Tài liệu cũ của Saigon Echo
từ 2008 - 2012
Play
 
Giám Đốc: Tiến Sĩ Trần An Bài
  • Font size:
  • Decrease
  • Reset
  • Increase

Mẹo vặt đơn giản để giảm bớt rác thải

appliances-france

Một trung tâm tái xử lý các máy móc gia dụng tại Ploufragan, miền tây nước Pháp - AFP /Damien Meyer

Nhân hội nghị quốc tế về khí hậu COP21, nước Pháp đã phát động chiến dịch hướng dẫn các hộ gia đình trong khuôn khổ chương trình Tuần lễ Châu Âu giảm thiểu rác thải (Semaine Européenne de la Réduction des Déchets SERD).

Chương trình này được thành lập từ năm 2010, ban đầu được áp dụng thử nghiệm tại khoảng 100 địa phương, tới nay đã có gần 3.000 thị xã cùng tham gia.

Theo số liệu chính thức của Cơ quan bảo vệ môi trường và tiết kiệm năng lượng ADEME, tính trung bình hàng năm mỗi người dân Pháp thải ra khoảng 354 kí lô rác thải.
 Điều đó có nghĩa là trong đời sống sinh hoạt thường nhật, người Pháp thải gần một kí lô rác mỗi ngày, trong đó chỉ có khoảng 40% được tái xử lý, phần lớn còn lại bị thiêu hủy.

Tại Pháp, mặc dù việc tái xử lý rác thải đã được cải thiện trên khắp cả nước, tuy nhiên việc phân loại rác thải sinh hoạt chưa hiệu quả 100%.
Các hộ gia đình cũng như người tiêu dùng vẫn chưa được hướng dẫn một cách đầy đủ để có những phản xạ đơn giản trong nếp sống sinh hoạt.

Một trong những điều đơn giản đầu tiên mà các hộ gia đình có thể thực hiện được ngay là hạn chế xả rác trong cuộc sống hàng ngày.

Người tiêu dùng có thể giảm thiểu rác thải ngay từ lúc họ xách giỏ đi chợ, đặt chân vào siêu thị. Điều đó khiến chúng ta phải ý thức trong chuyện mua sắm, bỏ bớt việc sử dụng các loại bao bì không cần thiết, và thay vào đó ta có thể dùng các loại túi, hộp, chai có thể xài đi xài lại nhiều lần.

Mua một lần xài nhiều ngày

Cho dù là sống độc thân, thì ta cũng nên mua các loại sản phẩm gia dụng dành cho các gia đình đông con, chẳng hạn như kem đánh răng, bột giặt, dầu gội đầu, xà phồng để tắm, giấy vệ sinh, kem dưỡng da ….. hầu hết tất cả các sản phẩm này có thể được giữ lâu, không nhất thiết phải mua mỗi tuần hay mỗi tháng một lần, cho nên ta có thể mua lâu lâu một lần nhưng mỗi lần mua nhiều hơn mức bình thường.

Điều đó giúp tiết kiệm các thùng carton, các bao bì bằng nhựa không cần thiết.
Vả lại, mua năm kí lô bột giặt đựng cùng trong một thùng, lúc nào cũng rẻ hơn là mua 5 thùng bột giặt, mỗi thùng một kí lô.

Người tiêu dùng không chỉ tiết kiệm tiền mà còn hạn chế luôn khối lượng carton dùng để chế biến bao bì.
 Theo Cơ quan bảo vệ môi trường và tiết kiệm năng lượng, thì chỉ riêng biện pháp này có thể giúp mỗi người dân Pháp giảm 26 kí lô rác thải mỗi năm.

Các loại thực phẩm cũng vậy, nhất là các loại có thể để lâu mà không hư như đường, gạo, muối, bột, trà, cà phê, nước tương, mù tạt, đồ hộp, càng mua lớn thì khối lượng rác thải càng ít đi.

Cho dù hiện nay, dân Pháp được khuyên bớt ăn đường cũng như ăn muối, hàng năm mỗi người dân Pháp tiêu thụ khoảng 25 kí lô đường, điều đó khiến cho người Pháp, nhất là các bà nội trợ hay những người ăn kiêng cữ, có xu hướng mua các túi đường nhỏ hơn.

Nhưng tính toán như vậy có lẽ là không đúng, bớt ăn đường là bớt đi một chút hay thậm chí không bỏ đường vào trong cà phê, chứ không liên hệ gì với chuyện mua 5 kí lô đường, bởi vì khối lượng ấy có thể được dùng trong một thời gian lâu hơn, chẳng hạn như dùng trong 4 tháng thay vì trong 2 tháng.

Hiện giờ tại Paris, có khoảng 50 tụ điểm kinh doanh (dưới dạng hợp tác xã) chuyên bán các loại thực phẩm như vậy theo cân, từ ngũ cốc cho tới gạo, cà phê, đường thậm chí chocolat hay bánh kẹo.

Người tiêu dùng lần đầu tiên đi chợ có thể mua các hũ ve chai, rồi múc đường hay cà phê, tính theo cân.
Một khi đã dùng hết thì trở lại mua thêm, nhưng trước sau gì người mua vẫn dùng cùng một hũ ve chai, chứ không còn cần đến hộp carton hay bao bì túi nhựa …..

Trong ba năm tới, thành phố Paris muốn nhân lên gấp đôi các tụ điểm buôn bán như vậy, hầu giúp cho người dân thay đổi cung cách sinh hoạt và qua đó tập cho dân Pháp cái thói quen hạn chế rác thải ngay từ giai đoạn mua sắm.

Giảm bớt rác thải ngay từ lúc đi chợ

Cách giảm bớt rác thải này bắt đầu khi ta xách giỏ (hay đẩy xe caddie) để đi chợ.
Khi bước vào siêu thị tay không, thì khi về nhà ta sẽ cầm theo năm sáu cái túi nhựa hay bao nilon đựng hàng mua sắm.

Tính trung bình, mỗi năm người Pháp xài đến 110 túi nilon. Nếu dân Pháp chịu khó cầm giỏ đi chợ, thì nước Pháp sẽ đỡ phải xử lý 1.200 tấn rác thải đến từ các bao bì, túi nhựa.

Các loại thuốc tẩy, xà phòng rửa chén, các sản phẩm dùng để làm vệ sinh nhà bếp, phòng tắm hay để quét dọn nhà cửa cũng có giá "mềm" hơn khi được mua dưới dạng ‘‘éco recharge’’, chai xà phòng rửa chén chỉ cần mua một lần, loại có dung lượng càng lớn càng tốt, đến khi xài hết thì mua thêm túi xà phòng đổ vào, các loại túi này được thiết kế để bớt nặng và bớt cồng kềnh, và nhất là có thể được tái xử lý một cách dễ dàng.

Biện pháp này giúp mỗi người Pháp giảm thiểu 3 kí lô mỗi năm, nếu tính gộp lại là 1.800 tấn rác thải cho toàn nước Pháp chỉ riêng trong các loại thuốc tẩy hay bột giặt.

Trong đời sống hàng ngày, dân Pháp tích trữ rất nhiều thứ mà đến khi không còn cần thiết nữa, họ cho ngay vào thùng rác.
Nhưng thay vì làm như vậy, người Pháp giờ đây có rất nhiều tụ điểm gần nhà có thể giúp họ thu lượm các loại đồ dùng mà họ muốn vứt đi.
Thuốc tây hay dược phẩm quá hạn thì nên đem trả lại cho các hiệu thuốc, do các hiệu này biết cách tái xử lý hiệu quả các loại dược phẩm không còn dùng.

Đồ gia dụng điện tử, bóng đèn, cục pin hay túi thiết đựng cà phê ….. hầu hết các cửa hàng buôn bán đều buộc phải tái xử lý các sản phẩm, và đó là theo bắt buộc của luật hiện hành.
Một cửa hàng có bán pin mà không có nơi để thu gom để tái xử lý pin là vi phạm luật pháp và có thể bị phạt vạ rất nặng.

Áo quần, sách vở, đồ chơi nếu không còn dùng nữa thì nên đem tặng cho các hiệp hội từ thiện, các tổ chức thiện nguyện này đều tham gia vào ‘‘dây chuyền đoàn kết’’, sản phẩm có thể được tái xử lý thành một mặt hàng mới, hay đơn giản hơn nữa là đổi chác hay biếu tặng cho một hộ gia đình khác có nhiều nhu cầu hơn …..

Bớt in giấy

Những người nào chuyên làm việc ở nhà hay chuyên làm công việc bàn giấy thì có thể tiết kiệm giấy, vào thời đại công nghệ số, bạn có nhất thiết cần phải in ra giấy hay không, ngoại trừ các văn bản chính thức.

Các hãng hàng không, xe lửa hay xe đò bây giờ cũng khuyến khích người tiêu dùng mua vé điện tử (e-ticket), mỗi vé thường với giá mềm hơn đều có mã số riêng, lưu lại trên điện thoại di động, khi cần xét vé thì bật máy lên rồi dùng scan kiểm tra, chứ ít còn ai mà in vé ra giấy.

Ở nhà hay tại công sở, trước khi cho giấy vào sọt rác, thì ta vẫn có thể dùng mặt chưa in làm giấy nháp.
Các thị xã giờ đây cũng khuyến khích cư dân địa phương tiết kiệm giấy bằng cách trang bị thùng thư màu xanh, để khỏi phải nhận các loại giấy phát hay ‘‘tờ bay’’ quảng cáo không cần thiết, những người phát thư bừa bãi giờ đây cũng có thể bị phạt vạ, nếu cố tình nhồi nhét không đúng chỗ các loại giấy quảng cáo.

Đừng để thất thoát nước

Một động tác hết sức đơn giản hơn nữa là cách dùng nước sinh hoạt ở trong nhà. Điều quan trọng đầu tiên là kiểm soát mỗi năm một lần hệ thống dẫn nước có bị rò rỉ, thất thoát nhỏ giọt hay không.
Tại Pháp, nước dùng từ các vòi nước thuộc vào hàng sạch nhất thế giới.

Các đợt kiểm tra thường xuyên cho thấy là nước vòi không có hại cho sức khỏe, và nhất là nó nằm sẵn trong hệ thống phân phối nước, không cần phải đóng thùng hay vận chuyển, nếu phải so sánh thì một lít nước vòi rẻ từ 200 lần đến 300 lần so với một lít nước đóng chai.

Đối với những người không thích mùi vị của nước vòi thì chỉ cần sắm một máy lọc nước để ở nhà, đơn giản hơn nữa là hứng nước vòi vào chai, bỏ vào trong tủ lạnh một tiếng đồng hồ, bảo đảm là nước vòi không còn mùi vị gì nữa.

Cuộc sống thường nhật coi vậy khiến cho con người thải rác nhiều mà không hay biết.
 Các siêu thị để dễ bán hàng thường hay tạo ra đủ kiểu đóng gói bao bì, nhưng về lâu về dài lại tạo nơi người tiêu dùng những thói quen không hay.

Chương trình Tuần lễ giảm thiểu rác thải từ năm năm qua đã đem lại một số kết quả đáng khích lệ, giúp giảm đi một nửa các loại túi nhựa và bao nilon không cần thiết.
Mỗi người một chút, nhưng đôi khi chính những động tác đơn giản nhất, những mẹo vặt hết sức đời thường lại góp phần làm nên chuyện lớn.

 

Switch mode views: