Tài liệu cũ của Saigon Echo
từ 2008 - 2012
Play
 
Giám Đốc: Tiến Sĩ Trần An Bài
  • Font size:
  • Decrease
  • Reset
  • Increase

Khí hậu : Vòng đàm phán tại Bonn rất ít tiến bộ

Bonn-khihau

Trung tâm hội nghị Bonn
AFP PHOTO / PATRIK STOLLARZ


Theo AFP, vòng đàm phán tại Bonn, Đức, đầu tháng 9/2015, để chuẩn bị cho Thượng đỉnh Khí hậu Paris cuối năm 2015, đã không xóa đi được ấn tượng « vận tốc rùa bò » (so sánh của Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Ban Ki-moon).

 Ám ảnh đang đè nặng lên các nhà thương thuyết : với tốc độ như vậy, COP 21 sẽ chỉ đi đến được một thỏa thuận về một số mục tiêu tối thiểu.
Điều đó cũng có nghĩa là không đủ để ngăn chặn nhiều thảm họa kinh hoàng do biến đổi khí hậu.

Vòng đàm phán tuần qua có ý nghĩa quan trọng, vì đây là đợt thương thuyết áp chót, trước Thượng đỉnh đầu tháng 12. 195 quốc gia chỉ còn một đợt gặp nhau lần cuối vào cuối tháng 10, để thông qua văn bản dự thảo thỏa thuận cuối cùng.

Theo bà Elina Bardam, trưởng đoàn đàm phán Châu Âu, cuộc họp kín tại Bonn đã không mang lại được một văn bản dự thảo phù hợp cho việc thương thuyết.
Ngay từ thứ hai tuần trước, khi vòng đàm phán mới mở ra, nhiều nhà đàm phán đã bày tỏ nỗi thất vọng trước tốc độ quá chậm rãi của các phiên thảo luận.

Kết quả chủ yếu đạt được trong vòng đàm phán Bonn là tập hợp được những vấn đề bất đồng, với các đề xuất khác nhau của mỗi nước, thường là có nội dung mâu thuẫn.

 Văn bản tạm thời dài 83 trang vẫn bị coi là quá dài. Chính phủ các nước yêu cầu hai đồng chủ tọa trình một văn bản dự thảo mới vào đầu tháng 10.
« Đừng lắp lại các sai lầm tại Copenhagen » (tức Thượng định khí hậu COP 15) là cảnh báo thường xuyên được nhắc lại tại Bonn trong tuần qua, như thể một « câu thần chú », theo ghi nhận của một số nhà quan sát.

Nhiều vấn đề căn bản vắng mặt

Một trong những điều gây bất đồng nhiều nhất, giữa các nước đang phát triển và các nước phát triển, là vấn đề đền bù cho các nước bị thiệt hại do biến đổi khí hậu, ông Romain Benicchio, tổ chức Oxfam, nhấn mạnh.

Dù thừa nhận trách nhiệm lịch sử của mình trong việc Trái đất bị hâm nóng, các nước phát triển vẫn duy trì quan điểm không trợ giúp bằng mọi giá cho các nước nghèo gặp nạn.
Ông Martin Kaiser, thuộc tổ chức bảo vệ môi trường Greenpeace, lưu ý : nhiều vấn đề tế nhị nhất cho đến nay vẫn chưa được giải quyết, ví dụ như việc dần dần xóa bỏ việc sử dụng năng lượng hóa thạch, từ đây đến 2050.

Cam kết tài trợ 100 tỷ đô la mỗi năm cho các nước nghèo, kể từ 2020, vẫn chưa được chính thức hóa.

Thất vọng nhất là nhiều nước Châu Phi và đảo nhỏ. Theo ông Pierre Radane, cố vấn về khí hậu cho nhiều quốc gia Châu Phi, bên nào cũng đợi bên kia nhường bước trước, và không có ai nhượng bộ về cơ bản. 15 tiếu quốc Thái Bình Dương, trong đó nhiều nước đang đứng trước nguy cơ biến mất, do nước biển dâng cao, cảnh báo biến đổi khí hậu để lại các hệ quả khủng khiếp, với tốc độ hủy diệt nhanh chóng, và kêu gọi các quốc gia hãy vượt lên quyền lợi ích kỷ của bản thân.

Hôm thứ Năm tuần trước, một liên minh trong đó có Trung Quốc, Ấn Độ, nhiều nước Châu Phi, Nam Mỹ, Trung Đông và Châu Á, kêu gọi « đàm phán thực chất, cụ thể ».
Chia sẻ với nỗi thất vọng phổ biến này, Giám đốc ban thư ký phụ trách Hiệp ước khung của Liên Hiệp Quốc về khí hậu, bà Christiana Figueres nói :
 « Tất cả chúng ta điều muốn có kết quả », « tất nhiên là, tất cả chúng ta đều nóng lòng và hiển nhiên tất cả chúng ta đều cảm thấy hẫng hụt ».
Nhưng đại diện Liên Hiệp Quốc nhấn mạnh cũng : chúng ta vẫn đi đúng lộ trình.

Phải hết sức khẩn trương

Trước các phê phán nói trên, đồng chủ tịch vòng đàm phán Bonn, ông Ahmed Djoghlaf khẳng định thương thuyết đang đi theo tiến độ kịp cho một thỏa thuận tại Paris.
Theo đồng chủ tọa người Algeri, thì việc tiến lên theo « từng bước nhỏ một » này là cần thiết, và văn bản nói trên vẫn tiếp tục chủ trương bảo lưu lập trường của tất cả các bên và đã được rút ngắn lại.

Về phần mình, nhà thương thuyết Pháp Laurence Tubiana nhận xét : vòng thương lượng vừa qua « rất quan trọng », vì cho phép mỗi quốc gia biết được lập trường của các nước khác.

Còn nhiệm vụ hiện tại cho đến cuối tháng 10 là ghép những góc nhìn riêng biệt đó để làm thành « một cái nhìn sáng tỏ mang tính toàn thể ».
Đại diện đàm phán Liên Hiệp Châu Âu Elina Badram cũng tỏ ra tương đối lạc quan : « bất đồng trong nhiều vấn đề giữa các bên đang được thu hẹp, vấn đề là cần phải thay đổi triệt để tốc độ đàm phán ».

Một cái nhìn lạc quan khác là của bà Jennifer Morgan. Thành viên Viện tư vấn tài nguyên thế giới (World Resources Institute), có trụ sở tại Washington, cho rằng các quốc gia đã có nhiều tiến bộ quan trọng trong việc xác định một bộ khung cho thỏa thuận sắp tới tại Paris, nhiều thương thuyết về các vấn đề then chốt đã diễn ra.

Một ví dụ cụ thể là thảo luận về một cơ chế cho phép xem xét lại thường xuyên theo hướng tăng cao cam kết của các nước về giảm khí thải.
Đây là một lộ trình cho phép nỗ lực chung của cộng đồng quốc tế sẽ tiếp tục được điều chỉnh trong những năm tới.

Để tăng tốc đàm phán, 57 nước đã chấp nhận tham gia một hội nghị không chính thức cấp bộ trong vòng hai ngày cuối tuần tới tại Paris, theo lời mời của Pháp.
Tài trợ cho chính sách khí hậu và chuyển giao công nghệ cho các nước nghèo sẽ là các chủ đề trọng tâm.

Hơn 40 tổ chức môi trường kêu gọi COP 21 đặt mục tiêu tăng dưới 1,5°C

Song song với vòng đàm phán tại Bonn, theo AFP, nhiều tổ chức xã hội dân sự vì môi trường gửi thư ngỏ tới Pháp, quốc gia chủ nhà COP 21, kêu gọi cộng đồng nỗ lực hơn nữa để giới hạn nhiệt độ không chỉ ở mức dưới tăng 2°C, mà là dưới 1,5°C.

Theo nhiều dự báo khoa học, thảm họa do biến đổi khí hậu sẽ rất ghê gớm, ngay cả khi nhiệt độ tăng lên hơn 1,5°C so với thời tiền công nghiệp.

Hiện tại, hơn 40 tổ chức tham gia lời kêu gọi, mang tên « Đã đến lúc hành động ». Trong số này, có Hội chữ thập đỏ quốc tế, Y sĩ Thế giới, Hành động chống nạn đói, Người tàn tật quốc tế, hay Mạng lưới các tổ chức xã hội dân sự toàn cầu vì giảm thiểu thiệt hại do thiên tai…

 Lời kêu gọi nói trên của các hiệp hội nhấn mạnh biến đổi khí hậu đã khiến 22,4 triệu người phải tha hương riêng trong năm 2013, và khoảng 250 triệu người một năm trước ngưỡng cửa 2050.
Trong khi các đàm phán về hạn chế biến đổi khí hậu khó có khả năng đi đến một thỏa thuận đủ tầm mức, thiệt hại do Trái đất bị hâm nóng không ngừng gia tăng.

Riêng nạn khô hạn trong những tháng tới, do hiện tượng El Nino, sẽ khiến toàn cầu thiệt hại 8 tỷ đô la, theo công ty bảo hiểm Aon Benfield. Hoa Kỳ sẽ phải chi ra ít nhất ba tỷ đô la, để đền bù cho thiệt hại nông nghiệp.

Cho đến nay, năm 2015 có thể được ghi vào kỷ lục như một trong những năm hỏa hoạn khủng khiếp nhất của Mỹ, với tổng diện tích khoảng 36.000 km², tương đương với vùng Bretagne (Pháp).

Diện tích bị cháy năm nay rất có khả năng sẽ vượt kỷ lục 40.000 km² của năm 2006.
 Theo người phát ngôn của Trung tâm quốc gia quản lý hỏa hoạn Hoa Kỳ (NIFC), không nghi ngờ gì nữa, quy mô và tần suất tăng cao của các vụ cháy là do biến đổi khí hậu.


Switch mode views: