Tài liệu cũ của Saigon Echo
từ 2008 - 2012
Play
 
Giám Đốc: Tiến Sĩ Trần An Bài
  • Font size:
  • Decrease
  • Reset
  • Increase

Thị trường bất động sản Việt Nam chờ sập


SÀI GÒN (NV) - Thực tế cho thấy các nỗ lực cứu thị trường bất động sản của chế độ Hà Nội đã thất bại. Vì vậy, nó đang có những dấu hiệu sắp sụp đổ và hậu quả sẽ hết sức nghiêm trọng.
HANOI NhaBoHoang



Một khu biệt thự ở Hà Nội là một trong hàng ngàn dự án bất động sản bỏ hoang ở đây, Sài Gòn và một số nơi khác kể từ khi kinh tế suy thoái. Thời gian thị trường bất động sản sụp đổ được cho là có thể tính bằng tháng. (Hình: HOANG DINH NAM/AFP/GettyImages)

 

Đó là những điều mà ông Nguyễn Văn Đực - Phó Giám đốc Công ty Địa ốc Đất Lành ở Sài Gòn – khẳng định với tờ Đất Việt trong một cuộc phỏng vấn gần đây.
Trước nay, ông Đực vẫn được xem là người rất am tường về thị trường bất động sản Việt Nam.

Cuộc phỏng vấn ông Nguyễn Văn Đực được thực hiện sau khi xảy ra hai sự kiện: (1) Hai thành viên chủ chốt trong Hội đồng Quản trị của Công ty Quốc Cường Gia Lai vừa đem tài sản cá nhân thế chấp cho ngân hàng, và (2) Chủ tịch Hội đồng Quản trị của Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai tuyên bố rút ra khỏi thị trường bất động sản.
 Quốc Cường Gia Lai và Hoàng Anh Gia Lai là hai công ty từng “làm mưa, làm gió” trên thị trường bất động sản ở Việt Nam.

Theo ông Đực, hai sự kiện vừa kể cho thấy, rủi ro trên thị trường bất động sản càng lúc càng lớn và các nỗ lực giải cứu thị trường bất động sản của chính quyền Việt Nam đã thất bại.

Hồi đấu năm nay, nhà cầm quyền CSVN ban hành một nghị quyết, đề ra “một số giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, hỗ trợ thị trường, giải quyết nợ xấu” (thường được gọi tắt là “Nghị quyết 02”), sau đó quyết định tung ra 30 ngàn tỷ đồng làm mồi cứu thị trường bất động sản.

Gần đây, chế độ Hà Nội dự tính đề nghị Quốc hội dỡ bỏ tất cả các rào cản để ngoại kiều và các tổ chức tài chính, công ty nước ngoài có thể mua nhà tại Việt Nam. Tuy nhiên theo ông Đực, tất cả những giải pháp đó đã thất bại.

Nhân vật được xem là một trong những người rất am tường thị trường bất động sản ở Việt Nam cho rằng, thị trường vẫn đóng băng nên doanh nghiệp sẽ chết.
Ông này ví von, tình thế hiện “giống như bệnh đã thối mà phải chờ thuốc, còn thuốc thì không đủ mạnh, không đúng lúc, uống lúc đã trễ”.

Ông Đực dự đoán, các doanh nghiệp bất động sản sẽ “chết chùm”. Ông giải thích: Chẳng hạn doanh nghiệp A chết, có thể sẽ kéo theo doanh nghiệp E chết, doanh nghiệp F chết... Một doanh nghiệp chết sẽ kéo theo nhiều doanh nghiệp liên đới tiếp theo. Chẳng hạn như nhà thầu chết theo, sàn bán sản phẩm chết theo, những doanh nghiệp liên kết, liên doanh cũng chết...
Một dự án đổ vỡ sẽ kéo theo nhiều doanh nghiệp liên can chết.
Vài doanh nghiệp liên can chết sẽ kéo thêm hàng chục doanh nghiệp khác chết, thành từng chùm, từng chùm, giống như… bom bi nổ.

Chưa kể các doanh nghiệp bất động sản chết sẽ kéo theo ngân hàng chết, nhà đầu tư thứ cấp chết, khách hàng chết, theo sau là những rắc rối về an ninh, trật tự xã hội. Dân chúng biểu tình vì quyền lợi bị thiệt hại, hậu quả rất khó lường.

Phó Giám đốc Công ty Địa ốc Đất Lành ở Sài Gòn khẳng định, thị trường bất động sản ở Việt Nam không cần hỗ trợ bằng ngân sách mà cần giải pháp hợp lý.

Ông phê phán cả Bộ Xây dựng ở Hà nội lẫn nhà cầm quyền thành phố Sài Gòn (khu vực hoạt động chính của Công ty Địa ốc Đất Lành) cùng thiếu viễn kiến nên vấn nạn càng ngày càng trầm trọng.

Riệng sự kiện Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai tuyên bố rút ra khỏi thị trường bất động sản Việt Nam để đầu tư ra nước ngoài, ông Đực nhận xét “muốn bỏ chạy cũng không dễ”!
 Ông Đực nêu thắc mắc: Toàn bộ bất động sản nằm ở đây sẽ bán cho ai? Bán với giá bao nhiêu? Tài sản trị giá 10 đồng, người ta trả 3 đồng có bán không?

Theo ông Đực, chẳng riêng Hoàng Anh Gia Lai, các tập đoàn, tổng công ty khác muốn rút ra khỏi thị trường bất động sản cũng sẽ gặp những vấn đề nan giải tương tự.
Khó khăn lớn nhất là tài sản trên sổ sách thì rất lớn nhưng lượng tiền mặt thì là 0. Nếu bán thì mất ít nhất 60% - 70%, sau đó làm sao tồn tại (?).

Chưa kể về thực chất, tài sản thực có chỉ khoảng 20% - 30% và 70% - 80% còn lại là vay của cả ngân hàng lẫn khách hàng.
Nếu giá trị tài sản giảm xuống chỉ còn phân nửa thì coi như đã phá sản. Thậm chí có thể không còn được một nửa mà chỉ còn 20% - 30%.

Thị trường bất động sản Việt Nam được dự đoán là sẽ sớm sụp đổ và thời gian được tính bằng tháng. (G.Đ.)

Switch mode views: