tin cho thấy Kiev, Matxcơva và phe ly khai muốn nối lại các đàm phán – dưới sự bảo trợ của Tổ chức An ninh và Hợp tác Châu Âu - kể từ hôm nay.

Phe ly khai bao vây hàng nghìn quân chính phủ tại Donetsk

Về tình hình tại miền Đông Ukraina, trong vòng 24 giờ sau, riêng tại Donetsk, thêm 7 thường dân bị giết hại và 23 người khác bị thương, theo đại diện của thành phố thuộc chính quyền Cộng hòa Donetsk tự phong.

Còn theo người phát ngôn quân đội chính phủ, thêm 5 quân nhân tử trận. Trả lời AFP, một số cư dân Donetsk cho biết họ không tin tưởng sẽ có một thỏa thuận hòa bình mới.

Vẫn theo AFP, hàng ngàn binh sĩ Ukraina – đồn trú xung quanh thành phố Donetsk 25 nghìn dân - hiện đang bị bao vây.
Tuyên bố trên một kênh truyền hình Nga, « Tổng thống » nước Cộng hòa tự phong Donetsk kêu gọi các binh sĩ chính phủ hạ vũ khí.

Trước đà tiến của phe nổi dậy, người ta lo ngại một thảm kịch như ở Illovaisk hồi mùa hè năm ngoái sẽ lặp lại, với ít nhất 108 binh sĩ chính phủ thiệt mạng trong vòng vây.

Switch mode views: