Tài liệu cũ của Saigon Echo
từ 2008 - 2012
Play
 
Giám Đốc: Tiến Sĩ Trần An Bài
  • Font size:
  • Decrease
  • Reset
  • Increase

Điểm Báo Pháp Quốc Ngày 14-09-2013

Trung Quốc : Liệu chống tham nhũng có dẫn đến nhà nước pháp quyền ?

CHINA-POLITICS-BO 2


Phiên xử ông Bạc Hy Lai tại Tế Nam 25/08/2013 - REUTERS /CCTV
Lê Vy

 

Tờ báo Le Figaro, trong mục "Tranh luận" quan tâm đến chiến dịch chống tham nhũng tại Trung Quốc có thể dẫn đến một nhà nuớc pháp quyền hay không ?


Tờ báo trích bài viết của bà Ngô Thị Minh Hoàng, nhà sử học và chuyên gia về Hán học tại Viện nghiên cứu Á châu – trường đại học Aix Marseille của Pháp đề tựa : « Cuộc cách mạng đang âm ỉ tại Trung Quốc không phải là một cuộc cách mạng tự do ».

Tác giả Ngô Thị Minh Hoàng đặt câu hỏi : đâu là những lý do thực sự của chiến dịch chống tham nhũng trên diện rộng do chủ tịch Tập Cận Bình tung ra ?

Tại Trung Quốc, cán bộ đảng được phép kinh doanh và đặc biệt là kể từ năm 2001, dưới thời của Chủ tịch và Tổng bí thư Đảng Giang Trạch Dân, ông đã cho phép giới doanh nghiệp được gia nhập đảng Cộng sản. Việc này còn được khuyến khích nếu như họ tham gia làm giàu cho nhà nước.

Thế nhưng, sự thông đồng giữa cán bộ đảng và giới doanh nghiệp đã bắt đầu làm lợi cho một số cá nhân và hình thành nên những thế lực địa phương. Khi các thành phần này đe dọa sự kiểm soát của nhà nước và Đảng thì họ sẽ bị trừng trị không thương tiếc.

Tác giả nhận định, trong xã hội Trung Quốc ngày nay đang có nguy cơ vỡ tung ra vô vàn những tiểu công quốc do các nhóm mafia điều hành. Trong nhiều vùng, giới cầm quyền hành xử như những bạo chúa.

Các lãnh đạo, cán bộ đảng Cộng sản, giới doanh nhân đến tay lưu manh liên kết với nhau bằng các mối quan hệ gia đình, bằng hữu và chiếm hữu độc quyền các nguồn lợi quan trọng của nhà nước để làm giàu.

Nhà sử học Trung Quốc Vương Kỳ Sơn, đảng viên đảng Cộng sản khuyên mọi người nên đọc quyển sách « Chế độ cũ và cuộc Cách mạng » của nhà sử học Pháp Alexis de Toqueville, viết về cuộc Cách mạng Pháp năm 1789. Sau đó cuốn sách này đã bán chạy như tôm tươi tại Đại lục.

Phải chăng khi nêu ra cuốn sách này, ông Vương Kỳ Sơn muốn nói với người Trung Quốc rằng, cũng giống như Pháp dưới thời cách mạng và hậu cách mạng, chế độ cũ tại Trung Quốc do các tên cường hào ác bá địa phương thao túng vẫn tồn tại đến ngày hôm nay, mặc dù đã trải qua cuộc cách mạng Mao và ông kêu gọi cải cách chính trị ?

Liệu ông có ý ám chỉ tình trạng hiện nay tại Trung Quốc là mầm mống cho một cuộc cách mạng và đe dọa sẽ nhấn chìm đất nước trong một vòng xoáy hỗn loạn và cuộc nội chiến, nếu một ngày nào đó, nhà nước bị các bạo chúa địa phương lấn lướt và lật đổ ?

Chuyên gia Ngô Thị Minh Hoàng lấy ví dụ điển hình là vụ án Bạc Hy Lai và nhận định rằng vụ xử làm gương này, cùng với chiến dịch chống tham nhũng mà chính phủ Trung Quốc đang ráo riết tiến hành, không thể hiện xu hướng xây dựng một nhà nước pháp quyền.

Nguyện vọng nhân dân Trung Quốc là chống lại bọn cường hào ác bá, xã hội đen và xây dựng một nhà nước tập quyền và vững mạnh.

Hàn Quốc : « Dự án bốn dòng sông » biến thành thảm họa sinh thái

Cũng liên quan đến châu Á, báo Le Monde hôm nay quan tâm đến dự án cải tạo bốn dòng sông tại Hàn Quốc qua bài viết : « Hàn Quốc, « dự án bốn dòng sông » biến thành thảm họa sinh thái ». Theo tờ báo, đây được xem là biểu tượng của tăng trưởng xanh, giờ đây bị nạn tham nhũng phá ngầm.

Dự án này gây nhiều tranh cãi giữa Đảng cầm quyền và Đảng đối lập kể từ khi chính quyền Tổng thống Lee Myung-bak đưa ra vào năm 2009.

Tổng thống Lee muốn tái tạo môi trường, hạn chế rủi ro thiên tai, cải thiện quản lý nguồn nước và tạo việc làm. Thế nhưng, phía đối lập thì xem dự án này như một cách để nâng đỡ lĩnh vực xây dựng, vì trên thực tế, công trình chỉ tạo ra được 1% công ăn việc làm trong số 960 000 công việc hứa hẹn sẽ tạo ra.

Bài báo cho biết, ngoài các nghi ngờ về tham nhũng, dự án này còn ảnh hưởng đến hệ sinh thái và môi trường. Các thanh tra còn nêu lên một số vấn đề nghiêm trọng về thi công : 15/16 đập được xây dựng sẽ bị hư hại và sụp lún. Công tác tiêu nước cũng phải được tiến hành thường xuyên hơn dự kiến. Công tác này ước tính sẽ tiêu mất 280 tỷ won (193 triệu euro), cao gấp 10 lần so với dự kiến.

Chất lượng nước cũng bị xuống cấp bởi vì những đập mới xây đã làm chậm dòng nước, tạo nên các vũng nước tù và hậu quả là tỷ lệ oxi giảm. Các đập này còn là nguyên nhân gây nên lũ lụt tại một số vùng đất canh tác, đặc biệt là thượng nguồn sông Nakdong.

Tình trạng trên khiến một số chuyên gia đề nghị nên phá hết các đập này và để dòng nước lưu thông tự nhiên. Sự thất bại của dự án « bốn dòng sông » đe dọa nghiêm trọng đến tham vọng của giới công nghiệp, đang muốn xuất khẩu dự án này, với sự ủng hộ của nhà nước sang các quốc gia khác như Thái Lan, Algéri, Maroc và Paraguay.

Nhật Bản : Nguy cơ thiếu điện

Nhìn sang Nhật Bản, báo Libération quan tâm đến nguy cơ thiếu điện có thể xảy ra tại nước này trong khi lò phản ứng cuối cùng của đất nước mặt trời mọc lại bị ngắt vào chủ nhật này. Tình trạng này dẫn đến nguy cơ Nhật Bản phụ thuộc vào nhiên liệu nhập khẩu.

Tờ báo cho biết, cả nước Nhật Bản có tổng cộng 54 lò phản ứng hạt nhân từ nay bị ngưng hoạt động. Hạt nhân chiếm 26% lượng điện sản xuất cho xứ sở hoa anh đào trước khi xảy ra sự cố Fukushima vào năm 2011.

Chính phủ sẽ phải tiếp tục nhập khẩu hàng loạt khí đốt dạng hóa lỏng từ Đông Nam Á, than đá, dầu thô từ Ả Rập Xê út, Iran, Nga. Bộ Kinh tế nhấn mạnh : «việc tăng cường nhập khẩu nhiên liệu từ Trung Đông và Đông Nam Á có tác động đến an ninh lâu dài của đất nước, như đảng Tự do - Dân chủ đã từng nhắc tới trong suốt cuộc bầu cử quốc hội ».

Một chuyên gia nhận định, ngoài nạn ô nhiễm môi trường trầm trọng, việc ngừng các lò phản ứng hạt nhân có thể đưa Nhật bản đến nguy cơ thiếu điện, đặc biệt là vào mùa hè và mùa đông. Nếu như không cung ứng đủ điện thì sẽ dẫn đến mất cân bằng cán cân thương mại.

Để đối phó với tình trạng này, người Nhật đã thực hiện tiết kiệm năng lượng, được đánh giá là từ 10-15% lượng tiêu thụ của họ, thậm chí là đến 20% vào mùa hè năm 2011. Ít thắp sáng hơn các nơi công cộng và mở máy điều hòa, đồng thời nhà nước khuyến khích mua các loại máy tiêu tốn ít năng lượng và tiết kiệm điện hơn. Thế nhưng, những nỗ lực này vẫn không đủ để Nhật Bản giữ các cam kết của mình.

Vatican chiều theo những xu hướng cấp tiến

Bài viết trên báo Le Monde mang tựa : « Vatican thể hiện nhiều dấu hiệu mở cửa hướng về thành phần cấp tiến », tờ báo cho biết, Đức Giáo Hoàng Phanxicô, kể từ khi nhậm chức, được xem là một nhà cải cách, đã tiếp Gustavo Gutierrez, một trong những nhà sáng lập thần học giải phóng.

Vài ngày gần đây, Vatican đã đề cập đến nhiều vấn đề khác nhau, như việc sống độc thân của các linh mục, mối tương quan của Giáo hội với thế giới.

Tờ báo nhận định, điều đáng chú ý nhất là đề tài buộc linh mục phải sống độc thân giờ đây được mang ra tranh luận và không còn là điều cấm kỵ nữa, trong khi trước kia bị gạt bỏ ngay từ trong trứng nước.

Ngoài ra, Đức Giáo Hoàng Phanxicô còn kêu gọi nguời Công giáo vào ngày thứ ba vừa rồi phải tích cực hơn nữa trong việc « đón tiếp người nghèo và quảng bá công lý ». Khi đi thăm một trại tị nạn tại Roma, Ngài đã kêu gọi hãy biến những « nhà dòng không người » thành « nơi tiếp đón người tị nạn ».

Ngài còn khuyến khích nên chuyển những nhà dòng không sử dụng nữa thành khách sạn để kiếm thêm tiền cho người nghèo. Sáng kiến này sẽ được khẳng định vào ngày 4/10 tới, khi Ngài đi thăm Assise, thành phố của vị thánh quan thầy Phanxico.

Trên phương diện quốc tế, vài ngày gần đây, Đức Giáo Hoàng đã bày tỏ thái độ phản đối việc phương Tây dự định tấn công quân sự vào Syria. Số phận của người Công giáo tại khu vực Trung Đông luôn là một mối lo ngại của Vatican.

Pháp : Ngày Di sản lịch sử

Ngày Di sản diễn ra hôm nay và ngày mai (14,15/09/2013) tại các thành phố lớn của Pháp. Năm này, ngày hội kỷ niệm hai sự kiện. Một mặt, năm này kỷ niệm 100 năm đạo luật được ra đời vào ngày 31/12/1913, quy định bảo tồn các công trình kiến trúc lịch sử. Mặt khác, đây là ngày hội lần thứ 30 tại Pháp. Nhật báo Le Figaro và Libération đều quan tâm đến sự kiện này.

Trên trang nhất báo le Figaro đăng tựa : « Bảo vệ di sản, niềm đam mê Pháp » với hình ảnh dòng người lũ lượt đứng xếp hàng để được vào thăm điện Elysée, dinh tổng thống Pháp. Tờ báo ước tính sẽ có 12 triệu du khách tham quan các công trình kiến trúc của Pháp trong hai ngày cuối tuần này.

Các di sản lịch sử, những công trình kiến trúc vốn không mở cửa cho người dân vào xem tự do trong ngày thường thì vào dịp này, du khách sẽ được thỏa sức khám phá nét độc đáo của văn hóa, kiến trúc Pháp.

Ngoài ra, báo Libération còn cho biết, Pháp hiện tại có 41 000 cơ sở được xếp vào hàng di sản lịch sử, trong đó có 90% do các địa phương hay tư nhân nắm giữ. Họ không hề có đủ điều kiện để trùng tu, bảo tồn các di sản lịch sử này.

Cũng bàn về khó khăn này, báo Le Figaro có bài viết cho biết một số cá nhân tại Pháp đang đơn thân độc mã bảo vệ các di sản lịch sử đang gặp hiểm họa, bị xuống cấp mà không có kinh phí để trùng tu.

Từ 9 tháng nay, 25 sinh viên tình nguyện của Trường văn hóa nghệ thuật Louvre (Ecole du Louvre) đã đi khắp các thành phố của Pháp để tìm kiếm những tượng cũ, hòm thánh tích bị bỏ quên và quyên tiền để phục hồi lại những cổ vật này.


Switch mode views: