Tài liệu cũ của Saigon Echo
từ 2008 - 2012
Play
 
Giám Đốc: Tiến Sĩ Trần An Bài
  • Font size:
  • Decrease
  • Reset
  • Increase

World Cup 2022: Trái bóng chuyển qua sân Qatar

soccer-worldcup-qatar

Sân vận động Khalifa International Stadium tại Doha đã hoàn tất đi vào hoạt động. Ảnh chụp ngày 14/07/2018.
REUTERS/Ibraheem al Omari

Cúp bóng đá thế giới 2018 trên đất Nga vừa khép lại thành công, mọi cái nhìn giờ đã bắt đầu hướng về Qatar.

Từ năm 2010 được FIFA trao quyền tổ chức World Cup 2022, quốc gia nhỏ bé vùng Vịnh này còn 4 năm để hoàn tất mọi công việc đón ngày hội lớn của bóng đá thế giới với không ít thách thức.

Tiến độ có tiến triển

Người Qatar đang cùng lúc phải chạy đua với thời gian, đồng thời phải vượt qua thách thức bối cảnh địa chính trị khu vực ngày thêm căng thẳng cũng như những chỉ trích, tranh cãi không ngớt xung quanh các công việc chuẩn bị hay việc được trao quyền tổ chức sự kiện.

Điều trước tiên có thể nói, cho dù đang bị đẩy vào hoàn cảnh cô lập ngoại giao chưa từng có, Qatar vẫn đang hối hả với các công trường sân vận động, khách sạn, hạ tầng cơ sở sao cho kịp thời hạn đón một kỳ World Cup hoành tráng, khác thường nhất từ trước tới nay.
Cách đây một năm, bộ trưởng Tài Chính Ali Cherif Al-Emadi đã tuyên bố : « Chúng tôi không muốn phải quét lớp sơn cuối cùng khi các cổ động viên tới đất nước chúng tôi ».

Để chuẩn bị cho kỳ Cúp thế giới lịch sử đối với cả khu vực, Qatar đã không tiếc tiền của.
Tính trung bình, mỗi tuần quốc gia vùng Vịnh này chi tiêu khoảng 500 triệu đô la cho hệ thống cơ sở hạ tầng phục vụ World Cup.
Còn 4 năm rưỡi nữa đến ngày khai hội, trên 8 sân vận động phải được xây mới và nâng cấp, sân Khalifa International Stadium ở Doha đã có thể đi vào hoạt động.

Đây sẽ là địa điểm đón giải Vô địch Điền Kinh Thế giới vào tháng 10/2019.
Hai sân khác là Al-Wakrah và Al Bayt sẽ được hoàn thiện cuối năm nay và chính thức khánh thành trong năm 2019.

Tiến độ công trình cũng được bảo đảm ở sân vận động chính Lusail Stadium, có sức chứa 80 nghìn người và sẽ là nơi diễn ra trận khai mạc và chung kết Cúp thế giới. Các công trình xây dựng trong thành phố Doha cũng tiến triển tốt.

Tuyến đường tàu điện ngầm đầu tiên có giá trị đầu tư 36 tỷ đô la sẽ được đưa vào hoạt động trong năm 2019 và nhiều tuyến đường ô tô, khách sạn, viện bảo tàng, những khu phố mới và đặc biệt dự án khổng lồ xây mới hoàn toàn thành phố Lusail rộng 35 km2, với kinh phí 45 tỷ đô la, đã bắt đầu thành hình.

Bị các láng giềng bao vây cô lập

Công việc đang có vẻ trôi chảy thì cách đây 13 tháng, Ả Rập Xê Út, Tiểu Vương Quốc Ả Rập Thống Nhất cùng các đồng minh đã cắt quan hệ ngoại giao, bao vây cô lập Qatar.
Sự cố này đã làm dấy lên lại nghi ngại của giới bóng đá không biết liệu nước chủ nhà World Cup 2022 có khả năng bảo đảm thời hạn bàn giao các công trình hay không. Tuy nhiên, vương quốc nhỏ bé nhưng rất giàu có này đã chứng tỏ họ vẫn còn dư nguồn lực.

Cấm vận của các láng giềng đối với Qatar, áp dụng từ ngày 05/06/2017, đã làm gián đoạn nguồn cung ứng vật tư từ các quốc gia trong vùng, đặc biệt là Ả Rập Xê Út, nhưng Qatar đã nhanh chóng tìm được giải pháp thay thế, bằng cách nhập hàng từ Malaysia và Trung Quốc.

Khi có ý kiến nói rằng vương quốc này không có đủ 60 nghìn phòng khách sạn đạt chuẩn của FIFA, Qatar cam đoan đủ khả năng đón tiếp khoảng 1,5 triệu cổ động viên bằng cách huy động khách sạn, các nhà ở qua hệ thống Airbnb, các lều trại và cả du thuyền để đón khách.
Với các đội bóng, người ta vẫn còn chưa biết liệu họ có được ở bên trong nước chủ nhà hay không, vì Qatar có lãnh thổ quá hẹp.

Để hỗ trợ Qatar, Iran đã đề nghị đón một số đội tuyển trên đảo Kish, nằm đối diện với nước chủ nhà.
 Có điều đáng phải tính toán trong chuyện này là đến giờ FIFA vẫn chưa quyết định sẽ cho 32 hay 48 đội dự World Cup 2022.
Một bộ phận khác không thể thiếu trong ngày hội bóng đá thế giới là các khu fan zone.

 Qatar là nước Hồi Giáo bảo thủ, việc dùng rượu vẫn bị hạn chế. Vậy sẽ quản lý thế nào với khu vực tập trung đông các cổ động viên bóng đá mà bia rượu là một trong những thứ không thể thiếu được.

Một vấn đề luôn là mối lo của bất kỳ nước chủ nhà World Cup nào là an ninh. Từ trật tự sinh hoạt của du khách, nạn côn đồ bóng đá cho đến khủng bố...
Liệu một quốc gia nhỏ như Qatar, dân cư thưa thớt có đủ lực lượng để bảm đảm an ninh trên quy mô lớn hay không ?

Nước chủ nhà hứa sẽ gọi cả lực lượng giữ gìn trật tự của nước ngoài tới để bảo đảm có một kỳ Cúp thế giới an toàn nhất lịch sử.
Qatar sẽ huy động cả các chiến đấu cơ mua 8 tỷ đô la của Anh năm ngoái vào việc tuần tra trên không trong thời gian diễn ra sự kiện.

Các tranh cãi, tố cáo vẫn chưa ngừng

Con đường dẫn tới Cúp bóng đá thế giới lần thứ 22 tại Qatar đang rút ngắn dần, thế nhưng đó không phải là con đường bằng phẳng.
 Đây là kỳ World Cúp gây nhiều tranh cãi nhất ngay từ khi Qatar được chọn là nước tổ chức.
Cho đến giờ nhiều đám mây vẫn còn phủ trên bầu trời nước chủ nhà ngày hội bóng đá thế giới.

Cúp bóng đá thế giới 2022 được FIFA trao cho Qatar vào thời điểm mà làng bóng đá thế giới nằm trong tay hai nhân vật đầy quyền lực Sepp Blatter, chủ tịch FIFA và Michel Platini, chủ tịch Liên Đoàn Bóng Đá Châu Âu (UEFA).

Sau đó không lâu, năm 2015 cả hai nhân vật này đã bị văng khỏi cuộc chơi cùng lúc với vụ bê bối tham nhũng bị phanh phui khiến một nửa thành viên ban điều hành định chế quản lý bóng đá thế giới, những người đã bỏ phiếu chọn Qatar, bị liên lụy, dính án.

Vụ đại án ở FIFA vẫn còn chưa kết thúc và nó chỉ làm tăng thêm hoài nghi có tham nhũng vào việc bầu chọn các nước chủ nhà của World Cup, trong đó có Nga và Qatar.
Thực tế là báo chí phương tây đã liên tiếp tung ra những phát giác liên quan đến những dấu hiệu không bình thường trong việc chọn trao quyền đăng cai Cúp thế giới lần thứ 22 cho Qatar.

Trong khi đó, các tổ chức phí chính phủ, đặc biệt là Ân Xá Quốc Tế (Amnesty International), thì công khai tấn công vào khía cạnh khác: tình trạng bóc lột, ngược đãi các lao động nhập cư tại những công trường phục vụ World Cup 2022.
Nước chủ nhà của một sự kiện thể thao đầy tính nhân văn, quảng đại này lại bị tố cáo là đối xử với người lao động như « nô lệ thời hiện đại ».

Qatar đã nhiều lần hứa sẽ triển khai hệ thống pháp luật về lao động mới nhằm sửa chữa những sai sót.
Tuy nhiên cách đây ít ngày, Amnesty International đã khẳng định việc bảo vệ quyền của người lao động nhập cư tại Qatar vẫn không được cải thiện, cho dù đất nước này đã ký hai thỏa ước liên quan đến nhân quyền.

Một đất nước nhỏ bé nằm lọt trong sa mạc nắng cháy, không có một chút truyền thống bóng đá, lại là chủ nhà của ngày hội bóng đá lớn nhất hành tinh đã là điều khiên cưỡng.
Vì mùa hè quá nóng, cho nên các cuộc thi đấu được FIFA và nước chủ nhà cố ép chuyển sang từ ngày 21/11 đến 18/12/2022.

Đây thực sự là trái khoáy, nhất là khi lịch thi đấu này trùng vào thời điểm các giải vô địch bóng đá châu Âu đang ở vào giai đoạn chạy đua cuối cùng.
 Như vậy FIFA sẽ phải thương lượng đền bù rất phúc tạp với các câu lạc bộ liên quan.
Qatar đang phải đối mặt với rất nhiều vấn đề cùng lúc để có được World Cup 2020, trong khi mà bên ngoài các tiếng nói kêu gọi tẩy chay vẫn không lắng xuống.

4 năm còn lại sẽ là cuộc chạy đua với thời gian và vượt chướng ngại vật của quốc gia vùng Vịnh này.

Switch mode views: