Điểm Báo Pháp Quốc Ngày 03- 4-2019
- Thứ Năm, 04 tháng Tư năm 2019 01:27
- Tác Giả: Thụy My
Algeri : Bóng ma Bouteflika đã tan biến
Biển người biểu tình tại Alger ngày 15/03/2019 đòi tổng thống Abdelaziz Bouteflika phải ra đi.
REUTERS/Zohra Bensemra
Algeri cùng với Thổ Nhĩ Kỳ, Brexit là đề tài chính của các báo Pháp hôm nay.
Le Figaro chạy tựa « Bouteflika : Hồi kết ».
Sau 20 năm lãnh đạo đất nước, tổng thống Algeri hôm qua đã phải từ chức dưới áp lực của đường phố và quân đội.
Trong bài xã luận mang tên « Một chiếc bóng đã biến đi », tờ báo nhận định sự vắng mặt của ông Bouteflika không làm thay đổi về căn bản.
Đó không phải là một tổng thống đường hoàng trao lại quyền hành, mà là một bóng ma vừa tan biến.
Tổng thống vô hình
Đã từ lâu, Abdelaziz Bouteflika đã trở thành vô hình trước nhân dân.
Đó cũng là một trong những lý do gây nên sự giận dữ nơi họ. Người dân Algeri không còn chịu đựng việc một bóng hình hóa thạch là đại diện cho mình.
Việc tổng thống biến mất khỏi chính trường mang tính biểu tượng gấp một ngàn lần.
Ông ta là biểu tượng cho một phe phái, một hệ thống, làm bình phong hợp pháp cho những kẻ trong hậu trường.
Sau sáu tuần lễ biểu tình ôn hòa, những thủ đoạn câu giờ của chế độ, vẫn không thể làm người dân dịu đi.
Trước hết, ông Bouteflika hứa sẽ từ chức, rồi sau đó loan báo một sự chuyển đổi « dân chủ ».
Vẫn chưa đủ. Tổng tư lệnh quân đội phải kêu gọi tước quyền tổng thống, nhưng người biểu tình không hạ vũ khí.
Cuối cùng là việc cải tổ nội các hôm Chủ nhật 31/3, nhưng vẫn không thuyết phục được ai.
Le Figaro cho rằng, chế độ đã đi đến hồi kết, nhưng buổi bình minh sắp tới thì vẫn bất định.
Les Echos đặt câu hỏi, những người dân Algeri đã biểu tình cuối tuần qua với khẩu hiệu « Không chấp nhận điều khoản 102, tất cả phải ra đi ! », liệu có bằng lòng với việc ông Bouteflika từ chức, và chấp nhận bầu cử tổng thống dưới sự kiểm soát của phía quân sự (với nguy cơ gian lận) hay không ?
Phản ứng của họ trong những ngày tới là điều quan trọng.
Trong khi chờ đợi, quân đội cố gắng tỏ ra trong sạch : ra lệnh cấm tất cả các máy bay tư nhân cất cánh, ngăn chận các doanh nhân có liên can đến pháp luật.
Hôm Chủ nhật 31/3, Ali Haddad, cựu chủ tịch Liên đoàn giới chủ đã bị bắt tại biên giới Tunisie.
Cuộc ra đi không chút vinh quang
Ở trang trong, tờ báo nói về « Sự ra đi không hề vinh quang của một tổng thống muốn là biểu tượng cho niềm kiêu hãnh của Algeri ».
Tham gia kháng chiến từ lúc mới 19 tuổi, đến năm 1963 Abdelaziz Bouteflika trở thành ngoại trưởng trẻ nhất thế giới ở tuổi 26.
Lúc đó Algeri đang là ngọn đèn pha của thế giới thứ ba, thúc đẩy phong trào không liên kết ; còn Bouteflika nhờ tài hùng biện, trở thành niềm tự hào của đất nước.
Còn bây giờ, Algeri giàu tài nguyên dầu khí ngả sang bảo thủ, kinh tế đi xuống do trước đây đã chọn lựa công nghiệp nặng và kế hoạch hóa theo kiểu Liên Xô, thanh niên thất nghiệp phải vượt biển tìm cuộc sống mới.
Vị tổng thống bị đột quỵ năm 2005 phải di chuyển bằng xe lăn nhưng tiếp tục đắc cử thêm nhiệm kỳ thứ ba, thứ tư.
Phe của ông ngỡ nhiệm kỳ thứ năm cũng sẽ trôi qua êm ả, nhưng dân chúng đã xô ngã bức tường sợ hãi.
Thuộc thế hệ làm nên lịch sử, nhưng Bouteflika đã lỡ cuộc hẹn với lịch sử.
Cú đòn choáng váng cho nhà độc tài Erdogan
Le Monde nhìn sang Thổ Nhĩ Kỳ với một nhà độc tài khác trong bài xã luận « Một đòn rờ-ve choáng váng cho ông Erdogan ».
Cựu thị trưởng Istanbul thường nhắc đi nhắc lại câu « thắng được ở Istanbul là chiếm được cả Thổ Nhĩ Kỳ ».
Tuy nhiên trong cuộc bầu cử ngày 31/3, đảng Công lý và Phát triển (AKP) của ông Erdogan vốn cầm quyền từ năm 2002, đã thất bại tại đại đô thị này, thủ đô Ankara và nhiều thành phố lớn, dù đã huy động mọi phương tiện và kiểm soát chặt truyền thông.
Đối với đảng của tổng thống, đây là một cú đòn nặng nề dù vẫn còn là lực lượng chính trị hàng đầu.
Còn đối với Thổ Nhĩ Kỳ, đây là một bước ngoặt chủ chốt.
Tuy làm hài lòng cử tri bảo thủ Sunni, nhưng việc AKP Hồi giáo hóa xã hội khiến giới tinh hoa cộng hòa và giai cấp trung lưu mới bất mãn.
Cuộc bầu cử vừa rồi có thể coi như một cuộc trưng cầu dân ý - ủng hộ hay chống đối ông Erdogan.
Xã hội dân sự Thổ Nhĩ Kỳ kháng cự
Tổng thống lao hẳn vào cuộc vận động, có khi tham dự đến năm cuộc mít-tinh một ngày để cố xoa dịu sự bất bình do kinh tế xuống dốc.
Đồng lira mất giá, lạm phát tăng vọt trong khi cho đến nay thành công kinh tế luôn là ưu thế của chính quyền.
Để huy động cử tri, tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ một lần nữa lại nêu ra thuyết âm mưu để dọa nạt ; đồng thời gây chia rẽ giữa người Sunni và các nhánh Hồi giáo khác, giữa người Kurdistan và người Thổ Nhĩ Kỳ, giữa tín đồ và người ngoại giáo.
Nhưng cách này không còn hiệu quả. Mặc cho đàn áp đại quy mô (55.000 người bị bắt và 150.000 công chức bị sa thải sau vụ đảo chính quân sự bất thành năm 2016), xã hội dân sự Thổ Nhĩ Kỳ tiếp tục kháng cự.
Kể cả tại các phòng phiếu.
Cho dù tương quan lực lượng bất xứng giữa chế độ và đối lập, nhiều vụ gian lận bầu cử, nhưng kết quả không phải đã được sắp đặt trước như ở nước Nga của ông Putin.
Theo Le Monde, giờ đây đối lập phải rút được bài học, mà bắt đầu bằng sự đoàn kết đứng sau một ứng cử viên như ở Istanbul và Ankara.
Bốn kịch bản Brexit
Về một chủ đề lớn nữa là Brexit, Les Echos đưa ra nhiều kịch bản khác nhau đang được châu Âu chuẩn bị.
Trong số đó có hai kịch bản tương đối đơn giản.
Thứ nhất, nếu Nghị Viện Anh bất ngờ thông qua thỏa thuận, thì cuộc họp thượng đỉnh châu Âu ngày 10/4 sẽ xác nhận ngày 22/5 nước Anh chính thức ra khỏi EU.
Một kịch bản khác khó có khả năng thành hiện thực, đó là người Anh hủy bỏ Brexit.
Kịch bản thứ ba là Brexit không có thỏa thuận. Rất nhiều cuộc họp báo được dự trù trong những ngày tới để chuẩn bị đối phó với « no deal ».
Cuối cùng, là kịch bản Luân Đôn xin gia hạn lâu dài, như thế phải tham gia bầu cử châu Âu.
Các nước EU không hoàn toàn đồng ý với nhau về việc chấp nhận yêu cầu này, trong đó Pháp tỏ ra cứng rắn.
Châu Âu hậu Brexit ra sao ?
« Châu Âu như thế nào sau Brexit ? », đó là tựa đề một bài viết trên trang Ý kiến của Les Echos.
Những người ủng hộ Brexit đang mơ làm Liên Hiệp Châu Âu tan thành từng mảnh vụn.
Thực tế chứng tỏ họ đã sai, nhưng theo tác giả, đó không phải là lý do để giảng đạo đức hay hạ nhục người Anh. Ngược lại, chính việc hợp tác với Anh quốc là cần thiết cho châu Âu của tương lai.
Nước Đức của thời hậu Merkel muốn chia sẻ chiếc ghế ở Hội Đồng Bảo An của Pháp nhưng không chịu thực hiện nghĩa vụ quốc phòng chung, bác bỏ mọi ý tưởng về hài hòa chế độ thuế khóa và xã hội trong Liên Hiệp Châu Âu.
Thậm chí còn đòi bỏ các phiên họp ở Nghị Viện Châu Âu tại Strasbourg.
Thế nên Paris cần phải dành ưu tiên cho quan hệ với Luân Đôn.
Trước những cuộc xung đột đang chờ đợi trong thế kỷ 21, lợi ích chiến lược của Pháp phù hợp với Anh hơn bất kỳ nước châu Âu nào khác
Thương chiến Mỹ-Trung ảnh hưởng lên thương mại thế giới
Trên lãnh vực kinh tế, Le Figaro nhận định « Không khí căng thẳng đè nặng lên thương mại thế giới ».
Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) khẳng định, cuộc song đấu giữa Donald Trump và Tập Cận Bình từ một năm qua đã mang lại hiệu ứng tiêu cực : tăng trưởng thương mại thế giới chỉ còn 3% trong năm 2018 thay vì 3,9% như dự báo.
Con số ước tính cho năm 2019 còn tệ hơn nữa : 2,6% thay vì 3,7%.
Hoa Kỳ, Trung Quốc và Đức chiếm đến hơn một phần tư doanh số trao đối hàng hóa và dịch vụ trên thế giới, thế nên các cuộc đàm phán ở Washington, Bắc Kinh và Bruxelles rất quan trọng.
Liên Hiệp Châu Âu trong hội nghị G20 tài chính tuần tới muốn cảnh báo những nguy hiểm của chủ trương bảo hộ và tính cấp thiết của việc cải cách WTO.
Pháp xem xét dự luật chống Hoa Vi
Cũng về kinh tế, Les Echos quan tâm đến « Hoa Vi (Huawei) : Pháp đi thẳng vào chủ đề ».
Có nên loại tập đoàn Trung Quốc, dù chỉ một phần, ra khỏi mạng lưới 5G tương lai của nước Pháp ?
Câu hỏi gai góc này sẽ được đặt ra tại Ủy ban Kinh tế của Quốc Hội Pháp hôm nay 03/04/2019, khi xem xét một dự luật nhằm bảo đảm an ninh cho mạng lưới điện thoại di động.
Tuy « Luật Hoa Vi » không nêu tên tập đoàn viễn thông Trung Quốc cũng như một quốc gia nào, nhưng chỉ với ba điều khoản, văn bản này đặt ra khung pháp luật mới cho các nhà cung cấp dịch vụ.
Dự luật được đưa ra trong bối cảnh Ủy Ban Châu Âu yêu cầu mỗi quốc gia thành viên từ nay cho đến tháng Sáu cần đánh giá các nguy cơ an ninh do 5G gây ra.
Về mặt chính thức, thì dự luật của Pháp nhằm thích ứng với tình thế mới, khi 5G giúp kết nối không hạn chế, từ xe hơi cho đến nhà máy, có thể tạo thành vô số lối vào cho những kẻ bất lương.
Venezuela : Toàn dân làm việc bán thời gian vì cúp điện
Nhìn sang châu Mỹ la-tinh, La Croix nói về tình trạng làm việc bán thời gian do cúp điện ở Venezuela.
Để đối phó với nạn cúp điện xảy ra liên tục, ông Nicolas Maduro thông báo kế hoạch tiết kiệm điện trong một tháng. Kể từ ngày 1/4, ngày làm việc đối với người Venezuela kết thúc vào lúc 14 giờ.
Nếu từ nhiều năm qua việc phải sử dụng đèn cầy không còn xa lạ ở đất nước dầu lửa này, nhưng từ hôm 7/3 đã vượt qua một ngưỡng mới : thời gian người dân phải sống trong bóng tối nhiều hơn so với lúc có điện.
Theo ông Maduro, đó là âm mưu « đảo chính bằng điện », với những cuộc tấn công đủ kiểu : súng, sóng điện từ, phóng hỏa…nhắm vào nhà máy thủy điện Guri, nơi cung cấp 80% điện năng cho cả nước.
Tuy vậy chế độ Caracas chẳng cung cấp được một hình ảnh nào để chứng minh.
Tổng thống chỉ cảm thấy cần phải cách chức tướng về hưu Luis Motta Dominguez, bộ trưởng Năng Lượng.
Đối lập tố cáo chính cách quản lý tồi tệ mới là nguyên nhân.
Chính quyền luôn đặt các nhân vật thân tín lên những chiếc ghế cao nhất, bất chấp việc họ không có kinh nghiệm gì về lãnh vực phụ trách.
Angel Navas, chủ tịch Liên đoàn lao động ngành điện thì phàn nàn ngành điện vừa thiếu đầu tư vừa thiếu nhân lực vì công nhân bỏ xứ ra đi hàng loạt.
Tin mới
- Tại sao công nghệ sẽ là cuộc chiến của thế kỷ XXI ? - 06/04/2019 17:28
- Ukraina : Tranh cử lố bịch trong vòng 2 bầu cử tổng thống - 06/04/2019 01:09
- Algeri hậu Bouteflika: ‘‘Phi chính trị hóa’’ quân đội đòi hỏi thời gian - 06/04/2019 00:59
- Điểm Báo Pháp Quốc Ngày 05- 4-2019 - 06/04/2019 00:24
- Toutankhamon và kho báu Pharaon Ai Cập cổ đại « tái xuất » Paris - 05/04/2019 18:15
- Mỹ tìm ra bằng chứng Hoa Vi vi phạm cấm vận - 05/04/2019 16:24
- Thương mại : Donald Trump lạc quan, Tập Cận Bình kêu gọi sớm ký kết thỏa thuận - 05/04/2019 16:00
- Điểm Báo Pháp Quốc Ngày 04- 4-2019 - 04/04/2019 21:33
- NATO mừng sinh nhật thứ 70 - 04/04/2019 14:20
- Putin sẽ trị vì suốt đời như các nhà độc tài Liên Xô cũ? - 04/04/2019 13:57
Các tin khác
- Mỹ đã nghĩ đến việc đưa pháo tới Philippines răn đe Trung Quốc - 04/04/2019 00:47
- Mỹ tẩy chay thượng đỉnh về Con Đường Tơ Lụa Mới ở Bắc Kinh - 04/04/2019 00:23
- Donald Trump và tài “hô phong hoán vũ” thị trường dầu lửa - 03/04/2019 23:25
- Thiết bị cấy ghép y khoa : Dấu kiểm định chất lượng châu Âu có đáng tin cậy ? - 03/04/2019 20:36
- Brexit : Rủi ro và cơ hội cho Anh Quốc - 02/04/2019 16:07
- Thương mại Trung Quốc: Đối sách mạnh của Trump được ủng hộ rộng rãi - 02/04/2019 14:35
- Điểm Báo Pháp Quốc Ngày 02- 4-2019 - 02/04/2019 14:19
- Tình hình kinh tế Ý ngày càng ảm đạm - 02/04/2019 14:03
- Tấn công tình dục : Pháp luật Việt Nam chưa đủ nghiêm minh - 02/04/2019 01:03
- Bầu cử tổng thống Ukraina vòng 1 : "Anh hề" Zelensky về đầu - 02/04/2019 00:22