Điểm Báo Pháp Quốc Ngày 03-08-2016
- Thứ Tư, 03 tháng Tám năm 2016 18:04
- Tác Giả: Thụy My
Internet Nga : Chiếc bẫy giăng ra cho đối lập
Mạng xã hội VKontakte, một dạng Facebook của Nga.
https://vk.com/about
Thông tín viên Le Figaro hôm nay 03/08/2016 cho biết « Matxcơva biến internet thành chiếc bẫy pháp luật ».
Tư pháp Nga ngày càng khởi tố nhiều cư dân mạng vì tội « cực đoan » hay « kích động hận thù », nhưng những đối tượng bị nhắm đến thường là các nhà đối lập chính trị bị tình báo cho vào danh sách đen.
Tờ báo kể ra trường hợp nhà báo nữ 29 tuổi Polina Danilevitch ở Smolensk, miền tây nước Nga, rất hài lòng khi phát hiện trên internet một tấm ảnh chụp mảnh sân tòa nhà mình ở vào đầu thập niên 40.
Trong ảnh là những người lính Đức và một lá cờ quốc xã. Cô vui mừng đăng lên VKontakte, mạng Facebook của Nga cho bạn bè xem.
Một tháng sau, bốn người vũ trang mặc sắc phục xông vào nhà cô mà không hề tự giới thiệu, giải cô đến đồn cảnh sát câu lưu nhiều tiếng đồng hồ.
Vài ngày sau đó, trong một phiên xử vội vã mà cô không có quyền phát biểu, Polina bị tuyên phạt 1.000 rúp (14 euro) vì tội « tuyên truyền cho Đức quốc xã ».
Polina phẫn nộ : « Tôi hoàn toàn không thể hiểu nổi, chưa bao giờ tôi nghĩ rằng một post đơn giản lại dẫn đến hậu quả như thế. Đó là một tấm ảnh mang tính lịch sử chứ nào phải tuyên truyền ».
Cô không đóng phạt và kháng cáo. Làm việc cho một tờ báo độc lập ở địa phương, cô phụ trách mảng văn hóa chứ không viết về chính trị. Một công dân Nga bình thường.
Những câu chuyện tương tự ngày càng xảy ra nhiều tại Nga trong những tháng gần đây, khiến internet không còn là một không gian tự do mà là một chiếc bẫy của pháp luật.
Maxime Kormelitski chỉ chia sẻ một tấm hình chế giễu một truyền thống Chính thống giáo : tín đồ nhảy xuống dòng nước lạnh giá trong dịp lễ Hiển linh. Thế nhưng Maxime lại bị kết án đến một năm tù giam vì « kích động hận thù ».
Theo thông báo chính thức thì anh bị các tín đồ bất mãn tố cáo, nhưng thực tế có lẽ do Maxime tham gia phe đối lập tại thành phố Berdsk nhỏ bé ở Xibêri.
Còn Andrei Boubeev, thợ điện sống tại Tver cách Matxcơva 200 km đã phải ngồi tù với bản án hai năm vì « cực đoan ».
Anh cũng chỉ chia sẻ một bức ảnh và bài báo có tựa đề « Crimée thuộc về Ukraina ».
Vợ anh cho biết, Andrei không phải là nhà hoạt động, anh chỉ có vỏn vẹn 12 người bạn trên trang VKontakte, mà anh sử dụng như nhật ký.
Một bài viết vô hại trên net vẫn có thể bị kết án về sau
Theo tổ chức phi chính phủ Sova của Nga chuyên nghiên cứu về dân tộc chủ nghĩa, đã có 232 vụ bị kết án vì tội danh « cực đoan », trong đó 194 trường hợp trên internet.
Loạt bản án này tiếp theo những đạo luật mơ hồ mới được thông qua, nhất là sau khi Nga sáp nhập Crimée hồi tháng 3/2014.
Sau khi khống chế báo chí truyền thống, đến lượt internet trở thành mục tiêu của cơ quan an ninh, bị FSB hay bộ Nội vụ giám sát chặt chẽ.
Gần đây Douma (Hạ viện Nga) vừa thông qua một luật buộc các công ty điện thoại phải lưu trữ nội dung liên lạc của khách hàng trong vòng sáu tháng (và bản tổng kết thì trong ba năm), sẵn sàng cung cấp cho bên an ninh.
Mạng VKontakte, mà người sáng lập đã phải lưu vong sang phương Tây, dễ bị áp lực của chính quyền hơn Facebook. Và mức án cho tội « kích động hận thù » từ bốn năm tăng lên năm năm.
Alexandre Verkhovski của Sova nhận xét : « Rõ ràng là tư pháp không theo logic nào cả, có thể kết án ai đó vì bất cứ tội gì. Những bài viết mà cư dân mạng nghĩ rằng vô hại và đã quên mất, sẽ gây phiền hà cho họ hai năm sau đó ».
Các phiên tòa diễn ra chớp nhoáng, cáo trạng chủ yếu dựa vào các « chuyên gia ngôn ngữ » của tòa.
Một người đăng câu « Đả đảo chế độ quân chủ và nạn cha truyền con nối », bị « chuyên gia » cho là « cực đoan », may mà sau đó đã được tuyên vô tội.
Nếu các lý do cáo buộc đôi khi thậm vô lý, các bị cáo lại thường là các nhà đối lập từ lâu nằm trong tầm ngắm của cơ quan tình báo.
Riêng trường hợp anh thợ điện ở Tver, tòa án dựa trên bốn nhân chứng gồm hai chỉ điểm của an ninh và hai cộng tác viên tương lai của FSB.
Theo Le Figaro, số lượng bị kết án tăng cao còn do cảnh sát Nga phải truy lùng « những kẻ cực đoan » theo lệnh của điện Kremlin.
Tờ báo nêu trường hợp cảnh sát viên Eliseev ở Rostov do chạy theo chỉ tiêu đã đề nghị với một số người bị tình nghi đăng lên mạng các chữ thập quốc xã, hứa sẽ hoàn tiền nếu bị phạt. Anh cảnh sát này bị tuyên hai năm tù, nhưng ngay sau đó được ân xá.
Việt Nam, « gót chân Achille » của Donald Trump ?
« Việt Nam, gót chân Achille của Donald Trump ? », đó là tựa đề một bài viết của Libération, về những tiết lộ mới của tờ New York Times khiến người ta càng thêm nghi ngờ về sự chân thật của ứng cử viên đảng Cộng Hòa.
Tờ báo Mỹ dựa trên tài liệu lưu trữ của cơ quan quân dịch Hoa Kỳ năm 1968. Năm đó, anh sinh viên Donald Trump vừa tốt nghiệp trường thương mại Wharton ở Pennsylvania, là một thanh niên lực lưỡng cao 1m88, thích chơi bóng đá và đánh gôn. Và như vậy Trump hoàn toàn có thể bị động viên để đưa sang chiến trường Việt Nam đang sôi sục.
Theo New York Times, Donald Trump được miễn đi quân dịch nhờ một khối u xương nhỏ dưới gót chân. Thế nhưng cho đến nay nhà tỉ phú vẫn khẳng định mình thoát được quân dịch nhờ may mắn trong một cuộc rút thăm. Nhưng thật ra vụ « xổ số quân dịch » này mãi đến tháng 12/1969 mới được tổ chức, nghĩa là 18 tháng sau đó.
Tiết lộ này rất bất lợi ông Donald Trump, hiện đang thua bà Hillary Clinton 7 đến 9 điểm, và bị chính phe mình chỉ trích trong vụ ông chế giễu cha mẹ của một người lính Mỹ theo đạo Hồi tử trận tại Irak năm 2004.
Tổng thống Barack Obama nhân đó đã chất vấn những tên tuổi của phe Cộng Hòa vì sao tiếp tục ủng hộ ông Trump, và cho rằng ông « không đủ tư cách để làm tổng thống ».
Libération cho rằng tuy Donald Trump không phải là ứng viên đầu tiên khỏi đi quân dịch, vì ông Bill Clinton trước đây cũng đã được miễn dịch, nhưng cuộc tranh cãi về tinh thần ái quốc của ông Trump có thể làm ông mất đi một số phiếu của cử tri.
Vụ mất tích bí ẩn của một nhà đấu tranh Lào
Liên quan đến một nước láng giềng của Việt Nam, « Nhà hoạt động Sombath Somphone, bóng ma gây trở ngại cho chế độ Lào » là tựa đề một bài viết khác trên Libération.
Nhà đấu tranh cho các tiểu nông tại Lào đã bị bắt cóc một cách đáng ngờ vào cuối năm 2012.
Sombath Somphone, 64 tuổi, nhà sáng lập tổ chức phi chính phủ Padetc chuyên đấu tranh chống nạn tước đoạt đất và cổ vũ vi tín dụng cho nông dân, là một trong những người mất tích nổi tiếng nhất Đông Nam Á.
Số phận ông sẽ được nêu ra trong hội nghị xã hội dân sự Đông Nam Á tổ chức tại Đông Timor, kéo dài đến ngày 5/8 ; nhưng đảng Nhân dân Cách mạng Lào tìm mọi cách để cản trở.
Vợ ông, bà Ng Shui Meng kể lại, vào cuối giờ chiều 15/12/2012 đang trên đường về nhà, chiếc xe jeep của ông Somphone bị chận lại tại một đồn công an quận Sisattanak.
Nhờ một viên chức trẻ nhiệt tình, bà có được video cho thấy sau khi ông vào đồn, một người khác đã lái xe ông đi, một chiếc xe địa hình đến đưa ba người ra khỏi đồn, có ba chiếc mô tô hộ tống. Ông không bao giờ trở lại nữa, và chiếc jeep của ông cũng biến mất từ đó.
Chính quyền nói họ tiếp tục điều tra, nhưng theo bà : « Vientiane là một thành phố nhỏ và Lào là một quốc gia tí hon. Nếu chính quyền muốn thực sự tìm thì họ luôn tìm được ».
Bà Meng hy vọng tổng thống Mỹ Barack Obama sẽ nêu ra vụ này trong chuyến thăm Lào tháng Chín tới. Nhưng theo Libération, đó là một hy vọng mong manh, trong một nước Lào thiếu minh bạch.
Pháp: Tang lễ cảm động dành cho cha xứ Saint-Etienne-du-Rouvray
Quay lại với nước Pháp, các báo Paris hôm nay đều đề cập đến tang lễ đầy xúc động hôm qua, dành cho linh mục Jacques Hamel, bị sát hại dã man ngay trong nhà thờ Saint-Etienne-du-Rouvray tuần trước.
Hàng ngàn người đã đổ về giáo đường Rouen để dự thánh lễ, mà Le Figaro mô tả là vô cùng trang trọng, đối với vị cha xứ vốn có « trái tim đôn hậu và đơn giản ». Có những người đến trước ba tiếng đồng hồ, chờ đợi kiểm tra an ninh nghiêm ngặt để chiếm được một trong 1.700 chỗ ngồi bên trong nhà thờ. Libération dẫn lời tổng giám mục Rouen, Dominique Lebrun cho biết : « Chúng tôi đã giữ tối đa chỗ cho những người vô danh có thể tham gia thánh lễ ».
Bên trong nhà thờ, bên cạnh thân nhân người quá cố, các quan chức như bộ trưởng Nội vụ, chủ tịch Hội đồng Bảo hiến…còn có ba nữ tu và hai vợ chồng giáo dân cùng bị bắt làm con tin tại Saint-Etienne-du-Rouvray cũng đến vĩnh biệt vị linh mục tử đạo.
Đức giám mục Lebrun bắt đầu buổi lễ bằng lời cám ơn những người hiện diện. Ông nói : « Những nhân vật nổi tiếng và đám đông tham dự, trước những ống kính truyền hình…cha Jacques Hamel không thích thế. Nhưng chúng ta ở đây làm những gì mà ông thích : sẵn sàng hiệp thông, quan tâm đến nhau, không loại trừ một ai ».
Bên cạnh việc cầu nguyện cho cha xứ Hamel, những người tham dự còn được đề nghị cầu nguyện cho « những kẻ sát nhân », nhưng theo ghi nhận của Le Figaro, đám đông theo dõi màn hình lớn bên ngoài nhà thờ không phải là ai cũng đồng tình.
Một người nói : « Cả thành phố đều bị sốc ! Sát hại một linh mục cao tuổi ngay trong nhà thờ ! Tha thứ ư ? Đã đành đây là một thông điệp rất Kitô giáo, nhưng tội ác của bọn chúng thật ghê tởm ».
Trong bài xã luận mang tựa đề « Không bao giờ như thế nữa », nhật báo La Croix không quên nhắc đến sự hiện diện của các tín đồ Do Thái giáo và Hồi giáo trong thánh lễ công giáo này.
Từ một tuần nay, một cái ngưỡng đã được vượt qua : nếu thứ Sáu tuần trước có những giáo dân công giáo đến đền thờ Hồi giáo cùng cầu nguyện, thì cuối tuần, nhiều tín đồ Hồi giáo đã dám bước vào bên trong thánh đường Thiên chúa giáo dự lễ để tỏ tình đoàn kết.
Tựa chính báo Pháp
Về thời sự nước Pháp, trang nhất nhật báo La Croix đăng ảnh thủ đô Paris về đêm với tháp Eiffel đang rực sáng, và chạy tựa « Paris tự giải phóng » : một dự án cải tổ được trình lên Hội đồng Bộ trưởng sáng nay để chấm dứt hai thế kỷ lệ thuộc chính quyền trung ương về hành chính.
Libération nhận định « Telegram : Thánh chiến ở ngay trong ứng dụng điện thoại ». Tiện lợi và an toàn tuyệt đối, ứng dụng này được quân thánh chiến rất ưa chuộng. Cũng qua Telegram mà hai tên khủng bố đã sát hại cha xứ ở Saint-Etienne-du-Rouvray liên lạc được với nhau và cùng lên kế hoạch hành động.
Trên lãnh vực kinh tế châu Âu, Le Figaro đặt câu hỏi « Làm thế nào bà Theresa May chuẩn bị cho Anh quốc ra khỏi Liên hiệp Châu Âu » và cho biết, bà đã đưa ra kế hoạch tái thúc đẩy kỹ nghệ quốc gia. Nhật báo kinh tế Les Echos chạy tựa « Các ngân hàng châu Âu khiến thị trường chịu áp lực ». Sau khi công bố kết quả thí nghiệm sức chịu đựng của các ngân hàng, chỉ số Euro STOXX 600 Banks đã bị sụt mất 5,1% trong hai ngày.
Le Monde chú ý đến Trung Đông, qua hàng tựa « Libya : Hoa Kỳ không kích tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS, Daech) ở Syrte » nhằm hỗ trợ chính phủ đoàn kết quốc gia của nước này. IS tuy chỉ còn kiểm soát được vài điểm nhưng lại chống cự dữ dội ở trung tâm thành phố Syrte.
Tin mới
- Điểm Báo Pháp Quốc Ngày 05-08-2016 - 06/08/2016 14:14
- Ban Công Lý và Hòa Bình Giáo Phận Vinh - 06/08/2016 14:01
- Thái Lan : Cựu thủ tướng Yingluck kêu gọi tham gia trưng cầu dân ý - 05/08/2016 18:25
- Tân bộ trưởng Quốc Phòng Nhật cảnh cáo Trung Quốc dùng vũ lực - 05/08/2016 18:01
- Thư ngỏ gởi ông Khizr Khan - By Ray Starmann - 05/08/2016 00:13
- Người biểu tình phản đối khi đuốc Olympic được rước qua Rio - 04/08/2016 18:23
- Anh Quốc tăng cường cảnh sát cho Luân Đôn - 04/08/2016 18:05
- Nga tố cáo phe nổi dậy tại Syria sử dụng vũ khí hóa học - 04/08/2016 16:08
- Vì sao Ủy Ban Thế Vận Quốc Tế nhẹ tay với Nga ? - 04/08/2016 16:02
- Điểm Báo Pháp Quốc Ngày 04-08-2016 - 04/08/2016 15:48
Các tin khác
- Nhật Bản : Một nữ chính khách diều hâu nắm bộ Quốc Phòng - 03/08/2016 16:34
- Tên lửa Bắc Triều Tiên rớt xuống vùng biển của Nhật Bản - 03/08/2016 16:18
- Chính quyền thoái bộ trong một vụ cướp đất của Công Giáo - 02/08/2016 22:48
- Venezuela : Đèn xanh cho tiến trình trưng cầu dân ý phế truất tổng thống - 02/08/2016 22:12
- Điểm Báo Pháp Quốc Ngày 02-08-2016 - 02/08/2016 15:26
- Pháp : Lễ tang cha xứ Hamel ở Rouen - 02/08/2016 15:10
- Biển Đông : Bắc Kinh dùng luật đánh cá để chống phán quyết quốc tế - 02/08/2016 14:51
- Yahoo chính thức bị xóa sổ. - 02/08/2016 14:38
- Điểm Báo Pháp Quốc Ngày 01-08-2016 - 01/08/2016 20:41
- Thế Vận Hội 2020, hồ sơ gai góc nhất cho tân thống đốc Tokyo - 01/08/2016 18:00