Tài liệu cũ của Saigon Echo
từ 2008 - 2012
Play
 
Giám Đốc: Tiến Sĩ Trần An Bài
  • Font size:
  • Decrease
  • Reset
  • Increase

Tổng thống Pháp: Siêu nguyên thủ ở châu Âu

bureau palais de lelysee

Phòng làm việc của tổng thống Pháp tại điện Elysée.Wikimedia by Leurent.t

Ngày Chủ Nhật 07/05/2017, hơn 66% cử tri Pháp đã quyết định chọn Emmanuel Macron, 39 tuổi, lãnh đạo phong trào trung dung En Marche! (Tiến Bước!), làm tổng thống thứ 8 của nước Cộng Hòa Pháp.

 Đây cũng là vị tổng thống trẻ tuổi nhất từ 58 năm qua. Cũng giống như những người tiền nhiệm, tân tổng thống Pháp vẫn là người có nhiều quyền lực nhất, khác hẳn với các đồng nhiệm châu Âu, vốn dĩ không mấy hài lòng giữ một chức vụ danh dự.

Vậy tổng thống Pháp có những quyền lực quan trọng gì ?

 Ngoài giai đoạn « chung cư » (cohabitation), tức là tổng thống và đa số tại Quốc Hội không cùng một chính đảng, nguyên thủ Pháp thực sự là người lãnh đạo hành pháp, điều này làm cho nước Pháp trở thành một trường hợp ngoại lệ hiến định tại châu Âu.

Còn tại các nước láng giềng châu Âu, cho dù đó là vua, nữ hoàng hay tổng thống, các vị này không phải lúc nào cũng chỉ đóng vai trò biểu tượng.

Trên đài RFI Pháp ngữ, nhà báo Daniel Vigneron, phụ trách trang mạng MyEurope.info, có giải thích rằng, việc tổng thống Pháp được bầu theo thể thức phổ thông đầu phiếu trực tiếp chưa hẳn là lý do làm cho nguyên thủ Pháp khác biệt với các đồng nhiệm khác ở châu Âu.

« Trong Liên Hiệp Châu Âu, có 12 trong số 21 tổng thống được bầu theo phương thức phổ thông đầu phiếu trực tiếp. Ngoài nước Pháp, đó là trường hợp của Phần Lan, Ailen, Bồ Đào Nha, Áo, Ba Lan, Rumani, Bulgari, Litva, Slovenia, Croatia và Chypre.

 Phương thức bầu cử phổ thông đầu phiếu giúp cho các vị tổng thống có tính chính đáng mà toàn thể người dân trao cho họ ».

Những quyền hành quan trọng

Tại những nước đó, tổng thống tuy cũng được bầu theo phương thức phổ thông đầu phiếu, mang lại cho họ tính chính đáng nhưng họ lại không có được nhiều quyền hành như tổng thống Pháp, ngoài một số quyền riêng biệt giống với nguyên thủ Pháp như chức tổng tư lệnh quân đội, quyền chỉ định thủ tướng, thậm chí quyền ân xá.

« Tổng thống Pháp có ba loại đặc quyền mà không một đồng nhiệm nào tại châu Âu có cả :
Trước tiên, ông có quyền một mình quyết định việc sử dụng vũ khí nguyên tử.
 Thứ hai, ông đàm phán các hiệp định quốc tế và là người đứng đầu phái đoàn Pháp trong các cuộc gặp quốc tế.
Cuối cùng, tổng thống Pháp có toàn quyền giải tán Quốc Hội sau khi trao đổi, tham khảo ý kiến của thủ tướng. Đây là đặc quyền của tổng thống Pháp mà không một nguyên thủ nào ở châu Âu có ».

Quyền lực hạn chế khi phải « chung cư »

Đó là lúc tổng thống có đa số của mình ở Quốc Hội. Trong trường hợp « chung cư », như đã trình bày ở trên, thì khi đó diễn ra hiện tượng đảo chiều quyền lực hành pháp từ tổng thống sang thủ tướng. Nghĩa là, trong tình thế đặc biệt này, thủ tướng có thể hưởng những đặc quyền hiến định không chút ràng buộc và tự chủ trong quan hệ với tổng thống.

Khi đó, quyền hạn của tổng thống sẽ bị hạn chế trong một số lĩnh vực chẳng hạn như không còn quyền bãi miễn thủ tướng hay cách chức một số bộ trưởng.
Có đa số tại Quốc Hội, chính phủ không cùng chính đảng với tổng thống có thể tận dụng cơ hội « chung cư » để thực hiện chương trình chính trị không cùng với các định hướng của tổng thống mà không cần lo lắng gặp phải sự phản đối từ phía điện Elysée.

Trên thực tế, trong giai đoạn « chung cư », tổng thống gần như bị « giam lỏng » với những quyền hành mà Hiến Pháp tháng 10/1958 quy định.
 Do đó, người ta chứng kiến một sự « đảo chiều » quyền lực thật sự trên thượng tầng lãnh đạo, và thủ tướng khi ấy mới thật sự là người điều khiển đất nước.

Tuy nhiên, trên một số lĩnh vực « nhậy cảm » như đối ngoại và quốc phòng, tổng thống vẫn có thể duy trì những đặc quyền hiến định, nhưng vẫn phải thỏa thuận với chính phủ chiếm đa số ở Quốc Hội.

elysee-vertrag

Tổng thống Pháp, Charles de Gaulle và thủ tướng Đức Konrad Adenauer ký kết Hiệp ước Hữu nghị Elysée ngày 22/01/1963, tại phòng Murat, điện Elysée.
Wikimedia

Quyền giải tán Quốc Hội : Một « công cụ » bị hạn chế

Liên quan đến quyền giải tán Quốc Hội, cũng xin nói rõ là tại nhiều nước châu Âu, tổng thống cũng có quyền giải tán Quốc Hội, nhưng quyền này được quy định chặt chẽ và có thể bị ngăn chặn bởi Hiến Pháp hoặc liên minh chính trị, với hậu quả là không thể thành lập được chính phủ.
Đó là trường hợp tại Đức, Ý, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Hungary, Rumani…

Tại Pháp, tổng thống có thể sử dụng quyền này vì những tính toán chính trị.

« Không ở đâu, tổng thống lại có thể quyết định giải tán Quốc Hội tùy theo tính toán, cơ hội chính trị, như tổng thống Pháp Jacques Chirac đã làm vào năm 1997.
Trường hợp ngoại lệ duy nhất và được áp dụng cho đến năm 2000, đó là Phần Lan. Trước thời điểm này, tổng thống Phần Lan gần như có toàn quyền giải tán Quốc Hội.

Từ sau năm 2000, quyền giải tán Quốc Hội này được trao cho thủ tướng, nhưng tổng thống Phần Lan tiếp tục chia sẻ quyền hành pháp với thủ tướng.
Tổng thống Phần Lan vẫn có quyền phủ quyết các đạo luật, quyền đề xuất dự luật để Quốc Hội xem xét và bỏ phiếu và đóng một vai trò đáng kể trong lĩnh vực chính sách đối ngoại.

Tại Bồ Đào Nha, tổng thống có thể giải tán Quốc Hội sau khi tham khảo Hội Đồng Nhà Nước và các đảng phái chính trị.
Tại Ai Len, tổng thống có thể giải tán Quốc Hội theo khuyến nghị của thủ tướng, nhưng ông cũng có thể từ chối lời khuyên này ».

Vai trò trung gian hòa giải giữa các định chế

Vẫn theo nhà báo Daniel Vigneron, tại các nước châu Âu khác, tổng thống không hẳn chỉ có vai trò biểu tượng, danh dự.

« Tại những nước bầu trực tiếp tổng thống, nguyên thủ quốc gia luôn luôn có vai trò tác động đến chính sách đối ngoại và trong trường hợp xẩy ra khủng hoảng nghiêm trọng, tổng thống đóng vai trò hòa giải, tạo thuận lợi giải quyết khủng hoảng.
Đây cũng có thể là trường hợp các nước mà tổng thống do nghị viện bầu ra.

Và đặc biệt là tại Ý, tổng thống có thể áp dụng các quyền được quy định trong Hiến Pháp để xử lý trường hợp chính phủ bị đổ : Tổng thống có thể quyết định cho tổ chức bầu cử trước thời hạn hoặc tìm kiếm tạo dựng một đa số mới tại nghị viện.
Tại Đức, tổng thống có thể giải tán Bundestag (Hạ Viện), nếu định chế này không bầu ra được thủ tướng ».

Quốc vương chưa hẳn là một biểu tượng

Đối với những quốc gia có nguyên thủ là quốc vương kế thừa như tại Anh Quốc, ba nước Bắc Âu, ở Hà Lan, Bỉ hoặc tại Tây Ban Nha, nhà vua hoặc nữ hoàng là một biểu tượng và nhìn chung có vai trò thuần túy đại diện.

« Tại những nước này, khi có khủng hoảng, các nguyên thủ này có những lá bài trong tay.
 Năm 1981, âm mưu đảo chính tại Tây Ban Nha đã bất thành phần lớn nhờ có hành động quyết định của vua Juan Carlos khi ông lên án mạnh mẽ những kẻ làm đảo chính.

Tại Bỉ, nhà vua có thể từ chối ban hành một đạo luật và điều này đã từng xẩy ra. Liên quan đến vương quốc Anh, nữ hoàng có quyền « khuyến khích » hoặc « cảnh cáo ».
Nữ hoàng Anh cũng có vai trò trong trường hợp Hạ Viện có đa số sít sao. Tuy nhiên, nhiệm vụ chính của nữ hoàng là biểu tượng tinh thần ».
Từ những giải thích trên, nhà báo Daniel Vigneron cho rằng so với các đồng nhiệm khác tại châu Âu, nguyên thủ Pháp là tổng thống có nhiều quyền hành nhất.

« Hiển nhiên là như vậy. Do Hiến Pháp hiện nay quy định một chế độ lai ghép, chế độ nghị viện-tổng thống, nguyên thủ Pháp hiển nhiên là tổng thống có nhiều quyền lực nhất so với các đồng nhiệm khác trong Liên Hiệp Châu Âu.

Có một trường hợp tạm gọi là gần như ngoại lệ, đó là Phần Lan : Hiến Pháp nước này dường như chịu ảnh hưởng phần nào bản Hiến Pháp 1958 của Pháp, thế nhưng, ngay sau đó, nước này chuyển sang chế độ nghị viện ».

Kremlin đối thủ cạnh tranh của Elysée

Đấy mới chỉ là so sánh với các nước khác trong khối Liên Hiệp Châu Âu, nhưng, nếu xem xét trên toàn lục địa châu Âu, tổng thống Pháp còn có một đối thủ cạnh tranh khác, thậm chí có nhiều quyền lực hơn, đó chính là tổng thống Nga.
 Bởi vì tổng thống Nga phê chuẩn việc bổ nhiệm bộ trưởng và có thể cách chức các bộ trưởng và cả thủ tướng.

Mặt khác, tổng thống Nga lãnh đạo trực tiếp các bộ « nhậy cảm » như Quốc Phòng, Nội Vụ và Ngoại Giao, định ra các đường hướng chính về đối nội và đối ngoại.
 Trên thực tế, tổng thống Pháp cũng làm như vậy, nhưng những quyền này không được ghi trong Hiến Pháp.

Hơn nữa, tổng thống Vladimir Putin có quyền giải tán Quốc Hội, ban hành các sắc lệnh và thậm chí có quyền phủ quyết các đạo luật đã được nghị viện thông qua.
Tóm lại, đó là một siêu tổng thống được ghi rõ ràng trong Hiến Pháp và đây là điều khác biệt so với Pháp.

Quay trở lại khuôn khổ Liên Hiệp Châu Âu, nguyên thủ các nước thành viên khác có ít quyền hành. Tuy vậy, đây luôn luôn là những nhân vật được nể trọng.
Trường hợp của Pháp không hẳn là như vậy. Tổng thống Pháp đóng vai trò trung tâm trên chính trường và do vậy sẽ là đối tượng dễ bị chỉ trích, phản bác nhất.


Switch mode views: