Thanh trừng nội bộ tại Bình Nhưỡng
- Thứ Bảy, 02 tháng Ba năm 2019 22:34
- Tác Giả: Thanh Phương
Lãnh đạo Bắc Triều Tiên Kim Jong Un rời khách sạn Melia, Hà Nội, ngày 01/03/2019.Reuters
Thanh trừng nội bộ tại Bình Nhưỡng,
căng thẳng Ấn Độ - Pakistan và bầu cử,
bài hát ca ngợi tập đoàn Hoa Vi,
Pháp bất bình chuyện Hà Lan mua cổ phần Air France –
KLM, Monsanto lại bị đưa ra tòa ở Mỹ, đó là những đề tài của tạp chí Thế giới đó đây tuần này.
Thanh trừng nội bộ tại Bình Nhưỡng
Trong khi lãnh đạo Bắc Triều Tiên Kim Jong Un được đón tiếp trọng thể tại Việt Nam trong tuần này khi ông đến Hà Nội họp thượng đỉnh với tổng thống Donald Trump và viếng thăm chính thức Việt Nam, thì một tổ chức phi chính phủ tại Seoul công bố một báo cáo cho thấy là từ năm ngoái, nhiều quan chức chống lại chính sách ngoại giao của ông Kim Jong Un đã bị thanh trừng.
Từ Seoul, thông tín viên Frédéric Ojardias gởi về bài tường trình ngày 27/2/2019 :
« Khoảng 70 quan chức Bắc Triều Tiên đã bị hành quyết hoặc cầm tù trong năm ngoái, theo báo cáo của tổ chức phi chính phủ Trung tâm Chiến lược Bắc Triều Tiên.
Báo cáo này tổng hợp lời kể của khoảng 20 quan chức cao cấp, trong đó có một số người còn tại chức.
Các cuộc thanh trừng này là nhằm tịch thu tài sản của các quan chức tham nhũng để bù đắp cho nguồn tài chính của chế độ đang bị kiệt quệ do các trừng phạt của quốc tế.
Nhưng chiến dịch thanh trừng cũng nhắm vào những người chống lại các nỗ lực gần đây của chế độ Kim Jong Un mở cửa ngoại giao về hướng Hoa Kỳ và Hàn Quốc.
Ruby Woo, đại diện của Trung tâm Chiến lược Bắc Triều Tiên nói :
« Ông Kim Jong Un muốn cắt đứt với chính sách của những người tiền nhiệm, Kim Jong Il và Kim Nhật Thành.
Những người chống lại là những thành phần đặc quyền đặc lợi, sợ bị mất các quyền lợi của họ do những thay đổi đó.
Chúng tôi nghĩ rằng sự bất đồng của họ là do tâm lý bất an. Phần lớn trong số họ là các quân nhân.
Chứ còn dân thường thì biết rất ít về chính sách ngoại giao của Kim Jong Un, cho nên làm sao họ có thể chống được. »
Tổ chức phi chính phủ này cho rằng không nên xem các cuộc thanh trừng nói trên là một dấu hiệu bất ổn định của chế độ, mà Kim Jong Un hiện nay kiểm soát rất chặt chẽ bộ máy cầm quyền.
Như vậy là kể từ nay có vẻ như lãnh đạo Bắc Triều Tiên đang rảnh tay để thi hành chính sách ngoại giao mà ông đã chọn, bất chấp những chống đối trong nội bộ. »
Căng thẳng Ấn Độ - Pakistan và bầu cử
Căng thẳng giữa New Delhi và Islamabad đã gia tăng với việc quân đội Pakistan ngày 27/02/2019 thông báo đã bắn rơi 2 chiến đấu cơ Ấn Độ và bắt sống một phi công.
Hành động này là nhằm trả đũa việc quân đội Ấn Độ ngày hôm trước không kích vào vùng Cachemire thuộc Pakistan nhắm vào trại huấn luyện của một nhóm Hồi Giáo đã nhận là tác giả vụ khủng bố ngày 14/02 ở vùng Cachemire thuộc Ấn, khiến hơn 40 người thuộc lực lượng bán quân sự thiệt mạng.
Ngày 01/03, để tỏ thiện chí, Pakistan đã giao trả phi công Ấn Độ cho New Delhi.
Trong khi đó, hôm thứ năm 28/02, lần đầu tiên thủ tướng Narendra Modi đã công khai lên tiếng về khủng hoảng này, nhưng ông lại phát biểu trước các đảng viên đảng cầm quyền, khiến người ta nghi là lãnh đạo chính phủ Ấn Độ muốn khai thác căng thẳng với Pakistan vào mục đích tranh cử, trong bối cảnh chỉ còn hai tháng nữa là đến kỳ bầu cử Quốc Hội.
Từ New Delhi, thông tín viên Sébastien Farcis tường trình ngày 28/02:
« Ông Narendra Modi đã không lên tiếng công khai về khủng hoảng này từ hơn 2 ngày qua.
Một số người cho rằng có lẻ ông muốn tránh để cho vụ này trở thành chuyện quốc gia đại sự.
Nhưng vào lúc Ấn Độ và Pakistan đang gần như có chiến tranh, ai cũng chờ ông phát biểu.
Nhưng thật bất ngờ, thủ tướng Modi không phát biểu trước quốc dân đồng bào với tư cách thủ tướng mà lại với tư cách lãnh đạo đảng cầm quyền BJP và trước các đảng viên đảng này.
Ông nói : « Kẻ thù đang cố làm mất ổn định chúng ta bằng cách tiến hành các cuộc tấn công khủng bố.
Họ muốn chặn đứng tăng trưởng kinh tế của chúng ta.
Chúng ta, những người dân Ấn Độ phải đoàn kết thành một khối vững chắc trước những mưu đồ thâm độc này. Ấn Độ sẽ sống mãi và lớn mạnh trong đoàn kết. Chỉ có đoàn kết, Ấn Độ mới thắng lợi.
Phe đối lập đã phản đối phát biểu này của thủ tướng Modi trước hàng chục ngàn đảng viên đảng BJP, cáo buộc chính phủ New Delhi sử dụng vấn đề an ninh quốc gia làm lá bài tranh cử trong cuộc bầu cử Quốc Hội tháng 5 tới.
Quả đúng như thế: lãnh đạo đảng BJP ở bang Karnataka, ở miền nam, hôm 27/02 đã tuyên bố rằng cuộc tấn công của quân đội Ấn Độ vào lãnh thổ Pakistan sẽ bảo đảm thắng lợi của đảng Hindu dân tộc chủ nghĩa ở bang này. »
Bài hát ca ngợi Hoa Vi
Hoa Vi, tập đoàn viễn thông hàng đầu thế giới và nhà sản xuất điện thoại di động đứng hàng thứ hai thế giới, đang bị nhiều tai tiếng, nhất là bị nghi làm gián điệp cho Trung Quốc và bị Hoa Kỳ cáo buộc vi phạm lệnh cấm vận Iran.
Nhưng càng bị tấn công trên thế giới, Hoa Vi lại càng gặt hái thành công trong nước, trở thành niềm tự hào của dân Trung Quốc, thậm chí có một bài hát đã được sáng tác để ca ngợi tập đoàn này.
Theo thông tín viên RFI Simon Leplâtre ở Thượng Hải, tuy bài hát do một dàn đồng ca thiếu nhi trình bày, nhưng nó đã trở thành ca khúc rất thịnh hành hiện nay.
Từ hôm thứ tư 27/02, bài hát này đã được phát rất nhiều trên các mạng xã hội và trên các phương tiện truyền thông nhà nước, vốn không bỏ lỡ dịp nào để biểu dương tinh thần yêu nước.
Lời hát này là : « Điện thoại nào đẹp nhất thế giới ?
Ai cũng nói đó là Hoa Vi. Pin của nó dùng được lâu, chip điện tử Trung Quốc là quý nhất ».
Rồi đến đoạn điệp khúc sẽ in sâu vào đầu mọi người : "Hoa Vi tốt lắm, Hoa Vi đẹp lắm".
Bộ phận truyền thông của Hoa Vi đã vội cải chính là họ không có dính dáng gì đến sáng tác đó.
Lời cải chính này cũng dễ hiểu bởi vì trong lúc này Hoa Vi đang cố thuyết phục thế giới rằng họ hoàn toàn độc lập với chính quyền Trung Quốc.
Bài hát nói trên đã được phát hành trên mạng xã hội Wechat bởi một trung tâm sinh hoạt thiếu nhi ở thành phố Châu Hải, miền nam Trung Quốc.
Nhưng tác giả lại là một nhà soạn nhạc nổi tiếng của quân đội Trung Quốc, cho thấy đây có thể là một tác phẩm tuyên truyền chính thức.
Thực tế đúng là khi nói chuyện với người Trung Quốc, Hoa Vi vẫn được nêu lên như là một ví dụ cho thấy quốc gia này đang nâng cao trình độ công nghệ và vụ bắt giữ con gái của người sáng lập tập đoàn Hoa Vi cho thấy là Mỹ đang cố ngăn chận đà tiến bộ công nghệ của Trung Quốc.
Pháp bất bình chuyện Hà Lan mua cổ phần Air France - KLM
Ngày 26/02/2019, Nhà nước Hà Lan bất ngờ mua cổ phần của hãng hàng không Air France – KLM và tỏ ý muốn là trong tương lai sẽ có một vị thế tương đương với Nhà Nước Pháp, hiện nắm 14,3% cổ phần của Air France –KLM.
Chính phủ Pháp đã tỏ thái độ bất bình về hành động « không thân thiện » của nhà nước Hà Lan.
Nhưng tại Hà Lan, dư luận lại đồng tình với hành động này của chính phủ.
Từ Bruxelles thông tín viên Pierre Benazet gởi về bài tường trình ngày 28/02 :
« Nói chung, dư luận ở Hà Lan đa số đồng tình với việc mua lại các cổ phần của Air France – KLM.
Ví dụ như một cuộc thăm dò của nhật báo De Telegraaf cho thấy có 80% độc giả được hỏi tuyên bố ủng hộ hành động của chính phủ.
Tuy vậy, tại Quốc Hội Hà Lan, một số đảng như đảng Xanh chỉ trích việc chính giới can thiệp vào kinh tế. Nhưng đa số các chính đảng đồng tình với chính phủ.
Chính phủ của Hà Lan muốn bảo đảm cho tương lai của hãng KLM, vốn là một trong 10 công ty cung cấp nhiều việc làm nhất ở nước này, cũng như bảo đảm cho tương lai của sân bay Schipol của thành phố Amsterdam, nơi mà KLM vận chuyển mỗi năm 35 triệu hành khách, tức là phân nửa số hành khách của sân bay này.
Thật ra, lý do chính đó là chính phủ Hà Lan muốn tránh cái mà ở đây người ta gọi là kịch bản thảm nạn « kiểu Bỉ », có nghĩa là KLM đến một lúc nào đó rơi vào tình trạng tương tự như hãng Sabena.
Hãng này đã đóng cửa năm 2001 sau 80 năm tồn tại, trong khi chính phủ Bỉ đã tưởng rằng khi bán các cổ phần của Sabena cho Swissair, họ sẽ bảo đảm được cho tương lai của hãng hàng không quốc gia".
Monsanto lại ra tòa ở Mỹ
Ngày 25/02/2019, phiên tòa thứ hai xử tập đoàn hóa chất Monsanto đã được mở ra tại San Francisco, nhưng khác với phiên tòa xử Monsanto vào tháng 8 năm ngoái, lần này vụ xử được tiến hành trước một tòa án liên bang.
Từ San Francisco, thông tín Eric de Salves gởi về bài tường trình :
« Sau bản án vào mùa hè năm ngoái, đây là phiên tòa thứ hai xử Mosnato.
Nhưng lần này, tập đoàn nông hóa học bị đưa ra trước một tòa án liên bang, chứ không phải chỉ là tòa án bang California.
Phán quyết của phiên xử thứ hai nay này sẽ mang tính chất của một án lệ.
Phiên xử rất quan trọng, bởi vì hơn 760 trong tổng số 9.300 hồ sơ liên quan đến Roundup đang được tập trung lại để xử tại tòa án liên bang ở San Francisco.
Lần này cũng vậy, chính một cá nhân bị ung thư da đã kiện Mosanto.
Cũng giống như Dewayne Johnson trong phiên xử mùa hè năm ngoái, Edwin Hardeman cũng bị bệnh do sử dụng quá nhiều chất diệt cỏ Roundup trong suốt nhiều năm.
Được chẩn đoán ung thư từ năm 2015, cư dân sống ở bắc California vào năm sau đã kiện Mosanto, mà nay là thuộc tập đoàn dược phẩm Đức Bayer.
Trong ngày đầu tiên của phiên xử, các luật sư của Bayer đã cố tách bạch hai vụ việc: Hardeman được chẩn đoán ung thư vào năm 66 tuổi, trong khi Johnson được chẩn đoán trong độ tuổi 40.
Johnson thì đã ung thư giai đoạn cuối, trong khi Hardeman thì đang thuyên giảm.
Hơn nữa, trước đó ông Hardeman đã bị viêm gan C, tức là có một yếu tố nguy cơ mắc ung thư.
Theo yêu cầu của các luật sư biện hộ, tòa đã chấp nhận chia phiên xử thành hai giai đoạn.
Đầu tiên, bồi thẩm đoàn sẽ xác định xem có mối liên hệ nào giữa bệnh ung thư của Hardeman với thuốc diệt cỏ Roundup.
Nếu có, thì kế đến họ sẽ xác định xem Monsanto có đã cố tình che giấu những nguy cơ của sản phẩm này hay không.
Vào tháng 8 năm ngoái, tòa án bang California đã trả lời CÓ với hai câu hỏi này. »
Quebec phải xét đơn định cư của hàng ngàn người
Ngày 25/02/2019, Tòa án Tối cao của Quebec, Canada, đã buộc chính quyền tỉnh này phải xem xét hơn 18.000 đơn của những người nhập cư xin định cư tại Quebec.
Trước đó, chính quyền tỉnh này đã dự định hủy các hồ sơ đó, vì họ chuẩn bị thông qua một luật mới để tuyển chọ người nhập cư.
Từ Quebec, thông tín viên Pascale Guéricolas gởi về bài tường trình ngày 26/02 :
« Hàng ngàn người mà tình trạng giấy tờ đang phụ thuộc vào việc xét hồ sơ xin định cư có thể thở phào nhẹ nhõm.
Một thẩm phán của Tòa án Tối cao đã ra lệnh cho chính phủ Quebec phải xét đơn của họ, ít nhất là cho đến ngày 07/03.
Ban đầu chính quyền tỉnh này đã dự định hủy 18.000 hồ sơ tồn đọng tại bộ Di Trú.
Lý do được đưa ra là sắp tới đây sẽ có một luật mới nhằm tuyển chọn tốt hơn những người nước ngoài muốn định cư ở Québec.
Vấn đề là ít nhất 6.000 người trong số 18.000 nói trên đã sống ở đây từ lâu, thậm chí có việc làm đàng hoàng.
Nếu hồ sơ của họ bị phá hủy, những người này sẽ buộc phải rời khỏi Québec và làm thủ tục lại từ đầu.
Cho nên hiệp hội các luật sư chuyên về nhập cư đã yêu cầu Tòa án Tối cao cấm chính quyền tỉnh Québec phá hủy các hồ sơ đó.
Về phần bộ trưởng bộ Di Trú, ông sẽ cho biết sẽ kháng cáo quyết định của thẩm phán. »
Related news items:
Tin mới
- A380, một thất bại của công nghiệp hàng không châu Âu - 05/03/2019 17:29
- Hạ Viện Mỹ mở một cuộc điều tra rầm rộ về TT Donald Trump - 05/03/2019 17:06
- Cánh hữu châu Âu khởi sự thủ tục khai trừ đảng Fidesz của thủ tướng Hungary - 05/03/2019 16:46
- Quan hệ Việt Nam – Anh Quốc sau Brexit - 05/03/2019 00:13
- Điểm Báo Pháp Quốc Ngày 04-3-2019 - 04/03/2019 17:46
- Mỹ và Bắc Triều Tiên đều xem thượng đỉnh Hà Nội là thành công - 04/03/2019 16:59
- Thái Lan : Biểu tình toàn quốc ủng hộ đảng đối lập Thai Raksa Chart - 04/03/2019 02:17
- Cocain: Nguồn sống của quan chức và nền kinh tế Venezuela - 04/03/2019 01:57
- Mỹ-Hàn bỏ tập trận Key Resolve để duy trì đối thoại với BTT - 04/03/2019 00:54
- Điểm Báo Pháp Quốc Ngày 02-3-2019 - 02/03/2019 23:48
Các tin khác
- Phó TT Mỹ kêu gọi đảng Cộng Hòa ủng hộ tình trạng khẩn cấp - 02/03/2019 16:44
- Canada khởi động thủ tục dẫn độ giám đốc tài chính Hoa Vi sang Mỹ - 02/03/2019 16:19
- Điểm Báo Pháp Quốc Ngày 01-3-2019 - 02/03/2019 00:05
- Mỹ cam kết giúp Philippines tự vệ nếu bị tấn công trên Biển Đông - 01/03/2019 22:17
- Ba Lan dự trù 43 tỷ euro để vũ trang từ nay đến 2026 - 01/03/2019 21:21
- LHQ: Tại Syria, giao tranh giảm nhưng công dân không được bảo vệ - 01/03/2019 20:12
- Điểm Báo Pháp Quốc - 28/02/2019 18:20
- Điểm Báo Pháp Quốc Ngày 28-2-2019 - 28/02/2019 16:36
- Thượng đỉnh Trump-Kim không đạt thỏa thuận, do BTT đòi "bỏ toàn bộ cấm vận" - 28/02/2019 15:26
- TT Mỹ gặp các lãnh đạo Việt Nam, hơn 20 tỷ đô la hợp đồng được ký - 27/02/2019 20:13