Tài liệu cũ của Saigon Echo
từ 2008 - 2012
Play
 
Giám Đốc: Tiến Sĩ Trần An Bài
  • Font size:
  • Decrease
  • Reset
  • Increase

Nhật thực toàn phần tại Mỹ : Một phút ngắn ngủi, hàng triệu người mê

solar-eclipse-usa-tourism


Đường di chuyển của nhật thực tại Mỹ ngày 21/08/2017 trên một áo t-shirt, bán tại thành phố Orgeon.
REUTERS/Jane Ross/File Photo

Ngày mai, 21/08/2017, trên toàn nước Mỹ sẽ diễn ra đợt nhật thực toàn phần hy hữu, đợt đầu tiên trên toàn nước Mỹ kể từ 99 năm nay.
Hiện tượng thiên nhiên kỳ thú này hấp dẫn người ta vì nhiều lý do.

Nếu như các nhà thiên văn thấy ở đây một cơ hội hiếm có để trắc nghiệm các lý thuyết khoa học, đối với nhiều người đây là dịp để chiêm nghiệm về sự vĩ đại của vũ trụ.
Riêng nền kinh tế Hoa Kỳ bị tổn thất ước tính 590 triệu euro do người lao động đồng loạt nghỉ làm để xem nhật thực.

Kể từ khoảng 10 giờ, giờ địa phương, tức 17 giờ, giờ quốc tế, Orgeon - ở miền tây - sẽ là thành phố đầu tiên trên đất Hoa Kỳ chứng kiến nguyệt thực, theo NASA.
Nhật thực sẽ di chuyển từ tây sang đông, xuyên qua 14 tiểu bang, với bề ngang khoảng 113 km. Cả trăm triệu người dự kiến sẽ chứng kiến hiện tượng này.

Nên vợ, nên chồng nhờ nhật thực

Trả lời AFP, nhà vật lý thiên văn Fred Espenak, từng làm việc cho NASA, nay đã nghỉ hưu, cho biết đây là một hiện tượng « không thể tưởng tượng nổi, mang lại biết bao ấn tượng ».
Người ta gọi Fred Espenak là « ông Nhật Thực », bởi Fred Espenak từng chứng kiến hiện tượng này 20 lần.

Theo ông, không lần nào là giống lần nào : từ bóng tối đột ngột ập đến giữa lúc bầu trời đang đầy ánh nắng, đến tiếng kêu xáo xác của chim chóc vội về tổ, nhiệt độ tụt xuống nhanh chóng…

Lần đáng nhớ nhất đối với nhà thiên văn là năm 1995, khi ông tham gia quan sát tại Ấn Độ, trong một đoàn 35 người. Một phụ nữ đã bật khóc. Hai mươi lăm năm chờ đợi để được chứng kiến trong 41 giây kỳ lạ này. Hai người phải lòng nhật thực đã trở thành vợ chồng.

Ngày mai, ngày « Đại Nhật Thực của nước Mỹ », Fred Espenak dự kiến sẽ tới Wyoming, với 17 máy ảnh. Nhưng lời khuyên của ông với mọi người, là « hãy quan sát, hãy tận hưởng, đơn giản như vậy ! Có rất nhiều thứ để quan sát ! ».
Đối với một người bình thường, nhật thực kéo dài khoảng một đến hai phút là tối đa.

Cho đến nay, người lập kỷ lục về thời gian là Donald Liebenberg, với 1 giờ 14 phút chứng kiến nhật thực toàn phần, nhờ được ngồi trên phi cơ Concorde siêu thanh.
Ngày mai sẽ là dịp thứ 27, Donald Liebenberg xem nhật thực, lần này ngay tại chính nhà ông.

Nhật thực năm 1919 xác nhận giả thuyết "ánh sáng bị bẻ cong"

Đối với các nhà thiên văn, nhật thực là một cơ hội hy hữu.
Năm 1868, hai nhà khoa học Pháp, Jules Janssen và Anh, Norman Lockyer, đã gần như đồng thời phát hiện ra nguyên tử Helium, nhờ quan sát nhật thực qua một kính quang phổ.

Nhà thiên văn Pascal Descamps (Đài Thiên Văn Paris) kể lại, ngày 19/05/1919, nhờ một đợt nhật thực dài đến 7 phút mà những dự báo của Albert Einstein, trong Lý thuyết Tương đối Tổng quát, được đưa ra trước đó bốn năm, đã được chứng minh.
Theo Einstein, ánh sáng bị bẻ cong khi đi sát một thiên thể lớn như Mặt trời hay nói cách khác là có « sự biến dạng của không-thời gian ».

Nhà vật lý thiên văn Anh Arthur Eddington đã cử hai ê kíp đến Brazil và đến đảo Principe ở châu Phi để đo lường vị trí các ngôi sao nằm gần Mặt trời vào thời điểm nhật thực.
Tiếp theo đó, ông so sánh các dữ kiện mới thu được với các bức ảnh chụp sao trước đó. Sự khác biệt chứng minh điều Einstein dự báo.

Trung bình mỗi người làm việc sẽ có 20 phút xem nhật thực

Trở lại với đợt nhật thực năm nay, theo thống kê của cơ quan Lao Động Mỹ, ngày mai, khoảng 87 triệu người - trong tổng số 123 triệu người sẽ làm việc tại Hoa Kỳ vào giờ phút xảy ra nhật thực - sẽ có khoảng 20 phút để nghỉ giữa giờ xem nhật thực.

Tính trung bình mỗi lao động nghỉ làm mất 6,76 euro, tổng cộng là 588 triệu thiệt hại cho nền kinh tế.
Tuy nhiên, dự báo này chưa tính đến các mất mát do lãng trí, và như vậy kém hiệu quả hơn trong phần còn lại của ngày.

Dù sao, đối với các chuyên gia, thiệt hại này là không đáng kể, so với các sự kiện như giải vô địch bóng đá Mỹ Superbowl (khiến mỗi giờ thiệt hại khoảng 1,5 tỉ euro) hay giải vô địch bóng rổ đại học Mỹ (March Madness) (hơn 500 triệu euro/giờ).

AFP khép lại bài phóng sự với tâm sự của nhà thiên văn Fred Espenak.
Theo ông, chứng kiến cảnh tượng này sẽ mang lại cho bạn một cảm nhận vô cùng đặc biệt, không thể có được bằng cách nào khác : đó là cảm thấy « chúng ta thật là vô nghĩa trong vũ trụ vĩ đại ».
Đây là « một bài học lớn về sự khiêm nhường ».

Switch mode views: