Tài liệu cũ của Saigon Echo
từ 2008 - 2012
Play
 
Giám Đốc: Tiến Sĩ Trần An Bài
  • Font size:
  • Decrease
  • Reset
  • Increase

Điểm Báo Pháp Quốc Ngày 13-07-2015

Trật tự thế giới mới : Nga - Trung đồng sàng dị mộng

CHINA-RUSSIA 2
Hai ông Tập Cận Bình và Putin trong lần gặp tại Nga 08/05/2015 - REUTERS /Sergei Karpukhin

Trong dòng thời sự nổi bật với Hội nghị Thượng đỉnh vùng euro tại Bruxelles kết thúc hôm nay,13/07/2015, nhật báo Pháp Le Monde cũng lưu ý đến Thượng đỉnh của khối BRICS và của Tổ chức Hợp tác Thượng Hải SCO, tổ chức tuần qua tận Ufa, một thành phố xa xôi ở Nga.

Tại đấy, Nga và Trung Quốc đã bộc lộ rõ ý đồ tạo dựng một trật tự thế giới mới do hai nước này khống chế.

 Thế nhưng, nếu Trung Quốc nhắm vào mục tiêu kinh tế, thì Nga lại chú ý nhiều hơn đến khía cạnh chính trị.

Bài viết của Sylvie Kauffmann mang tựa đề đầy ý nghĩa : « Sẽ không có Hội nghị Ufa », gợi lại những hội nghị quan trọng như Hội nghị Versailles năm 1919 tại lập trật tự châu Âu sau khi Đức bị thua cuộc
Chiến tranh Thế giới lần thứ nhất, hay Hội nghị Yalta, đã tạo ra thể lưỡng cực Đông-Tây sau Đệ nhị Thế chiến.

Theo Le Monde, như vậy là vào lúc các nước Tây Âu đánh vật với nhau về « cơ hội cuối cùng » mà ngày nào họ cũng dành cho Thủ tướng Hy Lạp, Alexis Tsipras, để cứu nước ông khỏi tình trạng "Grexit", vào lúc những kẻ buôn người đã hướng những container chết người của họ về phía Hy Lạp và Hungary thay vì đến Ý, để tránh tuần tra gắt gao trên biển, thì Sa hoàng của thời hiện đại – tức là Tổng thống Nga Vladimir Putin đã lộ rõ ý định đặt nền móng cho một trật tự thế giới mới khi tập hợp tại Ufa các nhà lãnh đạo của hai tổ chức phi phương Tây.

Trước hết là khối BRICS, bao gồm năm nền kinh tế mới nổi lớn nhất: Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi - một phần năm của nền kinh tế toàn cầu. Hội nghị thượng đỉnh của Ufa đã khởi động cho định chế thường trực đầu tiên của BRICS, một ngân hàng phát triển nhằm mục đích tài trợ cho những cơ sở hạ tầng "táo bạo" hơn so với Ngân hàng Thế giới.

Tổ chức thứ hai là Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO), được thành lập vào năm 2001 để thúc đẩy quan hệ an ninh giữa Trung Quốc, Nga, Kazakhstan, Kyrgyzstan, Tajikistan, rồi Uzbekistan.

 Thứ Sáu mồng 10 tháng Bảy vừa qua, ở Ufa, tổ chức này đã có thêm Ấn Độ và Pakistan, hai nước góp phần mở rộng đáng kể quy mô của SCO.

Liên kết BRICS và SCO để gia tăng uy thế ?

Theo Le Monde, đối với cả Vladimir Putin lẫn Tập Cận Bình, hai khối quốc gia nói trên kết hợp lại có thể tạo nên một kiến trúc tiền tệ, kinh tế và thậm chí cả ngoại giao lẫn an ninh, khác với kiến trúc đã được sản sinh từ cuộc chiến tranh thế giới thứ hai, và bị chi phối Mỹ chi phối.

Thậm chí đã có một ý tưởng được nêu lên là hòa nhập dưới cái ô chung của Tổ chức Hợp tác Thượng Hải hai dự án kinh tế, Liên minh Kinh tế Á-Âu của ông Putin, bao gồm Nga, Kazakhstan, Armenia và Belarus, và « Con đường tơ lụa », sáng kiến vĩ đại của ông Tập Cận Bình, nhưng bị Nga nghi ngờ là có ý đồ thôn tính vùng Trung Á.

Đối với Le Monde, có khả năng là Trung Quốc, nước cũng tung ra một định chế khác không chịu ảnh hưởng của phương Tây là Ngân hàng Đầu tư Hạ tầng Cơ sở Châu Á, ưu tiên cho những kiến trúc kinh tế và tiền tệ, trong khi Nga, bị phương Tây trừng phạt do cuộc khủng hoảng Ukraina, thì coi trọng trật tự chính trị hơn.

Định đề không sai, nhưng cũng không đúng

Tuy nhiên, theo Le Monde, phải thừa nhận rằng trong thực tế một động lực nằm ngoài vòng kềm tỏa của phương Tây đã phát sinh tại vùng Âu Á (Eurasie), mà phạm vi còn lớn hơn cả Liên Xô trước đây.Động lực đó dựa trên hai định đề gắn chặt với nhau.

Một là phương Tây đã bước vào thời kỳ thoái trào, với châu Âu bị vướng vào những cuộc khủng hoảng do chính mình gây nên, trong lúc Hoa Kỳ thì bắt đầu co cụm.
Định đề thứ hai là các nước mới nổi dang trên đà vươn lên.

Các định đề đó, theo Le Monde, không phải là hoàn toàn sai, nhưng cũng không phải là hoàn toàn đúng. Nước Nga đang ở trong tình trạng suy thoái kinh tế, trong khi Mỹ đã tái lập được đà tăng trưởng bền vững. Tăng trưởng của Brazil và Nam Phi cũng bị suy giảm mạnh.

Ngoài ra, nếu so sánh tác động của vụ thị trường chứng khoán Trung Quốc bị giảm 30% trong vòng ba tuần, với những gì liên quan đến Hy Lạp, thì cuộc khủng hoảng nợ của Hy Lạp gần như chẳng nghĩa lý gì.

Tin vào Nhà nước : Châu Âu có, Trung Quốc không

Đáng ghi nhận hơn cả là thái độ bình tĩnh của các thị trường tài chính trong tuần qua, vào lúc mà giới chính trị cuống cuồng lên trước khả năng Grexit, tức là Hy Lạp rời khỏi vùng euro.
Sự bình lặng của thị trường châu Âu trái ngược hoàn toàn với không khí hoảng loạn làm giá cổ phiếu Trung Quốc sụp đổ.

Le Monde cho là tình hình tương phản đó có thể được giải thích bằng một từ ngữ « sự tin tưởng ».

Tin tưởng vào khả năng Ngân hàng Trung ương Châu Âu BCE sẽ làm « bất cứ điều gì » - như ông Mario Draghi, Chủ tịch BCE đã nói - để ngăn không cho khu vực đồng euro chao đảo, để thị trường châu Âu không rơi vào hoảng loạn.

Còn người Trung Quốc thì lại không có sự tin tưởng, vì chính phủ của họ không minh bạch trong hành động.

Le Monde kết luận : « Khi trở về, một người từ Liên Hiệp Châu Âu, và người kia từ Ufa, và thấy nhà mình đang cháy, Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường và Chủ tịch Tập Cận Bình có lẽ sẽ phải suy ngẫm về hai phản ứng tương phản kể trên, trước khi dấn thân vào "Con đường tơ lụa". »

Cứu Hy Lạp : Nhất trí giờ chót sau đối đầu Pháp-Đức

Khủng hoảng Hy Lạp với cuộc họp thượng đỉnh Châu Âu vô cùng gay go để bàn về khả năng nước này ở lại trong vùng đồng euro, kéo dài hơn 16 tiếng từ hôm qua, là chủ đề hàng đầu các báo hôm nay.

Chỉ có ấn bản trên mạng là kịp thời đưa kết quả, như Les Echos, vào lúc 9 giờ sáng nay, loan báo trong một hàng tít thật đậm : « Hy Lạp : một thỏa thuận được nhất trí thông qua ».

Trước đấy 2 tiếng đồng hồ tờ báo vẫn nôn nóng : « Vẫn không thấy thỏa thuận ở Hội nghị Thượng đỉnh ».
Trong cuộc họp, Thủ tướng Đức Angela Merkel tỏ ra vô cùng cứng rắn, không muốn chi thêm để giúp Hy Lạp, cho nên các báo giấy, ra trước lúc có kết quả, tỏ ra bực bội.

 Báo Libération, đăng ảnh bà Merkel trên trang nhất, vẻ mặt khó chịu, bên cạnh hàng tít dưới dạng câu hỏi : « Đức chơi trò gì vậy ? »
Tờ báo chỉ trích thái độ không khoan nhượng của Berlin và các đồng minh của họ, cản trở một giải pháp cho khủng hoảng, mà vào thứ Bảy vẵn còn thấy khả năng, qua đó làm dấy lên viễn cảnh một ‘Grexit’.

Trong hồ sơ này, Tổng thống Pháp François Hollande ngược lại, ngay từ đầu đã nỗ lực để tránh ‘Grexit’.
Do đó Le Figaro chạy tựa trang đầu : « Hy Lạp đào sâu thêm hố chia cách Pháp và Đức ».

Trong hàng tựa lớn ở trang trong, tờ báo nói đến cuộc « đối đầu Pháp Đức để duy trì Hy Lạp trong vùng euro ».
Tờ báo đặc biệt ghi nhận sự kiện Berlin đã cứng giọng trên các yêu sách đối vớí Athens, đòi Thủ tướng Hy Lạp chứng tỏ bằng những hành động cụ thể trước khi nói đến một kế hoạch trợ giúp thứ ba.

Trong bài báo : « Hollande đi dây », Le Figaro nêu bật việc Tổng thống Pháp muốn có vai trò dung hòa, ở giữa Berlin và Athens, muốn cứu Hy Lạp ngay từ đầu , và tại Hội nghị Thượng đỉnh, ông tỏ ra rất bức xúc trong không khí căng thẳng tột độ, không ngần ngại sử dụng từ ‘Tôi’ khi phát biểu và như thế tự đặt mình trong thế đứng mũi chịu sào.

Tuy nhiên về cuộc đối đầu, cả Libération lẫn Le Figaro đều thấy rằng không phải chỉ có Đức chống lại việc giúp đỡ Hy Lạp, mà có đến 10 trên 19nước của vùng euro không muốn trợ giúp thêm cho Athens.
Phần Lan cũng cứng rắn không kém gì Đức, Hà Lan cũng vậy và cả các nước Baltic. Dư luận tại các nước đó không thấy tại sao họ phải gánh nợ cho Athens.

Sự tin tưởng không còn nữa ?

Trong các bài xã luận để giải thích sự căng thẳng tột độ này trong hồ sơ Hy Lạp, các báo đều hầu như tóm gọn trong một từ : sự tin tưởng, như tựa của báo la Croix trên trang nhất : « Với Hy Lạp, vấn đề là sự tin tưởng ».

Theo tờ báo, sở dĩ cuộc thương lượng để cứu Athens gay go như vậy, đó là do sự mất tin tưởng đối với chính quyền Tsipras.

Nhiều người tư hỏi về khả năng thực hiện một chương trình cải tổ nghiêm khắc. La Croix giải thích thêm là cuộc trưng cầu dân ý đã để lại ấn tượng không tốt đối với một số thành viên vùng đồng tiền chung.

Trong bài xã luận tựa đề « Sự tin tưởng », Libération, nhắc lại câu nói thường nghe thấy để không giúp đỡ Athens : « Chúng tôi không con tin tưởng Hy Lạp ».
Nhưng tờ báo đặt ngược lại vấn đề tin tưởng ở cấp độ Châu Âu, và nhìn thấy là tương lai của Châu Âu không có gì hay ho hết.

Cho dù có đạt được một thỏa hiệp trong hồ sơ Hy Lạp, Châu Âu đã phơi bày sự ích kỷ. Và sự tin tưởng như là một cái roi quật ngược lại những nước đã cổ vũ cho khả năng Grexit, vì làm sao có thể tin tưởng một Châu Âu đặt lên hàng đầu những vấn đề đối nội, lên trên tất cả những vấn đề khác.

Đối với Libération nếu không tin là Hy Lạp có khả năng trả nợ đúng hạn, thì giải pháp không phải là nói đến việc đẩy Athéns ra cửa mà là bàn về những điều kiện để Hy Lạp trỗi dậy, tìm lại được sự tin tưởng vào chính họ, và Châu Âu tìm lại được sự tin tưởng của chính mình, tin tưởng vào tương lai của một Châu Âu đoàn kết, gần gũi với người dân Châu Âu.

Le Figaro trong bài xã luận tựa đề « Châu Âu lâm nguy », đánh giá là chất keo nối kết Liên Hiệp là sự tin tưởng.

Tờ báo nhận thấy là sự ấu đả chung quanh hồ sơ Hy Lạp đã cho thấy là có 2 Châu Âu tồn tại song song, với hai lôgíc khác biệt : Một Châu Âu mang tính chất Đức, mang tính kế toán, tính toán chi li không khoan nhượng, và một châu Âu theo Pháp, nặng tính chính trị, dễ dãi.
Nếu hai đầu tàu tìm được thỏa thuận thì 26 nước còn lại đi theo.

Tuy nhiên, trường hợp Hy Lạp đã đẩy cỗ xe đến đường cùng, Berlin chỉ nhìn thấy số tiền phải trả, đòi Athens chứng minh và bảo đảm khả năng thanh toán, Paris thì nói đến tương trợ, đoàn kết.

Tờ báo công nhận là tình hình phong ba chung quanh hồ sơ Hy Lạp là do sự mất tin tưởng. Nhưng cảnh báo nếu nó lại diễn ra giữa Pháp và Đức thì phong ba sẽ còn tệ hại hơn nữa.

Ngoại thương Trung Quốc : Dấu hiệu tháng Sáu đáng khích lệ ?

Báo Kinh tế Les Echos hôm nay theo dõi kết quả trao đổi thương mại của Trung Quốc, tỏ ra phần nào lo lắng : Xuất khẩu Trung Quốc đã tăng trở lại vào tháng Sáu, nhưng nhập khẩu tiếp tục tuột giảm.

 Nhìn chung về kết quả sáu tháng đầu năm, ngoại thương Trung Quốc lại tuột dốc đến 7%
Tin đáng phấn khởi cho nền kinh tế thứ 2 thế giới là sau 3 tháng giảm sụt liên tục, xuất khẩu tháng qua đã tăng 2,8%, tính theo một năm, (lên 192 tỷ đô la) cao hơn mức dự tính là 1,2%.

Phần xuất khẩu thì lại tiếp tục giảm, giảm 6,1% trên một năm. Nhưng cũng là dấu hiệu khả quan nếu so với tháng 5, sụp đến 18,1%.

Đối với tờ báo, giới phân tích ghi nhận việc tiêu thụ nội địa Trung Quốc đã bắt đầu lên lại đôi chút.
Số liệu tháng Sáu, sau tình hình rất bấp bênh 5 tháng trước, là một dấu hiệu tích cực đối với phần còn lại của thế giới, nhất là đối với những nước như Úc, cung cấp nguyên liệu cho Trung Quốc.

Tuy nhiên Les Echos cũng cảnh báo tình hình tốt lên như nói trên không có vẻ vững chắc, dẫu sao trao đổi cũng đã giảm 6,9% trong khi nhà Nước đặt ra mục tiêu tăng khoảng 6%/năm.

Les Echos nhìn thấy chính phủ Trung Quốc cũng thận trọng.
Cho dù chờ đợi tình hình cải thiện dần vào sáu tháng cuối năm 2015, nhưng cũng không che giấu là con đường đầy chông gai, nhất là nhu cầu nước ngoài yếu đi, cộng thêm giá nhân công cao khiến hàng Trung Quốc không còn sức cạnh tranh như trước và đồng yuan lại giá cao.

Tóm lại tuy có chút ánh sáng, nhưng bối cảnh kinh tế chung trong nội địa vẫn ảm đạm.
Thị trường chứng khoán tuột dốc vừa qua đã để lại cảm giác bất an.


Switch mode views: