Tài liệu cũ của Saigon Echo
từ 2008 - 2012
Play
 
Giám Đốc: Tiến Sĩ Trần An Bài
  • Font size:
  • Decrease
  • Reset
  • Increase

Điểm Báo Pháp Quốc Ngày 09-09-2016

 Xã hội dân sự Nga "phi-Putin hóa"

russia-politics 5

Tổng thống Nga Vladimir Putin trong một cuộc họp với đảng Nước Nga Thống Nhất, tại Matxcơva, ngày 06/09/2016.
REUTERS/Vasily Maximov/Pool

Âm thầm làm thay đổi não trạng bảo thủ trộn lẫn với tinh thần dân tộc cực đoan, cột trụ ý thức hệ của chế độ Putin là nỗ lực từng ngày của một tầng lớp có học thức và văn nhân nghệ sĩ Nga.

Đây là nội dung của bài phóng sự trên nhật báo cánh tả Libération với tựa : Phi Putin hóa với từng động thái nhẹ nhàng.

Putin đóng cửa cơ quan thăm dò dư luận độc lập duy nhất Levada ở Nga vài ngày trước bầu cử Quốc Hội. Bị xếp vào danh sách đen « nhân viên của ngoại quốc » Levada phải ngưng hoạt động.

Theo Le Monde, Viện Thăm dò Dân ý Levada là nạn nhân mới nhất của chính sách « kiểm soát tư tưởng » của chế độ Putin. Thế nhưng, xã hội dân sự của Nga không bó tay. Thành phần trẻ có học thức và có tay nghề trong mọi lãnh vực từ truyền thông cho đến tổ chức du lịch và nấu ăn đều có thể tham gia vào tiến trình mà họ gọi là « phi Putin hóa ».

Làm cách nào để cởi trói nước Nga mà không bị trấn áp ?

Trong khi chính quyền Putin ban hành hàng loạt đạo luật giới hạn các quyền tự do, trong khi giới tranh đấu nhân quyền và đối lập bị ở tù, ám sát thì vẫn có đông đảo, người dân Nga hằng ngày tiếp tục thách thức chế độ chống tây phương và co cụm chính trị mà không mảy may lo sợ.

Đó là các tác nhân trong mọi lãnh vực nghề nghiệp từ kinh tế cho đến nghệ thuật : Nghệ sĩ, đầu bếp, trí thức, doanh nghiệp, mỗi cá nhân trong lãnh vực của mình phát huy một xã hội tinh tế, mở ra với bên ngoài để sống một cách bình thường trên quê hương không bình thường, nhưng họ không muốn xa rời cũng không đóng khuôn trong thế ly khai.

Chiến thuật rất giản dị : Ai có kiến thức gì thì truyền đạt cho người khác để nâng cao dân trí.

Filip Dziarko, cháu nội của một nhà ly khai chống chế độ cộng sản Xô Viết nói với phóng viên Pháp : Tại Nga, mọi thứ đều phải xây dựng từ con số không. Xuất thân là nhà báo, anh lập đại học trên mạng « Arzamas Academy » để phổ biến và làm giàu văn hóa Nga và Âu Châu.

Mỗi tuần đều có đề tài mới và hội nghị bỏ túi, phỏng vấn, mời các chuyên gia tham dự trình bày từ hội họa thế kỷ XIX, Hy Lạp cổ đại hay cuộc sống ở Paris thời Phục hưng… Mục đích là để người dân Nga trau dồi kiến thức vì ở Nga ngày nay, hiểu biết về giám định chuyên môn không còn là điều được quan tâm. Mọi thứ đều suy đồi từ giáo dục cho đến di sản quốc gia.

Trách nhiệm này là do « nhà nước không có tầm nhìn xa cũng không có nghị lực chính trị » mà hậu quả là « không khí bị đầu độc, tham ô lan tràn, bóng tối bao phủ và nhìn đâu cũng thấy tràn ngập phân người », Filip Dziarko chia sẻ.

Tuy bi quan về tình hình văn hóa, Anton Belov hăng say lập một viện bảo tàng nghệ thuật đương đại lấy tên là « Garage » tạm dịch là « chỗ đậu xe ». Belov cho biết công trình của anh là sáng tạo một « ngôn ngữ văn hóa tân tiến để phổ biến nghệ thuật của Nga ra nước ngoài ».

Trong cuộc triển lãm gần đây, Garage đã qui tụ được nhiều nghệ sĩ chưa có tên tuổi. Tất cả đều theo đuổi hoài bão « làm thay đổi sâu rộng xã hội Nga, phát triển và bao dung ». Giá trị tuyệt đỉnh là tự do. Tự do không phải vì quyền lợi cá nhân mà gắn liền với trách nhiệm đối với gia đình và xã hội.

Từ thông tin cho đến chăm sóc sức khỏe : hai lãnh vực xuống cấp

Nhà báo Alexandre Vinokurov, chủ nhân của đài truyền hình độc lập duy nhất còn sót lại TV Rain, sử dụng tài sản của ông để lập ra một loạt bệnh viện theo chuẩn mực châu Âu. Truyền thông và y tế là hai lãnh vực « xuống cấp » nhất trong chế độ hiện nay.

Để có đủ tài chính chăm sóc miễn phí, bệnh viện tư này lấy tiền của những người có tiền.

Libération giới thiệu một nhóm khác gồm « chuyên gia nấu bếp và tổ chức du lịch ». Họ bán bánh mì, thức ăn của nhiều dân tộc và cả món phở của Việt Nam. Mục đích không phải là để ăn mà là giúp cho người Nga ý thức họ sống trong cộng đồng da dạng, cộng đồng vị tha, điều mà người Nga không hề ý thức.

Một phụ nữ trong nhóm cho biết « chúng tôi không làm chính trị nhưng chúng tôi muốn sống hạnh phúc tại nước Nga. Vì vậy, chúng tôi phải dấn thân là cho xã hội này thay đổi nhưng phải làm một cách khéo léo vì tâm lý lo sợ bao trùm. »

Chủ tịch Palestine Mahmoud Abbas phải chăng là gián điệp nằm vùng của mật vụ Nga KGB với bí danh Krotov ?

Đây là tựa của Libération và Le Figaro. Tin này do hai nhà nghiên cứu tại viện Truman ở Jerusalem dựa trên các tài liệu của tình báo Anh được giải mật.
Đối với hai chuyên gia này thì « Krotov » không ai khác hơn là chủ tịch Palaestine hiện nay. Theo tài liệu của KGB thì có một sinh viên tên Mahmoud Abbas được tuyển mộ ở Damas.

Tài liệu mật của KGB, trong đó có danh sách tất cả điệp viên của KGB bị người quản thủ tên Vassili Mitrokhin chụp lại trước khi đào thoát sang Tây Âu năm 1992 có tên điệp viên Krotov. Sĩ quan Nga « chỉ đạo » Krotov là Mikhai Bogdganov.

Bốn mươi năm sau, Mikhai Bogdganov được tổng thống Putin cử sang Trung Đông mà nhiệm vụ là tổ chức cuộc hội kiến Mahmoud Abbas với thủ tướng Benjamin Netanyahu tại Matxcơva dự trù trong nay mai.

Phía Palestine nghi ngờ tin này được đưa ra để phá hoại kế hoạch trung gian hoà giải của Nga. Tuy nhiên, giới tình báo Nga không xem vụ việc này là quan trọng.
Được Libération đặt câu hỏi, cựu phó giám đốc phản gián Israel, ôngIsrael Hasson giải thích : « Trong thời chiến tranh lạnh, KGB tuyển mộ nhân viên khắp nơi, ngay trong hàng ngũ chúng tôi. Tại sao họ không tuyển người trong tổ chức Palestine ? Nhưng đó là chuyện xưa rồi ».

Trang nhất các báo

Liên Hiệp Châu Âu trước nguy cơ tan rã nếu chỉ biết « xây tường và co cụm » là tựa của Le Monde trích tuyên bố của thủ tướng Hy Lạp Alexis Tsipras trước giờ thượng đỉnh các quốc gia Nam Âu.

Nhật báo kinh tế Les Echos báo tin phấn khởi « Doanh nhân khởi nghiệp của Pháp thành công rực rỡ, lần đầu tiên qua mặt đồng nghiệp Đức thu được hơn 1,1 tỷ euro đầu tư trong sáu tháng đầu năm ».

Le Figaro đánh nhẹ tổng thống Pháp : « François Hollande muốn tái tranh cử và buộc cánh tả phải chấp nhận ».

Trong khi đó, nhật báo cánh tả Libération cũng không tha chủ nhân điện Elysée : « Cụ ông đã tỉnh giấc nhưng hơi trễ » khi bình luận về diễn văn của tổng thống Pháp với chủ đề « dân chủ đối phó với khủng bố », được giới phân tích khen ngợi.

Về thời sự châu Á, Le Monde chú ý đến tình hình Miến Điện, « ổ kiến lửa sắc tộc » và sự kiện thượng đỉnh ASEAN « không đồng lòng » lên án Trung Quốc lấn chiếm Biển Đông.

Theo Le Monde, hội nghị « Panglong Thế kỷ 21 » gồm đại diện các sắc dân thiểu số, lực lượng vũ trang, đảng phái chính trị, đại diện quân đội và chính phủ nhằm chấp dứt 60 năm nội chiến, đã không đưa ra được một lộ trình dẫn đến hoà bình.

Cho dù được một chính phủ dân cử, qua biểu tượng Aung San Suu Kyi lãnh đạo, Miến Điện vẫn là một quốc gia chia rẽ hơn bao giờ hết. Một trong những nguyên nhân chính là không sắc dân nào tin tưởng quân đội sẽ tôn trọng thỏa thuận ngưng bắn, và giữa các sắc tộc, mỗi phe hành động theo lợi ích địa phương mình.

Giữa chính phủ trung ương và các tổ chức chính trị sắc tộc cũng không có cùng ưu tiên : chính quyền thì đòi phải có chữ ký, các sắc tộc thì muốn đàm phán tương lai chính trị và một lịch trình.

Trong diễn văn bế mạc và hẹn lần sau, bà Aung San Suu Kyi phải kết luận với chút vị đắng : « Từ nay, mọi việc tùy thuộc vào sự chọn lựa của mỗi người : muốn tiếp tục bị chôn vùi trong quá khứ hay cùng nhìn về tương lai ».

Vào lúc tình hình biển Đông căng thẳng vì lòng tham của Trung Quốc, Le Monde giúp độc giả Pháp hiểu vì sao Hiệp Hội Đông Nam Á, nhân Thượng đỉnh ASEAN-Trung Quốc không gọi đích danh Bắc Kinh ra để lên án.

Thông cáo chung tuy có xác định nào là « ASEAN rất lo âu » nào là ghi nhận « có một số nhà lãnh đạo quan ngại sâu xa » và cảnh báo « nguy cơ căng thẳng leo thang » nhưng không gọi tên Trung Quốc là thủ phạm.

Làm sao ASEAN có thể thống nhất quan điểm khi mà một thành viên như Cam Bốt đã xé lẻ ?

Trung Quốc khai thác sự chia rẽ trong nội bộ ASEAN để mua chuộc Phnom Penh. Ba tháng trước Thượng đỉnh ASEAN tại Lào, Cam Bốt đã trở thành đồng minh của Trung Quốc được thưởng 600 triệu đôla viện trợ.

Chính quyền Hun Sen làm mọi cách để phá tình đoàn kết trong ASEAN. Ngày 14/06, tại Côn Minh, hồ sơ Biển Đông bị rút ra khỏi dự thảo tuyên bố chung của hội nghị cấp ngoại trưởng ASEAN-Trung Quốc.

Tháng 7, một hội nghị cũng ở cấp ngoại trưởng không nói đến phán quyết của Toà Trọng Tài La Haye bất lợi cho Trung Quốc.

Chiến thuật đánh động dư luận của Philippines, công bố hình ảnh tố cáo Trung Quốc chuẩn bị xây đảo nhân tạo ở Scarborough cũng không đủ thuyết phục các thành viên khác của ASEAN ủng hộ Manila.

Cuối cùng, đến khi họp với các nhà lãnh đạo ASEAN, tổng thống Obama mới thẳng thắn lên tiếng cảnh cáo Trung Quốc là phải tôn trọng phán quyết của Tòa Trọng Tài.

Switch mode views: