Tài liệu cũ của Saigon Echo
từ 2008 - 2012
Play
 
Giám Đốc: Tiến Sĩ Trần An Bài
  • Font size:
  • Decrease
  • Reset
  • Increase

Điểm Báo Pháp Quốc Ngày 11-12-2012

Xi Jinping tanlanhtuTQ

 


Ông Tập Cận Bình lãnh đạo tối cao của chế độ Trung Quốc
REUTERS/How Hwee Young/Pool/Files

 

Thời sự Trung Quốc là đề tài được các báo Pháp hôm nay quan tâm nhiều, từ chính trị, xã hội, y tế cho đến kinh tế.

Trong các loạt bài liên quan đến cường quốc số 2 thế giới này. Đáng chú ý nhất là bài viết « Giấc mơ Trung Hoa của Tập Cận Bình » đăng trên mục Lá thư châu Á của báo Le Monde.

Brice Pedroletti, thông tín viên của tờ báo cho rằng không những người lãnh đạo mới của Đảng Cộng sản Trung Quốc sẽ tiếp tục đường lối cứng rắn của những người tiền nhiệm, mà ông còn có ý định muốn biến Trung Quốc thành bá chủ khu vực như thời xa xưa.

Le Monde ghi nhận, quá trình chuyển giao quyền lực tại Trung Quốc diễn ra trong sự liên tục. Kể từ năm 2011, khi còn là Phó chủ tịch nước, ông Tập Cận Bình được giao chuyên trách cơ quan phối hợp chính sách về các vấn đề có liên quan đến Biển Đông. Và đường lối cứng rắn này sẽ không được từ bỏ. vào cuối tháng 11 vừa qua, chính quyền đảo Hải Nam ban hành các quy định cho phép lực lượng tuần duyên của họ được quyền khám xét và trục xuất các tàu thuyền qua lại trong vùng lãnh hải rộng lớn mà Trung Quốc đòi hỏi chủ quyền.

Đầu tháng 12 này, cãi vã đã nổ ra giữa Bắc Kinh và Hà Nội, sau vụ việc các đoàn tàu đánh cá Trung Quốc cắt cáp thăm dò dầu khí của một chiếc tàu thuộc tập đoàn dầu khí Petro Vietnam.

Le Monde cho rằng, dường như ông Tập Cận Bình rất gắn bó với chủ đề « Đại phục hưng dân tộc Trung Hoa ». Một chủ đề đã được ông nhắc đi nhắc lại nhiều lần trong bài diễn văn đầu tiên trước báo chí hôm 15/11 vừa qua. Điều này còn được thể hiện rất rõ nét qua việc Tổng bí thư Đảng đến dự một buổi triễn lãm mang chủ đề « Con đường của sự phục hưng » tại Bảo tàng quốc gia Trung Quốc.

Một sự dàn dựng ngoạn mục ! Le Monde nhận xét. Chính Đảng cộng sản đã tái sinh ra một Trung Quốc sau những sự kiện « nhục nhã » trong thế kỷ XIX. Nhưng những sự trượt đà bi thảm trong lịch sử của chế độ như chủ trương Đại nhảy vọt, Cách mạng Văn hóa, hay vụ thảm sát Thiên An Môn lại bị che dấu.

Sự tôn vinh tinh thần dân tộc được nâng lên đến mức tối đa. Tư tưởng này được biểu hiện qua việc sao chụp lại một tấm hình lớn mô tả quang cảnh vào thời xa xưa, sứ thần từ các nước lân cận đến dâng cống nạp lên hoàng đế Trung Hoa.

Bà Valérie Niquet , chuyên gia về địa chính trị - sau khi đi xem triễn lãm đã nhận xét với Le Monde rằng: « Khái niệm phục hưng tinh thần dân tộc Trung Hoa phải được hiểu qua ý tưởng là Trung Quốc phải lấy lại vị thế mà họ đáng được có tại châu Á, rằng Trung Quốc là một cường quốc rộng lượng, sẽ giang tay bảo vệ các quốc gia còn lại trong châu Á và rằng thế giới, nhất là Hoa Kỳ phải chấp nhận ý tưởng này ».

Trong buổi nghi lễ hiệp thương với lịch sử Đảng, Tập Cận Bình đã chọn cho mình những lời lẽ như sau: « Ai cũng nói về giấc mơ Trung Hoa. Tôi tin rằng sự phục hưng tinh thần dân tộc Trung Quốc là giấc mơ lớn nhất của đất nước trong thời buổi hiện đại ».

Le Monde cho rằng dường như giấc mơ Trung Hoa của Tập Cận Bình đã không được đón tiếp mấy nồng nhiệt trong giới cư dân mạng.. Ông Yu Jiangrong, giáo sư Viện hàn lâm khoa học xã hội đã ghi nhận trên trang blog rằng : « Đó chính là giấc mơ của chính phủ, bao gồm hàm cả việc gia tăng quyền lực nhà nước ».

Trung Quốc sẽ cấm cấy ghép nội tạng của tử tù

Chính quyền Bắc Kinh tuyên bố sẽ chấm dứt tình trạng dùng nội tạng của tử tù để cấy ghép cơ thể cho người bệnh. Thay vào đó, chính phủ sẽ lập các chương trình tình nguyện hiến tặng các cơ quan nội tạng. Libération ghi nhận kể từ năm 2008, đã có 38 trung tâm được thành lập nhưng chỉ đủ cung cấp hơn 1000 bộ phận, trong khi đó danh sách chờ xin ghép đã lên đến 1,5 triệu người.

Philippe Grangereau, thông tín viên báo Libération cho biết, Trung Quốc sắp có một bước tiến bộ lớn. Vào tháng 11 vừa qua, Thứ trưởng bộ Y tế thông báo « trong vòng hai năm nữa, việc cấy ghép nội tạng sẽ không còn lệ thuộc hoàn toàn vào việc hiến tặng từ các tử tù ».

Theo ghi nhận của tác giả, hiện tại, các bệnh viện Trung Quốc vẫn tiếp tục sử dụng nội tạng của các tử tù, lấy đó là nguồn cung cấp duy nhất cho việc cấy ghép hệ cơ quan cho người bệnh.

Một tổ chức phi chính phủ có trụ sở tại Mỹ ước tính nhịp độ hành quyết các tử tù có khi lên đến 11 người/ ngày. Chính quyền Trung Quốc vẫn luôn đảm bảo rằng việc hiến tặng là do bản thân tử tù tình nguyện. Tuy nhiên, Libération cho rằng chẳng có gì khó khăn để mà thuyết phục một người không thể kiểm soát được vận mệnh bi thảm của mình.

Theo lời thuật lại của một nhân chứng, con trai ông đã bị cảnh sát dụ dỗ. Họ hứa với con ông là nếu anh ta đồng ý bán thận, gan và tim của mình và ký tên kèm theo ấn chỉ tay, con cái của anh ta sẽ được nhận một khoản tiền lớn để có thể trang trải các chi phí học hành. Sau khi phải đi đến khiếu kiện tại bệnh viện, người cha đã nhận được số tiền 6000 nhân dân tệ (tương đương với 740 euro).

Tác giả bài viết lưu ý rằng để cấy ghép một quả thận, bệnh nhân phải chi trả đến 160 ngàn nhân dân tệ (khoảng 20000 euro). Ngành kinh doanh bẩn thỉu đó, có mặt tại hàng trăm cơ sở y tế của Trung Quốc, còn được liên kết bởi những trò lừa đảo bi hài mà thỉnh thoảng các tờ báo trong nước mới đề cập đến.

Philippe Grangereau cho biết mô hình cấy ghép nội tạng này được hình thành vào cuối những năm 1970, nhằm phục vụ cho các nhân vật đặc quyền của Đảng và quân đội. Và từ rất lâu các tổ chức nhân quyền đã biết đến hệ thống sử dụng nội tạng các tử tù. Nhưng chính quyền Trung Quốc liên tục phủ nhận sự việc. Mãi cho đến năm 2009, Bắc Kinh mới thừa nhận rằng 65% nội tạng cấy ghép được lấy từ các tử tù.

Bất bình đẳng ngày càng sâu sắc

Cũng liên quan đến mặt xã hội, phụ trương kinh tế Le Figaro có bài viết báo động đề tựa « Tại Trung Quốc, bất bình đẳng ngày càng bị đào sâu ». Một điều tra do một viện nghiên cứu Trung Quốc có liên kết với Ngân hàng trung ương khẳng định rằng Trung Quốc là một trong những quốc gia bất bình đẳng nhất trên thế giới.

Theo bản điều tra, hệ số Gini, hệ số đánh giá mức phân bố của cải, trong năm 2010, đã lên đến 0,61. Trên lý thuyết, nếu hệ số này nằm ở mức 0, có nghĩa là xã hội hoàn toàn công bằng. Nếu hệ số đạt đến 1, toàn bộ của cải đất nước đều tập trung vào tay một người.

Theo bình luận của các nhà phân tích, hệ số trên cho thấy « cách biệt thu nhập tại Trung Quốc là quá lớn và hệ số 0,61 rất hiếm có trên thế giới ». Điều đáng ngạc nhiên là lần đầu tiên chính quyền cho công bố kết quả thống kế này, vốn bị kiểm soát chặt chẽ từ 10 năm qua. Vào hồi tháng giêng năm nay, Cơ quan thống kê quốc gia còn từ chối công bố số liệu lấy cớ rằng việc thu thập dữ liệu quá phức tạp.

Không như thường lệ ca tụng « một xã hội hài hòa », lần này, nhật báo chính thức Hoàn cầu Thời báo đã viết rằng hố sâu giàu và nghèo đã chạm đến mức « báo động ». Hiện nay, vấn đề bất bình đẳng xã hội là một trong những chủ đề nhạy cảm nhất tại Trung Quốc.

Kinh tế Trung Quốc đang dần hồi phục

Lần đầu tiên kể từ tháng Ba năm nay, sản xuất công nghiệp trong tháng 11 tăng. Nhất là mức sản xuất điện, chỉ số được cho đáng tin cậy nhất, cũng tăng lên trong tháng 11. Với các tín hiệu trên, báo Le Monde trích dẫn nhận định của các chuyên gia kinh tế cho rằng « Kinh tế Trung Quốc đang trên đà tăng trở lại ». Theo các chuyên gia kinh tế tại các ngân hàng lớn BNP Paribas, HSBC tại Trung Quốc, kinh tế đang trên đà tăng trưởng trở lại, dù rằng tầm mức cũng chưa mạnh như sự mong đợi của thị trường. Nhưng xu hướng tăng là khá rõ.

Le Monde nhận định, các biện pháp do Bắc Kinh đề ra đang được đền đáp. Một loạt các biện pháp kích thích tăng trưởng được đề ra như hai lần hạ lãi suất chỉ đạo, đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng trên đủ mọi cấp độ từ trung ương cho đến địa phương nhằm duy trì chính sách tiền tệ phù hợp, đồng thời đảm bảo nhu cầu bất động sản trong nước.

Tuy nhiên, các chuyên gia kinh tế cũng cảnh báo rằng bất chấp các tín hiệu khích lệ, năm 2013 không hứa hẹn là một năm huy hoàng như là năm 2010, sau khi chính quyền tung ra kế hoạch kích thích tăng trưởng chống khủng hoảng toàn diện. Hiện tại, tiêu thụ nội địa vẫn yếu, trong khi đó, nhu cầu từ Mỹ và châu Âu vẫn dưới mức cung. Tín hiệu cho thấy có sự bối rối đó là thặng dư mậu dịch trong tháng 11 sụt giảm đến 19,6 tỷ đô-la (nghĩa là giảm 38,6% so với tháng 10 năm nay).

Thế nhưng, Le Monde cho rằng sự ổn định ít nhiều cũng mang đến cho dàn lãnh đạo mới một phạm vi hoạt động , nếu như họ có ý định đưa ra các chương trình cải cách kinh tế đang bị sa lầy : Tăng cường vai trò của các doanh nghiệp tư và tiêu thụ của các hộ gia đình, là những khả năng duy nhất có thể dẫn đến một sự tăng trưởng bền vững.

Trang nhất các báo Pháp

Đa số các báo Pháp hôm nay quan tâm nhiều đến thời sự trong nước. Nhật báo thiên hữu Le Figaro chú ý đến kết quả bầu cử Quốc hội bán phần qua hàng tít cảnh báo « Sau ba cuộc bầu cử bán phần : Hollande, sự trừng phạt ».

Tờ báo cho rằng việc các ứng viên đảng Xã hội thất bại trong ba cuộc bỏ phiếu hôm chủ nhật vừa qua đã gióng lên hồi chuông cảnh báo cho tổng thống Pháp.

Sự kiện diễn viên điện ảnh nổi tiếng Gerard Dépardieu chuyển sang định cư tại Bỉ nhằm tránh luật thuế được cho là quá nặng nề cũng là chủ đề nổi cộm trên trang nhất các báo. Le Figao tìm cách giải thích « Các lý do tỵ nạn tại Bỉ của Gerard Dépardieu ».

Libération thì cho rằng chẳng có gì đáng ngạc nhiên khi thấy diễn viên điện ảnh này gia nhập làng trốn thuế của người Pháp tại Bỉ. Với lối chơi chữ « Le Manneken fisc » - tạm dịch là Người mẫu thuế, Libération cho biết từ lâu rồi Gérard Dépardieu chỉ biết có quan tâm đến tiền.

L’Humanité tiếp tục quan tâm đến vụ công nhân nhà máy luyện thép của tập đoàn Arcelor Mittal phản đối việc đóng cửa hai lò cao ở Florange.

Nhật báo kinh tế, Les Echos thì chú ý đến sự việc các nhà đầu tư chấp nhận cho Kho bạc nhà nước Pháp vay với lãi suất dưới 0.

Tờ báo cố gắng giải thích « Tại sao thị trường tài chính chấp nhận thua thiệt cho nước Pháp vay nợ». Đối với Les Echos, chưa bao giờ nước Pháp lại được hưởng điều kiện vay ưu đãi đến như thế. Riêng chỉ có nhật báo công giáo La Croix là quan tâm đến vấn đề nhân quyền tại Iran.

 

Switch mode views: