Điểm Báo Pháp Quốc Ngày 12-09-2018
- Thứ Tư, 12 tháng Chín năm 2018 17:22
- Tác Giả: RFI
Châu Âu chia rẽ trong việc trừng phạt Hungary
Thủ tướng Hungary Viktor Orban phát biểu tại Nghị Viện Châu Âu, Strasbourg, Pháp, ngày 11/09/2018
REUTERS/Vincent Kessler
Thời sự quốc tế nổi bật trên các báo Pháp ngày hôm nay là việc Nghị Viện Châu Âu tiến hành bỏ phiếu dự thảo nghị quyết cho phép khởi động tiến trình áp dụng điều 7 Hiệp định châu Âu, tước quyền bỏ phiếu của Hungary do nguy cơ nước này vi phạm nghiêm trọng các giá trị của châu Âu.
Trong bối cảnh trào lưu dân túy và cực hữu đang trỗi dậy, hồ sơ Hungary gây chia rẽ châu Âu.
Le Figaro chạy trên trang nhất : « Trường hợp Viktor Orban nằm ở tâm điểm chia rẽ, giằng xé châu Âu ».
Trong bài phát biểu hôm qua, trước Nghị Viện Châu Âu, thủ tướng Hungary Viktor Orban tố cáo sự « bắt chẹt » của phe ủng hộ chính sách nhập cư bên trong Liên Hiệp Châu Âu đối với Budapest.
Đối với La Croix, cuộc bỏ phiếu về hồ sơ Hungary giống như một sự « bắt mạch » về tình hình tại châu Âu.
Nghị Viện Châu Âu bị chia rẽ trước thái độ của ông Viktor Orban, được đánh giá là chính trị gia cực kỳ bảo thủ.
Một bên là xu hướng ủng hộ lập trường chủ quyền quốc gia trên hết của thủ tướng Hungary, cho dù có phải đưa ra những đạo luật đe dọa sự độc lập của tư pháp, quyền tự do hiệp hội, tự do ngôn luận và tôn giáo.
Còn bên kia là phe « tiến bộ », theo như cách gọi của tổng thống Pháp Emmanuel Macron, luôn luôn tin rằng châu Âu vững mạnh sẽ làm được nhiều việc tốt hơn cho người dân.
Với hai phe rõ rệt như vậy, các nghị sĩ còn lại buộc phải lựa chọn đứng về bên này hay bên kia.
Trong bối cảnh đó, Liberation nhận định: « Trường hợp Viktor Orban nằm trong tay các nghị sĩ châu Âu ».
Câu hỏi đặt ra là liệu Đảng Nhân Dân Châu Âu – PPE – cánh hữu, có bỏ rơi ông Orban hay không vì cho đến nay, đảng này luôn luôn bảo vệ thủ tướng Hungary, cho dù ông đang tìm cách thiết lập một thể chế dân chủ phi tự do, bài ngoại, bài Do Thái và chống châu Âu.
Nếu không có sự ủng hộ đông đảo của cánh hữu, dự thảo nghị quyết của Nghị Viện Châu Âu không có cơ may được thông qua.
Vì theo điều 354 Hiệp định về hoạt động của Liên Hiệp Châu Âu, việc khởi động điều 7 đình chỉ quyền bỏ phiếu của một thành viên phải có được sự chấp thuận của hai phần ba số nghị sĩ.
Mỹ không ưa thích sự ràng buộc của các hiệp định quốc tế
Một thời sự quốc tế khác được báo La Croix quan tâm, nhân việc Mỹ công khai đe dọa trừng phạt Tòa Án Hình Sự Quốc Tế (CPI), nếu định chế này thụ lý, xét xử các công dân Hoa Kỳ hoặc Israel.
Tờ báo giải mã câu hỏi: « Tại sao Hoa Kỳ không chấp nhận các hiệp ước quốc tế ».
Ngày 11/09 vừa qua, phát biểu tại Hiệp hội nghiên cứu về luật pháp và chính sách công Liên Bang, ở Washington, một tổ chức vận động hành lang của phe siêu bảo thủ, cố vấn an ninh quốc gia Hoa Kỳ John Bolton tuyên bố thẳng thừng :
Chúng ta sẽ cấm các thẩm phán và công tố viên này vào Hoa Kỳ. Chúng ta sẽ đưa ra các trừng phạt nhắm vào tài sản của họ nằm trong hệ thống tài chính Mỹ và chúng ta sẽ tiến hành khởi tố họ.
Đồng thời, ông còn đe dọa cắt viện trợ của Mỹ cho các nước hợp tác với định chế quốc tế này trong các cuộc điều tra nhắm vào công dân Mỹ và Israel.
Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ đã có phản ứng mạnh sau khi bà Fatou Bensouda, chưởng lý tại Tòa Án Hình Sự Quốc Tế, muốn tiến hành điều tra và khởi tố các quan chức Hoa Kỳ.
Tháng 11/2017, bà chưởng lý đã khẳng định là quân đội Mỹ và CIA, trong giai đoạn 2003-2004, có thể đã phạm các tội ác chiến tranh tại Afghanistan khi tiến hành tra tấn, đối xử tàn bạo với tù nhân.
Báo La Croix nhắc lại chính sách của Mỹ đối với các hiệp ước quốc tế.
Đã từ lâu, Hoa Kỳ vẫn có tiếng là chậm chạp phê chuẩn các công ước quốc tế.
Cho đến nay, chỉ có hai nước, Hoa Kỳ và Somalia, chưa chấp nhận Công ước quốc tế về quyền của trẻ em.
Mỹ cũng không tham gia Tòa Án Hình Sự Quốc Tế, Công ước quốc tế về Luật Biển, Công ước về quyền của người tàn tật, xóa bỏ phân biệt đối xử với phụ nữ, hiệp ước cấm mìn sát thương cá nhân.
Tổ Chức Lao Động Quốc Tế vẫn chờ chữ ký của Washington…
Việc Mỹ rút khỏi các hiệp định quốc tế không phải là điều gì mới mẻ. Trước khi Donald Trump quyết định rút Mỹ ra khỏi Hiệp định khí hậu Paris, Quốc Hội Mỹ đã từ chối phê chuẩn Công ước Kyoto về khí hậu trong những năm 1990.
Trong thời kỳ chiến tranh lạnh, tổng thống Mỹ, vào năm 1971, đã từ bỏ hiệp định Bretton Woods, đơn phương hủy bỏ khả năng chuyển đổi đô la sang vàng.
Vậy cơ sở của của chủ thuyết đơn phương hành động của Mỹ là gì ?
Theo báo La Croix, việc tấn công, đe dọa Tòa Án Hình Sự Quốc Tế nằm trong khuôn khổ chủ trương « Nước Mỹ trước tiên » của Donald Trump.
Kể từ khi vào Nhà Trắng, ông đã nhiều lần đe dọa rút nước Mỹ ra khỏi nhiều tổ chức và định chế quốc tế.
Theo bà Marie-Cécile Naves, thuộc Viện Quan Hệ Quốc Tế và Chiến Lược, qua việc chứng tỏ là Hoa Kỳ ra các quyết định tùy theo lợi ích của mình, tổng thống Trump tìm cách ve vãn, làm hài lòng các cử tri đã ủng hộ ông.
Vẫn theo La Croix, đã từ lâu, trước thời Donald Trump, Hoa Kỳ đã luôn luôn tỏ ra không hề sẵn sàng từ bỏ một phần chủ quyền quốc gia để chấp nhận các ràng buộc của các hiệp định quốc tế.
Các lãnh đạo của Mỹ, từ trước tới nay, luôn luôn nhắc lại rằng không có gì cao hơn Hiến Pháp 1787 và luật pháp quốc tế không thể thay thế luật pháp quốc gia.
Chính cách thức hành xử này của các nước lớn làm triệt tiêu sự năng động của cơ chế đa phương và Nga cũng như Trung Quốc đã dùng luận điểm này để biện minh cho các hành động của mình, không đoái hoài tới các quốc gia khác.
Thất vọng về Aung San Suu Kyi
Về thời sự châu Á, báo Le Monde có bài « Aung San Suu Kyi, biểu tượng gây thất vọng ».
Tờ báo nhắc lại là giải Nobel Hòa Bình năm 1991, trong một thời gian dài được phương Tây coi như biểu tượng của cuộc đấu tranh chống chế độ độc tài quân sự, nay, bà phải trả giá về sự thụ động trước các hành động bạo lực, trấn áp của quân đội nhắm vào sắc tộc thiểu số Hồi Giáo Rohingya.
Theo một quan chức nước ngoài, trước đây làm việc tại Rangoon và thường xuyên gặp bà Aung San Suu Kyi thì kể từ khi lên nắm quyền, dường như bà đã thay đổi, ham mê với trò chơi chính trị.
Nếu như thần tượng Aung San Suu Kyi đã sụp đổ tại châu Âu và Hoa Kỳ thì tại Miến Điện, bà vẫn rất có uy tín, được lòng dân.
Ngoại trừ một vài chỉ trích của giới trí thức hoặc các nhà tranh đấu cho nhân quyền, ánh hào quang của bà Aung San Suu Kyi vẫn tỏa sáng tại Miến Điện.
Trong bầu không khí dân tộc chủ nghĩa ngự trị tại một quốc gia ngày càng có thái độ bài Hồi Giáo, đa số dân chúng thù ghét người Rohingya, cách thức hành xử của bà Aung San Suu Kyi trong hồ sơ Rohingya dường như lại càng thúc đẩy đông đảo người dân có thái độ cứng rắn hơn, cực đoan hơn.
Trước mặt một số nhà ngoại giao, bà đã coi sắc tộc Hồi Giáo thiểu số Rohingya là người nước ngoài.
Cho dù không dám nói công khai, nhưng đa số dân gốc Miến Điện biết được bà Aung San Suu Kyi nghĩ gì và họ ủng hộ thái độ này.
Theo Le Monde, với lập trường và cách hành xử trong hồ sơ Rohingya, bà Aung San Suu Kyi đã không thực hiện được tham vọng là hòa giải với giới tướng lãnh để thúc đẩy tiến trình dân chủ hóa đất nước.
Đầu tư nước ngoài và lượng du khách phương Tây đang sụt giảm và uy tín của bà, người trước đây được ca tụng như một anh hùng đấu tranh cho dân chủ, đã bị hoen ố.
Trung Quốc : Phá sản mô hình cho vay P2P
Trong phụ trương Kinh Tế và Doanh Nghiệp, Le Monde có bài « Khi Bắc Kinh bóp nghẹt sự tức giận của hàng ngàn người gửi tiết kiệm bị khuynh gia bại sản », phóng sự dài của Simon Leplatre mô tả sự phá sản của mô hình công ty cho vay ngang hàng trực tuyến (P2P) và trong vụ này, Nhà nước Trung Quốc có phần trách nhiệm.
Để thu hút vốn trong dân, tạo nguồn tài chính cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ, chính phủ Trung Quốc đã cho phép ra đời nhiều công ty cho vay ngang hàng, tức là người gửi tiền tiết kiệm - người cho vay, có quan hệ với người đi vay-doanh nghiệp cần vốn, thông qua một website.
Thay vì gửi tiền vào các ngân hàng truyền thống với lãi suất rất thấp, khoảng 1%, thì gửi theo mô hình P2P, lãi suất có khi lên tới 10%, một số dự án còn hứa hẹn mức lãi lên tới 20-30%.
Lĩnh vực này đã phát triển mạnh, có tới 50 triệu khách hàng với tổng sống tiền huy động được lên tới 1300 tỷ nhân dân tệ.
Năm năm sau, vào 2016, khi xẩy ra loạt phá sản đầu tiên, chính quyền Trung Quốc mới ra tay quản lý lĩnh vực này
Sở dĩ chính quyền chậm can thiệp vì luật pháp Trung Quốc không có quy định nào về mô hình cho vay P2P.
Đến khi người dân bất bình vì bị mất tiền thì chính quyền lại không ngần ngại dọa nạt, ngăn chặn các cuộc biểu tình phản đối.
Khí hậu và nạn đói trên thế giới
Trang nhất báo Le Monde hôm nay cảnh báo « Cú sốc về khí hậu làm trầm trọng thêm nạn đói trên thế giới ».
Theo báo cáo của Tổ Chức Nông Lương Liên Hiệp Quốc (FAO), được công bố ngày 11/09, nạn hạn hán tại châu Phi, lũ lụt và giông bão tại châu Á… các hiện tượng bất thường về khí hậu ngày càng nhiều và dồn dập, ảnh hưởng đến khả năng tự túc về lương thực của nhiều nhóm dân cư, de dọa các tiến bộ đã đạt được trong cuộc đấu tranh chống nạn đói trên thế giới, kể từ đầu năm 2000.
Vẫn theo tổ chức quốc tế này, cùng với các cuộc xung đột bạo lực, khủng hoảng kinh tế, tình trạng biến đổi đa dạng về khí hậu, với các thiên tai nghiêm trọng, là những nguyên nhân chính gây ra nạn suy dinh dưỡng và mất an ninh lương thực.
Trong khi đó, số người phải hứng chịu nạn đói tăng liên tục trong ba năm liền và lên tới mức của thời điểm cách nay một thập niên.
Năm 2016, số người không đủ ăn trên toàn thế giới là 804 triệu. Sang năm 2017, con số này tăng lên thành 821 triệu.
Như vậy, mục tiêu phát triển bền vững số hai, không còn nạn đói vào năm 2030, được Liên Hiệp Quốc thông qua hồi tháng 09/2015, dường như khó đạt được.
Báo cáo của Tổ Chức Nông Lương Liên Hiệp Quốc được công bố như một thông điệp gửi tới cộng đồng quốc tế trước kỳ khai mạc khóa họp lần thứ 73 của Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc.
FAO kêu gọi tăng cường hỗ trợ tài chính trên quy mô lớn cho các chương trình giải thiểu và quản lý các rủi ro thiên tai và thích ứng với biến đổi khí hậu.
Thời sự nước Pháp,
Các báo đều có bài nói đến việc bầu chủ tịch Quốc Hội, báo Le Monde quay lại hồ sơ nguồn tài trợ của Libya cho chiến dịch vận động tranh cử tổng thống của ông Nicolas Sarkozy năm 2017.
Lần này, Saif Al Islam Kadhafi, con trai của nhà cố độc tài Libya, lên tiếng khẳng định. Bài viết không có nhiều tình tiết mới, và các tố cáo của Saif Al Islam cần phải được xem xét thận trọng vì khó kiểm chứng.
Tin mới
- Apple trình làng iPhone lớn nhất từ trước đến nay - 15/09/2018 01:44
- Điểm Báo Pháp Quốc Ngày 14-09-2018 - 14/09/2018 22:37
- Palestine – Israel: Hòa ước Oslo chết lâm sàng - 14/09/2018 16:18
- Hàn Quốc và Bắc Triều Tiên mở văn phòng liên lạc tại Kaesong - 14/09/2018 15:52
- Điểm Báo Pháp Quốc Ngày 13-09-2018 - 14/09/2018 04:27
- Bão Florence: Gió 140 dặm/giờ, đe dọa North Carolina, South Carolia, Virginia - 12/09/2018 19:30
- Đức Giáo Hoàng triệu tập các giám mục bàn việc bảo vệ trẻ em - 12/09/2018 19:16
- Chiến tranh thương mại, công ty Trung Quốc tìm đường « di tản » - 12/09/2018 18:20
- Diễn đàn Kinh tế ASEAN : Trung Quốc đả kích bảo hộ mậu dịch - 12/09/2018 18:08
- Trung Quốc thắt chặt kiểm duyệt tôn giáo trên internet - 12/09/2018 18:01
Các tin khác
- Quân đội Mỹ di tản các căn cứ trong khu vực bị bão Florence đe dọa - 12/09/2018 02:11
- Tháp chuông tưởng niệm Chuyến bay 93 – khúc nhạc vĩnh cửu của các anh hùng - 11/09/2018 22:53
- Tổng Thống Donald Trump ca ngợi những người hy sinh trên chuyến bay 9/11 ở Pennsylvania - 11/09/2018 22:12
- Điểm Báo Pháp Quốc Ngày 11-09-2018 - 11/09/2018 19:30
- Syria, Nga tiếp tục oanh kích Idleb, nguy cơ thảm họa nhân đạo cận kề. - 11/09/2018 16:17
- Kim Jong Un gửi thư đề nghị thượng đỉnh lần 2 với Donald Trump - 11/09/2018 14:15
- Mời láng giềng tập trận Vostok, Nga muốn khẳng định vị thế tại châu Á - 10/09/2018 17:02
- Điểm Báo Pháp Quốc Ngày 10-09-2018 - 10/09/2018 16:18
- Mỹ : Cử tri Cộng Hoà động viên ủng hộ Trump - 09/09/2018 18:11
- Nhật Bản lần đầu tiên vô địch giải quần vợt Mỹ US Open - 09/09/2018 18:03