Tài liệu cũ của Saigon Echo
từ 2008 - 2012
Play
 
Giám Đốc: Tiến Sĩ Trần An Bài
  • Font size:
  • Decrease
  • Reset
  • Increase

Thượng đỉnh G20 ưu tiên tăng trưởng và khí hậu

G20-SUMMIT-UC



Lãnh đạo 20 quốc gia có nền kinh tế phát triển tại Thượng đỉnh G20, Brisban - Úc, ngày 15/11/2014.REUTERS/Pablo Martinez Monsivais/Pool

Bế mạc Thượng đỉnh G20 Brisbane - Úc, lãnh đạo 19 nền kinh tế phát triển nhất thế giới và Liên Hiệp Châu Âu đồng lòng đề ra mục tiêu đem lại thêm 2,1 % tăng trưởng cho toàn cầu trước năm 2018.

Đẩy mạnh đầu tư, trao đổi mậu dịch để tạo thêm 2.000 tỷ đô la của cải và hàng triệu việc làm cho nhân loại.
Tuy nhiên, hồ sơ chống biến đổi khí hậu, trọng tâm thứ nhì của thượng đỉnh Brisbane, đã không dễ dàng tạo đồng thuận như vế kinh tế.

Từ Brisban, đặc phái viên đài RFI, Florent Guignard tường thuật:

« Tất cả vì tăng trưởng kinh tế toàn cầu. Úc, nguồn sản xuất than đá số 1 của thế giới không muốn đề cập tới hồ sơ chống biến đổi khí hậu.

Theo quan điểm của nước chủ nhà, đón các nguyên thủ quốc gia của G20, Thủ tướng Tony Abbott, khí hậu không phải là một vấn đề kinh tế và đó lại càng không phải là một ưu tiên trong bối cảnh tăng trưởng toàn cầu đang èo uột.

Ngược lại, nước Pháp rất quan tâm tới vấn đề khí hậu, một năm trước hội nghị Paris. Tổng thống Pháp đã đấu tranh để vấn đề khí hậu phải được đề cập đến trong tuyên bố chung kết thúc thượng đỉnh G20 Brisbane.

Theo lời một nhà quan sát Châu Âu, ở hậu trường các phái đoàn đã có những cuộc thảo luận ráo riết để soạn thảo bản thông cáo chung.
Trên hồ sơ khí hậu, Thủ tướng Úc, Tony Abbott đã trong thế cô lập, trước áp lực của Hoa Kỳ.

Mỹ và Trung Quốc vừa đạt được một thỏa thuận lịch sử tại Bắc Kinh, giảm khí thải làm hâm nóng trái đất.
Tiếp theo đó Washington đóng góp 3 tỷ đô la cho Quỹ Xanh của Liên Hiệp Quốc để hỗ trợ các nước nghèo trên thế giới đối phó với hiện tượng biến đổi khí hậu.

Về phía Nhật Bản, Tokyo tham gia vào Quỹ Xanh 1,5 tỷ đô la. Pháp rất hài lòng trước thái độ của quốc tế trên hồ sơ khí hậu, cho dù một lần nữa, Hoa Kỳ vấn áp đặt luật chơi của mình ».

Sau Úc, năm tới (2015) đến lượt Thổ Nhĩ Kỳ giữ chức chủ tịch luân phiên G20.
Thượng đỉnh G20 năm 2015 sẽ được tổ chức trong hai ngày 15 và 16/11/2015 tại Antalya.
Đến năm 2016 trọng trách đón các nguyên thủ quốc gia và thủ tướng chính phủ của G20 sẽ về tay Trung Quốc.

Do vế ngoại giao đã nổi bật tại thượng đỉnh Brisbane, Thứ trưởng Tài chính Trung Quốc Chu Quang Diệu báo trước : « G20 là thượng đỉnh chủ yếu để bàn về các hồ sơ kinh tế và ngân sách ».


Switch mode views: