Tài liệu cũ của Saigon Echo
từ 2008 - 2012
Play
 
Giám Đốc: Tiến Sĩ Trần An Bài
  • Font size:
  • Decrease
  • Reset
  • Increase

Điểm Báo Pháp Quốc Ngày 24-08-2016

Biển Đông và biển Hoa Đông, khu vực của mọi nguy hiểm

truongsa-china-imagesNhà chứa máy bay được Trung Quốc xây trái phép trên đá Vành Khăn (Mischief Reef) trong quần đảo Trường Sa. Ảnh chụp ngày 22/07/2016.
REUTERS/CSIS

Trong số ra ngày 24/08/2016, La Croix đề cập đến căng thẳng tại vùng biển phía đông Trung Quốc, nơi Bắc Kinh đòi hỏi chủ quyền trên hầu hết vùng này.

Trong khi đó, một hội nghị thượng đỉnh đang diễn ra từ ngày 23/08 tại Tokyo, giữa ba nước Nhật Bản, Trung Quốc và Hàn Quốc.

Theo nhận định được nêu trong bài viết « Vùng biển đông Trung Quốc, khu vực của mọi nguy hiểm », các cuộc xung đột quân sự có nguy cơ xảy ra tại khu vực này trong những năm tới.

Tác giả bài báo nhấn mạnh : « Vùng biển đông Trung Quốc là một thùng thuốc súng ».
Thực vậy, ở phía đông khu vực này là mối căng thẳng giữa Nhật Bản và Trung Quốc với tranh chấp chủ quyền đối với quần đảo Senkaku/Điếu Ngư.

 Từ hai năm nay, giữa hai nước xảy ra vài trăm « sự cố » cả trên không lẫn trên biển.

Trong bối cảnh căng thẳng trên, cuộc họp giữa ngoại trưởng ba nước vẫn được tiến hành.
Bà Valérie Niquet, phụ trách Khu vực châu Á thuộc Quỹ Nghiên cứu Chiến lược Paris nhận định với La Croix : « Trung Quốc đang thử phản ứng của Nhật Bản, quốc gia có quân đội hiện đại hơn Trung Quốc ».

Trong khi ba ngoại trưởng vẫn họp, các cuộc tập trận vẫn diễn ra : Một bên là cuộc tập trận Mỹ-Hàn đã được triển khai ngoài khơi Hàn Quốc nhằm chuẩn bị đối phó với một cuộc tấn công quân sự từ Bắc Triều Tiên.
Hơn 50.000 quân nhân đã được huy động tham gia chiến dịch, được tổ chức 3 lần/năm, và tiến hành tại vùng biển quốc tế ở đông bắc Á.

Còn bên kia là cuộc tập trận Nga-Trung sẽ diễn ra ngoài khơi Vladivostok trong vài ngày tới đây. Vì cuộc tập trận năm ngoái đã thành công tốt đẹp nên cả hai nước quyết định tiếp tục.
 Cuối cùng, là các cuộc tập trận chung Mỹ-Nhật vẫn diễn ra quanh năm.

Vẫn theo chuyên gia Valérie Niquet : « Một cuộc chạy đua vũ trang đang diễn ra thật sự tại vùng này và ảnh hưởng đến cả miền nam của châu lục ».
Sự bành trướng của Trung Quốc khiến cả châu Á lo ngại và có thể dẫn đến nguy cơ xảy ra xung đột trên tuyến đường giao thương huyết mạch của thế giới.

Dưới sự thúc đẩy của chủ tịch Tập Cận Bình, Trung Quốc đang theo đuổi chính sách xâm lược với đòi hỏi chủ quyền trên hầu hết khu vực chiến lược này mà Bắc Kinh vẫn luôn coi là nằm trong tầm ảnh hưởng và ngang ngược hơn là « lãnh thổ của mình ».

Các nước trong vùng tìm cách bảo vệ theo khả năng. Tuần trước, Indonesia, một nước mạnh về hàng hải và có tranh chấp với Trung Quốc, đã quyết định đặt tên vùng biển xung quanh quần đảo Natuna thành Biển Natuna để bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ.
 Ngoài ra, nhân dịp Quốc Khánh 17/08, Jakarta cũng cho phá nổ 60 tầu cá nước ngoài, chủ yếu là tầu Trung Quốc, vì đã « đánh bắt trái phép » trong vùng biển này.

Cuối cùng, phải kể đến phiên tòa trọng tài La Haye xét cho Philippines thắng kiện và bác bỏ hầu hết những đòi hỏi chủ quyền của Trung Quốc với « đường chín đoạn ».
 Bắc Kinh đã bác bỏ phán quyết của tòa và đánh giá phiên tòa là một « trò hề ».

Trong bối cảnh căng thẳng như vậy, không loại trừ nguy cơ xung đột, dù là cục bộ hay trên diện rộng. Bà Valérie Niquet kết luận : « Nếu chủ tịch Tập Cận Bình cho rằng một cuộc phiêu lưu quân sự có thể có lợi cho ông ấy về mặt chính trị nội bộ trong bối cảnh nền kinh tế Trung Quốc đang đi xuống và bất ổn xã hội đe dọa chế độ, thì ông ấy dám làm lắm ».

Bẩy kịch bản khiến ứng viên Clinton có thể thua

Trên trang nhất của Libération là hình ảnh bà Hillary Clinton với dòng tựa lớn : « Điều tồi tệ nhất, đó là bà có thể bị thua ».
Theo các cuộc thăm dò, ứng viên tổng thống của đảng Dân Chủ bỏ xa đối thủ của đảng Cộng Hòa trên con đường đến Nhà Trắng.
Nhưng theo Libération, bẩy kịch bản vẫn có thể khiến bà thất bại.

Thứ nhất là các cuộc tranh luận « thảm họa ». Dĩ nhiên, không ai nghi ngờ khả năng diễn thuyết của bà Hillary Clinton.
Thế nhưng, bị bỏ xa theo kết quả thăm dò, tỉ phú bất động sản Donald Trump sẽ chẳng còn gì để mất và sẽ tìm mọi cách làm bà lung lay, như có thể tấn công vào vấn đề sức khỏe của bà Clinton, vụ thư điện tử khi bà còn giữ chức ngoại trưởng hay khơi lại vụ tai tiếng tình dục của cựu tổng thống Bill Clinton.

Giả thuyết thứ hai là cử tri Dân Chủ không đi bỏ phiếu. Có thể do quá tin tưởng là ứng viên của đảng mình có mọi lợi thế và bỏ xa đối thủ chính, nhiều cử tri sẽ ngại ra khỏi nhà để đi bỏ phiếu.
 Trong khi đó, những người ủng hộ ông Donald Trump, ghét các phương tiện truyền thông và các cuộc thăm dò, sẽ được huy động tối đa để chứng minh kết quả ngược lại.

Nguy cơ thứ ba có thể là những vụ rò rỉ thông tin mới từ Julian Assange. Nhà sáng lập WikiLeaks có « mối thù » phải thanh toán với ứng viên đảng Dân Chủ.
Khi còn giữ chức ngoại trưởng, bà Clinton đã kêu gọi truy tố WikiLeaks sau khi trang này tiết lộ 250.000 tài liệu ngoại giao Mỹ.

Kịch bản thứ tư là nền kinh tế Mỹ đang tuột dốc. Cựu ngoại trưởng Mỹ khẳng định kế thừa sự nghiệp của tổng thống sắp mãn nhiệm Barack Obama.
Thế nhưng, thực trạng nền kinh tế Mỹ hiện nay đang gây nhiều tranh cãi, đặc biệt bên phía phe đối thủ Donald Trump : tăng trưởng chậm, lương không được tăng.
Chỉ có 37% người Mỹ cho rằng nền kinh tế được cải thiện hơn từ cuộc khủng hoảng năm 2008, trong khi đó 58% có ý kiến ngược lại.

Kịch bản thứ năm có thể là tấn công khủng bố. Đối thủ Donald Trump cáo buộc tổng thống Obama và ứng viên Clinton, vì không hành động, đã tạo điều kiện cho tổ chức Nhà Nước Hồi Giáo thêm vững mạnh.
Nếu Hoa Kỳ bị tấn công khủng bố từ nay đến ngày bầu cử, những lời cáo buộc của Donald Trump về sự yếu kém của chính quyền Obama có thể được củng cố hơn.

Kịch bản thứ sáu là vấn đề sức khỏe của ứng viên đảng Dân Chủ. Theo phe của ông Trump, bà Clinton quá yếu để giữ trọng trách tổng thống Hoa Kỳ.
Tuyên bố này dựa trên lời đồn thổi sau khi bà Hillary Clinton bị choáng váng vào cuối năm 2012 do một cục máu đông trong đầu và phải nằm điều trị nhiều ngày.

Cuối cùng là giả thuyết ám sát mang tính chính trị. Ứng viên đảng Cộng Hòa kêu gọi những người ủng hộ sử dụng súng ngăn chận ứng viên Clinton, vì trong trường hợp được bầu làm tổng thống, bà sẽ bổ nhiệm vào tòa án tối cao các thẩm phán có ý định hạn chế việc mang vũ khí.
Lời kêu gọi của Donald Trump đã bị phản đối và nhà tỉ phú phải lên tiếng thanh minh là kêu gọi những người đó… đến phòng bỏ phiếu.

Người Hoa tại Aubervilliers đòi tăng cường an ninh

Về thời sự nước Pháp, cộng đồng người Hoa tại thành phố Aubervilliers, ngoại ô phía bắc Paris, đã xuống đường biểu tình để đòi được bảo vệ tốt hơn.
Sự kiện này diễn ra sau vụ hành hung khiến một thợ may người Trung Quốc ở Aubervilliers bị chết ngày 12/08.
Nhật báo La Croix phản ánh sự kiện này dưới dòng tựa : « Người Hoa tại Aubervilliers biểu tình đòi được tăng cường an ninh ».

Trương Thiếu Lâm (Zhang Chaolin), người thợ may 49 tuổi, đi cùng với một người khác thì bị ba thanh niên lạ mặt tấn công để cướp chiếc túi của người đi cùng.
Khi phát hiện chỉ có chiếc vỏ kính bên trong, ba người này đã đẩy Thiếu Lâm ngã, đập đầu xuống đất.

Vụ tấn công trên khiến cộng đồng người Hoa tại Aubervilliers vừa xúc động lẫn lo ngại. Theo các cơ quan đặc trách khác nhau của bộ Nội Vụ Pháp, rất khó đánh giá được chính xác quy mô tình trạng bất an mà người Hoa đang phải đối mặt.

Tuy nhiên, theo số liệu của tỉnh Seine-Saint-Denis, trong vòng bẩy tháng đầu năm 2016 đã xảy ra 105 vụ cướp dùng vũ lực nhắm vào cộng đồng người Hoa tại Aubervilliers, tăng gần gấp 3 lần so với cùng kỳ năm 2015.

Tuy nhiên, thực trạng này không chỉ diễn ra tại Aubervilliers, người Hoa và người châu Á nói chung tại thành phố La Courneuve, ngoại ô phía bắc Paris, cũng bị nhắm tới. Chủ tịch hội « Người Hoa tại Pháp, người Pháp gốc Hoa » bày tỏ với La Croix : Điều đáng ngại là những vụ hành hung vô cớ nhắm vào tiểu thương, thậm chí là phụ nữ lớn tuổi hay phụ nữ đi với trẻ nhỏ.

Họ cũng bị cướp nhưng thường là bị tấn công. Còn theo nhận xét của ông Vương Thụy (Rui Wang), nhiều kẻ phạm tội chỉ « chuyên » tấn công người châu Á, mang tính phân biệt chủng tộc.

Để đối phó với tình trạng này, các cộng đồng người châu Á đang tìm cách phối hợp với nhau. Họ sử dụng ứng dụng Wechat để tìm người đi cùng ra bến tàu/xe trong trường hợp về muộn.
Một người gốc Hoa đã được tuyển vào làm việc tại sở cảnh sát Aubervilliers để tạo điều kiện cho các nạn nhân người Hoa, không rành tiếng Pháp, có thể nộp đơn kiện.

Tuy nhiên, điều quan trọng đối với ông Vương Thụy là phải đấu tranh chống tình trạng phân biệt và « phát triển những kênh trung gian hòa giải đa văn hóa để các cộng đồng có thể tìm hiểu nhau ».

Pháp tăng cường an ninh học đường trước nguy cơ khủng bố

Vẫn liên quan đến Pháp, trước nguy cơ khủng bố, bộ Giáo Dục và bộ Nội Vụ trình bày một loạt biện pháp theo dõi và đào tạo nhân viên trong buổi họp báo ngày 24/08 về vấn đề « an ninh học đường ».
Các công ty tư nhân được giao trọng trách trấn an phụ huynh học sinh.

Theo hai nhật báo Le Figaro và Libération, kế hoạch an ninh trường học nhấn mạnh đến ba điểm : tập phòng chống « tấn công-xâm nhập », tổ chức thêm các chương trình huấn luyện « quản lý khủng hoảng » và « sơ cứu », thành lập các đơn vị khủng hoảng tại các phòng giáo dục và chia sẻ thông tin với gia đình học sinh.

Le Figaro nhấn mạnh, tại nhiều trường Công giáo, một số bậc phụ huynh vẫn tỏ ra lo lắng dù hiệu trưởng đã quyết định tăng cường đội ngũ bảo vệ.
 Còn các trường học Do thái, từng áp dụng những biện pháp đặc biệt từ thập niên 1980 và từ vụ tấn công khủng bố tại phố Copernic, hiện được lấy làm mẫu cho các biện pháp an ninh.

Facebook tìm cách chặn thành công của đối thủ Snapchat

Facebook đang đặt Snapchat vào tầm ngắm. Mạng xã hội nổi tiếng thế giới không ngừng tung ra các ứng dụng ít nhiều giống các ứng dụng của đối thủ « non tuổi đời ».

Ví dụ mới nhất, được nhật báo Le Monde nêu trong bài viết : « Facebook tìm cách chặn thành công của đối thủ Snapchat », là ứng dụng Lifestage, dành riêng cho giới trẻ dưới 21 tuổi, được hãng Menlon Park (California) tung ra ngày 19/08.

Lifestage là sản phẩm của lập trình viên 19 tuổi, Michael Sayman, làm việc cho Facebook từ hai năm nay. Mạng xã hội này giúp người sử dụng đăng những đoạn video nhỏ cho thấy sở thích hay tâm trạng của họ.

Đây không phải là lần đầu tiên Facebook « bắt chước » Snapchat.
Nhật báo Le Monde liệt kê lại một số trường hợp, mà gần đây nhất là ứng dụng Stories của mạng xã hội Instagram (thuộc Facebook), xuất hiện vào đầu tháng 08/2016.

Trước đó, vào tháng 12/2012 là Poke, một ứng dụng cho phép gửi những tin nhắn « phù du » sau đó sẽ tự xóa.
Tuy nhiên, Facebook đã bỏ dự án này vào năm 2014 do không có người sử dụng, trước khi tung ra Slingshot, có chức năng tương tự Poke, song cũng bị bỏ rơi.

Dường như Facebook của ông chủ Mark Zuckerberg không có duyên với loại hình « chat phù du », vì ngay cả lời đề nghị mua lại Snapchat với giá 3 tỉ đô la cũng bị đối thủ Evan Spiegel từ chối.

Switch mode views: