Tài liệu cũ của Saigon Echo
từ 2008 - 2012
Play
 
Giám Đốc: Tiến Sĩ Trần An Bài
  • Font size:
  • Decrease
  • Reset
  • Increase

Điểm Báo Pháp Quốc Ngày 16-06-2016

Pháp : Cấm biểu tình, chính phủ bị chỉ trích gay gắt

france-politics-protests 3
Biểu tình chống luật lao động, Paris, Pháp, ngày 14/06/2016
REUTERS

Trước những vụ bạo động và đập phá bệnh viện nhi đồng Necker, trong đợt biểu tình chống dự luật lao động hôm thứ Ba 14/6 vừa qua, chính phủ Pháp thông báo có ý định cấm biểu tình trong nội thành Paris.

Một tuyên bố đã bị báo chí Pháp hôm nay (16/06/2016) chỉ trích mạnh mẽ, phê phán chính phủ là « yếu kém », « bất lực » và không có « uy ».  

Tờ nhật báo Cộng sản L’Humanité với những lời lẽ nặng nề cho rằng : « Nghiệp đoàn CGT và các nghiệp đoàn khác có phải chịu trách nhiệm về những vụ bạo động này hay không, như là chính phủ không ngừng nhắc lại với một mục đích duy nhất là hạ uy tín của phong trào xã hội này ?

Câu trả lời là « không ». Sự yếu kém của chính phủ đang chuyển thành một dạng chuyên chế. Bằng chứng ư ?
Đầu tiên hết là thủ tướng Valls, rồi đến tổng thống Hollande, cả hai đã đề xuất ý tưởng là họ có thể cẩm biểu tình. Họ cho rằng sẵn sàng từ bỏ các nguyên tắc cộng hòa . Tất cả bọn họ đều điên cả rồi ! ».

Trái lại, Le Figaro, tờ nhật báo thiên hữu cho rằng chính phủ chưa làm hết mình, quá nhún nhường và tỏ ra yếu kém.
Trên nền ảnh lớn trên trang nhất, hình ảnh nhiều người biểu tình bịt mặt, ném gạch đá về phía lực lượng an ninh, Le Figaro chạy tít lớn : « Uy quyền của chính phủ : Hollande dưới áp lực ».

Sự việc cho thấy rõ « sự kiệt sức » của bộ đôi cầm quyền Hollande – Valls. Tờ báo phê phán tổng thống là không có thái độ cương quyết, cứng rắn, vào thời điểm ngành cảnh sát « đang trong cảnh chịu tang trước hành động giết người dã man của tên Hồi giáo cực đoan, chính phủ chẳng biết làm gì khác ngoài việc tìm cách giải tán những tên côn đồ che mặt và những hành động phá hoại gây sững sờ ».

Le Figaro lấy làm tiếc là ông Hollande đã không đủ dũng cảm, không dám công kích mạnh CGT điều mà lẽ ra ông phải làm và buộc nghiệp đoàn này chịu trách nhiệm về mọi tổn thất tài chính do những người biểu tình của nghiệp đoàn này gây ra.

Một quan điểm không được tờ Libération, một tờ báo thiên tả đồng tình.

Theo nhật báo, « cho dù những kẻ phá hoại có bị trừng phạt đúng đi chăng nữa, thì lời đe dọa cấm biểu tình của chính phủ cũng là hơi phóng đại ».

Bạo lực phản dân chủ không thể nào làm đẩy lùi nền dân chủ mà các nguyên tắc và giá trị của nó phải được duy trì, dù đang trong những tình huống khó khăn đến mấy.
 Nếu không, điều này có lẽ sẽ còn giúp cho những người phá phách mà ta đang lên án ghi thêm được điểm.

Câu hỏi đặt ra « Vì sao lại có những hành động bạo lực dữ dội đến như vậy ? » như thắc mắc trên trang nhất của La Croix.
Cũng giống như Libération, nhật báo công giáo này cũng cho rằng CGT và FO không thể nào gánh hết trách nhiệm về những hành động phá hoại trên.

Nhưng La Croix cũng chỉ trích những nghiệp đoàn này đã có những phản ứng chưa đúng mực, lời lẽ sáo rỗng chỉ dừng ở nguyên tắc : « Một lần nữa, CGT lên án các hành động bạo lực xen lẫn trong các đoàn biểu tình ».

Biểu tình chống một dự luật là điều hợp pháp, một quyền được ghi trong Hiến pháp. Nhưng đừng để cho tình đoàn kết bị tan rã chỉ vì một hành vi « vô tổ chức » của một số yếu tố không kiểm soát được, điều đó đang làm suy yếu lý lẽ mà họ đang bảo vệ, La Croix cảnh báo.

Brexit : Pháp thiệt hại nặng nhất ?

Đề tài « Brexit » tiếp tục làm hao tốn giấy mực của báo chí Pháp. « Brexit : còn một tuần nữa đến ngày trưng cầu dân ý, phe ‘out’ thắng thế », Le Figaro trên trang nhất thông báo.

Điều này đã làm cho « phe ủng hộ ở lại châu Âu hoảng sợ » như nhận xét của Le Monde.

Thế nhưng, Le Figaro nghĩ rằng chuyện Anh và Liên Hiệp Châu Âu « canh không lành, cơm không ngọt » không chỉ mới xảy ra ngày hôm qua.
Mối duyên giữa « Luân Đôn và EU, là một câu chuyện tình mang tính lý trí nhiều hơn là tình cảm ».

Về phần mình, La Croix cho biết « Anh ra khỏi châu Âu, nước Pháp có lẽ sẽ bị ảnh hưởng nặng nhất ».
Theo kết quả nghiên cứu của tập đoàn tái bảo hiểm Euler-Hermes, Pháp sẽ là một trong số 6 nước trong Liên Hiệp Châu Âu bị tác động nhiều nhất do Brexit.

Kinh doanh của các cơ sở Pháp tại Anh quốc có nguy cơ bị chậm lại do đồng bảng Anh sẽ bị giảm giá và Anh quốc có khả năng tái lập lại hàng rào thuế quan.
Đầu tư của Pháp vào Anh sẽ tụt giảm, trao đổi mậu dịch cũng sẽ bị hạn chế nhất là các lĩnh vực chế biến thực phẩm, hóa chất và máy móc trang thiết bị.

Về mặt ngân sách, do Anh không còn nằm trong Liên Hiệp nữa, phần đóng góp của Pháp vào ngân sách chung của Châu Âu cũng sẽ bị tăng thêm 1,2 tỷ euro.

Thêm vào đó, giảm tốc độ tăng trưởng của Pháp do Brexit sẽ kéo theo hệ quả là thất thu ngân sách từ 10-20 tỷ euro/năm.
Tuy nhiên, cũng sẽ có một số lĩnh vực sẽ thu được lợi chẳng hạn như tài chính hay như ngành hàng không. Một phần các hoạt động rất có thể sẽ được di dời lại về Pháp.

Nhìn chung, Pháp sẽ thiệt nhiều hơn là lợi.
Bởi vì, « Brexit sẽ không giải quyết được vấn đề gì và có lẽ sẽ còn làm vỡ những gì đang vận hành tốt », theo như nhận xét của ông Grandjean, chủ nhân hãng Redex của Pháp, tại Anh quốc.

Giới doanh nhân phương Tây : đồng minh quý giá của Nga

Chưa bao giờ Nga lại nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ của giới doanh nhân phương Tây như lúc này. « Tại Davos – Nga, một cuộc vận động mạnh mẽ cho việc dỡ các lệnh trừng phạt kinh tế » nhắm vào Nga, là ghi nhận của Les Echos.

« Các lệnh trừng phạt đang gây khó khăn cho tất cả chúng tôi. Các nhà quản lý nên nhìn thẳng vào thực tế » là những lời kêu gọi của giới doanh nhân Pháp đưa ra trước ngày khai mạc Diễn đàn Davos tại Saint-Petersbourg.

Họ chỉ trích chính phủ Pháp « lời nói không đi đôi với việc làm ».
Trước mặt giới chủ, « các bộ trưởng nhìn nhận các lệnh trừng phạt này là phi lý, đi ngược lợi ích kinh tế của Pháp », nhưng hai năm đã trôi qua, với các lý do chính trị, "các lệnh trừng phạt đó vẫn bị triển hạn".

Cũng như giới doanh nhân ở các nước khác trong Liên Hiệp, họ hy vọng rằng trong tuần tới, Liên Hiệp Châu Âu sẽ không triển hạn thêm các lệnh trừng phạt kinh tế nhắm vào Matxcơva, vốn dĩ được đưa ra kể từ đầu cuộc khủng hoảng Ukraina.

Pháp cảnh báo Nano phân tử trong thức ăn

Trong lĩnh vực vệ sinh thực phẩm, báo Le Monde có bài « Các nano phân tử trong đĩa thức ăn của chúng ta ».
Theo một nghiên cứu của hiệp hội « Hành động vì môi trường – Agir pour l’environnement », được công bố hôm qua, 15/06/2016, thì trong nhiều loại thực phẩm có chứa nano phân tử, gây nguy hiểm cho sức khỏe người tiêu dùng.

Theo tờ báo, hiệp hội đã cho phân tích bốn sản phẩm vẫn thường được tiêu thụ : bánh biscuit sô cô la của hãng Lu, kẹo cao su Malabar, thịt bê hầm đóng hộp do hãng Williamn-Saurin kinh doanh và túi gia vị cho quả bơ nghiền được bán với nhãn hiệu siêu thị Carrefour.
 Các sản phẩm được phân tích tại Phòng đo lường và trắc nghiệm thuộc bộ Công Nghiệp Pháp.

Kết quả phân tích cho thấy cả bốn sản phẩm nói trên đều chứa nano phân tử, cụ thể là ba sản phẩm đầu có dioxyde de titan (TiO2) và trong sản phẩm thứ tư thì có dioxyde de silicium (SiO2).

Đây là những phụ gia mà các nhà sản xuất thường dùng để làm trắng sản phẩm hoặc thay đổi mầu, giữ nước, chống vón cục.

Le Monde cho biết, việc dùng nano phân tử không có gì là mới mẻ cả. Nhưng điều mà hiệp hội « Hành động vì môi trường » muốn tố cáo là đó là sự vi phạm luật lệ quy định và vấn đề sức khỏe đối với người tiêu dùng.

Từ tháng 12/2014, Liên Hiệp Châu Âu đã có quy định về việc phải ghi rõ trên bao bì là các sản phẩm có chứa nano phân tử, nếu như các nano phân tử này nhỏ hơn 100 nano mét – tương đương một phần tỉ mét.
 Quy định này được áp dụng chậm trễ nhưng dường như phải có hiệu lực kể từ tháng 12/2015.
 Cả bốn sản phẩm được phân tích đều có nano phân tử nhỏ hơn nhưng trên bao bì đều không ghi.

Vẫn theo hiệp hội « Hành động vì môi trường » thì các nano phân tử này gây độc hại cho sức khỏe con người, môi trường, nhưng ít người biết đến.
Do cực nhỏ - một nano chỉ bằng một phần 50 ngàn kích cỡ sợi tóc, các nano phân tử này có thể thâm nhập vào phổi, máu qua đường hô hấp hoặc tiêu hóa vì chúng có thể vượt qua dễ dàng các bộ phận thanh lọc ngăn chặn trong cơ thể con người.

Tháng 05/2014, cơ quan an toàn vệ sinh thực phẩm Pháp – ANES đã báo động là các vật liệu thực phẩm cực nhỏ gây độc hại cho con người.
Trong khi chờ đợi các đánh giá về tác động đối với sức khỏe con người, hiệp hội « Hành động vì môi trường » đã kêu gọi tạm ngưng sử dụng các nano phân tử trong thực phẩm.

Nhật Bản : « Hòa nhập nhưng không hòa tan »

Đây là nhận xét chính của sử gia Pierre-François Souyri, trong tác phẩm « Hiện đại nhưng không là phương Tây » được Libération giới thiệu trong mục Sách.
Nhà sử học đã vẽ nên bức tranh tổng thể sống động về những cải cách và những thay đổi của Nhật Bản cuối thế kỷ XIX.

Trong « Moderne sans être occidental », ông Pierre-François Souyri, từng là giám đốc Nhà văn hóa Pháp – Nhật tại Tokyo tiết lộ là « quá trình hiện đại hóa Nhật Bản lại không hề mang tính chất tây phương hóa đất nước ».

Quá trình đó còn xa với « mục tiêu duy nhất là du nhập » như người ta từ lâu vẫn tưởng. Mà đó là kết quả của một sự năng động của chính bản thân nước Nhật và tiềm lực sống động, đôi khi mâu thuẫn ngay trong lòng một xã hội được thắp sáng.

Qua các nhật ký hành trình, các bài báo, tạp chí, xã luận và thông qua các ngôn từ, tác giả khởi đầu bằng một sự đắm chìm sống động và được hóa thân trong lịch sử về sự đổi thay lớn của Nhật Bản hướng tới sự hiện đại.

Cam Bốt : Khi công nghệ là cánh tay đắc lực cho khảo cổ học

« Tia laser giúp khám phá một nền văn minh cổ đại tại Cam Bốt », là thông báo của Le Monde. Những khu thành cổ bị chôn vùi trong rừng sâu giờ đã được « trồi » lên mặt đất nhờ vào … tia laser.

Được đặt cho cái tên Lidar, công nghệ này, vốn là một tia laser có tần số cao đi xuyên qua khu rừng rậm làm nổi lên hàng triệu điểm không gian 3 chiều (3D) với độ chính xác là vài cm.

Quy trình này đã giúp các nhà khảo cổ hiểu sâu hơn về đế chế Khmer (thế kỷ IX – XV). Nhưng những vết tích tôn giáo của đế chế, nhất là các vết tích Angkor – 400 km² được UNESCO xếp vào di sản văn hóa thế giới năm 1992, nằm trong số những kỳ quan tuyệt mỹ nhất của hành tinh cho đến giờ vẫn còn chưa được biết hết.

Những gì mà Lidar cho thấy đó là dấu tích của nền đô thị hoàn hảo, những con đường, kênh đào, các lưu vực, khu dân cư được che giấu dưới những rậm cây um xùm của vùng Đông Nam Á.

Switch mode views: