Tài liệu cũ của Saigon Echo
từ 2008 - 2012
Play
 
Giám Đốc: Tiến Sĩ Trần An Bài
  • Font size:
  • Decrease
  • Reset
  • Increase

Một đội ngũ « think tank » cho Việt Nam?

 
transport - VN
 
 
Lớp trung lưu gia tăng ở Việt Nam sau khi chấm dứt thời kỳ bao cấp. Ảnh: Xe cộ lưu thông ở Hà Nội, 30/03/2015.REUTERS/Kham
 
 
Think tank (hay laboratoire d’idées trong tiếng Pháp, tiếng Việt tạm dịch là Viện chính sách, nhóm cố vấn) là một tổ chức hay một nhóm cá nhân chuyên nghiên cứu, tư vấn về chính sách, chiến lược trong nhiều lãnh vực. 
 
Trên thế giới, hầu hết các think tank là những tổ chức tư nhân độc lập, đa số là phi lợi nhuận.
 
Hoa Kỳ là quốc gia dẫn đầu với 1.500 think tank, chiếm một phần năm trên thế giới – chỉ riêng thủ đô Washington đã có gần 400. Anh quốc có khoảng 300 think tank, trong đó có năm tổ chức nằm trong top 25, Pháp có 160.
 
 Trong số các think tank uy tín nhất có thể kể: Brookings Institution, Council of Foreign Relation (Mỹ), Amnesty International (Anh), International Crisis Group (Bỉ), Terra Nova, CERI Science Po Paris (Pháp)…
 
Các think tank là gạch nối giữa giới nghiên cứu và chính trị, mang lại tính khoa học cho các vấn đề đương đại, là cầu nối giữa kiến thức và quyền lực. 
 
Nếu một số think tank chỉ tập trung vào việc nghiên cứu, một số còn có những hoạt động liên quan đến xã hội dân sự. 
Ảnh hưởng của các think tank trên chính sách khá lớn, chẳng hạn 60% trợ lý Ngoại trưởng Mỹ xuất thân từ các think tank, là một ví dụ.
 
Tại Việt Nam, dự án khai thác bô-xít Tây nguyên từng vấp phải sự phản đối mãnh liệt của nhiều ngành, nhiều giới vì nguy cơ hủy hoại môi trường, ảnh hưởng đến an ninh quốc phòng cũng như không hiệu quả kinh tế, nhưng rốt cuộc vẫn được tiến hành. 
 
Tuy nhiên dự án lấn sông Đồng Nai, vụ chặt 6.700 cây xanh ở Hà Nội gần đây đã phải ngưng trước áp lực của dư luận. 
Điều này cho thấy phản biện xã hội là cần thiết, đặc biệt là từ giới trí thức ưu thời mẫn thế.
 
Ở miền Nam trong thập niên 80 từng có nhóm trí thức gồm các chuyên gia nhiều lãnh vực, được mệnh danh là nhóm Thứ Sáu vì thường họp lại với nhau vào ngày thứ Sáu hàng tuần ở Saigon, đã cố vấn cho chính quyền thời đó được nhiều vấn đề thiết thực, trong lúc kinh tế Việt Nam đang rất khó khăn. 
 
Ở miền Bắc, sự ra đời của Viện Nghiên cứu Phát triển (IDS) - Viện nghiên cứu chính sách đầu tiên của tư nhân vào năm 2007 cũng đã gây được nhiều tiếng vang.
 
Nhưng nếu nhóm Thứ Sáu trước đó « yểu mệnh », thì IDS cũng chỉ tồn tại đến năm 2009 thì phải tự giải thể, do chính phủ ra Quyết định 97/2009/QĐ-TTg trong đó có một số điều khoản hạn chế khiến Viện không thể hoạt động theo những tiêu chí đã đặt ra.
 
Cụ thể là chỉ được nghiên cứu trong những lãnh vực quy định, và nếu có ý kiến phản biện thì không được công khai mà chỉ phản ánh với cơ quan nhà nước liên quan.
Gần đây vào ngày 18/4, Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng đã ra quyết định làm thí điểm tổ chức diễn đàn cho trí thức tham gia phản biện xã hội. 
 
Có người cho rằng đây là dấu hiệu cởi mở. Nhưng cũng có người chỉ trích vì theo quyết định trên, chỉ có một số trí thức mới được lập diễn đàn, và chỉ những người được tham gia mới có quyền tiếp cận thông tin.
 
 Dư luận băn khoăn, như vậy đến bao giờ mới có được một đội ngũ think tank đúng nghĩa ở Việt Nam?
 
Switch mode views: