Tài liệu cũ của Saigon Echo
từ 2008 - 2012
Play
 
Giám Đốc: Tiến Sĩ Trần An Bài
  • Font size:
  • Decrease
  • Reset
  • Increase

Điểm Báo Pháp Quốc Ngày 08-11-2013

 Hội nghị Trung ương Đảng cộng sản Trung Quốc : Những thách thức lớn

Hoinghi CSTQ



AFP /Frederic J. BROWN

 

Bắt đầu từ thứ 7 này, 205 thành viên của Ủy ban trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc sẽ họp trong bốn ngày để đưa ra những định hướng kinh tế lớn cho đất nước trong những năm tới. Nhân Hội nghị Trung ương này, báo Les Echos quan tâm tới những bất cập của tăng trưởng kinh tế và những bất công mà người dân "thấp cổ bé miệng" phải hứng chịu.

Phóng sự điều tra của Les Echos : « Những người bị lãng quên của tăng trưởng Trung Quốc đứng lên chống đối », điểm lại những bất công mà người dân phải hứng chịu.

Bị trục xuất khỏi nhà mình tại nông thôn và trở thành công dân hạng hai tại thành phố, người dân nông thôn ngán cảnh phải đứng bên lề xã hội và đang muốn hưởng phần bánh của mình.

Với những quy định hành chính bó buộc, Trung Quốc hiện có 263 triệu người di cư đang sống trong hoàn cảnh bán hợp pháp.

Không có điều khoản nào cấm nông dân tới sống tại Bắc Kinh, nhưng chế độ hộ khẩu ngăn họ không được hưởng những dịch vụ cơ bản như giáo dục, hưu trí và y tế.

Trong khi chính quyền hiện nay đang thực hiện qua trình đô thị hóa như một trong những động cơ chính cho sự tăng trưởng tương lai, cải cách hộ khẩu sẽ là một trong những thách thức mới của Hội nghị Trung ương 3.

Ngoài vấn đề trên, các ủy viên trung ương sẽ phải xem xét lại quyền sở hữu ruộng đất ,để hạn chế tình trạng người dân bị lãnh đạo địa phương tham nhũng và lạm quyền trưng dụng đất đai một cách bất hợp pháp. Một vấn đề khác sẽ được thảo luận là tình trạng ô nhiễm môi trường. Đây cũng là một trong những yếu tố gây rối loạn xã hội.

Ngoài bài báo trên, Les Echos cũng chú ý tới Hội nghị Trung ương Đảng lần thứ 3 sẽ diễn ra vào cuối tuần này.

Đây cũng là chủ đề được các báo L’Humanité và La Croix quan tâm. Dưới tựa đề : « Tại Trung Quốc, đến lúc nói sự thật về cải cách », báo Les Echos nghi ngại về những cải cách mà các nhà lãnh đạo cao cấp Trung Quốc sẽ đưa ra.

Theo tác giả bài báo, cuộc họp này sẽ nhằm sửa chữa kế hoạch phục hồi kinh tế được đưa ra từ năm 2008. Trên thực tế, tham vọng đầu tư vào bất động sản khiến chính quyền Trung Quốc đang rơi vào tình trạng khó khăn.

Các nhà kinh tế đưa ra con số ước tính về khoản nợ của Trung Quốc (cả hai lĩnh vực công và tư), vượt khoảng từ 120% đến 200% GDP của nước này. Thảm kịch vỡ nợ khó có thể xảy ra vì các ngân hàng Trung Quốc đều nằm trong tay nhà nước.

Thế nhưng, kết quả này phản ánh hiệu quả của hệ thống đang hụt hơi. Les Echos cho biết, trong hội nghị lần này, nhà cầm quyền Trung Quốc sẽ xem xét bốn lĩnh vực chủ đạo là : cải cách chế độ thuế khóa, tự do hóa hệ thống tài chính, cải tạo điều kiện làm việc của người nông dân, phá vỡ độc quyền nhóm công.

Tờ báo đánh giá các quyết định được đưa ra sẽ động tới lợi ích của một số lĩnh vực như ngân hàng, các công ty quốc doanh, thậm chí cả kế hoạch thuế khóa và Nhà nước trung ương.

Nó cũng sẽ ảnh hưởng tới các vấn đề chính trị. Về vấn đề này, Les Echos đưa lại ý kiến của một chuyên gia chính trị tại Đại học Singapore, cho rằng « Trên giấy tờ, chúng ta thấy một chương trình cải cách lớn, rất hoàn chỉnh. Nhưng câu hỏi thật sự là thế nào để nó được thực hiện ».

Dưới tựa đề : « Trung Quốc tìm kiếm một hơi thở mới », L’Humanité nhận định chính quyền Trung Quốc phải khẳng định khả năng làm chủ tăng trưởng kinh tế và hạn chế phụ thuộc vào xuất khẩu, đồng thời phải quay lại nền công nghiệp mũi nhọn. Tờ báo tỏ ra quan ngại nếu chính phủ Trung Quốc duy trì hệ thống hiện nay, điều này sẽ mang lại những hậu quả nghiêm trọng cho môi trường và bất công bằng xã hội.

Cũng quan tâm tới Hội nghị Trung ương Đảng của Trung Quốc, báo La Croix nhấn mạnh :

« Trung Quốc đối mặt với tình trạng cải cách khẩn cấp ». Sau hội nghị kín này, các nhà lãnh đạo cao cấp sẽ đưa ra những quyết định để đảm bảo sự tăng trưởng liên tục và đồng đều cho 10 năm tới. Tờ báo cho biết, tăng trưởng của nước này đang hụt hơi, nhân công giá rẻ ngày càng ít đi, hệ thống kinh tế dựa trên xuất khẩu có nhiều hạn chế. Trước những căng thẳng trên, chính quyền hiện nay cần một « cuộc cách mạng sâu rộng ».

Liên quan tới chính trị, các báo đều có cùng quan điểm rằng chính phủ Trung Quốc sẽ không tiến hành thay đổi vấn đề này. Trên thực tế, Đảng Cộng sản vẫn không ngừng tăng cường quyền lực của mình trên các vấn đề ý thức hệ và kiểm soát phương tiện truyền thông.

Tháo dỡ nhà máy hạt nhân Fukushima

Vẫn liên quan tới tình hình châu Á, hai nhật báo Les Echos và Libération quan tâm tới quyết định gần đây của Tokyo về việc tháo dỡ nhà máy điện hạt nhân tại Fukushima.

Les Echos đăng tin này dưới tựa đề : « Tại Fukushima, Tepco thực hiện công trình tháo dỡ khổng lồ ». Công trình khổng lồ này sẽ được thực hiện tới năm 2050 và được chia làm ba giai đoạn.

Trong giai đoạn 1, Tepco sẽ thu hồi nhiên liệu trữ tại bể chứa của lò phản ứng số 4. Công việc này sẽ được thực hiện trong vòng một năm, trước khi quay sang các lò phản ứng khác.

Giai đoạn 2 sẽ kéo dài từ năm 2015 đến 2017 nhằm thải nước tại các bể làm lạnh của các lò phản ứng 1, 2 và 3.

Giai đoạn 3, vào khoảng năm 2021, Tepco sẽ thu hồi nhiên liệu bị chảy dưới lòng các bể chứa trên. Công việc này đòi hỏi ít nhất 25 năm.

Trước sức ép của người dân, chính phủ Nhật Bản thay đổi ý kiến và buộc phải công nhận những ngôi làng lân cận bị nhiễm xạ hoàn toàn và có thể sẽ không bao giờ được tái cư.

Trong khi đó, trước đây, Tokyo luôn tìm cách duy trì hy vọng cho khoảng 200 000 người dân tại đây rằng trong tương lai, toàn bộ khu vực bị ảnh hưởng sẽ đạt tới mức độ nhiễm xạ cho phép để họ trở về.

Bộ trưởng Bộ Công nghiệp Nhật Bản cho biết, cùng với tập đoàn Tepco, chính phủ sẽ nghiên cứu mọi khả năng và chương trình hỗ trợ cho người dân bị thiệt hại.

Dưới dòng tựa : « Fukushima : mồ hôi lạnh cho công trình nguy cơ cao », báo Libération đánh giá dự án tháo dỡ nhà máy điện hạt nhân tại Fukushima làm chính phủ Nhật Bản lo lắng.

Sau một năm đầy sự cố và dường như không còn tin tưởng vào khả năng của tập đoàn này, chính phủ quyết định sẽ đứng ra đóng vai trò chủ đạo đối với vấn đề Fukushima. Để thúc đẩy công trình tháo dỡ này, Tokyo hiện đang xem xét tới việc cải tổ lại công ty Tepco, hoặc sẽ chia tách hoạt động của tập đoàn này, hoặc sẽ tuyên bố phá sản. Sau nhiều lần thất bại, Tepco đang bị dồn vào chân tường.

Đàm phán hạt nhân với Iran

Vấn đề hạt nhân tại Iran luôn là mối bận tâm của Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc.

Sau nhiều cuộc gặp gỡ có nhiều triển vọng từ khi Tổng thống Hassan Rouhani lên nắm quyền, cuộc thương thảo giữa Iran với khối 5+1 đã được tiếp tục từ tối hôm qua và có thể sẽ đem lại hy vọng mới cho các nước thành viên của Hội Đồng Bảo An. Hai tờ Le Figaro và Le Monde đề cập tới kết quả của cuộc hội đàm trong số ra ngày hôm nay.

Dưới tựa đề : « Chương trình hạt nhân của Iran giữa chiến tranh và hòa bình tại Genève », Le Figaro đăng tin phái đoàn của Iran tỏ ra lạc quan về khả năng dẫn tới một thỏa thuận với khối 5+1, dù còn nhiều bất đồng giữa hai bên.

Trong số các điều khoản đang được thảo luận, hai bên chưa đạt được thỏa thuận trong vấn đề hạn chế làm giàu uranium tại ngưỡng 20%. Đây là ngưỡng giới hạn để chế tạo bom nguyên tử.

Trong khi đó, các thành viên của Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc và Đức muốn có bằng chứng là Téhéran từ bỏ chương trình bom nguyên tử. Đổi lại với cam kết của Iran, cộng đồng quốc tế sẽ kiểm tra việc chấm dứt chương trình hạt nhân quân sự của nước này và sẽ dỡ bỏ cấm vận đối với người dân Iran.

Bài xã luận trên báo Le Figaro đánh giá cuộc họp lần này rất tế nhị. Mỗi bên đều phải cân nhắc từng lời nói và mỗi giai đoạn thực hiện. Mặc dù đại diện của châu Âu có mặt trên bàn đàm phán, nhưng chỉ hai bên Téhéran và Washington mới là những người thương lượng chính.

Tác giả bài xã luận cho biết, cho dù người đại diện của hai bên tìm ra được một thỏa thuận chung, họ sẽ phải tìm cách thuyết phục được phe đối lập tại nước của mình.

Báo Le Monde đặt câu hỏi : « Tại sao phải thương thảo với Iran bây giờ ? » trong bài xã luận trên trang nhất. Trên thực tế, phe của Tổng thống Rouhani đang chịu sức ép từ phía đối lập, « Những người bảo vệ cách mạng, sức mạnh quân sự và kinh tế », ngày càng tỏ ra kiên quyết đối với việc duy trì chương trình quân sự hạt nhân. Tác giả bài xã luận nhận định nếu Téhéran không sớm đạt được thỏa thuận, phe đối lập sẽ phản ứng dữ dội.

Thách thức trong cuộc họp mặt song phương lần này cũng rất lớn. Nếu chương trình của Iran không thay đổi, nó sẽ đe dọa tới sự cân bằng mong manh đối với chương trình không phổ biến vũ khí hạt nhân.

Sớm muộn nó sẽ khiến một số nước láng giềng với Iran, như Ả-rập Xê-út hay Thổ Nhĩ Kỳ, thậm chí cả Ai Cập, sẽ hướng tới sản xuất bom. Bài xã luận kết luận một thỏa thuận về vấn đề hạt nhân tại Iran sẽ mở cánh cửa bình thường hóa quan hệ giữa Téhéran và Washington và sẽ là yếu tố quan trọng cho sự ổn định tại Trung Đông.

Cái chết bí ẩn của Arafat

Báo chí Pháp ngày hôm nay đều quan tâm tới công bố của một phòng thí nghiệm tại Thụy Sĩ. Theo đó, có nhiều khả năng cựu Chủ tịch Cơ quan quyền lực Palestine, Yasser Arafat, bị đầu độc.

Dưới tựa đề : « Một bản giám định đưa ra hướng Yasser Arafat bị đầu độc » và « Arafat có lẽ là nạn nhân của một vụ đầu độc », các báo Le Monde và L’Humanité lần lượt thông tin, theo bản giám định của phòng nghiên cứu tại Lausanne, chất phóng xạ poloni 210 với tỉ lệ cao bất thường, được tìm thấy trong phần còn lại của Yasser Arafat. Theo nhiều chuyên gia, kết quả này ủng hộ phần nào đó giả thuyết giết người.

Trong khi đó, trong bài : « Cái chết của Arafat : độc tố của sự ngờ vực », tờ Libération lại cho rằng các chuyên gia Thụy Sĩ lại không thể khẳng định được rằng chính chất poloni đã gây ra cái chết của Arafat.

Còn tờ Le Figaro đánh giá sâu hơn vụ việc này và nhấn mạnh rằng : « Vụ Arafat làm khó dễ người Israel và người Palestine ». Theo tác giả bài báo, bản phân tích này được đưa ra không đúng thời điểm đối với chính quyền Palestine trong khi quá trình đàm phán hòa bình với Israel đang đi vào ngõ cụt.


Switch mode views: