Tài liệu cũ của Saigon Echo
từ 2008 - 2012
Play
 
Giám Đốc: Tiến Sĩ Trần An Bài
  • Font size:
  • Decrease
  • Reset
  • Increase

Trung Quốc bành trướng ảnh hưởng ở vùng Thái Bình Dương

TQ banh truong

Lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình (T) tiếp Vua Tonga Tupou tại Bắc Kinh, ngày 01/05/2018.
GREG BAKER / AFP

Trung Quốc đang dự trù họp thượng đỉnh với các lãnh đạo những đảo ở Thái Bình Dương, vào lúc mà New Zealand cảnh báo là Bắc Kinh đang tìm cách lấp chỗ trống tại một vùng từ lâu bị bỏ quên.

Theo thông báo của thủ tướng Papua New Guinea Peter O’Neil hôm qua, 09/07/2018, nhân chuyến viếng thăm cấp Nhà nước ở Papua New Guinea, chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình muốn họp riêng với lãnh đạo các đảo quốc Thái Bình Dương, trước khi diễn ra hội nghị thượng đỉnh diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) từ 12/11 đến 18/11 năm nay tại Port Moresby, thủ đô Papua New Guinea.

Thủ tướng O’Neil không nói rõ nghị trình cuộc họp, nhưng việc ông Tập Cận Bình họp riêng với lãnh đạo các đảo quốc nhỏ trong vùng Thái Bình Dương chắc chắn sẽ thu hút sự chú ý của hai nước là Úc và New Zealand.

Từ lâu Úc và New Zealand vẫn xem vùng Đại Dương Châu là sân sau của họ, nhưng trong một thập niên qua, Trung Quốc ngày càng gia tăng ảnh hưởng tại khu vực này.
Theo thẩm định của Viện Lowy, Úc, trong khoảng thời gian từ 2006 đến 2016, Bắc Kinh đã cấp tổng cộng 1,78 tỷ đôla cho các đảo quốc nhỏ ở Thái Bình Dương.

Vùng này là nơi quy tụ số đồng minh ít ỏi còn lại của Đài Loan, sau khi Trung Quốc dùng chính sách ngoại giao đôla để lôi kéo về phía mình nhiều nước còn công nhận Trung Hoa Dân Quốc (tức Đài Loan).

Sau nhiều năm án binh bất động, đến năm nay, Úc và New Zealand mới gia tăng đáng kể các khoản viện trợ, mong chiêu dụ trở lại các đảo quốc nhỏ.
Đồng thời hai nước này thông báo các kế hoạch tăng cường tiềm lực quân sự, Úc đầu tư vào máy bay không người lái, New Zealand đặt mua máy bay do thám P-8 Poseidon của Mỹ.

Vào tháng trước, thủ tướng Malcom Turnbull thông báo là Úc sẽ thương lượng một hiệp ước an ninh với Vanuatu, sau khi cách đó hai tháng, báo chí Úc loan tin là Trung Quốc đã thăm dò phản ứng của Vanuatu về khả năng mở một căn cứ quân sự ở đảo quốc Thái Bình Dương này.

Trên đài phát thanh New Zealand hôm nay, quyền thủ tướng Winston Peters báo động là căng thẳng trong khu vực đang gia tăng và những nước khác đang tìm cách lấp chỗ trống tại đây.
Ông Peters không nói « những nước khác » là nước nào, nhưng mới tuần trước, New Zealand vừa công bố một sách trắng về quốc phòng, nêu rõ Trung Quốc là mối đe dọa đối với nước này.

Sách trắng khẳng định, Trung Quốc đang nỗ lực gia tăng ảnh hưởng ở vùng Thái Bình Dương và ghi nhận : « Trung Quốc có quan điểm về nhân quyền và tự do thông tin trái ngược với quan điểm của New Zealand ».

Chính phủ Bắc Kinh, qua lời phát ngôn viên bộ Ngoại Giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh hôm qua đã phản đối nội dung của sách trắng nói trên, yêu cầu New Zealand « sửa chữa những nhận định sai lạc về Trung Quốc ».

Nhưng thủ tướng Peters khẳng định, những gì được nêu là « phản ánh đúng thực tế ».
Thực tế đúng là Trung Quốc đang vươn tay ra toàn thế giới, tiếp tục dùng tiền để mở rộng ảnh hưởng kể cả ở Trung Đông và châu Phi.

Đúng vào ngày hôm nay, phát biểu trước các đại biểu dự diễn đàn Trung Quốc – Các nước Ả Rập, chủ tịch Tập Cận Bình thông báo là Bắc Kinh sẽ cho các quốc gia Ả Rập vay tổng cộng hơn 20 tỷ đôla để giúp những nước này phát triển kinh tế.

Nhân đây cũng xin nhắc lại Trung Quốc đã chọn Djibouti, quốc gia châu Phi thành viên của Liên Đoàn Ả Rập để xây căn cứ quân sự đầu tiên ở nước ngoài.

Switch mode views: