Tài liệu cũ của Saigon Echo
từ 2008 - 2012
Play
 
Giám Đốc: Tiến Sĩ Trần An Bài
  • Font size:
  • Decrease
  • Reset
  • Increase

Hai miền Triều Tiên tìm một ngôn ngữ chung

ngon ngu-trieutien



Cách biệt về ngôn ngữ là một trong những rào cản trong các đối thoại liên Triều. Ảnh minh họa. DR

Các học giả Nam Bắc Triều Tiên đang cố tìm một ngôn ngữ chung cho người dân hai miền, hiểu theo đúng nghĩa đen của từ này.

Cho tới nay, hàng rào ngôn ngữ vẫn là một trong những trở ngại chính cho đối thoại liên Triều. Trở ngại này cũng quan trọng không thua gì bức màn sắt về ý thức hệ và quân sự chia cắt bán đảo này.

Từ 25 năm qua, các nhà ngôn ngữ học của hai nước Triều Tiên đã cùng nhau soạn thảo một cuốn từ điển Hàn ngữ thống nhất. Công trình đồ sộ này có lẽ sắp hoàn tất.
Vào tuần trước, lần đầu tiên từ 5 năm qua, các chuyên gia miền Nam Triều Tiên của ủy ban soạn thảo từ điển đã đến Bình Nhưỡng để họp với các đồng nghiệp miền Bắc.

Trả lời hãng tin AFP trước khi lên đường đi Bình Nhưỡng, giám đốc biên tập của phía Hàn Quốc Han Young-Un cho biết là « bất đồng ngôn ngữ » giữa hai miền rõ rệt nhất là trong các từ chuyên môn, đặc biệt là trong các lĩnh vực y tế và luật.

Ông Han Young-Un còn khẳng định rằng ngôn ngữ khác biệt đến mức mà « các kiến trúc sư của hai miền chắc là sẽ không thể cùng xây một căn nhà ».
Vì sao có tình trạng như vậy ? Đó là do trong thời gian bán đảo Triều Tiên bị Nhật đô hộ ( 1910-1945 ), người dân Triều Tiên bị cấm sử dụng Hàn ngữ.

Sau khi đất nước được giải phóng, nhưng bị chia đôi, miền Bắc Cộng sản và miền Nam tư bản đều cố gắng khôi phục giảng dạy Hàn ngữ, nhưng theo kiểu mạnh ai nấy làm, chẳng hề phối hợp với nhau, cho nên ngôn ngữ của hai bên ngày càng khác biệt nhau.

Khác biệt đến mức mà trong ngôn ngữ của hai miền cùng một từ nhưng có thể mang nghĩa trái ngược nhau hoàn toàn, chẳng hạn như từ « agassi » ở miền Nam có nghĩa là « phụ nữ trẻ », nhưng ở miền Bắc lại có nghĩa là « nô lệ của một xã hội phong kiến ».

Người đầu tiên đề xuất ý kiến làm một cuốn từ điển chung là ông Moon Ik-Hwan nhà hoạt động Hàn Quốc chuyên vận động cho thống nhất đất nước, khi ông gặp cố lãnh tụ Bắc Triều Tiên Kim Nhật Thành tại Bình Nhưỡng vào năm 1989.

Lúc ấy Kim Nhật Thành đã đồng ý, nhưng dự án này đã bất thành do Moon Ik-Hwan sau khi từ miền Bắc về miền Nam đã bị bắt bỏ tù.

Ông đã qua đời vào năm 1994 và dự án nói trên mãi đến 2004 mới được khởi động trở lại, nhờ quan hệ giữa hai miền trở nên nồng ấm với cuộc họp thượng đỉnh liên Triều lịch sử giữa tổng thống Hàn Quốc Kim Dae-Jung và lãnh tụ Bắc Triều Tiên Kim Jong-Il năm 2000.

Các nhà ngôn ngữ học của hai miền đã đề ra mục tiêu soạn một từ điển chung với tổng cộng 330 ngàn từ và hiện giờ họ đã thống nhất được định nghĩa của 55 ngàn từ.

Để mọi việc diễn ra suôn sẻ, các chuyên gia Nam Bắc Triều Tiên đã đồng ý không bàn đến những từ ngữ mang nặng tính ý thức hệ. Trong trường hợp bế tắc, họ phải chấp nhận hai định nghĩa khác nhau.

Khó khăn lớn nhất là ở chỗ miền Bắc đã loại bỏ rất nhiều từ Hán – Hàn, thay vào đó là những từ thuần Hàn, trong khi ở miền Nam, vẫn còn đến 50% từ ngữ là từ Hán-Hàn.
Bên cạnh đó, trong từ vựng miền Bắc Triều Tiên có rất nhiều từ của tiếng Nga, trong khi dân miền Nam bán đảo này thì sử dụng nhiều tiếng Anh.

Trong 5 năm đầu tiên, ủy ban soạn thảo từ điển Hàn ngữ liên Triều đã họp 20 lần, nhưng đến năm 2010, quan hệ giữa hai bên đã bị đình chỉ do căng thẳng quân sự tái diễn.
Mãi đến năm nay, chuyên gia hai bên mới họp lần thứ 21 ở Trung Quốc và cuộc họp lần thứ 22 đã diễn ra ở Bình Nhưỡng vào tuần trước.

Theo dự kiến, công trình soạn thảo tự điển chung sẽ hoàn tất vào năm 2019, nhưng điều đó còn tùy thuộc vào quan hệ giữa Seoul và Bình Nhưỡng có tiến triển tốt đẹp hay không.
Về điểm này thì không ai có thể dự đoán được.


Switch mode views: