Điểm Báo Pháp Quốc Ngày 07-01-2013
- Thứ Hai, 07 tháng Giêng năm 2013 23:07
- Tác Giả: Mai Vân
Thảm cảnh phụ nữ bị hãm hiếp : công luận Ấn Độ chưa hết phẫn nộ
Học sinh Ấn Độ tưởng niệm nạn nhân vụ cưỡng hiếp tập thể ở New Delhi.
REUTERS/Amit Dave
Sự kiện thời sự quốc tế được báo giới Pháp hết sức chú ý là phiên xét xử các kẻ hãm hiếp tập thể một nữ sinh viên Ấn Độ.
Le Figaro ở trang quốc tế nêu trong hàng tựa : « Hai trong số 6 kẻ hãm hiếp ở New Delhi muốn nhận tội ».
Libération nêu một góc độ khác – lòng tức giận của dân chúng trong tựa trang nhất : « Ấn Độ tố cáo cảnh sát của mình ».
Theo Le Figaro, hai người kể trên tên là Pawan và Vinay. Họ đã từ chối không nhờ đến luật sư, ngỏ ý muốn nhận tội và tường thuật tỉ mỉ sự cố hầu được giảm án. Tuy nhiên với tội ác khủng khiếp, nhật báo Pháp cho là họ khó hy vọng toại nguyện.
Le Figaro còn trích dẫn báo chi Ấn Độ, cho biết là từ thời điểm cô sinh viên bị hãm hiếp ở New Delhi làm chấn động dư luận đến nay, mỗi ngày vẫn có đến 3 vụ tương tự. Vụ gần đây nhất đã làm chấn động thủ đô Ấn xẩy ra cuối tuần qua : Xác một phụ nữ trẻ bị lột áo đã đươc phát hiện ngày 05/01/2013 tại Noida, ngoại ô New Delhi. Người phụ nữ này đã bị hãm hiếp rồi bị hạ sát.
Libération dành gần hai trang báo dài ở mục quốc tế, nêu lại sự cố dẫn đến cái chết cô nữ sinh viên qua lời tường thuật của thông tín viên Célia Mercier.
Người bạn trai cô gái xấu số đi cùng với cô và bị đánh đập, đã kể lại cho đài truyền hình Zee TV, cảnh tượng mà anh khó thể quên.
Bài báo mô tả lại : Trong đêm giá lạnh, sương bao phủ ở New Delhi, hai người bị vứt ra khỏi xe búyt, hầu như không còn quần áo, nằm dưới một cầu vượt xe hơi, mình đầy máu me.
Người bạn trai vừa cứu được cô bạn khỏi bị xe buýt cán, nhưng cô bắt đầu mất nhiều máu. Ngưòi bạn trai, chân phải bị gẫy nhưng cố kêu cứu. Không chiếc xe nào dừng lại, người đi đường thờ ơ, nhìn ra nơi khác. Rốt cuộc cảnh sát đến nơi, nhưng đã mất thêm nửa tiếng đồng hồ thảo luận xem vụ việc này là thuộc nơi nào xử lý trước khi chở hai người đến bệnh viện.
Người bạn trai cô sinh viên, một nhà tin học trẻ 28 tuổi, tên Awindra Pandey, tên cô nữ sinh viên chỉ mới đươc tiết lộ hôm qua theo yêu cầu của gia đình : Jyotti Singh Pandey.
Thái độ và hành động của cảnh sát bị nêu bật như trên, đã làm dấy lên trở lại một làn sóng phẫn nộ, tuy rằng họ đã nhanh chóng bắt được thủ phạm nhờ các camera theo dõi.
Nguyên nhân gây phẫn nộ : sự thờ ơ chung trước tệ nạn phụ nữ bị hiếp dâm
Libération cũng tìm hiểu nguyên nhân làm dư luận phẫn nộ. Theo tờ báo thì những vụ như trường hợp cô Jyotti, thường xẩy ra ở New Delhi, được mệnh danh là ‘thủ đô hiếp dâm’, và trong sự thờ ơ chung.
Một nữ ký giả còn thú nhận là khi biết tin này thì báo giới cũng chần chừ, tự hỏi là cần đưa tin hay không. Nhưng khi câu chuyện được tiết lộ, đã gây chấn động trong dư luận. Chính khách, giới lãnh đạo Ấn phải lên tiếng.
Dĩ nhiên là phụ nữ đi đầu trong làn sóng phản đối, họ không chấp sự thờ ơ, dễ dãi của chính quyền trước những hành động tội ác mà họ là nạn nhân. Việc trấn áp các cuộc biểu tình ở New Delhi, thường do những kẻ phá rối được cài vào, càng làm dư luận tức giận thêm.
Tác giả bài báo trích lời một phụ nữ Ấn, giải thích yếu tố gây nên sự phẫn nộ, không phải là hành động hãm hiếp mà là sự tàn ác của thủ phạm.
Bên cạnh đó, phản ứng của dư luận có lẽ cũng bắt nguồn phần nào từ thân thế của nạn nhân : Một nữ sinh viên thuộc tầng lớp trung bình. Người cha, từ bang Uttar Pradesh đã lên thủ đô lập nghiệp trong thập niên 1980. Để cho con được ăn học ông đã bán hết đất đai của mình.
Cô con gái dự kiến đi làm việc ở nước ngoài, giúp đỡ lại gia đình. Đây là hình ảnh của tuổi trẻ Ấn Độ ngày nay, một hình ảnh mà một thành phần xã hội thành thị Ấn có thể thấy mình trong đó.
Cơn giận không nguôi sau ba tuần lễ
Le Monde hôm nay cũng dành bài xã luận cho sự kiện ở Ấn, và cũng chú ý đến thái độ tức giận của dư luận, đã không nguôi 3 tuần lễ sau sự cố.
Tờ báo nhìn thấy nguyên nhân của cơn tức giận kéo dài là những tiết lộ về vụ việc diễn ra như thế nào, thái độ thờ ơ của người chung quanh và của cảnh sát, lo nghĩ đến khu vực thuộc thẩm quyền của mình hơn là cứu người.
Le Monde cũng nhìn thấy không ai ngạc nhiên là sự vụ xẩy ra ở New Delhi, thành phố nắm kỷ lục về các hành vi tấn công vào phụ nữ này, cao hơn cả các thành phố Bombay, Calcutta, Madras... họp lại.
Tờ báo nhìn một cách gay gắt xã hội Ấn, một nền dân chủ rộng lớn thế giới, nhưng phụ nữ chỉ là công dân thứ yếu. Đứng trên bình diện đầu óc bảo thủ của nam giới, đất nước rộng lớn như một lục điạ này chỉ là một ngôi làng với những thành kiến hẹp hòi về quyền phụ nữ.
Đối với Le Monde, nỗi phẫn nộ hiện nay ở Ấn Độ là một điều tốt đối với xã hội Ấn. Theo tờ báo, sự huy động của dư luận phải đươc duy trì để vụ việc làm tràn ly này không chìm vào quên lãng.
Giả thuyết về cái « bụng tròn » của Đệ nhất Phu nhân Bắc Triều Tiên
Ngoài Ấn Độ, báo Le Monde hôm nay khi nhìn về châu Á, đã chú ý đến hai sự kiện khác : Manila, thủ đô Philippines, sử dụng việc xử lý rác như một công cụ hội nhập, tạo ra công việc làm và đặc biệt là cái bụng của Đệ nhất Phu nhân Bắc Triều Tiên Ri Sol Ju với tựa đề trang quốc tế : « Các giả thuyết về cái bụng tròn của đệ nhất phu nhân Bình Nhưỡng ».
Le Monde giải thích là theo giới truyền thông Hàn Quốc thì những tấm hình của bà Ri Sol Ju có lẽ chứng minh là bà đang mang bầu.
Tờ báo Pháp ghi nhận là từ khi bà biến dạng vào tháng 10 năm ngoái khỏi các màn hình và ảnh tuyên truyền thì vị đệ nhất phu nhân Bắc Triều Tiên đã gây thắc mắc. Bà ở đâu ? như thế nào ? Nhiều phỏng đoán được nêu lên.
Tuy nhiên khi bà tái xuất hiện vào tháng 12 năm ngoái và tháng giêng, thì các cuộc tìm hiểu, phỏng đoán vẫn tiếp tục. Theo giới truyền thông Hàn Quốc, trong thời gian đó bà đã sinh con. Vì như tờ Dong A Ilbo tự hỏi : « Cái bụng tròn to của Ri Sol Ju không thấy đâu, phải chăng là bà đã sanh xong ? »
Tờ Chosun Ilbo thì đặt ra một câu hỏi khác : "Ri Sol Ju với cái bụng nhỏ lại trong 11 ngày, phải chăng là bà xuất hiện ngay sau khi vừa sinh đẻ xong ?"
Le Monde nhận định một cách châm biếm : Nếu các chuyên gia Bắc Triều Tiên đã bị buộc phải có những khái niệm về vật lý hạt nhân vì chương trình nguyên tử của Bắc Triều Tiên, thì giờ đây có lẽ họ cũng phải nghiên cứu về khoa sản.
Trang web Hàn Quốc DailyNK, của người tị nạn Bắc Triều Tiên và chuyên đưa tin về nước này đã nhờ đến một bác sĩ phụ khoa, nhưng cũng không biết rõ gì hơn.
Le Monde ghi nhận một sự kiện khác có lẽ xác nhận được tin trên : Nhóm nhạc Moranbong, gồm toàn phụ nữ, thành lập theo sáng kiến của chính Kim Jung Un, trong buổi trình diễn đầu năm Kim Jong Un và có cả bà Ri Sol Ju, đã hát một bài của ca sĩ Mỹ Johnny Mathis : « When a Child is Born ». Đối với nhiều người ở Hàn Quốc, đây là bằng chứng là đứa bé đã ra đời.
Theo Le Monde, vào tháng 9 năm ngoái, trước khi đệ nhất phu nhân Bình Nhưỡng lui vào hậu trường, thì một số người đã thấy dáng dấp của bà có tròn ra.
Báo giới Hàn Quốc đã so sánh hình của bà vào tháng 12 nhân buổi lễ tưởng niệm Kim Jong Il, bà Ri Sol Ju mặc chiếc áo truyền thống rất rộng, nhưng trong buổi trình diễn nhạc đầu năm, bà xuất hiện trong bộ Âu phục sát người.
Theo một lãnh đạo Hàn Quốc xin giấu tên, việc phân tích hình ảnh trên truyền hình cho thấy là bà Ri Sol Ju quả đã mang thai và sinh con.
Thời sự kinh tế và xã hội Pháp
Các vấn đề quyền hôn nhân cho những người đồng tính bị nhiều người phản đối, thuế 75% đánh trên các thu nhập thật cao, chuyện diễn viên Pháp Gérard Depardieu nhận hộ chiếu Nga, là những chủ đề tiếp tục thu hút báo chí Pháp hôm nay.
La Croix dành tít lớn trang đầu, nói đến : « Hôn nhân cho tất cả : Giáo hội lên tiếng. » Tờ báo giải thích là được các giám mục khuyến khích, nhiều người Công giáo chuẩn bị cuộc biểu tình ngày 13/01 này.
Le Figaro, sau lời cảnh báo của Bộ trưởng Giáo dục đối với trường tư thục công giáo cũng trên vấn đề này, ghi nhận trong hàng tít lớn trang nhất : « Cánh hữu tố cáo chính phủ khơi lại cuộc chiến ở trường học ».
Riêng báo Les Echos dành tựa cho vấn đề thuế 75% đang trở thành vấn đề đau đầu của chính phủ.
2013 : Hồi kết của chế độ al Assad ?
Về quốc tế, phát biểu của tổng thống Syria, al Assad, hôm qua, cương quyết không rút lui và tiếp tục cuộc chiến, đã bị các tờ báo Pháp chỉ trich gay gắt.
Libération trên trang nhất của mình đăng trên phông nền đen ảnh ông al Assad đang phát biểu với hàng tít lớn : « Al -Assad tên đao phủ ngoan cố ». Ở trang trong, tờ báo cho là Bachar al-Assad lên tiếng nhưng (ông) vẫn điếc, không nghe thấy gì, vẫn từ chối mọi giải pháp chính trị.
Le Monde cũng trên trang nhất đăng ảnh nhà tan cửa nát ở thủ phủ kinh tế Alep, nêu bật hình tượng : Syria, trong bộ máy chiến tranh.
Tờ báo cũng tự hỏi là phải chăng 2013 sẽ là hồi kết đối với Bachar al Assad ?
Tin mới
- Iran bị nghi hỗ trợ tấn công điện toán ngân hàng Mỹ - 11/01/2013 01:11
- Phi cơ không người lái mở ra cuộc chạy đua võ trang mới - 11/01/2013 01:05
- Ðổng lý Văn phòng Tòa Bạch Ốc làm bộ trưởng ngân khố - 11/01/2013 00:54
- Điểm Báo Pháp Quốc Ngày 10-01-2013 - 10/01/2013 23:56
- Thủ tướng Nhật sẽ thăm Việt Nam, Thái Lan và Indonesia từ 16/01/2013 - 10/01/2013 22:04
- TGP Sài Gòn Mất Vui Với Nhà Nước - 10/01/2013 21:56
- Điểm Báo Pháp Quốc Ngày 09-01-2012 - 09/01/2013 20:23
- Dân tị nạn Syria ở Jordan nổi loạn vì đời sống cơ cực - 09/01/2013 06:39
- Ba chiến hạm Trung Quốc cập cảng Sài Gòn - 09/01/2013 06:31
- Điểm Báo Pháp Quốc Ngày 08-01-2013 - 09/01/2013 00:08
Các tin khác
- Hỏa tiễn Mỹ hạ sát 10 phiến quân tại Pakistan - 07/01/2013 22:56
- Việt kiều thắng kiện 55 triệu đôla - 07/01/2013 17:54
- Bộ Quốc phòng Mỹ và CIA có sếp mới - 07/01/2013 17:45
- TNS Chuck Hagel sẽ giữ chức bộ trưởng quốc phòng - 07/01/2013 02:32
- Ấn Độ và Pakistan đụng độ ở Kashmir - 07/01/2013 02:21
- Tổng thống Assad từ chối ra đi - 07/01/2013 02:16
- Hồ sơ Kachin: Aung San Suu Kyi chỉ can thiệp nếu chính quyền yêu cầu - 07/01/2013 01:53
- Điểm Báo Pháp Quốc Ngày 06-01-2013 - 07/01/2013 00:45
- Iraq: Hàng ngàn người Hồi giáo Sunni biểu tình - 06/01/2013 03:24
- Báo VN gọi tập trận của TQ là trái phép - 06/01/2013 03:15