Tài liệu cũ của Saigon Echo
từ 2008 - 2012
Play
 
Giám Đốc: Tiến Sĩ Trần An Bài
  • Font size:
  • Decrease
  • Reset
  • Increase

Điểm Báo Pháp Quốc Ngày 30-10-2015

 Trung Quốc tìm động lực mới cho kinh tế

chine 18

Bế mạc Hội nghị Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc ngày 29/10/15, Bắc Kinh thông báo bản kế hoạch 5 năm mới cho giai đoạn 2016-2021. Hai nhật báo Pháp Le Figaro và Les Echos trong số ra ngày 30/10/2015 quan tâm tới hai điểm quan trọng: chính sách dân số và mục tiêu tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc

Trang nhất phụ trương kinh tế của Le Figaro giành nói về : « Trung Quốc tìm động lực mới cho nền kinh tế ». Theo tác giả bài báo, các nhà lãnh đạo Đảng tập trung vào công nghệ mới, sức tiêu thụ nội địa, tăng tỉ lệ sinh sản, xóa nghèo đối với 70 triệu người dân và tăng gấp đôi thu nhập bình quân đầu người so với năm 2010.

Như vậy, chính sách « một con » có từ cuối thập niên 1970 sẽ bị bãi bỏ, từ giờ mỗi cặp vợ chồng được phép có thêm con thứ hai. Mục tiêu của chính sách là thay thế dân số già đang đe dọa nền kinh tế thứ hai thế giới, cùng với các khoản chi phí y tế và chăm sóc người cao tuổi. Vì đến năm 2025, gần 1/4 người Trung Quốc sẽ hơn 60 tuổi, trong khi đó quốc gia đông dân nhất hành tinh còn chưa kết thúc quá trình phát triển.

Trong bài viết « Các gia đình Trung Quốc từ giờ được phép sinh con thứ hai », nhật báo kinh tế Les Echos nêu thêm một số lý do giải thích quyết định bãi bỏ chính sách một con. Thứ nhất, trong vòng 20 năm tính từ năm 2010, Trung Quốc sẽ mất khoảng 67 triệu lao động. Thứ hai, chính sách một con đã khiến tình trạng chênh lệch giới tính nghiêm trọng hơn. Năm 2005, tỉ lệ này là 120 nam/100 nữ. Đây là hệ quả của quan niệm truyền thống « trọng nam khinh nữ ».

Dù từ năm 2013, Bắc Kinh đã nới lỏng chính sách một con, song tình hình vẫn không được cải thiện. Theo Le Figaro, các bậc phụ huynh không tỏ ra ‘hào hứng’ sinh thêm con thứ hai. Nhật báo kinh tế Les Echos cũng có chung nhận định khi cho rằng việc nới lỏng chính sách sinh sản chưa chắc sẽ dẫn tới một hiện tượng « baby-boom » mới.

Cả hai tờ báo đưa ra nhiều lý do. Trước hết, xã hội Trung Quốc hiện nay trở nên quá vật chất và đắt đỏ. Sinh thêm con trở thành một gánh nặng cho gia đình vì chi phí cho giáo dục tăng quá nhanh, cản trở sự nghiệp của cha mẹ và phải mua nhà rộng hơn.

Ngoài ra, tình trạng ô nhiễm môi trường nghiêm trọng hiện nay cũng dập tắt mong muốn sinh thêm con của nhiều cặp vợ chồng. Cuối cùng, tình trạng ‘đưa phong bì’, nhận hối lộ vẫn phổ biến trong lĩnh vực y tế khiến các gia đình phải luôn tiết kiệm ‘phòng thân’ để được phẫu thuật hay điều trị khẩn cấp khi phải nhập viện.

Chính vì vậy, khi chính sách một con được nới lỏng từ năm 2013, chính quyền Trung Quốc ước tính có khoảng 11 triệu cặp vợ chồng thuộc diện này, song chỉ có 700.000 cặp vợ chồng làm đơn xin sinh con thứ hai.

Bản kế hoạch 5 năm sẽ được Quốc hội Trung Quốc chính thức thông qua vào tháng 03/2016. Văn kiện này còn ấn định mục tiêu tăng trưởng hàng năm là 6,5%, với tham vọng hiện đại hóa nền kinh tế hiện đang phụ thuộc vào ngành công nghiệp ‘già yếu’ và ưu tiên phát triển bền vững.

Như vậy, lập công ty và lĩnh vực công nghệ cao là những ưu tiên hàng đầu mới của Trung Quốc. Các công ty nhỏ ‘start-up’ theo mô hình của tập đoàn công nghệ Tiểu Mễ (Xiaomi) sẽ được chú trọng để tạo thêm việc làm cho đội ngũ cử nhân trẻ ngày càng đông và luôn tìm cơ hội thăng tiến.

Thế nhưng, để thực hiện được bản kế hoạch mới, Bắc Kinh phải ‘rờ gáy’ các doanh nghiệp quốc doanh, thường kém hiệu quả nhưng lại được các mạng lưới có chức có quyền ‘bảo kê’. Đây là một trong những mục tiêu mà Chủ tịch Tập Cận Bình theo đuổi nhưng lại khó thực hiện từ khi ông lên nắm quyền vào năm 2013.

Người Duy Ngô Nhĩ được cấp hộ chiếu ‘ngoại giao’

Để xoa dịu các nước láng giềng và Thổ Nhĩ Kỳ, Trung Quốc đó cho phép người Hồi giáo Duy Ngô Nhĩ được tự do đi lại hơn nhờ được cấp hộ chiếu. Theo nhận định của nhật báo Libération, biện pháp này giúp Bắc Kinh bớt được một số thành phần đối lập cực đoan.

Sau nhiều năm không có quyền sở hữu hộ chiếu, từ tháng 08/2015, người Duy Ngô Nhĩ sống tại vùng Tân Cương được phép sở hữu loại giấy thông hành quý giá này. Trước đây, dù không có bất kỳ một văn kiện chính thức nào ghi rõ cấm cấp hộ chiếu cho người Duy Ngô Nhĩ, nhưng trên thực tế, chính quyền vùng Tân Cương hành động theo những chỉ thị ‘ngầm’ từ trung ương, trừ một vài trường hợp đặc biệt.

Theo nhận định của tác giả bài phóng sự trên Libération, cải cách hành chính tại khu vực tự trị này thực ra là một quyết định mang tính chất địa-chính trị trải dài từ Thái Lan tới Thổ Nhĩ Kỳ.

Sự trùng hợp thứ nhất là vụ đánh bom ngày 17/08 tại đền thờ Ấn Độ giáo tại thủ đô Bangkok thường được du khách Trung Quốc lui tới. Dù vụ khủng bố vẫn đang trong quá trình điều tra, nhưng hướng người Duy Ngô Nhĩ đã được cảnh sát nêu lên. Mục đích của vụ khủng bố là buộc chính quyền Thái Lan phải trả giá vì vào đầu tháng 07/15 đã trả 109 người Duy Ngô Nhĩ nhập cư trái phép về Trung Quốc.

Sự trùng hợp thứ hai là chuyến công du Trung Quốc ngày 29/07 của Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan. Dù rất ít thông tin về các cuộc hội đàm được tiết lộ, song chắc chắn chủ đề người Duy Ngô Nhĩ cũng nằm trên bàn đàm phán. Vì Thổ Nhĩ Kỳ tiếp nhận một số lượng lớn cộng đồng người thiểu số Hồi giáo này và luôn tự nhận là người bảo vệ các tộc người nói tiếng Thổ tại Trung Á.

Vậy tại sao Bắc Kinh quyết định cấp hộ chiếu cho người Duy Ngô Nhĩ ?

Tác giả bài báo nêu một số lý do được một số báo Trung Quốc đưa ra. Ví dụ, Hoàn cầu thời báo (số ra ngày 07/08) nêu ý kiến của « một số nhà nghiên cứu » (được cho là làm theo chỉ đạo của chính quyền) cho rằng biện pháp cải cách trên nhằm xóa bỏ các mạng lưới buôn người tại Đông Nam Á. Thế nhưng, có lẽ lý do chính là Tân Cương sẽ trở thành điểm xuất phát của « con đường tơ lụa hiện đại » đang được Trung Quốc thực hiện, trong khi đó người Duy Ngô Nhĩ vẫn chỉ là những công dân « bị giam lỏng ».

Giảng viên Đại học tự do Bruxelles, Thierry Kellner, nhận định : « Vụ khủng bố tại Bangkok cũng nêu rõ thái độ khó xử của Bắc Kinh. Thế nhưng, cũng nhờ vậy, Trung Quốc đã loại bớt được vài thành phần cực đoan. Như năm 1989, Bắc Kinh đã kín đáo để một số lãnh tụ sinh viên trốn ra nước ngoài. Vì một khi ở nước ngoài, họ không còn giữ vai trò ảnh hưởng tới Trung Quốc ».

Dù sao thì với quyết định cấp hộ chiếu cho người Duy Ngô Nhĩ, Bắc Kinh đã chấm dứt đối xử phân biệt với tộc người thiểu số này (hiện người Tây Tạng vẫn bị phân biệt đối xử). Mặt khác, Trung Quốc cũng tạm thoát khỏi tình huống khó xử đối với các đối tác Đông Nam Á và tránh được những lời chỉ trích của Ankara. Cuối cùng, chính quyền có thể kiểm soát được tình hình ra-vào vùng Tân Cương, hiện vẫn là một trong những khu vực còn nhiều biến động.

Quốc tế đoàn kết chống tổ chức Nhà nước Hồi giáo

Một cuộc họp thượng đỉnh đang diễn ra hôm nay tại Vienna để tìm ra một giải pháp hòa bình cho cuộc chiến tại Syria. Bài xã luận « Quốc tế đang đoàn kết chống Daech » trên nhật báo Le Figaro nhận định đã tới lúc ngành ngoại giao phải đưa ra nội dung cụ thể, thay vì những khẩu hiệu bay theo gió.

Giải pháp có vẻ như đơn giản : Tổng thống Syria Bachar al Assad từ chức và thay thế là một « Liên minh quốc gia ». Song hiện nay, vấn đề trở nên phức tạp hơn, bởi xung đột giữa hai quan điểm : duy trì toàn bộ lãnh thổ Syria (trong khả năng có thể) và mở một cuộc đối thoại chính trị. Cả Washington và Paris đều ủng hộ giải pháp đối thoại. Thế nhưng, đối thoại với ai ? Nếu Tổng thống Assad ra đi, thì toàn bộ chế độ sụp đổ. Chính vì vậy, tất cả các bên đều cần vị tổng thống này.

Tại hội nghị Vienna, Nga xuất hiện với vị thế mạnh hơn sau khi can thiệp quân sự vào Syria. Nhưng trên thực địa, Nga đang « dậm chân tại chỗ » và muốn sử dụng giải pháp ngoại giao trước khi bị sa lầy vào cuộc chiến.

Còn Iran, dù ngả về phía Tổng thống Putin, nhưng Teheran hiểu rằng tham chiến tại Syria sẽ vô cùng tốn kém cho đất nước và lo ngại sẽ nằm dưới sự chỉ đạo của Matxcơva. Tuy nhiên, sự trở lại của Teheran trên các vấn đề ngoại giao được đánh giá là giúp cân bằng lực lượng trên bàn đàm phán.

Phụ nữ Pháp làm tới 2/3 công việc nhà

Theo một nghiên cứu của Viện thống kê Pháp INSEE phụ nữ vẫn làm tới 2/3 công việc trong gia đình. Tuy nhiên, nam giới đã tỏ ra cố gắng hơn khi giành thêm 50 phút hàng tuần để chăm sóc con.

« Vẫn còn bất cân bằng trong việc nhà », tựa của báo Le Monde. Viện INSEE tổng hợp và phân tích bốn cuộc điều tra được thực hiện từ năm 1970 tới 2010 về việc chia sẻ công việc gia đình. Theo đó, phụ nữ làm tới 65% công việc nhà, còn nam giới là 35%.

Tuy nhiên, phụ nữ thành thị ‘tiết kiệm’ được 10 giờ mỗi tuần cho việc gia đình nhờ vào nhiều yếu tố xã hội, như rất nhiều phụ nữ có trình độ học vấn cao hơn và có việc làm. Ngoài ra còn phải tính tới yếu tố số phụ nữ sống độc thân tăng hơn và nhiều người có ít con. Thêm một yếu tố quan trọng khác là máy móc thay thế con người rất nhiều trong suốt bốn thập niên.

Dù không ‘tích cực’ bằng phụ nữ, song nam giới lại giành thêm 3 tiếng rưỡi đồng hồ hàng tuần đề làm việc nhà. Tiến bộ này cho phép phụ nữ đôi khi tranh thủ được thời gian để gặp gỡ bạn bè hay chăm sóc bản thân. Người cha trong gia đình cũng giành thêm được 50 phút mỗi tuần cho con, chủ yếu là giúp làm bài tập hay chơi cùng chúng.

Giải thích tại sao phụ nữ làm việc nhà nhiều hơn, tác giả nghiên cứu nêu lên nhiều yếu tố, trong đó có việc sau khi sinh con, người mẹ thường nghỉ làm, hoặc làm việc bán thời gian. Chính vì vậy, họ có nhiều thời gian hơn để chăm sóc con và làm việc nhà.

Switch mode views: