Điểm Báo Pháp Quốc Ngày 15- 08-2017
- Thứ Ba, 15 tháng Tám năm 2017 16:04
- Tác Giả: Thu Hằng
Nước Ý cuốn theo "giấc mộng Trung Hoa"
Con đường tơ lụa trên bộ và trên biển.
NASA/Goddard Space Flight Center/Wikipedia
Trong số cuối của loạt bài nói về Con Đường Tơ Lụa Mới của Bắc Kinh, Le Monde (15/08/2017) nói đến « Tham vọng của Trung Quốc và giấc mơ của Ý ».
Từ một thành phố trung bình của Ý, nằm cách Milan khoảng 1 giờ tầu hỏa, Mortara trở nên sôi động từ vài tháng gần đây vì nhà ga thành phố, một trạm vận tải có quy mô lớn của Ý, sẽ được mở rộng thêm, vì Mortara được tập đoàn Changjiu Group chọn là ga cuối của những chuyến tầu đến từ Trung Quốc.
Theo phát biểu ngày 05/06 của đại diện nhà ga, « đây là món quà từ trên trời rơi xuống với thành phố ».
Ngay mùa Thu 2017, mỗi tuần sẽ có hai chuyến tầu từ Thành Đô (Chengdu), thuộc tỉnh Tứ Xuyên (Sichuan) vượt qua 10.800 km trong vòng 18 ngày để đến Mortara, thuộc vùng Lombardia.
Năm 2018 sẽ có 3 chuyến mỗi tuần và sau đó sẽ nâng lên khoảng 10 chuyến.
Từ hàng xa xỉ đến danh lam thắng cảnh, từ rượu vang đến ẩm thực, Ý có đủ điều điện để thu hút giới nhà giầu Trung Quốc. Đây cũng là một trong những giải pháp giúp Ý thoát khỏi hai thập niên khủng hoảng và trì trệ.
Ngoài một kỷ niệm buồn vào năm 2014 khi một nhà đầu tư Thượng Hải, mua lại câu lạc bộ bóng đá Pavie của Mortara hai năm trước đó, « ra đi » với gần 1 triệu euro nợ thuế, nước Ý nói chung và vùng Milan nói riêng thu hút lượng đầu tư đáng kể của Trung Quốc trong những năm gần đây.
Nguyên nhân được Andrea Goldstein, kinh tế gia người Ý, nêu lên là quốc gia Nam Âu này « là cánh cửa lý tưởng để đặt chân vào Liên Hiệp Châu Âu ».
Le Monde nhắc lại một vài thương vụ lớn, như công ty sản xuất lốp Pirelli được chuyển nhượng năm 2015 cho tập đoàn ChemChina của nhà nước Trung Quốc.
Trên quy mô nhỏ hơn, phải kể đến vụ sáp nhập năm 2008 của Cifa, nhà sản xuất máy trộn bê tông hay Krizia trong lĩnh vực thời trang vào năm 2014.
Kín đáo hơn, Trung Quốc còn có cổ phần trong nhiều cơ quan hạ tầng năng lượng (Snam và Terna) hay các doanh nghiệp điều hành đường cao tốc.
Trong lĩnh vực thể thao, vụ hai câu lạc bộ bóng đá lớn Inter Milan (thuộc gia đình Moratti) và Milan AC (thuộc nhà tỉ phú-cựu thủ tướng Ý Berlusconi) được chuyển nhượng cho Trung Quốc vẫn còn gây sốc.
Ngoài ra, thành phố Milan chọn một doanh nghiệp Thượng Hải để cung cấp hệ thống dịch vụ dùng chung xe đạp.
Hệ thống hiện đại này hoạt động kết nối thông qua điện thoại di động mà không cần trạm giữ cố định với khoảng 12.000 xe được đưa vào phục vụ ngày tháng 10/2017.
Từ khi nhậm chức năm 2016, thị trưởng Milan liên tục đến Trung Quốc để thắt chặt quan hệ với các nhà đầu tư quan trọng của nước này. Có thể nói, Ý tìm mọi cách để không bị loại khỏi « Con Đường Tơ Lụa Mới » đang được hình thành.
Ngoài thành phố Milan và cảng đường sắt khổng lồ Mortara nằm trong vị trí lý tưởng, thủ đô Roma cũng muốn trở thành cửa ngõ chính dẫn vào châu Âu bằng đường hàng hải.
Ngoài ra, phải kể đến Trieste, nằm ở cửa ngõ Trung Âu, và Venice, thành phố của nhà thám hiểm Marco Polo.
Tham vọng của Venice là đón những tầu biển khổng lồ từ Trung Quốc tại cảng Porto Marghera.
Thậm chí, thị trưởng Luigi Brugnaro còn muốn biến Venice thành « Dubai của châu Âu trong vòng 20 năm tới ».
Để ca ngợi tình hữu nghị Ý-Trung, Bắc Kinh đã mở Viện Khổng Tử tại quê hương Macerata của nhà truyền giáo nổi tiếng Matteo Ricci hồi thế kỷ XVII.
Tây Tạng : vết thương của những mỏ khai thác lithium
Tỉnh Tứ Xuyên, nơi xuất phát của đoàn tầu sang châu Âu, cũng bị cuốn theo vào quá trình phát triển kinh tế của Trung Quốc.
Jiajika, nằm trên cao nguyên Garzê ở Tây Tạng, thuộc tỉnh Tứ Xuyên, là mỏ quặng spodumene lớn nhất châu Á, từ khoáng chất này có thể chiết xuất được chất lithium để sản xuất pin tái sử dụng.
Hiện hai tập đoàn Rongda và Tianqi đã có mặt tại Jiajika.
Nếu như mỏ Tianqi vẫn đang trong quá trình xây dựng, thì chỉ riêng mỏ Rongda, bắt đầu khai thác, đã gây ra hai đợt ô nhiễm nghiêm trọng vào năm 2013 và 2016.
Theo một thanh niên Tây Tạng trả lời phóng viên của Le Monde, « dòng sông trở nên đen đặc, bốc mùi hôi thối và rất nhiều bò Tây Tạng lăn ra chết vì uống nước sông, hay chỉ giẫm chân vào nước. Ngoài ra, cũng có rất nhiều cá bị chết ».
Vấn đề ô nhiễm mỏ khiến người dân Tây Tạng bức xúc, cũng như chương trình phát triển ồ ạt mà Bắc Kinh cho triển khai ở các vùng chống lại ảnh hưởng của chính quyền trung ương.
Khi sự cố xảy ra, người dân đổ cá chết ra đường để phản đối. Chính quyền điều đình, rồi triển khai cảnh sát bán quân sự.
Chính quyền địa phương hứa sẽ ra văn bản đình chỉ hoạt động của mỏ Rongda ''vì gây nhiễm độc '', nhưng đến giờ, vẫn không ai giải thích được chất gì đã gây ô nhiễm nguồn nước.
Trong khi đó, các nhà quản lý tập đoàn Rongdan vẫn khẳng định « đó là hành động ác ý » không phải do Rongda gây ra và « một cuộc điều tra đang được tiến hành ». Cũng trong năm 2016, học sinh của một trường tiểu học bị ngộ độc vì nước, nhưng các bậc phụ huynh bị bịt miệng về vụ việc này.
Với trữ lượng khoảng 1,88 triệu tấn lithium, mỏ Jiajika chắc chắn còn tương lai trước mắt. Thậm chí, đầu năm 2017, chính quyền Garzê còn tuyên bố thủ phủ Lhagang sẽ trở thành « thủ đô lithium của Trung Quốc ».
Dù khoảng 1,2 triệu dân địa phương (trong đó 70% là người Tây Tạng) được hưởng lợi một phần từ sự phát triển kinh tế, nhưng chính quyền trung ương có vẻ ít quan tâm đến việc giảm bớt hay hiểu rõ hơn về những xáo trộn của những thay đổi đến con người và môi trường tại Tây Tạng.
Venezuela : « Phong trào kháng chiến » giữa thất vọng và cực đoan
Từ ngày 04/08/2017, không có thêm bất kỳ cuộc tuần hành nào phản đối chính quyền Nicolas Maduro và phe đối lập đang tìm chiến lược mới.
Chính điều này lại khiến những thanh niên « kháng chiến » Venezuela có cảm giác bị phe đối lập phản bội.
Với rất nhiều thanh niên tham gia « Resistencia », họ « không còn đường quay lại và sẽ không bao giờ từ bỏ đấu tranh. Và khi cần, sẽ có cả vũ khí ».
Nhiều người trong số họ phải ngủ ngoài đường, bới đồ ăn thừa trong thùng rác các nhà hàng. Thậm chí, gia đình của một thanh niên « kháng chiến » chết đói trong một khu ổ chuột ở phía tây thành phố. Cảm giác tổn thương vì bị bỏ rơi, họ nói không còn gì để mất.
Tuy nhiên, hành động bạo lực của nhưng thanh niên này lại bị đánh giá là bôi nhọ hình ảnh phong trào đối lập. Thêm vào đó, các cuộc trấn áp của chính phủ cũng khiến một bộ phận thanh niên « kháng chiến » ôn hòa nhất rơi vào tình trạng thất vọng, còn một bộ phận khác bị đẩy theo con đường cực đoan.
Chính vì vậy, một nhà đấu tranh đối lập cho rằng nhiệm vụ khó khăn nhất lúc này là « thuyết phục được » những thanh niên đang bị nhiệt huyết chi phối, đang bị phe đối lập làm thất vọng cũng như bị chính phủ bóp nghẹt.
Ngân hàng châu Âu : Bản đồ mới thời hậu Brexit
Theo chương trình, Anh Quốc sẽ chính thức rời khỏi Liên Hiệp Châu Âu vào cuối tháng 03/2019. Dù các cuộc thương lượng giữa Luân Đôn và Bruxelles đã được bắt đầu, thì vẫn không ai biết liệu hai bên có đạt được một thỏa thuận chung về lĩnh vực tài chính hay không.
Trong bối cảnh này, các ngân hàng bắt đầu tìm cách xin giấy hành nghề tại một nước trong Liên Hiệp Châu Âu.
Le Monde nhận định « Bản đồ địa lý ngân hàng hậu Brexit đang được hình thành ». Frankfurt, Dublin và Amsterdam đang chiếm ưu thế để tiếp nhận một phần khu tài chính Luân Đôn.
Frankfurt là lựa chọn của các ngân hàng Morgan Stanley, Citigroup, Standard Chartered, Nomura, Goldman Sachs, Daiwa, Sumitomo Mitsui…
Dublin thu hút Barclays, ngân hàng Mỹ Bank of America Merrill Lynch.
Amsterdam sẽ là trụ sở của Mitsubishi UFJ và Ngân hàng Hoàng gia Scotland (Royal Bank of Scotland). Bruxelles sẽ là trụ sở châu Âu của Lloyd’s cùng khoảng 100 nhân viên.
Trong khi đó, Paris mới chỉ nhận được duy nhất thông báo của HSBC với khoảng 1.000 việc làm.
Vẫn theo Le Monde, « Paris đang huy động sức lực trong cuộc chiến quyến rũ City ».
Cụ thể, quốc vụ khanh Benjamin Griveaux thuộc bộ Kinh Tế và Tài Chính đã liên tiếp sang Luân Đôn và đến Nhật Bản để vận động các ngân hàng quốc tế đặt trụ sở tại Pháp.
Theo thẩm định của chủ tịch Paris Europlace, Pháp có thể tạo được 10.000 việc làm trực tiếp nhờ Brexit. Ong Griveaux nhấn mạnh : « Thu hút các ngân hàng quốc tế đến Pháp là điểm tốt cho nền kinh tế Pháp, cho ngân sách nhà nước, đồng thời gửi tín hiệu tích cực cho các doanh nghiệp khác trong lĩnh vực công nghiệp và dịch vụ… Không chỉ tận dụng cơ hội Brexit, biến nước Pháp trở nên thu hút hơn còn là chiến lược lâu dài của chính phủ ».
Người dân Tây Ban Nha ngán tình trạng du lịch đại trà
Từ vùng Catalunya đến đảo Balears, phải chăng người Tây Ban Nha ngày càng ghét du lịch ? Trong khi lĩnh vực này chiếm đến 11,2% GDP của đất nước và vừa đạt được kỷ lục mới về số du khách, với hơn 36 triệu người, tăng 11,6% so với năm 2016.
Le Monde nêu trường hợp gần đây nhất xảy ra vào cuối tháng 7/2017, bốn người bịt mặt thuộc hội Arran, một phong trào thanh niên cực tả, bỗng chặn một xe khách du lịch ở Barcelona. Họ rạch lốp xe rồi viết lên tấm kính che gió « Du lịch giết các khu phố ».
Thành viên của phong trào này phản đối « một mô hình du lịch mang lại lợi nhuận cho ít người, nhưng lại làm trầm trọng điều kiện sống của phần đông dân cư ».
Tại Diễn Đàn Kinh Tế Thế Giới Davos, Tây Ban Nha được đánh giá là đất nước cạnh tranh nhất thế giới trong lĩnh vực du lịch nhờ thu hút lượng khách du lịch của Ai Cập, Thổ Nhĩ Kỳ và Tunisia vì an ninh bất ổn.
Ngành du lịch sử dụng đến 13% người ở độ tuổi lao động tại Tây Ban Nha, thậm chí là 20% ở vùng Catalunya, nhưng người lao động lại bị trả lương thấp và phải làm thời vụ, gây cảm giác « một đất nước bồi bàn » như báo chí từng cảnh báo.
Thế nhưng, ngành khách sạn lại cho rằng không nên giết con gà đẻ trứng vàng vì đã giúp Tây Ban Nha thoát khỏi khủng hoảng.
Theo đánh giá của giám đốc TUI, hàng lữ hành số 1 thế giới, trong tương lai gần, Tây Ban Nha sẽ phải cạnh tranh với một số điểm du lịch mới nổi như Cap-Vert và Bulgari.
Trang nhất nhật báo
Ngày 15/08 là lễ Đức Mẹ lên trời, các nhật báo Pháp không phát hành, trừ báo Le Monde ra từ chiều hôm trước.
Trang nhất của Le Monde đặt câu hỏi lớn : « Thế Vận Hội 2024, Paris muốn thổi ngọn đuốc Olympic như thế nào ? » cùng với một hồ sơ riêng nói về những thách thức mà thủ đô của Pháp phải đối mặt để chuẩn bị cho sự kiện thể thao quan trọng này.
Thời sự quốc tế nổi bật vẫn là Venezuela nhưng được Le Monde đề cập dưới khía cạnh « nỗi tuyệt vọng của giới trẻ » và vụ tấn công ở Charlottesvilles.
Theo Le Monde, tổng thống « Trump bị lên án chiều lòng phe cực hữu ».
Tin mới
- Du ngoạn sông Seine giá rẻ với Batobus - 18/08/2017 23:27
- Biển Đông : Trung Quốc chuẩn bị chiến dịch lấn chiếm tại khu vực đảo Thị Tứ ? - 18/08/2017 22:26
- Tây Ban Nha : Tấn công khủng bố tại Barcelona và Cambrils - 18/08/2017 20:43
- Pháp : Đệ nhất phu nhân Brigitte lần đầu tiên trả lời báo chí - 17/08/2017 22:32
- Điểm Báo Pháp Quốc Ngày 17- 08-2017 - 17/08/2017 22:25
- Quân đội Trung Quốc chỉ trích Mỹ về Đài Loan và Biển Đông - 17/08/2017 21:36
- Mỹ, Canada và Mêhicô tái đàm phán hiệp định NAFTA - 16/08/2017 23:39
- Mỹ Trung đạt thỏa thuận vể giảm nguy cơ va chạm do hiểu lầm - 16/08/2017 17:46
- Trung Quốc đẩy nhanh dự án nhà máy điện hạt nhân nổi ở Biển Đông - 16/08/2017 17:25
- Nga lại loan báo phá vỡ âm mưu đánh bom tự sát ở Matxcơva - 15/08/2017 19:04
Các tin khác
- Trung Quốc dọa trả đũa do bị Mỹ điều tra về sở hữu trí tuệ - 15/08/2017 14:40
- Thuyền nhân : Ý hoan nghênh Libya cấm các NGO can thiệp - 14/08/2017 23:19
- Lực lượng Mỹ có thể dùng để trị Bắc Triều Tiên hùng hậu ra sao ? - 14/08/2017 22:14
- Pakistan kỉ niệm 70 năm tách khỏi Ấn Độ trong không khí căng thẳng - 14/08/2017 20:56
- Điểm Báo Pháp Quốc Ngày 14-08-2017 - 14/08/2017 20:45
- Biển Đông: Tàu khoan dầu nước ngoài rời Việt Nam do căng thẳng với Trung Quốc - 14/08/2017 16:53
- Người dân đảo Guam cầu nguyện vì hòa bình - 14/08/2017 05:04
- Bạo động chết người ở Virginia, phản ứng của TT Mỹ gây tranh cãi - 14/08/2017 00:15
- Điểm Báo Pháp Quốc Ngày 12-08-2017 - 12/08/2017 20:49
- Trợ giá gạo cho nông dân, cựu thủ tướng Thái Lan « gánh họa » - 12/08/2017 15:25