Tài liệu cũ của Saigon Echo
từ 2008 - 2012
Play
 
Giám Đốc: Tiến Sĩ Trần An Bài
  • Font size:
  • Decrease
  • Reset
  • Increase

Điểm Báo Pháp Quốc Ngày 02-01-2012

 Kim Jong Un ngỏ ý muốn hòa giải với Hàn Quốc

KOREA-NORTH ECONOMY-KIM


Lãnh đạo Bắc Triều Tiên Kim Jong Un (Reuters /Kcna)

 

Tại Bắc Triều Tiên, nhà lãnh đạo Kim Jong Un đã xuất hiện trên truyền hình để đọc diễn văn chúc mừng năm mới với tư cách là nguyên thủ quốc gia.

Đây là lần đầu tiên trong vòng 19 năm qua, một nguyên thủ quốc gia nước này xuất hiện trên truyền hình để chúc mừng năm mới như vậy.

Càng đáng chú ý hơn là trong bài diễn văn, ông Kim Jong Un đã ngỏ ý muốn hòa giải với miền nam. Nhật báo cánh hữu Pháp Le Figaro nhìn nhận sự việc với bài viết : «Kim Jong Un chìa bàn tay về phía Hàn Quốc ».

Bài diễn văn được đọc vào ngày đầu tiên của năm mới 2013, trong đó nhà lãnh đạo Bắc Triều Tiên kêu gọi : «Để chấm dứt sự chia cắt đất nước và để đi đến thống nhất, điều quan trọng là phải chấm dứt tình trạng đối đầu giữa hai miền nam bắc ».

Ông nói thêm : « Lịch sử quan hệ liên Triều cho thấy, sự đối đầu giữa người cùng chung tổ quốc chỉ có thể dẫn đến chiến tranh ». Trên bình diện kinh tế, ông Kim Jong Un cam kết sẽ tiến hành « một sự chuyển hướng toàn diện để xây dựng một nền kinh tế khổng lồ ».

Nhìn về Hàn Quốc, tờ báo cho biết, tổng thống tân cử nước này là bà Park Geun Hae cũng đã tuyên bố lập trường ủng hộ thống nhất hai miền Triều Tiên với bước đi như sau : thống nhất dần dần, trước tiên trong lĩnh vực kinh tế, các dự án công nghiệp chung và hình thành các trung tâm hợp tác giữa hai miền.

Tờ báo nhận định, việc thống nhất hai miền nam bắc vốn nằm trong chương trình hành động của chính quyền hai bên. Thế mà vấn đề vẫn chưa được giải quyết bởi bên nào cũng muốn nắm quyền lãnh đạo một khi đất nước thống nhất.

Phát triển quân sự : trọng tâm của Bình Nhưỡng

Le Figaro nhận định : tương lai hòa giải hai miền Triều Tiên còn rất xa vời. Nên nhớ rằng, kể từ khi kết thúc chiến tranh giữa hai miền vào năm 1953, chưa một hiệp ước hòa bình nào được ký kết, trên lý thuyết hai bên vẫn đang trong tình trạng chiến tranh. Căng thẳng hai miền nam-bắc trầm trọng thêm bởi hồi tháng 12 rồi Bình Nhưỡng đã bất chấp dư luận quốc tế cho phóng vệ tinh lên quỹ đạo, một sự việc mà nhiều nước, trong đó có Hàn Quốc, cho rằng đó là một vụ thử tên lửa đạn đạo tầm xa.

Theo tờ báo, lời kêu gọi chấm dứt xung đột nói trên của ông Kim Jong Un có thâm ý là muốn kêu gọi các bên trở lại bàn đàm phán để Bắc Triều Tiên có thể « mặc cả » về chương trình hạt nhân của mình, nhằm đổi lấy viện trợ quốc tế. Một « chiêu thức » mà Bắc Triều Tiên vẫn hay làm khi cần nguồn viện trợ.

Còn về lời hứa « chuyển hướng toàn diện » của ông Kim Jong Un thì tờ báo cho rằng không có cơ sở để tin, bởi chi tiết này lại mâu thuẫn với một chi tiết khác được nêu ra cũng chính trong bài diễn văn nói trên. Chi tiết mâu thuẫn đó là, ông Kim Jong Un vẫn tiếp tục giọng điệu từ mấy chục năm qua của Bắc Triều Tiên là : « Đất nước chỉ có thể phát triển với điều kiện xây dựng được một sức mạnh quân sự trong mọi lĩnh vực ».

Tờ báo nhấn mạnh, quân đội luôn giữ vị trí ưu tiên đối với chế độ Bình Nhưỡng, và dưới thời Kim Jong Un vẫn vậy. Ông Kim hứa « chuyển hướng toàn diện » nhưng lại không nói rõ các biện pháp chuyển hướng là gì, trong khi mà tại Bắc Triều Tiên, theo ước tính của Liên Hiệp Quốc, có thể có đến 3 triệu người đang cần cứu trợ lương thực khẩn cấp.

Ngày thống nhất hai miền Triều Tiên còn xa

Nhật báo Công Giáo Pháp La Croix chia sẻ quan điểm của Le Figaro, nhưng tờ báo nhấn mạnh thêm rằng, ông Kim Jong Un tỏ ra muốn hòa giải trong bối cảnh Bắc Triều Tiên có thể sẽ bị gia tăng lệnh trừng phạt quốc tế do đã tiến hành thử tên lửa hồi tháng 12 rồi.

Bàn về quan hệ liên Triều, La Croix chỉ ra mâu thuẫn chính khiến cho việc thống nhất hai miền còn khá xa vời. Ông Kim Jong Un nói là muốn giảm bớt căng thẳng với miền nam nhưng lại đặt điều kiện là miền nam phải tiếp tục thực thi các thỏa thuận đã ký giữa hai bên.

Điểm đáng nói là những thỏa thuận được đề cập lại được ký kết hồi lúc quan hệ liên Triều bớt căng thẳng, và lúc mà chính phủ miền nam có chính sách giúp đỡ và chìa tay về phía láng giềng miền Bắc.

Thế nhưng, bối cảnh hiện tại đã khác hoàn toàn bởi quan hệ hai bên đang căng như dây đàn. Hơn nữa, tổng thống tân cử Hàn Quốc, bà Park Geun Hae lại là người theo xu hướng bảo thủ. Bà đã hứa sẽ tiếp tục cứu trợ miền Bắc, nhưng cũng nói rõ là : điều kiện tiên quyết cho mọi dự án hợp tác giữa hai bên là miền bắc phải chấm dứt chương trình phát triển hạt nhân.

Về lời hứa cải cách kinh tế của ông Kim Jong Un, cũng như Le Figaro, nhật báo La Croix cũng cho rằng không đáng tin. Bởi vì theo tờ báo hồi năm 2012, ông này cũng đã hứa sẽ nâng cao mức sống người dân để họ « không phải thắt lưng buộc bụng nữa ». Thế nhưng, sau lời hứa đó thì không một biện pháp cải cách kinh tế có ý nghĩa nào được triển khai.

Giới chuyên gia nhận định, chế độ Bình Nhưỡng đang trong thế kẹt : bởi việc mở cửa kinh tế sẽ đe dọa đến quyền kiểm soát gắt gao của chế độ đối vời người dân.

Ấn Độ tăng cường biện pháp chống tham nhũng

Cũng liên quan đến Châu Á, báo Le Monde nhìn về Ấn Độ với bài viết : «Cuộc chiến chống đói nghèo bước sang thời đại mới ».

Tờ báo cho biết, từ ngày 01/01/2013, chính phủ Ấn Độ sẽ bắt đầu áp dụng chính sách chuyển tiền trợ cấp xã hội trực tiếp đến tay người dân thông qua tài khoản ngân hàng. Xưa nay, tại nước này, thường thì lãnh đạo địa phương trao tiền trợ cấp cho người dân, và như thế tham nhũng đã phát sinh.

Hồi năm 1985, thủ tướng lúc ấy là ông Rajiv Gandhi đã nhận định rằng, có đến 80% tiền trợ cấp dành cho người dân chui vào túi quan chức nhà nước.

Chính sách cấp tiền qua tài khoản ngân hàng đã được chính phủ Ấn Độ bắt đầu chuẩn bị từ hai năm nay. Việc mở hàng trăm triệu tài khoản ngân hàng cho chừng ấy người tại Ấn Độ là chuyện hoàn toàn không dễ.

Chính phủ đã phải dùng đến những người gọi là « thông tín viên ngân hàng ». Vì đa phần người cần trợ giúp thuộc thành phần mù chữ và sống ở những làng mạc xa xôi, nên các thông tín viên phải đi bằng xe đạp đến các làng, mang theo máy xách tay để ghi chép thông tin cần thiết và lấy dấu vân tay của đương sự.

Tờ báo cho biết, tuy có nhiều cố gắng, nhưng đến hiện tại cũng chỉ có 210 triệu trên 740 triệu người Ấn Độ được nhận trợ cấp xã hội làm xong thủ tục để được cấp tiền theo phương pháp mới. Chính phủ dự định con số này sẽ tăng lên ba lần từ đây đến năm 2014. Trong những tháng đầu, biện pháp mới chỉ được áp dụng ở một số địa phương, đến cuối năm thì mới có thể áp dụng trên cả nước.

Pháp-Đức : Hai cách nhìn khác nhau về năm mới

Đến với Châu Âu, nhật báo Le Figaro bàn về diễn văn chúc mừng năm mới của nguyên thủ hai nước đầu tàu Châu Âu : tổng thống Pháp François Hollande và thủ tướng Đức Angela Merkel.

Tờ báo dành trang nhất cho chủ đề này với dòng tít lớn : « Merkel ít lạc quan hơn Hollande ».

Hôm thứ hai rồi, tổng thống Pháp François Hollande đã có bài phát biểu nhân dịp năm mới gửi đến người dân Pháp. Ông nhấn mạnh : « Tôi hoàn toàn hiểu được những lo lắng chính đáng của quí vị. Tôi không muốn giấu qúy vị về những khó khăn đang chờ đợi chúng ta, đó là những khó khăn to lớn. Thế nhưng tối nay, tôi muốn nói với qúy vị rằng, tôi tin tưởng vào tương lai của chúng ta »

. Ông Hollande hứa : « Tôi đã quyết định lịch trình, đó là sẽ cải cách ngay bây giờ để thoát khỏi khủng hoảng nhanh hơn, mạnh hơn ».

Về kinh tế châu Âu, tổng thống Hollande nhận định : «Khu vực đồng euro đã được bảo vệ và Châu Âu cuối cùng cũng đã thiết lập được những công cụ bình ổn và tăng trưởng cần thiết. Cách đây 6 tháng, kết quả này vẫn còn nằm ngoài tầm tay. Vậy mà bây giờ ta đã đạt được ».
Lời lẽ của ông Hollande gửi đến người dân Pháp có vẻ lạc quan và có ý trấn an dân chúng.

Trong khi đó, tại Đức, thủ tướng Angela Merkel lại tỏ thái độ ngược lại trong bài chúc tết của mình. Bà Merkel vẽ ra một viễn ảnh u ám khi nói : «Môi trường kinh tế sẽ không thuận lợi hơn, nếu không muốn nói là sẽ khó khăn hơn trong năm tới. Khủng hoảng còn lâu mới kết thúc ».

Le Figaro đánh giá, ông Hollande và bà Merkel đã có hai cách nhìn về tương lai khác nhau. Bà Merkel thì tỏ ra thực tế, nhưng lại khiến cho không khí căng thẳng, còn ông Hollande thì lạc quan, nhưng thiếu chắc chắn.

Tờ báo nhấn mạnh, vào năm 2013 tại Pháp sẽ không có cuộc bầu cử nào, vì thế tổng thống Pháp muốn tập trung vào nhiệm vụ huy động cả nước.

Còn ở Đức thì bà Merkel đang nhắm đến nhiệm kỳ 3, bà lại là người theo đuổi chính sách khắc khổ, nên bà cẩn trọng không hứa quá nhiều điều.

Nhật : báo động bạo lực học đường

« Người Nhật có bạn học xấu », đó là tựa đề bài viết đăng trên nhật báo Libération số ra ngày hôm nay, phản ánh thực trạng bạo lực học đường đáng báo động tại Nhật Bản.

Bài viết bắt đầu từ câu chuyện tự tử của một nam sinh 13 tuổi thuộc một trường cấp hai ở thành phố Otsu cách thủ đô Tokyo 350 km về phía tây nam. Số là hôm 11/10/2011, nam sinh này đã nhảy từ tầng 14 để kết liễu mạng sống, do không còn có thể chịu được cảnh bị bạn bè cùng lớp bắt nạt.

Cha mẹ của nam sinh này đã đệ đơn kiện nhà trường và những học sinh bị nghi là thủ phạm. Qua đơn kiện mới thấy được những tủi nhục mà nạn nhân 13 tuổi phải chịu đựng suốt sáu tháng trời : bị bạn bè trộm cắp, đánh đập, bắt ăn ong chết, trói tay, cởi đồ…

Nhìn rộng ra Nhật Bản, tờ báo cho rằng, đây không phải là nước duy nhất có nạn bạo lực học đường. Tuy nhiên, từ 30 năm nay, vấn nạn này vẫn âm thầm diễn ra ở các trường học và đã trở thành « một đặc trưng của Nhật Bản ».

Bàn về nguyên nhân, tờ báo chỉ ra những thực trạng đáng lo ngại khiến cho bạo lực học đường ngày càng gia tăng tại Nhật. Đó là sự thờ ở của giới trẻ khi chứng kiến bạn mình bị hành hạ. Thậm chí, có những học sinh còn đứng xem bạn mình bị hành hạ với thái độ vui sướng như đang xem phim vậy. Những nạn nhân bị hành hạ thì vẫn im hơi lặng tiếng không dám nói vì sợ bị hành hạ nặng hơn.

Nguyên nhân kế tiếp là do các băng nhóm ngày càng phát triển trong giới trẻ Nhật. Và khi một thành viên của nhóm muốn ra khỏi nhóm thì ngay lập tức bị cả nhóm tấn công. Còn nếu chưa có nhóm thì phải mau đi tìm nhóm mà gia nhập nếu không sẽ bị no đòn.

Một nguyên nhân khác được tờ báo nêu ra cũng khiến cho độc giả không khỏi giật mình, đó là hiện tượng thờ ơ của giáo viên. Họ không quan tâm, và khi biết chuyện cũng không tự nguyện can thiệp để dàn xếp xích mích giữa các học trò. Thêm vào đó, căn bệnh thành tích cũng khiến họ phải im lặng, vì nếu báo cáo cho lãnh đạo biết lớp mình có bạo lực học đường thì lại sợ bị cấp trên đánh giá là thiếu năng lực.

Kết quả là, theo Libération, xã hội Nhật Bản phải đối mặt với bạo lực học đường, một hiện tượng bấy lâu nay bị che giấu.

Tờ báo nhấn mạnh, đây là « một thảm họa đang bào mòn cuộc sống của trẻ vị thành niên Nhật Bản ».

Switch mode views: