Công nghệ dầu khí Mỹ chao đảo vì bão Harvey
- Thứ Tư, 30 tháng Tám năm 2017 00:38
- Tác Giả: Thanh Hà
Thành phố Houston, Texas, Mỹ : nước dâng cao gần ngập tới mui xe. Ảnh ngày 28/08/2017.
Reuters
Bão Harvey "đổ bộ" vào bang Texas, nhà máy dầu quan trọng nhất của Mỹ.
112 trên tổng số 737 đơn vị sản xuất phải ngưng hoạt động, nhân viên trong khu vực Vịnh Mêhicô phải sơ tán.
Theo thẩm định của cơ quan đặc trách về các vấn đề môi trường và an toàn lao động BSEE 18,94 % các nhà máy sản xuất dầu và hơn 20 % các giàn khoan tại Vịnh Mêhicô bất đắc dĩ phải cho nhân viên tạm nghỉ việc từ chiều thứ Sáu 25/08/2017.
Tập đoàn dầu khí ExxonMobil, Chủ Nhật vừa qua, phải đóng cửa nhà máy lọc dầu ở Baytown và đây cũng là một trong những cơ sở hóa dầu lớn nhất thế giới, với 7.000 nhân viên, cung cấp 584.000 thùng dầu mỗi ngày.
Trước mắt, ExxonMobil chưa thể xác định được thiệt hại tài chính do Harvey, trận bão mạnh nhất thổi vào bang Texas từ 1961 tới nay, gây nên.
Theo thẩm định của ngân hàng Goldman Sachs, các nhà máy lọc dầu trong khu vực này bị thiệt hại nặng hơn cả.
Cụ thể là trong ba ngày qua, khả năng cung cấp của các nhà máy lọc dầu bị giảm đi khoảng 3 triệu thùng/ngày, tương đương với 16,5 % khả năng cung cấp trên toàn quốc.
Tình trạng này có thể còn kéo dài thêm một vài ngày nữa, do bão Harvey di chuyển rất chậm và tới nay vẫn "đóng chốt" trong vùng Vịnh Mêhicô.
Cơ quan tư vấn trong ngành dầu khí WTRG Economics không loại trừ kịch bản thiếu hụt xăng dầu.
Mối lo ngại đó đẩy giá dầu lên cao trong hai ngày đầu tuần 28 và 29/08/2017. Riêng cổ phiếu của các tập đoàn dầu khí và nhất là của các công ty bảo hiểm thì mất giá, kéo theo chỉ số Dow Jones ở New York.
Ngân hàng JP Morgan dự báo thiệt hại do bão Harvey gây nên lên tới 20 tỷ đô la cho ngành bảo hiểm. Để so sánh, năm 2005, bão Katrina gây thiệt hại đến 75 tỷ.
Harvey, rủi ro về khí hậu
Ngoài những tác động đối với ngày dầu khí, bang Texas nói chung và thành phố Houston với 2,3 triệu dân cư nói riêng, đang hứng chịu nhiều thiệt hại kinh tế khác.
Tất cả các sân bay, đường cao tốc tại thành phố lớn thứ tư trên nước Mỹ phải đóng cửa. Bệnh nhân và nhân viên tại hai bệnh viện thành phố phải sơ tán. Hàng ngàn nhân viên cứu hộ, cảnh sát, được huy động.
Theo AFP 12.000 hiến binh của tiểu bang Texas được đặt trong tình trạng báo động, 30.000 người lánh nạn tại các địa điểm an toàn.
Các giới chức tại Houston nói tới một tai họa nghiêm trọng nhất ập tới Hoa Kỳ kể từ sau trận bão Katrina hồi tháng 8/2005, làm hơn 1.800 người thiệt mạng.
Nhìn lại 20 năm qua, Hoa Kỳ trải qua nhiều trận bão nhiệt đới, nghiêm trọng nhất là Katrina, thổi tới các bang Louisiana, Mississipi, Florida và Alabama. 80 % thành phố lớn nhất của tiểu bang Louisiana là New Orleans ngập trong biển nước.
Chỉ một tháng sau Katrina, tháng 9/2005 cơn lốc xoáy Rita thổi tới Vịnh Mêhicô, làm 6 người chết tại Texas và Mississipi.
Bờ biển phía đông bắc của nước Mỹ năm 2012 phải đương đầu với Sandy, 120 người thiệt mạng. 71 tỷ đô la bị bão cuốn trôi.
Tính từ 1994 tới nay, Hoa Kỳ trải qua 8 trận bão nhiệt đới.
Các nhà khoa học ghi nhận, các trận bão xảy ra ngày càng thường xuyên hơn và đây là một trong những dấu hiệu báo động về "rủi ro trái đất bị hâm nóng".
Chuyên gia Michael Mann, đại học Pennsylvania nhìn nhận : không thể vội vã kết luận rằng, mỗi vụ hạn hán hay mỗi trận bão và lũ lụt là hậu quả trực tiếp do hiện tượng khí hậu bị hâm nóng gây ra.
Tuy nhiên, Harvey là một dấu hiệu "cụ thể về rủi ro khí hậu".
Theo nhà khoa học Mỹ này, một số "yếu tố" khiến tình trạng thêm nguy ngập.
Thứ nhất, các chuyên gia đã chứng minh được là nhiệt độ trong không khí và đại dương đang nóng lên. Kèm theo đó, là các trận bão nhiệt đới cấp 4 và cấp 5 ngày càng nhiều.
Thứ hai là do biến đổi khí hậu, trong những năm gần đây, mực nước biển tăng lên thêm 15 cm. Điều đó có nghĩa là khi có bão, các ngọn sóng sẽ cao hơn, với sức tàn phá nghiêm trọng hơn.
Nhà nghiên cứu Michale Mann, đại học Pennsylvania nhắc lại : trong hơn một chục năm, Mỹ trải qua 4 trận bão "ngoại hạng" và ba trong số đó gây thiệt hại về vật chất, tài chính "nghiêm trọng trọng nhất trong lịch sử Hoa Kỳ" : 108 tỷ đô la sau Katrina, 75 tỷ vì Sandy và 37 tỷ vì Ike.
Còn quá sớm để thẩm định một cách chính xác về tác hại bão Harvey đem lại, nhưng các nhà quan sát lưu ý : hậu quả đối với môi trường trận bão nhiệt đới này để lại, có thể đáng quan ngại hơn cả.
Harvey "đánh trúng" vào nhiều cơ sở dầu khí và hóa dầu của bang Texas, một khi nước lũ rút đi, tiểu bang này mới khám phá hết quy mô ô nhiễm đối với môi trường.
Một tờ báo uy tín của Paris không quên nhắc lại ngày 15/08/2017 tổng thống Trump ký sắc lệnh xóa bỏ những quy định dưới thời Barack Obama về việc cấp giấy phép xây dựng tại những vùng đất dễ bị ngập lụt.
Mười ngày sau, bão Harvey kéo theo mưa lũ nhận chìm những vùng đất có rủi ro cao nhất tại bang Texas.
Vốn không tin vào tác động của biến đổi khí hậu đối với nhân loại, liệu rằng sau chuyến thị sát tại Texas, tổng thống Trump có thay đổi quan điểm về hồ sơ này hay không ?
Harvey khúc dạo đầu của những mùa bão lớn ?
Theo một nghiên cứu của đại học Toulouse, miền nam nước Pháp, cho tới năm 1970, do không có đủ phương tiện - chủ yếu là hình ảnh vệ tinh, các nhà khoa học không thể đưa ra những kết luận đầy đủ về mật độ của các cơn lốc xoáy trong toàn thế kỷ 20.
Chỉ biết là từ năm 1995, lốc xoáy trong khu vực phía bắc Đại Tây Dương ngày càng thường xảy ra nhiều hơn, nhưng giới khoa học không dám khẳng định, đấy là những hiện tượng tự nhiên hay do biến đổi khí hậu gây ra.
Trong vùng tây bắc Thái Bình Dương, trong gần ba thập niên, tính từ 1980 đến 2010, dường như các trận bão lớn thưa hơn so với trước.
Bước sang thế kỷ 21, các nhà nghiên cứu sử dụng các phương tiện khoa học hiện đại để đi đến kết luận : dường như là thế giới ít bị bão hơn, nhưng mỗi đợt thiên tai, hậu quả lại thảm khốc hơn.
Chuyên gia Valérie Masson Delmotte thuộc nhóm nghiên cứu GIEC của Liên Hiệp Quốc chốt lại : nước biển càng được hâm nóng và độ ẩm càng cao thì bão càng lớn. Cả hai yếu tố kể trên đều do hiệu ứng nhà kính gây ra.
Trong mắt nhà khoa học Oppenheimer, đại học Princeton, Harvey là một "tín hiệu báo động". Nhiệt độ trên trái đất nóng thêm 1 độ C, lượng nước mưa trút xuống trong mỗi trận bão sẽ tăng thêm 7 %.
Tin mới
- Biển Đông : Hoa Kỳ muốn tuần tra đều đặn hơn - 02/09/2017 14:26
- Điểm Báo Pháp Quốc Ngày 01- 09-2017 - 01/09/2017 23:19
- Paris cảnh báo khả năng tên lửa Bình Nhưỡng - 01/09/2017 20:54
- Điểm Báo Pháp Quốc Ngày 31- 08-2017 - 31/08/2017 22:19
- Gián điệp mạng Trung Quốc mở rộng tấn công Việt Nam - 31/08/2017 20:11
- Các nhà đối lập Việt Nam thách thức chính quyền trên Facebook - 31/08/2017 20:04
- Tổng thống Mỹ tới Texas để đánh giá thiệt hại do bão Harvey - 31/08/2017 01:43
- Đôla không còn được xem là ngoại tệ có giá trị bảo đảm - 31/08/2017 01:35
- Điểm Báo Pháp Quốc Ngày 30- 08-2017 - 31/08/2017 00:50
- Bắc Triều Tiên tuyên bố sẽ thử thêm nhiều tên lửa - 30/08/2017 17:33
Các tin khác
- Tấn công tự sát gần sứ quán Mỹ ở Afghanistan - 29/08/2017 23:30
- Điểm Báo Pháp Quốc Ngày 29- 08-2017 - 29/08/2017 19:16
- Kinh tế Hoa Kỳ có thể bị suy trầm ? - 29/08/2017 15:52
- Làm thế nào ngăn chặn hỏa tiễn Bắc Triều Tiên ? - 29/08/2017 15:39
- Tokyo báo động vì hỏa tiễn Bắc Triều Tiên bay qua lãnh thổ Nhật - 29/08/2017 14:45
- Điểm Báo Pháp Quốc Ngày 28- 08-2017 - 28/08/2017 19:46
- Tên lửa BrahMos, vũ khí răn đe của Việt Nam với Trung Quốc - 28/08/2017 16:16
- Houston lụt lớn vì bão Harvey, giải cứu hàng trăm người - 28/08/2017 00:30
- Lần đầu tiên Mỹ chính thức công nhận chủ quyền Biển Đông của VN khiến TQ bẽ mặt - 27/08/2017 23:45
- Nga : Biểu tình chống kiểm duyệt internet tại Matxcơva - 27/08/2017 22:26