Tài liệu cũ của Saigon Echo
từ 2008 - 2012
Play
 
Giám Đốc: Tiến Sĩ Trần An Bài
  • Font size:
  • Decrease
  • Reset
  • Increase

Điểm Báo Pháp Quốc ngày 05-01-2014

Bí quyết trẻ lâu của phụ nữ Pháp

Christophe josse


© Reuters


"Phụ nữ Pháp không già » là tựa đề bài viết trên tờ The Daily Beast tại New York, được tuần san Pháp Courrier International, số ra đầu năm 2014 trích dịch lại.

 Bài viết trên tờ báo của New York giới thiệu quyển sách của nữ tác giả người Mỹ gốc Pháp, tiết lộ bí quyết trẻ lâu của phụ nữ Pháp.

 Theo đó, các yếu tố về chế độ dinh dưỡng và văn hóa là cơ sở giúp giới nữ Pháp giữ vững được thăng bằng khi bước vào tuổi xế chiều.

Các cô các bà tại Pháp có thân hình mảnh mai hơn, tự tin về mình hơn và luôn có vẻ trẻ lâu hơn, dù ai cũng biết rằng, họ rất thích ăn bánh mì que, uống rượu nhiều và hút thuốc như bể khói nhưng vẫn không lên một tý gramme nào.

Thế thì bí quyết nào đã giúp cho họ không bị tăng cân ?

Để giải đáp thắc mắc này, tờ The Daily Beast đã dựa vào các giả thuyết do bà Mireille Guiliano đưa ra trong hai quyển sách.

Quyển thứ nhất được phát hành vào năm 2004 dưới tiêu đề « Ces françaises qui ne grossissent pas : les secrets du ‘maigrir gourmand’ » - tạm dịch là « Những phụ nữ Pháp không bị lên cân : bí quyết giảm cân của những kẻ sành ăn » (do nhà xuất bản Michel Lafon phát hành).

Quyển thứ hai vừa được nhà xuất bản Grand Central Publishing phát hành vào dịp Noel năm nay, đề tựa « French Women Don’t Get Facelifts : The secret of Aging with Style & Attitude (tạm dịch là Khi những phụ nữ Pháp không cần thủ thuật xóa vết nhăn: làm thế nào trở nên già nhưng vẫn giữ phong thái và nét thanh lịch).

Trong tác phẩm đầu tiên, nữ tác giả đã cho rằng sở dĩ phụ nữ Pháp không bị béo phì là vì họ không ăn vặt, không bị ám ảnh bởi chuyện lên cân và không bài trừ một số loại thực phẩm. Luận điểm này đã được các nghiên cứu khoa học chứng minh là đúng.

Các số liệu thống kê cho thấy tỷ lệ phụ nữ bị béo phì tại Hoa Kỳ cao gấp đôi so với Pháp.

Thế nhưng, đối với nữ tác giả người Mỹ gốc Pháp này, cách lý giải đưa ra cách đây mười năm cũng chưa đủ để giải thích cho hiện tượng trẻ lâu của phụ nữ Pháp. Trong một tác phẩm mới đây, bà Guiliano đã tiến cử một giả thuyết dựa trên yếu tố văn hóa để giải thích cho việc chỉ số khối lượng cơ thể thấp ở phụ nữ Pháp.

Theo quan điểm sống của các cô, các bà tại đây: « Cuộc sống quá ngắn ngủi để mà thưởng thức rượu vang dở và ăn một món ăn tồi ».

Đây cũng chính là một điểm khác biệt xã hội khá lớn giữa phụ nữ Pháp và Mỹ. Ở bên kia bờ Đại Tây Dương, tuổi già bị xem như một sự đắm chìm. Đối với họ, 30 là đã trở nên già. Nữ tác giả nhớ lại rằng khi vẫn còn làm việc, có rất nhiều phụ nữ trẻ tuổi đến than thở với bà rằng: "Tôi không thể nào kết hôn được và không ai thèm dòm ngó đến tôi cả. Tôi đã bỏ lỡ dịp may rồi".

Trong khi đó, ngạn ngữ Pháp có câu : « Cuộc sống bắt đầu ở tuổi 50 ». Quả thật, các nghiên cứu khoa học chứng minh được rằng « phụ nữ cảm thấy hạnh phúc hơn vào độ tuổi lục tuần ».

Trở lại với câu hỏi, « Làm thế nào phụ nữ Pháp bỏ qua các thủ thuật xóa vết nhăn trong khi mà phụ nữ Mỹ lại là những khách hàng lớn tại các viện phẫu thuật thẩm mỹ ? ».

Mireille Guiliano cho rằng « Phụ nữ Pháp rất thực tế. Họ tự nhủ rằng ai cũng phải có vết nhăn và vì thế họ không mấy bận tâm ». Điểm quan trọng là nằm ở những chi tiết khác : một kiểu tóc mới, cách nhận thức mới cuộc sống hay đơn giản chỉ là một lẩn trốn vào cuối tuần.

Theo bà, bí quyết trẻ lâu của phụ nữ Pháp nằm ở chỗ biết đón nhận già đúng cách, đơn giản chỉ là vấn đề thái độ mà thôi.

Rất tiếc là các giả thuyết do bà đưa ra không có một số liệu cụ thể và cũng không nêu rõ đối tượng quan sát thuộc tầng lớp người nào trong xã hội.

Khoa học chống lại tử thần, sự đánh cuộc điên rồ của các nhà nghiên cứu

Liên quan đến vấn đề tuổi thọ và sức khỏe, tuần san Le Nouvel Observateur mở một hồ sơ dài mười sáu trang, phác họa chân dung của ngành y học trong tương lai. Sự tiến bộ của khoa học công nghệ đã đẩy ngành y học vào vòng xoáy mở ra một chân trời mới đầy hứa hẹn cho việc điều trị những căn bệnh hiểm nghèo cho đến giờ y học vẫn bó tay nhưng cũng đầy thách thức và cạm bẫy cho nhân loại.

Bài viết được minh họa bằng tấm ảnh trích từ bộ phim khoa học giả tưởng « Real Humans » của Thụy Điển, ở đó người máy cũng tham gia vào cuộc sống thường nhật của chúng ta.

Sự phát triển như vũ bão của công nghệ nano, sinh học, khoa học nhận thức đang thúc đẩy nhanh hơn nữa các tiến bộ y học. Tại một số phòng phẫu thuật, các robot bắt đầu thay thế con người.

Các nghiên cứu về gien và tế bào học mở ra nhiều hứa hẹn cho việc điều trị những căn bệnh hiểm nghèo. Và mỗi một quốc gia có một thế mạnh riêng trong công cuộc chinh phục đầy thử thách này.

Tờ báo tự hỏi : Khoa học sẽ đẩy lùi bệnh tật đi đến tận đâu ? Tại Hoa Kỳ, tờ báo nhận thấy một số nhà tư tưởng theo « chủ nghĩa chuyển đổi nhân loại », dưới sự vận động mạnh mẽ của một số nhà công nghiệp lớn, đi xa hơn khi vẽ ra một tương lai sáng lạn, ở đó con người sẽ bị pha lẫn với công nghệ để cho ra đời một giống người lai mới, được « nâng cấp » không những về mặt thể xác lẫn về tinh thần. Đối với các nhà « công nghệ-tiên tri » thuộc Singularity University tại California, việc giải được bộ mã ADN sẽ giúp hoàn thiện hơn cơ thể con người, như kéo dài tuổi thọ thêm hàng trăm năm, thậm chí trở nên bất tử.

Nước Pháp với thế mạnh về nghiên cứu tế bào học có mục đích khiêm tốn và thực tiễn hơn.

Việc hiểu rõ sự biến đổi hay những đột biến gien giúp dự đoán và đưa ra những « liệu pháp gien » thích hợp cho phép thay thế những bộ gien bị thiểu năng.

Chắc hẳn những ai hâm mộ diễn viên điện ảnh Angelina Jolie còn nhớ việc cô cho dò tìm gien có mang mầm bệnh ung thư vú, và đã cho tiến hành phẫu thuật để đề phòng. Sự việc đã gây ồn ào trên báo chí. Hay như thử máu để dò tìm bệnh Down ở thai nhi thay cho biện pháp chọc ối như trước đây.

Các liệu pháp đó còn giúp chữa trị những căn bệnh hiểm nghèo cho đến giờ y học vẫn tỏ ra bất lực như tim mạch, tự miễn dịch, đái tháo đường, Parkinson…

Tờ báo lưu ý là những nỗ lực nghiên cứu của Pháp không có tầm mức đầu tư rộng lớn như tại Hoa Kỳ hay Trung Quốc. Những quốc gia này xem việc nghiên cứu « công nghệ y học vừa là cho mục đích thương mại và vừa là vũ khí địa chiến lược », theo như nhận định của một vị chuyên gia Pháp.

Về điểm này, tờ báo lấy Viện nghiên cứu gien Bắc Kinh của Trung Quốc làm ví dụ điển hình. Tại viện khoa học tư nhân này, các nhà nghiên cứu tìm cách giải mã chuỗi gien của những người có năng khiếu đặc biệt bẩm sinh.

Họ hy vọng với việc khám phá những bộ gien « thông minh » sẽ cho phép các cặp vợ chồng nào muốn thụ tinh nhân tạo trong ống nghiệm có thể chọn lựa những phôi nào được cho là « thông minh nhất ».

Tuy nhiên, tờ báo cũng cảnh cáo rằng sự tiến bộ vượt bậc trong y học cũng có mặt trái.

Chính việc áp dụng các công nghệ khoa học vào hướng điều trị những căn bệnh bẩm sinh hiểm nghèo đang trở thành thị trường béo bở cho nhiều cơ sở chữa trị đáng ngờ như tại Mêhicô, Ukraina, thậm chí tại Trung Quốc. Những cơ sở chữa trị này đã lợi dụng sự tuyệt vọng của nhiều bậc phụ huynh hay bệnh nhân đề nghị các « liều thuốc mầu nhiệm » với giá cắt cổ nhưng bệnh hết đâu không thấy, chỉ biết là « tiền mất tật mang ».

Ẩm thực Nhật Bản không tương thích với hiện tượng toàn cầu hóa

Trở lại với Courrier International nhưng trên lãnh vực ẩm thực. Tờ báo trích dịch lại bài phỏng vấn một đầu bếp tên tuổi tại Kyoto trên tờ Asahi Shimbun về việc ẩm thực Nhật Bản vừa được Unesco xếp vào Di sản thế giới.

Theo vị đầu bếp này để bảo tồn văn hóa ẩm thực của mình, Tokyo nên tìm cách thu hút khách nước ngoài đến tận nơi để thưởng thức đúng hương vị các món ăn Nhật Bản.

Đầu bếp Hirokazu Morikawa tại Kyoto cho rằng washoku, ẩm thực Nhật Bản khác biệt với các nghệ thuật nấu ăn khác trên thế giới và có lẽ vì thế cũng nên giữ tính độc lập của mình.

Ông chỉ trích việc xếp hạng sao của Michelin về nghệ thuật nấu ăn của Nhật Bản, khi cho rằng ẩm thực của Nhật và phương Tây có một chiều dài lịch sử khác nhau hoàn toàn. Chính vì vậy, không thể nào đánh đồng các tiêu chí và đưa các cách nấu ăn khác nhau vào sự cạnh tranh theo tiêu chuẩn số sao được cấp.

Ông đặc biệt so sánh giữa ẩm thực Pháp và Nhật Bản. Theo ông, Pháp có một nghệ thuật « nấu ăn tuyệt đối », tức là sau khi tập hợp đủ lượng thịt, rau củ và nhiều loại sản phẩm khác, rồi cho vào hầm cho đến khi nào tạo ra được vị ngon.

Trong khi đó, cách nấu của người Nhật là làm sao làm trỗi dậy được hương vị nguyên thủy của từng thành phần trong món ăn.

Ông Morikawa còn cho rằng dù có cố mang đi đánh chuông xứ người, hương vị món ăn Nhật Bản ở đâu cũng không bằng chính tại quê nhà.

Ông nhìn nhận việc được đưa vào danh mục Di sản thế giới phần nào cho phép đánh động công luận bảo vệ chính văn hóa của mình. Tuy nhiên, ông cũng nhấn mạnh rằng thay vì ngồi đợi được thế giới công nhận, lẽ ra chính phủ nên tăng giờ giáo dục thực phẩm tại các trường học.

Điều đáng bận tâm nhất hiện nay đối với vị đầu bếp danh tiếng này là số lượng nhà hàng tự quản và tự nấu không ngừng biến mất, mà thay vào đó là các chuỗi nhà hàng ăn nhanh.

Nước Pháp dịu êm… !

Phần điểm báo cuối tuần hôm nay xin khép lại với mục giáo dục tại Pháp.

Cách đây không lâu bảng xếp hạng do Unesco công bố xếp nước Pháp đứng hạng thứ ba quốc gia có đông sinh viên nước ngoài. Đặc biệt, thủ đô Paris vừa được QS, một văn phòng đặc biệt Anh Quốc bầu chọn là « thành phố cho sinh viên tốt nhất trên thế giới».

Một điều tra gần đây của TNS-Sofre cho Campus France đã khẳng định các xu hướng trên.

91% số sinh viên nước ngoài được hỏi đều cho biết hài lòng thậm chí là rất thỏa mãn về kỳ lưu trú của họ tại Pháp.

Đại đa số sinh viên nước ngoài được hỏi nhìn nhận là thiên nhiên đã quá ưu đãi với nước Pháp. Phong cảnh hữu tình, ẩm thực tuyệt hảo, đa dạng nguồn cung văn hóa, di sản phong phú … là nhận định chung của các sinh viên nước ngoài tại đây.

Ngoài những yếu tố ngoại cảnh đó, nước Pháp còn được biết đến với chất lượng đào tạo, có nhiều trường lớn và đại học nổi tiếng, chi phí đào tạo vừa phải.

Bàn về nhịp sống và người dân Pháp, các sinh viên nước ngoài đánh giá khá cao về các tiêu chí này.

Nhiều sinh viên cho rằng « Người Pháp có cách nhìn về cuộc sống khá cân bằng. Tại Trung Quốc, suốt ngày chỉ biết cắm đầu cắm cổ làm việc, làm việc, … mà quên rằng tại sao mình phải làm việc ! » theo như quan sát của một số sinh viên đến từ Trung Quốc. Sinh viên nước ngoài cũng nhận định rằng Pháp cũng là một đất nước đáng để sống và … bàn cãi.

Các chủ đề về văn hóa và chính trị chiếm một vị trí khá quan trọng trong đời sống thường nhật. Hầu hết các sinh viên nước ngoài đều ngưỡng mộ tinh thần kháng cự mạnh mẽ của người Pháp.

Nhưng không vì vậy mà quốc gia này không có nhược điểm. Đa số các sinh viên đều phàn nàn về thủ tục hành chánh, đời sống đắt đỏ và giá nhà thuê cao (nhất là tại Paris). Một hạn chế khác gây không ít phiền hà cho sinh viên nước ngoài là việc làm. Đối với đa số sinh viên, việc tìm kiếm việc làm tại Pháp lại quá phức tạp.

Các sinh viên nước ngoài nhận thấy đặc tính bảo thủ của người dân tại đây. Kiên quyết bảo vệ những lợi ích xã hội có được, người Pháp ngăn chặn một cách có hệ thống mọi cải cách, bất chấp rủi ro mất tất cả do không biết chấp nhận các thích nghi cần thiết.

Các sinh viên nước ngoài còn nhận thấy ở người Pháp còn có một đức tính khá khôi hài đó là tính hay càm ràm.

Người Pháp lúc nào cũng than thở dù là trời đẹp hay xấu.

Dù vậy, trong bối cảnh kinh tế ảm đạm hiện nay, bức tranh khả quan do các sinh viên nước ngoài vẽ nên đang tạo nên một chút hy vọng. Điều này cho thấy là sự ủ ê không hề lây nhiễm. « Ôi, nước Pháp thật dịu êm… » như hàng tựa nhận định của bài viết.



Switch mode views: