• Font size:
  • Decrease
  • Reset
  • Increase
lỗi
  • Error loading module User 'saigonec_sgenew' has exceeded the 'max_questions' resource (current value: 1) SQL=SELECT m.id, m.title, m.module, m.position, m.content, m.showtitle, m.params, mm.menuid FROM sge_modules AS m LEFT JOIN sge_modules_menu AS mm ON mm.moduleid = m.id LEFT JOIN sge_extensions AS e ON e.element = m.module AND e.client_id = m.client_id WHERE m.published = 1 AND e.enabled = 1 AND (m.publish_up = '0000-00-00 00:00:00' OR m.publish_up <= '2024-12-23 20:31:57') AND (m.publish_down = '0000-00-00 00:00:00' OR m.publish_down >= '2024-12-23 20:31:57') AND m.access IN (1,1) AND m.client_id = 0 AND (mm.menuid = 130 OR mm.menuid <= 0) AND m.language IN ('vi-VN','*') ORDER BY m.position, m.ordering

Điểm Báo Pháp Quốc Ngày 27-06-2013

 Bangkok sẽ chìm dưới nước vào năm 2030 ?

THAILAND-FLOODS 2



Thủ đô Bangkok hoang vắng do dân phải di tản vì các trận lũ lụt lớn. Ảnh chụp hôm 29/10/2011.
REUTERS/Sukree Sukplang

 

Phụ trang địa chính trị của Le Monde hôm nay 27/06/2013, có bài viết mang tựa đề « Bangkok sẽ chìm dưới nước vào năm 2030 ? »

Tác giả cho rằng nếu những biện pháp đối phó không hiệu quả, thủ đô Thái Lan sẽ phải trả một cái giá rất đắt trước hiện tượng biến đổi khí hậu.

Tác giả bài báo nhắc lại, mùa thu năm 2011 Thái Lan đã phải chịu đựng trận lụt tệ hại nhất trong lịch sử từ năm mươi năm qua : 64/77 tỉnh trên cả nước bị lụt lội, phân nửa số quận của thủ đô Bangkok được lệnh sơ tán.

Tầm cỡ của thiên tai này có thể thấy trong bảng tổng kết : trên 600 người chết, thiệt hại khoảng 35 tỉ đô la, tăng trưởng kinh tế trong năm bị giảm đi ít nhất 2%.

Liệu sự kiện đặc biệt này có thể trở thành bình thường trong những thập kỷ tới ?

Đó cũng là điều mà Ngân hàng Thế giới quan ngại. Báo cáo của định chế này về các tác động trong khu vực của hiện tượng hâm nóng khí hậu, công bố ngày 19/06/2013, đã xếp Bangkok vào số các đại đô thị bị ảnh hưởng nhiều nhất của hiện tượng thay đổi khí hậu.

Thủ đô Thái Lan nhạy cảm vì nhiều yếu tố. Được xây dựng cách đây ba thể kỷ trên đất sình lầy, cách mực nước biển chỉ có 1,5 mét, thành phố lại khai thác quá mức nguồn nước ngầm.

Mỗi năm ngành công nghiệp hút đến 2,8 triệu mét khối nước dưới lòng đất. Bangkok bị lún 2 cm hàng năm, do tác động không chỉ của việc nước ngầm bị hút quá mức, mà còn do sức nặng của các công trình xây dựng, tình trạng xói mòn và đất trượt.

Nay thì thành phố Bangkok là một loại vùng trũng, mười hai triệu cư dân đang bị đe dọa.

Hơn nữa, bao quanh Bangkok là một khu vực Ấn Độ Dương, do bị ảnh hưởng bởi một số dòng chảy nên mực nước dâng lên cao hơn mức trung bình của thế giới.

Ngân hàng Thế giới nhận định : « Nếu không có chính sách thích ứng, thì do các hiện tượng thiên nhiên cực đoan và mực nước biển dâng lên, diện tích có thể bị ngập lụt của Bangkok là 40%, trong trường hợp nước biển dâng cao 15 cm ».

Kịch bản này có thể trở thành hiện thực từ những năm 2030. Tình hình còn sẽ tệ hại hơn vào khoảng 2080, khi mực nước biển cao hơn 88 cm, nếu hiệu ứng nhà kính không bị giảm đi.

Bị Ấn Độ Dương đe dọa ở phía Nam, còn tại phía Bắc Bangkok cũng bị ảnh hưởng nặng nề từ những trận lũ do các đợt gió mùa gây ra. Thế mà hiện tượng thay đổi khí hậu còn làm gió mùa xuất hiện nhiều hơn.

Vào mùa thu năm 2011, cũng những hiện tượng này đã làm một phần lớn thủ đô nước Thái lâm vào cảnh hỗn loạn.

Trung tâm Bangkok, nằm gần kề biển, được bảo vệ trước lũ lụt bằng những con đê đắp vội, giữ lại nước ở những khu vực ngoại vi.

Trong tương lai, khu trung tâm thủ đô, trái tim của giới kinh doanh, sẽ bị nằm giữa hai gọng kềm là gió mùa ở phương Bắc và biển cả ở phương Nam.

Để đối phó, chính quyền Thái Lan dự kiến xây dựng những con đập dọc theo dòng sông Chao Phraya chạy xuyên qua thành phố, lắp đặt một hệ thống bơm nước, đào những kênh dẫn nước đi nơi khác và trồng đước.

Văn phòng kiến trúc sư Thái S+PBA đề nghị xây dựng « Wetropolis », một thành phố nổi được thiết kế theo kiểu các rừng sú vẹt tái sinh.

Nếu không thành công, nền kinh tế vương quốc Thái có nguy cơ không bao lâu nữa sẽ phải trả một cái giá rất nặng cho biến đổi khí hậu : các cơ sở công nghiệp Nhật Bản tại miền Trung Thái Lan sẽ chuyển dịch các nhà máy sang nước khác.

Mỹ đổ máu, nhưng Trung Quốc trục lợi nhiều nhất từ Irak

Cũng liên quan đến châu Á, Le Monde trong bài viết « Trung Quốc, nước hưởng lợi nhiều nhất trên dầu lửa Irak » cho biết, phân nửa trong số 3 triệu thùng dầu sản xuất ra hàng ngày tại Irak là nhằm phục vụ cho nhu cầu của Bắc Kinh.

Thông tín viên của Le Monde tại Thượng Hải nhận xét, đó là một cuộc chiến mà Bắc Kinh đã cẩn thận tránh né cách đây một thập kỷ, nhưng lại chiến thắng một cách vinh quang.

Hoa Kỳ đã tham chiến tại Irak, nhưng cuối cùng chính đối thủ chiến lược của Washington trong thế kỷ 21 lại giành được những hợp đồng lớn.

Một sự kiện mà các nhà phân tích đã hiểu từ lâu, nhưng dư luận Mỹ thì không mấy người hiểu được. Ít nhất là cho đến lúc tờ New York Times đưa lên trang bìa chủ đề này vào đầu tháng Sáu.

Còn người dẫn chương trình truyền hình Daily Show, Jon Stewart thì sững sờ tự hỏi : « Liệu có phải dấn thân vào một cuộc chiến để chiến thắng hay không ? »

Với 1,5 triệu thùng dầu được cung cấp mỗi ngày, Bắc Kinh đã ngốn hết phân nửa lượng dầu xuất khẩu của Irak.

Theo Cơ quan Năng lượng Quốc tế (AIE) thì đến năm 2020, 80% lượng dầu từ Irak xuất đi là sang châu Á, chủ yếu là cho Trung Quốc.

Khi rời Irak, Washington đã để lại đằng sau các nguyên tắc của thị trường tự do và việc đấu thầu, thì Bắc Kinh đã rất khéo xoay sở, trước hết là các tập đoàn dầu khí có vốn hầu hết của Nhà nước, đặc biệt là PetroChina.

Các tập đoàn này quan tâm đến nguồn cung ứng năng lượng cho nước mình hơn là khả năng sinh lợi cao, trong lúc nhu cầu Trung Quốc ngày càng tăng, chưa thể đạt đến đỉnh điểm trước năm 2030 hay 2035.

Cụ thể, PetroChina năm 2008 đã ký hợp đồng 3 tỉ đô la để được khai thác mỏ Al Ahdad, trong đó tập đoàn này chiếm 75% cổ phần.

Đến tháng 11/2009, tập đoàn quốc doanh Trung Quốc chiếm được 37% mỏ Rumaila bên cạnh BP ở miền Nam Irak. Một tháng sau đó, PetroChina mua được 37,5% mỏ Halfaya.

Nguyên tắc « không can thiệp vào chuyện nội bộ của nước khác » cũng giúp Bắc Kinh chiêu dụ được về chính trị, tại một vùng đất ghi đậm dấu ấn của thời kỳ Mỹ đóng quân.

Trung Quốc cũng biết lợi dụng những sai lầm chiến lược của các tập đoàn dầu khí Mỹ. Exxon đã phải bán lại phần hùn của mình tại mỏ dầu Tây Qurna 1, sau khi bị Bagdad trách cứ là đã ký các hợp đồng với vùng tự trị Kurdistan.

Các đối thủ cạnh tranh Trung Quốc không chờ đợi lâu : PetroChina ngay sau đó đã đề nghị mua lại.

Những « tai nghe » của nước Mỹ

Nhìn sang nước Mỹ qua vụ xì-căng-đan nghe lén bị Edward Snowden tiết lộ, Libération nhận định, vấn đề không phải ở hệ thống tình báo, mà ở việc thiếu vắng sự kiểm soát hệ thống này.

Cuộc điều tra của thông tín viên tờ báo cánh tả tại Washington cho thấy Cơ quan An ninh Quốc gia Hoa Kỳ đã giao dịch vụ này cho quá nhiều cơ sở tư nhân, và các nhân viên NSA bây giờ nghĩ đến quyền lợi cá nhân mình nhiều hơn là tổ quốc.

Một thay đổi theo Libération là đáng sợ, và nếu vụ Snowden đã cho phép nêu ra câu hỏi trên đây, thì điều này cũng hết sức hữu ích.

Đại bản doanh của NSA tại Fort Meade được xây dựng từ thập niên 50, tại vùng đồng quê gần Washington. Địa điểm này được chọn lựa nhằm tránh phóng xạ trong trường hợp một quả bom nguyên tử rơi xuống thủ đô Hoa Kỳ, được bảo vệ bằng những hàng rào kẽm gai và những toán tuần tiễu vũ trang.

Ngân sách hoạt động ? Số nhân viên ? Tất cả đều được giữ bí mật, nhưng có người cho rằng có ít nhất 1.300 tòa nhà và 20.000 nhân viên làm việc tại đây.

Chưa kể từ năm 2000, NSA còn vươn ra bên ngoài vòng rào, đến khu công nghiệp Annapolis Junction, nơi có hàng loạt công ty được giao « gia công » dịch vụ, và theo tác giả cuốn Spies for Hire thì cơ quan tình báo Mỹ dành đến 70% ngân sách để thuê dịch vụ tư nhân. Và cũng từ đó mà xì-căng-đan đã nổ ra : Edward Snowden làm việc cho một trong những công ty làm dịch vụ này, đó là Booz Allen Hamington.

Con đường dân chủ nào cho Ai Cập ?

Còn tại Ai Cập, trong bài « Nền dân chủ bị đe dọa », Le Monde nhận xét, một năm sau khi trở thành người đứng đầu đất nước, ông Mohamed Morsi đang bị chỉ trích từ nhiều phía.

Phe Huynh đệ Hồi giáo phải đối mặt với sự chống đối mạnh mẽ, không chỉ từ các cuộc biểu tình trên đường phố, mà còn từ các định chế.

Tổng thống Mohamed Morsi là một tổng thống được bầu ra một cách hợp pháp, sau khi ông Hosni Mubarak bị lật đổ.

Tuy nhiên có một nghịch lý là phe Huynh đệ Hồi giáo càng liên tục thắng trong các cuộc bầu cử, thì tính chính danh của phe này lại càng bị lung lay.

Đất nước đang bị tê liệt qua trận chiến giữa tư pháp với chính quyền, với sự phẫn nộ của người nghèo và giới trung lưu, cũng chính là những cử tri đã từng bỏ phiếu cho ông Morsi.

Ngày nay các lực lượng không Hồi giáo đòi hỏi ông Mohamed Morsi độc đoán phải từ chức và tổ chức một cuộc bầu cử tổng thống trước thời hạn.

Một cuộc biểu tình chống ông Morsi, dự kiến có hàng triệu người tham gia dự kiến sẽ diễn ra vào ngày 30/6 tới, trong khi tổng thống tố cáo đây là một cuộc đảo chánh.

Chuyên gia Alvaro Vasconcelos của cơ quan tư vấn Arab Reform Initiative có trụ sở tại Paris cho rằng, trước mắt để ra khỏi ngõ cụt, ông Morsi cần cải tổ nội các, đưa vào một số nhân vật không thuộc phe Hồi giáo để làm dịu tình hình.

Nhưng để giải quyết triệt để, thì các phong trào đối lập cần được tổ chức lại, thậm chí có thể mơ đến một chính phủ liên hiệp.

Hiện giờ một số phe đối lập không theo Hồi giáo cho rằng có thể giải quyết khủng hoảng bằng các cuộc xuống đường.

Theo chuyên gia Vasconcelos, thì đây là một ảo tưởng nguy hiểm. Với Huynh đệ Hồi giáo, quá trình chuyển tiếp chính trị là rất khó khăn, nhưng không có phe này thì sự chuyển tiếp là bất khả.

Trang nhất báo Pháp

Nội tình nước Pháp được các báo Paris chú ý nhất hôm nay. Le Monde quan tâm đến tình hình « Môn Sử-Địa : Trình độ học sinh đang xuống thấp ».

Theo một nghiên cứu của Bộ Giáo dục Pháp, thì chỉ có phân nửa số học sinh tiểu học và trung học vượt qua được trắc nghiệm kiến thức về môn này.

Nhật báo công giáo La Croix chạy tựa trang nhất : « Họ đấu tranh để tìm được một việc làm ».

Trước nạn thất nghiệp đang ở mức cao tại Pháp, tờ báo đã quyết định theo dõi quá trình của bốn người thất nghiệp trên con đường tìm việc.

Nhật báo cộng sản L’Humanité tố cáo : « Michelin xóa bỏ biên giới ».

Sau khi gần như cho ngưng hoạt động nhà máy Joué-lès-Tours ở Pháp, tập đoàn này còn đóng cửa hai nhà máy ở Colombia trong vòng vài tiếng đồng hồ. Công nhân những nơi này chuẩn bị biểu tình phản đối.

Trên lãnh vực chính trị, nhật báo cánh hữu Le Figaro nói về « Sự im lặng của Cahuzac, bài học của Strauss-Kahn ».

Cựu Bộ trưởng Ngân sách Jérôme Cahuzac, người đã gây ra vụ tai tiếng trốn thuế đình đám, hôm qua khi ra giải trình trước ủy ban điều tra của Hạ viện đã không hé mở gì thêm về vùng tối của vụ xì-căng-đan đã dẫn đến việc ông phải từ chức.

Còn cựu Tổng giám đốc Quỹ Tiền tệ Quốc tế Dominique Strauss-Kahn, người từng gây xì-căng-đan ầm ĩ về vụ tấn công tình dục một phụ nữ hầu phòng ở Mỹ, lần này đường hoàng đến Thượng viện để giải thích về cơ chế hoạt động của giới tài chính.

Ứng viên tổng thống hụt cũng không bỏ qua cơ hội này để chỉ trích ông François Hollande và Nicolas Sarkozy.

Về kinh tế, nhật báo Les Echos phỏng vấn ông José Manuel Barroso, Chủ tịch Ủy ban châu Âu, và chạy tựa trang nhất « Barroso : Tại sao nước Pháp lo ngại trước châu Âu ».

Ông tỏ ra ngạc nhiên trước cuộc tranh luận mà nhiều chính khách Pháp, trong đó có tổng thống Hollande gợi ra, cho rằng đã có những hiểu lầm đối với tuyên bố của ông về đa dạng văn hóa.

Bên cạnh đó, Chủ tịch Ủy ban châu Âu nhấn mạnh đến « lợi ích hợp pháp » của châu Âu khi đòi hỏi nước Pháp phải cải cách.

Tờ báo cánh tả Libération nhìn sang nước Mỹ, với hàng tựa trên trang đầu : « Tất cả đều bị nghe lén ».

Sau những tiết lộ của Edward Snowden về việc nghe lén của Cơ quan An ninh Quốc gia Hoa Kỳ (NSA), tờ báo đã làm cuộc điều tra, nghe các cựu nhân viên NSA giải thích về cơ chế hoạt động và những thay đổi tại cơ quan bí mật nhất nước Mỹ.



Switch mode views: