Tài liệu cũ của Saigon Echo
từ 2008 - 2012
Play
 
Giám Đốc: Tiến Sĩ Trần An Bài
  • Font size:
  • Decrease
  • Reset
  • Increase

Điểm Báo Pháp Quốc Ngày 28-03-2014

 Bắc Kinh đặt điều kiện để đầu tư vào Pháp

FRANCE-CHINA 3



Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình phát biểu tại Bộ Ngoại giao Pháp, 27/03/2014, Paris.
REUTERS/Alain Jocard


Chuyến thăm Paris của chủ tịch Trung Quốc đã chính thức kết thúc vào ngày hôm qua, thứ Năm 27/03, nhưng cho đến vẫn còn để lại dư âm trên một số tờ báo.
 « Lâu đài Versailles tráng lệ dành cho Tập Cận Bình » là hàng tựa nhận định trên Le Figaro, chưa có một nguyên thủ Trung Quốc nào được Paris tiếp đón một cách trịnh trọng đến như thế tại cung điện tráng lệ của Roi-Soleil (Vua Mặt trời).

Chuyến công du Pháp ba ngày của chủ tịch Trung Quốc kết thúc bằng một buổi yến tiệc chưa từng có tại lâu đài Versailles.

Chương trình bao gồm nhạc truyền thống và hiện đại Trung Hoa, các bản hòa nhạc Pháp do nhà hát Opera hoàng gia thực hiện và một buổi dạ tiệc sang trọng tại dinh thự Trianon trong khuôn viên lâu đài Versailles tráng lệ bậc nhất của Pháp.

Le Figaro lưu ý là kể từ khi thiết lập bang giao với Trung Quốc cách đây 50 năm, chưa có một nguyên thủ Trung Quốc nào được Paris tiếp đón một cách trịnh trọng đến như thế tại cung điện tráng lệ của Roi-Soleil (Vua Mặt trời).

Trước đó, tại điện Orsay, trụ sở chính của Bộ ngoại giao Pháp, hai nguyên thủ đã long trọng kỷ niệm 50 năm thiết lập bang giao Trung-Pháp.

Tướng Charles De Gaulle, nguyên thủ phương Tây đầu tiên công nhận nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa của Mao Trạch Đông vào ngày 27/01/1964.

Ngoài các vấn đề về ngoại giao, kinh tế, Le Figaro cũng lưu ý thấy là hồ sơ về nhân quyền tại Trung Quốc được ông Hollande đề cập đến một cách khá mờ nhạt trong buổi dạ tiệc.

Đầu tư : Bắc Kinh đưa ra các điều kiện

Về phương diện kinh tế, tờ Le Monde cho hay : « 18 tỷ euro hợp đồng được ký kết nhân chuyến viếng thăm Pháp của chủ tịch Trung Quốc ».

Tờ báo ví việc một loạt các hợp đồng ký kết được với Trung Quốc như bơm thêm khí oxy vào nền kinh tế Pháp vào lúc thất nghiệp tại quê hương của Molière tiếp tục tăng lên.

Nhưng trong số các hợp đồng đó, có lẽ công nghiệp hàng không là lãnh vực được hưởng lợi nhiều nhất.

Tổng cộng Airbus đã ký được một thỏa thuận bán 70 máy bay với tổng trị giá trên 7 tỷ euro. Ngược lại, ngành năng lượng hạt nhân lại không gặt hái được nhiều hợp đồng như mong đợi.

Thế nhưng, báo Les Echos cũng lưu ý là « Đầu tư : Bắc Kinh cũng đưa ra điều kiện của mình ». Bộ trưởng Ngoại thương Trung Quốc, ông Cao Hổ Thành (Gao Hucheng) đã đề nghị chính quyền Paris đơn giản các luật lệ cho các nhà đầu tư Trung Quốc.

Đổi lại, Bắc Kinh mới sẵn sàng nhập khẩu nhiều hơn nữa hàng hóa Pháp để cân bằng cán cân thương mại.

Phía Trung Quốc kêu gọi Pháp cùng nhau nghiên cứu xóa bỏ mọi hình thức bảo hộ, sử dụng cẩn trọng các rào cản pháp lý và ưu tiên đối thoại. Paris cũng cho biết sẵn sàng thu hút đầu tư Trung Quốc vào đất nước để tạo ra việc làm.

Cán cân thương mại hiện nghiêng nhiều về phía Trung Quốc. Trữ lượng đầu tư của Pháp vào Trung Quốc cao gấp 4 lần so với chiều ngược lại.

Ngoài ra phía các nhà đầu tư Trung Quốc cũng phàn nàn về những khó khăn khi làm việc với các đối tác Pháp. Họ cho rằng chìa khóa của sự thành công trong mối bang giao hai nước nằm ở sự tin tưởng, thấu hiểu lẫn nhau.

Tuy vậy, Les Echos nhận thấy là, đối với các nhà đầu tư Pháp, vấn đề về sở hữu trí tuệ vẫn là một « chủ đề nhạy cảm ».

Đồng nhân dân tệ : cuộc chiến giữa Paris, Luân Đôn và Frankfurt

Sau Pháp sẽ là Đức, bước tiếp theo của vòng công du Châu Âu của Chủ tịch Tập Cận Bình. Cũng như Pháp, Berlin trông đợi sẽ ký kết được nhiều hợp đồng thương mại với Trung Quốc.

Tuy nhiên, mối bận tâm hàng đầu của Đức là hồ sơ tài chính.

Theo quan sát của Le Figaro, từ nhiều tháng nay, chính phủ Đức và giới tài phiệt đã nỗ lực vận động nhằm biến thị trường tài chính Đức như là một cánh cổng cho đồng nhân dân tệ vào Châu Âu.

Như vậy vô hình chung, đồng nhân dân tệ của Trung Quốc đang trở thành đối tượng của một cuộc chiến tranh giành ảnh hưởng giữa ba nền thị trường tài chính lớn tại Châu Âu là Paris, Luân Đôn và Frankfurt.

Tập Cận Bình thăm Đức để gây áp lực với Nhật Bản ?

Ngoài ra, Le Figaro còn nhận thấy là chuyến công du sắp đến tại Đức không chỉ đơn thuần mang tính chất thúc đẩy trao đổi kinh tế-tài chính giữa đôi bên.

Ông Tập Cận Bình muốn nhân chuyến thăm Đức để tìm kiếm hậu thuẫn nhằm buộc Nhật Bản phải thừa nhận các tội lỗi gây ra khi xâm chiếm Trung Quốc năm 1937.

Bài viết đề tựa « Chủ tịch Trung Quốc, sự hối lỗi của Đức và Nhật Bản ».

Theo tờ báo, ông Tập Cận Bình có nhã ý muốn đến thăm đài tưởng niệm Holocaust tại trung tâm thành phố Berlin, hay chí ít ra là tại Neue Wache, một công trình lịch sử tưởng niệm các nạn nhân chiến tranh với sự tháp tùng của Thủ tướng Đức Angela Merkel.

Dường như chủ tịch Trung Quốc muốn nhân sự kiện này nhằm đưa ra một bài học lịch sử với Nhật Bản.

Tuy nhiên, Le Figaro nghĩ rằng bà Angela Merkel không dại gì tham gia vào cuộc chơi của Trung Quốc.

Thủ tướng Đức đã khôn khéo từ chối cả hai đề xuất vì không muốn bị lôi kéo vào vòng xoáy tranh cãi giữa hai cường quốc Châu Á này. Bà đã đáp lại rằng nếu chủ tịch Trung Quốc mong muốn ông có thể tự đi thăm viếng những đài tưởng niệm « vào những lúc rảnh rỗi ».

Bởi vì từ nhiều tháng nay, Bắc Kinh không ngừng la lối, muốn phía Tokyo phải chính thức lên tiếng thừa nhận tội lỗi và phải bày tỏ sự hối cãi trước những nỗi đau mà họ đã gây ra cho người dân Trung Quốc trong suốt thời gian xâm lược đất nước này vào năm 1937.

Căng thẳng gia tăng giữa hai quốc gia kể từ khi nhiều quan chức cao cấp trong chính phủ Nhật Bản kể cả thủ tướng Shinzo Abe đến thăm đền Yasukuni, nơi chôn cất các binh sĩ tử trận cho Nhật Bản trong đó có cả 14 tội phạm chiến tranh.

Ukraina thắt bụng để nhận cứu trợ của IMF

Tình hình thời sự tại Ukraina cũng là chủ đề sôi nổi trên các mặt báo Pháp.

Báo La Croix loan báo : « Ukraina nhận một gói cứu trợ khổng lồ ». « IMF chốt lại kế hoạch cứu trợ quốc tế dành cho Ukraina » là tựa đề trên Les Echos. « Ukraina : kế hoạch cứu trợ của IMF sẽ rất là đau đớn » bài viết của Le Figaro.

Cuối cùng thì Kiev đã ký kết được một thỏa thuận với Quỹ Tiền tệ Quốc tế IMF, theo đó tổ chức tiền tệ lớn nhất thế giới này sẽ hỗ trợ cho Ukraina tổng cộng gần 20 tỷ euro trong vòng hai năm để vực dậy nền kinh tế đất nước.

Nếu như thỏa thuận cứu trợ này giúp Ukraina tránh khỏi tình trạng vỡ nợ thì đổi lại quốc gia này phải tiến hành các biện pháp thắt lưng buộc bụng mà các tờ báo đánh giá là khó có thể nuốt trôi.

Trong trước mắt, ngay từ hôm qua 27/03 sau khi ký xong thỏa thuận, thủ tướng tạm thời Ukraina đã đưa ra một loạt các biện pháp khắc khổ : tăng giá khí đốt lên 50% ngay từ ngày 01/05 sắp đến, giảm 10% nhân sự tại các bộ, bán đất đai và tòa nhà thuộc sở hữu nhà nước, đánh thuế người giàu, cắt trợ cấp các mỏ khai thác… Tuy nhiên, để giảm nhẹ cú sốc, IMF và chính phủ Ukraina cam kết thiết lập các chương trình trợ giúp xã hội.

Tờ Les Echos lưu ý thấy là ngay sau khi thỏa thuận được ký kết, trái phiếu và giá đồng tiền Ukraina đã tăng vọt trở lại.

Nếu như tin IMF đồng ý cứu trợ làm cho giới tài chính thở phào nhẹ nhõm, người dân Ukraina sẽ phải làm một cuộc hy sinh lớn.

Đứng trước những khó khăn trên, thủ tướng Ukraina kêu gọi người dân chấp nhận một sự hy sinh lớn vì tương lai thế hệ trẻ sau này.

Chiếc đồng hồ : thước đo nấc thang xã hội

Với sự phát triển như vũ bão của điện thoại thông minh, máy tính bảng, phải chăng chiếc đồng hồ đeo tay không còn chút giá trị thực tiễn nào nữa ?

Xin thưa rằng không, bằng chứng là Thụy Sĩ vừa khai mạc hội chợ Bâle, hội chợ đồng hồ quan trọng nhất thế giới vào hôm qua 27/03.

Hội chợ hy vọng thu hút 150 000 lượt khách từ đây đến hết ngày 03/04 tới.

Chủ đề này được báo Le Monde đề cập đến trong bài viết đề tựa « Đồng hồ đeo tay trong thời buổi smartphone ».

Theo quan niệm của ông Claude Biver, thuộc tập đoàn LVMH (Hublot, Zenith, Tag Heuer), lý do để mà chiếc đồng hồ đeo tay vẫn tồn tại là vì « không phải để xem giờ ». Người mua sẵn sàng bỏ ra một khoản tiền lớn hàng nghìn euro để mua một chiếc đồng hồ là nhằm để « thỏa mãn một giấc mơ, một cảm xúc, một kỷ niệm hay một vị thế xã hội ».

Theo ông, chất lượng chủ yếu của chiếc đồng hồ đeo tay Thụy Sĩ dù rất cơ học nhưng lại có một đặc tính hầu như « vĩnh cửu » trong vấn đề sửa chữa.

Chiếc đồng hồ cơ học cũ kỹ khi gặp vấn đề vẫn có thể phục hồi lại được. Còn những chiếc đồng hồ có kết nối, như điện thoại cầm tay, sau mười năm sử dụng sẽ khó có cơ may sửa chữa được.
Bên cạnh tính chất « bền vững », đồng hồ đeo tay còn là một trong những món trang sức hiếm hoi của giới mày râu.

Bởi vì đó cũng là cách để họ thể hiện rõ cá tính của mình hay sự khác biệt. Không những vậy, đối với giới sành điệu, họ không cần một chiếc đồng hồ theo chính nghĩa đen, mà điều họ cần là một thương hiệu. Bởi vì chiếc đồng hồ đeo tay còn « đại diện cho một quá khứ lịch sử, hay đó là một sự đầu tư, hay một món đồ lâu đời ».

Cũng theo ông Biver, « Thông qua chiếc đồng hồ, các thương hiệu có thể rao bán văn hóa, nghệ thuật, di sản hay truyền thống ».

Đổi lại, đối với nhiều nhà sản xuất khác, bán một chiếc đồng hồ đeo tay còn có nghĩa là bán một vị thế, một biểu tượng của sự giàu sang, sự lịch lãm, sự khác biệt hay một môn thể thao nào đó.

Bầu cử địa phương Pháp

Còn hai ngày nữa sẽ diễn ra vòng hai bầu cử địa phương tại Pháp. Đây cũng là mối bận tâm chính trên các mặt báo lớn tại Paris sáng nay 28/03/2014.

Đa số các nhật báo đều có chung nhận định là trong đợt bầu cử địa phương lần này, phe hữu có thể sẽ thắng lớn, nắm lấy quyền lãnh đạo tại nhiều thành phố lớn, làng xã vốn có truyền thống lâu đời ủng hộ cánh tả.

Nhật báo Công giáo La Croix đặt câu hỏi lớn trên trang nhất : « Làn sóng xanh dương sẽ còn đi đến tận đâu nữa ? ».

Nhật báo Cộng sản cũng lo lắng không kém khi đặt câu hỏi : « Làm thế nào tránh được làn sóng màu xanh ? ».

Trong bối cảnh phe hữu có thể thắng lớn tại kỳ bầu cử địa phương lần này, nhật báo Le Monde chạy tít nhận định : « Bầu cử địa phương : 100 thành phố có thể sẽ chuyển sang theo phe hữu ».

Tờ nhật báo thiên hữu Le Figaro thì quan sát thấy rằng : « Đảng Mặt trận Dân tộc đã chuẩn bị cho hậu bầu cử ».

Với tình hình này, nhật báo kinh tế Les Echos chú ý đến các động thái của tổng thống: « Cú sốc bầu cử địa phương : những gì Hollande đang chuẩn bị ».

Riêng chỉ có tờ báo thiên tả Libération là quan tâm đến hiện tượng đáng quan ngại hiện nay tại Pháp có rất nhiều công dân trẻ đi theo phe Hồi giáo cực đoan Djihad qua hàng tít lớn trên trang nhất : « Trong đầu não của những người theo phe Djihad tại Pháp ».

 

Switch mode views: